Sỏi Thận - Tiết Niệu | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
Có thể bạn quan tâm
Đại cương sỏi thận tiết niệu
Chế độ ăn uống không hợp lý (quá nhiều đạm, Hydrat Carbon, Natri, Oxalat), nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh sống ở vùng nóng, vùng nhiệt đới,… là những yếu tố thuận lợi để bệnh sỏi thận tiết niệu dễ phát sinh.
Sỏi calcium
Những nguyên nhân làm tăng nồng độ calci trong nước tiểu là:
- Cường tuyến giáp cận giáp.
- Gãy xương lớn và bất động lâu ngày.
- Dùng nhiều Vitamin D và Corticoid.
- Di căn của ung thư qua xương, gây phá hủy xương.
Ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp có tăng nồng độ calci trong nước tiểu mà không tìm thấy nguyên nhân (40-60% trường hợp).
Sỏi oxalat
Chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như nước ta, oxalat thường kết hợp với calci để tạo thành sỏi oxalat calci.
Sỏi phosphat
Loại sỏi phosphat thường gặp là loại amoni-magné-phosphat. Loại sỏi này có kích thước lớn, hình san hô, cản quang, hình thành do nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn proteus.
Sỏi acid uric
Sỏi acid uric dễ xuất hiện khi chuyển hóa chất purine tăng trong cơ thể. Các nguyên nhân có thể làm tăng chuyển hoá purine:
-
Sử dụng nhiều thức ăn có chứa nhiều chất purine như lòng heo, lòng bò, thịt cá khô, nấm.
-
Bệnh Gút (Goutte).
-
Phân hủy các khối ung thư khi dùng thuốc hóa trị liệu. Lưu ý rằng Acid uric dễ tan trong môi trường kiềm và dễ kết tinh trong môi trường acid, khi pH nước tiểu dưới 6.
Sỏi Cystin
Được hình thành do sai sót của việc tái hấp thu ở ống thận của chất Cystin, tương đối ít gặp ở nước ta. Sỏi Cystin là sỏi không cản quang.
Tiến triển của sỏi thận tiết niệu
Sau khi viên sỏi được hình thành, nếu sỏi còn nhỏ, thường viên sỏi đi theo đường nước tiểu và được tống ra ngoài. Nhưng nếu viên sỏi bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, thì sỏi sẽ lớn dần, gây cản trở lưu thông của nước tiểu, đưa đến ứ đọng và dãn phình ở phía trên chỗ tắc và gây ra các biến chứng:
-
Tắc nghẽn.
-
Nhiễm trùng.
-
Phát sinh thêm các viên sỏi khác.
-
Phá hủy dần cấu trúc thận.
Những nguyên nhân làm cho viên sỏi bị vướng lại
Hình dạng và kích thước của viên sỏi: Sỏi lớn, sần sùi thì dễ bám vào niêm mạc và bị vướng lại.
Trên đường tiết niệu có những chỗ hẹp tự nhiên do cấu trúc giải phẫu. Viên sỏi không qua được các chỗ hẹp, thường gặp đoạn thắt lưng 1/3 trên của niệu quản, đoạn trong chậu hông bé, đoạn nội thành của bàng quang.
Ở bàng quang: Cổ bàng quang là chỗ hẹp chủ yếu. Ở nam giới, cổ bàng quang có tiền liệt tuyến bao bọc nên sẽ khó qua hơn ở phụ nữ.
Ở niệu đạo: Nữ giới niệu đạo không có chỗ hẹp và ngắn hơn nên sỏi ít bị vướng lại. Nam giới, niệu đạo có ba chỗ mở rộng ra và viên sỏi hay lọt vào đó.
Ảnh hưởng của viên sỏi đối với đường tiết niệu.
Khi viên sỏi bị vướng lại ở bên trong đường tiết niệu, nó sẽ ảnh hưởng đến đường tiết niệu qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn chống đối: Đường tiết niệu phía trên viên sỏi sẽ tăng cường sức co bóp để tống sỏi ra ngoài. Niệu quản và bể thận phía trên viên sỏi chưa bị giãn nở. Có sự tăng áp lực đột ngột ở đài bể thận gây cơn đau quặn thận. Trên lâm sàng ở giai đoạn nàythường biểu hiện bởi những cơn đau quặn thận điển hình.
Giai đoạn giãn nở: Thông thường sau khoảng 3 tháng nếu sỏi không di chuyển được thì niệu quản, bể thận và đài thận phía trên viên sỏi sẽ bị giãn nở, nhu động của niệu quản bị giảm.
Giai đoạn biến chứng: Viên sỏi nằm lâu sẽ không di chuyển được vì bị bám dính vào niêm mạc, niệu quản bị xơ dày, có thể bị hẹp lại. Chức năng thận sẽ bị giảm dần, thận ứ nước, ứ mủ nếu có nhiễm trùng, sỏi còn tồn tại trong đường tiết niệu là một yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm trùng tái diễn, lâu ngày sẽ gây viêm thận bể thận mạn tính và đưa đến suy thận mạn. Sỏi niệu quản hai bên có thể gây vô niệu do tắc nghẽn
Chẩn đoán
Lâm sàng
Sỏi đường tiết niệu trên:
Gồm sỏi thận, bể thận, niệu quản. Các triệu chứng thường gặp là:
Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh, không có tư thế giảm đau. Có thể phân biệt hai trường hợp
-
Cơn đau của thận do sự tắc nghẽn bể thận và đài thận: đau ở hố thắt lưng phía dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.
-
Cơn đau của niệu quản: xuất phát từ hố của thắt lưng lan dọc theo đường đi của niệu quản, xuống dưới đến hố chậu bộ phận sinh dục và mặt trong đùi.
Triệu chứng kèm theo cơn đau quặn thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Có thể có sốt, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.
Sỏi đường tiết niệu dưới:
Gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
-
Sỏi bàng quang sẽ kích thích niêm mạc bàng quang gây tiểu buốt, rát, tiểu láu.
-
Tiểu tắc giữa dòng.
-
Khám ấn điểm bàng quang đau.
-
Sỏi niệu đạo sẽ gây bí tiểu, khám lâm sàng thường phát hiện được cầu bàng quang, sờ nắn dọc theo niệu đạo có thể thấy sỏi.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm nước tiểu
-
Tìm tế bào và vi trùng: Nước tiểu có nhiều hồng cầu, bạch cầu. Có thể thấy vi trùng khi ly tâm soi và nhuộm Gram khi có biến chứng nhiễm trùng. Cần cấy nước tiểu trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng.
-
Soi cặn lắng: có thể thấy tinh thể Oxalat, Phosphat, Calci.
-
pH nước tiểu
-
Protein niệu
Siêu âm
Phát hiện sỏi, độ ứ nước của thận và niệu quản, độ dầy mỏng của chủ mô thận. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định trước tiên khi nghi ngờ có sỏi hệ tiết niệu vì đơn giản, rẻ tiền, không xâm nhập và có thể lập lại nhiều lần không có hại cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sỏi không triệu chứng được phát hiện tình cờ khi khám siêu âm kiểm tra thường quy hoặc siêu âm bụng vì một lý do khác.
X quang bụng không chuẩn bị (ASP):
Xác định vị trí sỏi cản quang, cho biết kích thước số lượng và hình dáng của sỏi. Rất có giá trị vì hầu hết sỏi hệ tiết niệu ở Việt nam là sỏi cản quang.
Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (UIV): cho biết
-
Hình dáng thận, đài bể thận, niệu quản.
-
Vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.
-
Mức độ giãn nở của đài bể thận, niệu quản.
-
Chức năng bài tiết chất cản quang của thận từng bên.
Chụp X quang niệu quản thận ngược dòng
-
Phát hiện sỏi không cản quang.
-
Có giá trị trong trường hợp thận câm trên phim UIV.
Chụp X quang niệu quản thận xuôi dòng
Soi bàng quang
Thường ít dùng để chẩn đoán sỏi, nhưng có thể nội soi can thiệp lấy sỏi.
Biến chứng
Các biến chứng thường gặp và nguy hiểm:
Tắc nghẽn
Là biến chứng cấp tính nặng. Nếu tắc nghẽn hoàn toàn niệu quản, bể thận giãn to và sau 6 tuần nhu mô thận có thể không hồi phục. Hậu quả của ứ nước là huỷ hoại về cấu trúc dẫn đến sự huỷ hoại về chức năng.
Suy thận cấp
Suy thận cấp có thể do tình trạng tắc nghẽn nặng (hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn) cả hai bên niệu quản. Suy thận cấp cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân chỉ có sỏi niệu quản một bên nhưng gây phản xạ co mạch cả hai bên gây vô niệu. Biểu hiện lâm sàng là vô niệu, xét nghiệm urê, creatinin, K+ máu tăng nhanh, toan máu chuyển hoá.
Suy thận mạn:
Do viêm thận bể thận mạn là hậu quả nặng nề nhất của sỏi thận, tiết niệu vì không còn khả năng phục hồi do thận xơ hoá dần.
Xem thêm: Điều trị sỏi thận và tiết niệu bằng sóng xung kích
Có thể bạn quan tâm: Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Tiểu Tắc Giữa Dòng
-
Hội Chứng Tắc Nghẽn đường Tiết Niệu | Vinmec
-
Bí Tiểu: Nguyên Nhân, Cách điều Trị | Vinmec
-
Bệnh Thận Tắc Nghẽn - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals
-
KHÁM THẬN TIẾT NIỆU Flashcards | Quizlet
-
Chẩn đoán Và điều Trị Nội Khoa Sỏi Thận - Sỏi Tiết Niệu
-
Những điều Cần Biết Về Niệu Quản Và Các Bệnh Lý ở Cơ Quan Này
-
Tắc Nghẽn đường Tiết Niệu Dưới - Hello Bacsi
-
Bệnh Học Sỏi Hệ Tiết Niệu
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị
-
Điều Trị Sỏi Tiết Niệu Toàn Diện | Bệnh Viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
-
Thăm Khám Lâm Sàng, Cận Lâm Sàng Thận Và Tiết Niệu | BvNTP
-
Dấu Hiệu Sỏi Tiết Niệu Và Các Phương Pháp điều Trị Sỏi Hiện Nay
-
NGUYÊN NHÂN GÂY BÍ TIỂU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ - Bệnh Viện AIH