Sốc Chấn Thương Và Xử Trí Cấp Cứu - Thaythuocvietnam

Sốc là tình trạng suy sụp toàn thân kéo dài, thể hiện rõ trên lâm sàng bằng hội chứng suy tuần hoàn, không đảm bảo nhu cầu cung cấp oxy cho các tổ chức của cơ thể. Sốc chấn thương ở bênh nhân chấn thương có tỷ lệ tử vong cao, lên đến khoảng 80%. Trong chấn thương, các hình thức sốc chấn thương thường gặp: sốc mất máu, sốc tủy, sốc do chèn ép tim.

Theo Guyton (1977), sốc chấn thương thường diễn biến qua 3 giai đoạn: sôc còn bù, sôc mất bù và sốc không hồi phục. Khi tình trạng diễn tiến tới sốc mất bù, tình trạng thiếu máu và oxy tế bào dẫn tới tổn thương tế bào gây tổn thương ảnh hưởng nhiều cơ quan trong cơ thể: suy thận chức năng sau đó diễn biến suy thận thực thể, thiếu máu thần kinh trung ương, tổn thương niêm mạc tiêu hóa, rối loạn đông máu, tổn thương tế bào gan, tế bào cơ tim,…

Trên thực hành lâm sàng, sốc mất máu thường được chia thành 3 mức độ dựa vào lượng máu mất và các biến đổi lâm sàng: sốc nhẹ, sốc vừa và sốc nặng. Xử lý sốc mất máu quan trọng nhất là bồi phụ nhanh chóng khối lượng tuần hoàn đã mất đảm bảo huyết động và tưới máu các cơ quan, thuốc cầm máu trợ tim được sử dụng trong các trường hợp nhất đinh. Phẫu thuật cầm máu được đặt ra khi có chỉ định.

Sốc tủy là tổn thương mất hoạt tính giao cảm và phản xạ bù trừ của tuần hoàn ( >D6). Triệu chứng lâm sàng thường gặp của sốc tủy trên lâm sàng là tụt huyết áp và mạch chậm. Thái độ xử trí trong sốc tủy cần dùng thuốc trợ tim, kiểm soát hô hấp và thông khí nhân tạo cho bệnh nhân, bồi phụ dịch phụ thuộc theo chỉ số CVP. Điều trị nội khoa nhằm mục đích hạn chế tối đa tổn thương lan rộng và loại bỏ nguyên nhân gây tổn thương thứ phát.

Sốc do chèn ép tim biểu hiện trên lâm sàng hội chứng giảm khối lượng tuần hoàn và áp lực tĩnh mạch trung tâm cao. Sốc chèn ép tim thường do mảng sườn di động, tràn khí dưới áp lực, tràn máu màng phổi.

Phạm Quang Minh

Bộ môn GMHS Trường ĐHY Hà Nội

Nguồn: Nội khoa Việt Nam

Lượt xem: 5.897

Từ khóa » Sốc Chấn Thương Là Tình Trạng