Sôcôla đen Marou – Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%…

chuyenhangxom_icon_conchocon_50Nếu mọi người đọc tựa bài mà thấy tò mò muốn biết vụ án Đồng Nai, Bến Tre 70 mấy % là cái chi chi thì mọi người đã trải nghiệm cảm giác của mình lúc đang mua kem ở Fanny và phát hiện mấy cái miếng chữ nhật ngộ nghĩnh này. Ban đầu mình không để ý gì mấy đến mấy miếng hình chữ nhật này vì bao bì cũng không bắt mắt lấp lánh gì cho cam, nhưng lúc vô tình đọc được mấy dòng Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%… thì mình đã quên phắt vụ chọn kem và cầm ngay cái vật thể lạ lùng đó lên để xem nó là cái gì.

Thì ra là sôcôla đắng! Và hình như là hàng Việt Nam (chứ nếu không thì chắc đã không có mấy địa danh kia trên bao bì!). Nhưng tại sao lại có tên địa danh đi kèm số %? Vụ % thì mình biết chắc là % ca cao nguyên chất – mình vốn là con nghiện sôcôla đen, nhưng vụ địa danh thì phải đọc xong phong sôcôla mình mới hiểu.

– – – – – – – – – – – – – –

SÔCÔLA MAROU

Giá: 90 – 120 ngàn/100gr

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Đây chính là phong sôcôla bí hiểm khiến mình không thể không cầm lên đọc

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Và đây là câu trả lời cho “mật mã” Lâm Đồng, Bến Tre, Bà Rịa, vv: tên sôcôla Marou được đặt theo công thức “Xuất xứ của hạt ca cao + % ca cao nguyên chất trong sản phẩm”. Vì quá hứng thú với vụ án ca cao Bến Tre, Bà Rịa này nên mình quyết lên mạng tìm hiểu thêm xem ai là người đứng sau thương hiệu quá chất này.

Một chút về sôcôla: theo mình nhớ thì sôcôla thì có 3 loại cơ bản là sôcôla đen (mắc nhất, chỉ có ca cao, bơ ca cao + đường), sôcôla sữa (đường, sữa + 1 chút ca cao) và sôcôla trắng (đường, sữa + bơ ca cao, không có ca cao nên nó có màu trắng chứ không ngả sang nâu). Mình thì chỉ mê nhất sôcôla đen từ 70% trở lên (% ca cao càng cao thì sôcôla càng mắc và càng tốt cho sức khỏe vì ca cao chứa rất nhiều chất chống ôxy hóa).

Chỉ có ăn sôcôla đen mới cảm nhận được mùi vị nguyên chất của ca cao, ăn một miếng là mùi thơm, vị nhân nhẫn xộc lên rất mê, cảm thấy tinh thần phấn chấn ngay tức thì (bởi vậy trong Harry Potter ai bị xỉu là được cho uống sôcôla nóng liền). Loại này ăn một lần không quen sẽ thấy đắng, nhưng ăn nhiều thì thành nghiện cái vị tinh túy của nó, giống như cà phê đen hay trà đặc vậy.

Các loại sôcôla sữa chỉ có tầm 5, 10% ca cao thôi, còn lại toàn là đường sữa nên ăn nhiều dễ mập, cũng không có vị ca cao nồng đậm như sôcôla đen nguyên chất

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Sau một hồi mò mẫm ở website của Marou thì mình cũng tìm được hình tổng hợp các dòng sản phẩm của công ty. Theo thứ tự: Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76%, Tiền Giang 70%.

Giá cả dao động từ 90 – 120 ngàn/phong 100gr. Mình mua loại Lâm Đồng 74% giá 90 ngàn. Giá này tương đương với các dòng sôcôla đen nhập khẩu. Mình hay ăn sôcôla Lindt loại 70%, giá tầm 90 ngàn 1 phong 100gr thì phải, hàng ở Phương Hà (đường Hàm Nghi) thì rẻ hơn, hình như là 70 ngàn.

Nói gì thì nói, mình vẫn ủng hộ hàng sản xuất trong nước hơn vì có cảm giác gần gũi, mộc mạc hơn. Vì quy mô nhỏ và sản xuất theo quy trình thủ công nên giá cả không thể rẻ bằng các hãng sản xuất hàng loạt như Lindt được.

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Bản đồ các vùng miền có ca cao được Marou thu mua và sản xuất thành sôcôla (các vùng tô màu). Marou mua ca cao trực tiếp từ người nông dân, không qua trung gian nên mình nghĩ giá người dân được trả cũng sẽ cao hơn

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Lọ mọ đọc 1 vài bài báo về sôcôla Marou thì được biết “ông chủ” của Marou là 2 người Pháp đam mê ca cao, gặp nhau trong một chuyến đi băng rừng ở Việt Nam. Một người làm trong ngân hàng, một người làm về quảng cáo, có vẻ là sự kết hợp hoàn hảo :)) (giống như hai đứa cho mèo, 1 đứa thực tế lo chuyện tính toán và 1 đứa đầu óc trên mây lo mấy thứ thiết kế, hình ảnh).

Hơi ngoài lề xíu, nhưng mình thấy hợp tác làm ăn mà mỗi người có 1 điểm mạnh, hỗ trợ cho người kia thì có vẻ dễ lâu bền hơn vì sẽ không đụng chạm tới nhau nhiều

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

 Trái ca cao nè, ở trong là hạt ca cao. Có hạt này xong phải đem nướng lên, tách vỏ, nghiền nhuyễn rồi đem pha trộn với bơ ca cao, đường, hương (vani, cam…), các loại hạt (hạt dẻ, óc chó…), nấu lên. Quá trình làm nguội cũng là cả một nghệ thuật, nhưng mình chỉ biết sơ sơ tới đây thôi :))

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

 Quá trình làm sôcôla ở xưởng của Marou nè. Theo lời công ty thì toàn bộ quy trình là thủ công hết nha mọi người

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Quay lại với thanh sôcôla mình đã mua. Mình tin chuyện thủ công vì nhìn vô bao bì là biết ngay không phải máy móc đóng…

– – – – – – – – – – – – – –

Sôcôla đen Marou - Đồng Nai 72%, Bến Tre 78%, Bà Rịa 76%...

Thanh sôcôla vô cùng đơn giản và có phần… không đẹp mắt lắm. Khuôn hình mắt cá này khó bẻ, không tiện lợi mà cũng không bắt mắt. Nhưng mà tới lúc ăn thử thì mình thấy rất hài lòng vì đây đúng là vị sôcôla nguyên chất.

Mùi vị có cảm giác là ít hương liệu hơn Lindt và ít đắng hơn thì phải. Độ đặc và kết cấu cũng bở hơn một chút, không quá mịn màng như Lindt, nhưng có lẽ vì vậy mà mình có cảm giác là đang ăn sôcôla thủ công thật chứ không phải hoàn hảo một cách máy móc như các hãng lớn.

– – – – – – – – – – – – – –

Nhìn chung thì mình chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ hạt ca cao Việt Nam và hàng sản xuất trong nước. Marou vẫn chưa được sản xuất đại trà nên mọi người muốn ăn thử thì tới các địa chỉ sau nhé. Có lẽ vì giá cả và vì chủ là người nước ngoài nên hiện tại Marou được phân phối chủ yếu qua các nhà hàng, cafe tầm trung trở lên:

Quận 1:

– Une Journee A Paris, 234 Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành

– Au Parc, 23 Hàn Thuyên

– Fanny’s, 29-31 Tôn Thất Thiệp

– Fanny Vincom B, 70-72 Lê Thánh Tôn

– Veggies’, 29A Lê Thánh Tôn (góc Thi Sách)

– Sofitel Plaza, 17 Lê Duẩn (ở Gift Shop)

– Zest café, 5A Tôn Đức Thắng, gần bảo tàng Tôn Đức Thắng

– Cafe Little Anh Em, tầng 3, 43 Tôn Thất Thiệp

– Red Apron Wines, 22 Chu Mạnh Trinh

– L’usine, 70B Lê Lợi

Quận 2 (Thảo Điền):

– Epicerie Des Trois Gourmands, 18 Tống Hữu Định (shop ở phía sau nhà hàng)

– Oasis Deli at Snap Cafe, 32 Trần Ngọc Diện

– Mekong Merchant, 23 Thảo Điền

– Shalom Cafe, Riverside Apartments, 53 Võ Trường Toản

– Fanny, 63 Xuan Thủy, kế nhà hàng Warda

– Gastro Home, 100 Xuan Thủy, kế CLB boxing K1

– La Plancha, 25 Trần Ngọc Diện

– Red Apron Wines, 9A Thảo Điền

– Vino, 1 Trúc Đường, KP3, Thảo Điền

Quận 7 (Phú Mỹ Hưng)

– Oasis Deli ở Grand View, 23 Grand View, 2 Nguyễn Đức Cảnh (kế Red Apron Wines)

Chia sẻ bài viết này:

  • Tweet
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Socola Marou Vị Nào Ngon