Soi Giá Vàng Miếng SJC Của Các "nhà Vàng" Trên Thị Trường - Dân Trí

Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng, giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch nhau tương đối. Theo khảo sát của Dân trí lúc 10h ngày 11/3, vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn có giá thu mua là 68,45 triệu đồng/lượng còn giá bán ra là 70,27 triệu đồng/lượng.

Nếu lấy giá tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn để so sánh, thì giá mua vào tại DOJI ở cùng thời điểm thấp hơn 450.000 đồng/lượng, giá bán thấp hơn 70.000 đồng/lượng. Còn giá tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 68,25 triệu đồng/lượng chiều mua, thấp hơn 200.000 đồng/lượng, chiều bán rẻ hơn 50.000 đồng/lượng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá cùng thời điểm với vàng SJC là 68,25 - 70,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), Bảo Tín Mạnh Hải là 68,25 - 70,2 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Như vậy, ở chiều mua vào, DOJI và Phú Quý có mức giá mua vào thấp nhất là 68 triệu đồng/lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn có mức mua vào cao nhất là 68,45 triệu đồng/lượng.

Ở chiều bán ra, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là đơn vị có mức giá bán cao nhất với 70,27 triệu đồng/lượng, Phú Quý là doanh nghiệp có mức giá bán vàng thấp nhất là 70 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch mua - bán cao nhất thuộc về DOJI với mức 2,2 triệu đồng, còn chênh lệch mua - bán thấp nhất là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở ngưỡng 1,82 triệu đồng.

Anh Quân Hồng (Hà Nội), một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ với Dân trí rằng anh rất ngạc nhiên, không rõ các doanh nghiệp vàng căn cứ vào đâu để đưa ra giá mua bán chênh lệch nhau chót vót như thế. "Giá vàng trong nước và thế giới bây giờ gần như không liên thông với nhau. Quy đổi ra thì trong nước vẫn đắt hơn cả 14 - 15 triệu đồng so với thế giới. Chỉ có thể lý giải để chênh lệch mua bán như thế để doanh nghiệp tránh rủi ro cho mình, đẩy rủi ro cho khách", anh chia sẻ.

Soi giá vàng miếng SJC của các nhà vàng trên thị trường - 1

Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng (Biểu đồ: An Chi).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ niêm yết giá vàng khác nhau. Còn về chênh lệch giữa chiều mua, bán, ông Khánh cho biết đó là động thái của doanh nghiệp khi giá biến động mạnh. Các cửa hàng nếu không bung biên độ lớn thì họ sẽ chịu thiệt, thua lỗ.

"Thông thường, các thương hiệu, tiệm vàng sẽ nhìn nhau để đưa ra những mức chênh lệch tương đương. Còn chấp nhận mua với giá đó hay không thì người tiêu dùng sẽ đưa ra những quyết định cuối cùng", ông Khánh nói.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), mức chênh lệch lên tới cả 2 triệu đồng giữa chiều bán ra và mua vào của vàng miếng SJC tạo ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Tạm tính theo mức giá vàng sáng 10/3 là hơn 68 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao đến 2 triệu đồng đã khiến người mua vàng lỗ ngay 3% khi mua vào. Trong khi đó, với biên độ chênh lệch lớn hơn, các "nhà vàng" lại có biên lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra, một rủi ro khác với nhà đầu tư là giá vàng trong nước hiện nay cao hơn nhiều so với giá thế giới. Theo giá vàng thế giới và tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do sáng (10/3), ông Trọng tính toán, giá vàng trong nước đang chênh lệch hơn 12 triệu đồng so với giá thế giới.

"Có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD mỗi ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, có thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng", ông Trọng dẫn chứng.

Soi giá vàng miếng SJC của các nhà vàng trên thị trường - 2

Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn, trang sức đang khá cao (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn ở các thương hiệu vàng cũng có sự chênh lệch nhất định. Cụ thể, giá vàng trang sức 9999 ở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 5,59 - 5,69 triệu đồng/chỉ, Bảo Tín Minh Châu được niêm yết tại 5,562 - 5,697 triệu đồng/chỉ (mua - bán), Bảo Tín Mạnh Hải là 5,562 - 5,697 triệu đồng/chỉ (mua - bán). Nữ trang 9999 ở Doji là 5,52 - 5,64 triệu đồng/chỉ (mua - bán).

Sơ bộ, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 13 triệu đồng/lượng. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới là thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới, tất cả phụ thuộc vào cung cầu của khách hàng.

Còn anh Quân Hồng, nhà đầu tư kể trên thì cho biết, việc giá vàng Việt Nam không liên thông với thế giới và các "nhà vàng" duy trì chênh lệch giá mua, giá bán cao khiến cho nhà đầu tư chịu rủi ro lớn. Anh này cũng đặt câu hỏi ai quản lý việc niêm yết giá của các "nhà vàng", có hay không việc doanh nghiệp "bắt tay" nhau để nâng giá.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng thì bày tỏ: "Thị trường không liên thông nên giá vàng SJC và giá thế giới không có sự gắn kết. Giá trong nước được quyết định bởi cung cầu và tâm lý đầu tư của người dân nên có thời điểm cao hơn giá thế giới 15 triệu đồng/lượng. Chỉ có thị trường Việt Nam mới có mức chênh lệch cao như vậy, rất bất cập".

Từ khóa » Sjc Và Doji