Sốc Văn Hóa Khi Du Học Và Các Bí Kíp để Vượt Qua

Đi du học có nghĩa là bạn sẽ bị cách ly với những gì quen thuộc hàng ngày mà bao nhiêu năm qua bạn vẫn thấy thoải mái với nó. Ở môi trường sống mới, mọi thứ đều thay đổi và do đó bạn cũng phải thay đổi theo để phù hợp với môi trường này. Nếu không theo kịp với những khác biệt để thích nghi và hòa nhập với thế giới mới này, bạn sẽ rất dễ bị cảm giác mình là người đứng ngoài xã hội và khi đó mọi chuyện bắt đầu trở nên tệ hơn. Những cú sốc này có thể nhìn thấy qua các biểu hiện tâm lý như buồn bã, cô đơn, nhớ nhà, mệt mỏi hoặc nặng nề hơn như thất vọng, bế tắc, mất phương hướng…

 

Sốc văn hóa là gì?

 

Sốc văn hoá là một thuật ngữ để chỉ sự lo lắng và những cảm xúc tiêu cực (như ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối, trầm cảm v.v...) mà một cá nhân cảm thấy khi phải sống trong một nền văn hóa hay môi trường xã hội hoàn toàn khác với những gì họ đã quá quen thuộc. Nó nảy sinh từ những khó khăn trong việc hòa nhập với nền văn hoá mới, là nguyên nhân của việc khó lòng nhận thức cái gì là thích hợp và cái gì không. Tình trạng này thường đi đôi với sự căm ghét (vì lý do đạo đức hay mỹ học) đối với một số khía cạnh nhất định của nền văn hoá mới lạ hoặc khác biệt kia. Trong thời gian 6 tháng đầu tiên ở môi trường sống và học tập mới khác biệt hoàn toàn với Việt Nam, các em du học sinh cần phải thích nghi và hòa nhập được với cuộc sống mới vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khoẻ, tâm lý và kết quả học tập.

 

Các giai đoạn sốc văn hóa

 

Theo các chuyên gia nghiên cứu về tâm lý, sốc văn hóa có thể được chia ra các trạng thái biến đổi cảm xúc tâm lý thành 5 giai đoạn:

 

1. Giai đoạn phấn khởi đầu tiên

Tâm lý hưng phấn chuẩn bị lên đường tìm hiểu và khám phá thế giới mới. Có người đã ví von đây là cảm giác của “Tuần trăng mật”.

 

2. Giai đoạn tuột dốc

Sau một thời gian ngắn đối diện với thực tế, các khó khăn bắt đầu hiện ra do những khác biệt về quan điểm, cách sống, ngôn ngữ, văn hoá... Sự cách ly vô hình giữa thế giới xung quanh sẽ làm bạn trở nên bị ức chế. Bạn bị tách biệt với những gì đang diễn ra quanh bạn, nhịp sống bị chậm lại, tâm lý bất ổn và sức khỏe có thể bị giảm sút trong thời gian này.

 

3. Giai đoạn phản ứng

Ở giai đoạn này bạn sẽ đứng giữa hai lựa chọn, có thể bạn sẽ tiếp tục trung thành với văn hóa cũ vì dễ dàng hơn và không chấp nhận thay đổi. Cũng có thể bạn sẽ chuyển biến để bắt kịp với nhịp sống mới. Với sức ép và những va chạm văn hóa, phản ứng tâm lý sẽ là điều đương nhiên sẽ diễn ra. Để phù hợp với sự khác biệt của môi trường mới, bạn cần phải thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường đó.

 

4. Giai đoạn chuyển biến

Chấp nhận và thay đổi để hòa hợp. Qua những bước đầu thay đổi, bạn đã bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn và nhận thấy rằng có thể kiểm soát được tình hình. Đây là những dấu hiệu tốt và cần phát huy để tiến lên giai đoạn mới.

 

5. Giai đoạn độc lập

Thời gian trôi qua, bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn với cuộc sống nơi phương trời xa lạ. Sự tự tin cho phép bạn bước lên trạng thái độc lập, bạn đã làm chủ được hoàn toàn và cuộc sống trở nên dễ chịu và cho phép bạn tận hưởng nhiều hơn. Các khác biệt không còn là khó khăn mà đã chuyển thành động lực kích thích hứng thú tìm hiểu.

 

Phòng chống và vượt qua sốc văn hoá như thế nào?

 

Có rất nhiều lời khuyên về cách phòng chống và vượt qua cú sốc văn hoá, tuy nhiên bí kíp chính là sự tích cực trong suy nghĩ và hành động của bạn để vượt qua giai đoạn khó khăn này:

- Hãy tin tưởng rằng không chỉ có một mình bạn phải chịu những cảm giác này. Rất nhiều người khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự và họ đã vượt qua được, nhiều người trong số họ nhỏ hơn bạn nhiều tuổi hoặc kém may mắn hơn bạn nhiều lần.

- Bình tĩnh ngồi xuống hoạch định tương lai của mình và tự hỏi rằng đâu là lý do ta đi du học và ta đi du học để làm gì? Trả lời được rõ ràng câu hỏi này sẽ giúp bạn định hướng rõ ràng và chỉ ra được mục tiêu cần phải đạt được.

- Tích cực học tập và rèn luyện ngôn ngữ thứ hai, thông thạo ngôn ngữ luôn là chìa khóa vạn năng để vượt qua mọi vấn đề do khác biệt ngôn ngữ & văn hóa.

- Tích cực tìm hiểu về phương pháp dạy và học, đặc điểm văn hoá, phong tục tập quán và các luật lệ của môi trường mới.

- Tham gia vào các hoạt động thể thao, kịch nghệ, âm nhạc của trường để quen thêm bạn bè và hiểu biết thêm về văn hóa Mỹ. Người bản xứ thường không chủ động làm quen với sinh viên quốc tế, bạn hãy chủ động chào hỏi và giao tiếp với mọi người quanh bạn, bạn sẽ khám phá ra là họ thật tuyệt vời.

- Ăn uống điều độ và sử dụng thời gian hiệu quả, luôn chú trọng rèn luyện thể chất.

- Không nên tốn quá nhiều thời gian cho cuộc sống ảo trên internet. Điều này chỉ đào sâu thêm sự ngăn cách giữa bạn và những người chung quanh và thường là thủ phạm chính gây ra sao nhãng học tập.

 

Khi vượt qua được giai đoạn sốc văn hoá, cuộc sống sẽ rất dễ chịu và khi đó những khoảnh khắc tệ hại sẽ nhanh chóng được lãng quên.

 

Công ty Thế Hệ Mới chuyên làm visa du học, du lịch, định cư từ năm 2004.

  • TP. Hồ Chí Minh: 5 Lam Sơn, P.5, Quận Phú Nhuận. ĐT: (028) 38480099
  • TP. Đà Nẵng: 166 Nguyễn Văn Linh, P.Vĩnh Trung, Quận Thanh Khê. ĐT: (0236) 3583468
  • Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • Website: www.thm.vn
  • Hotline: 084-CTY-VISA
  • Facebook: www.facebook.com/thm.vn

 

Từ khóa » Sốc Văn Hoá Nghĩa Là Gì