Sông Cụt, Cầu Vồng Trong Ký ức - Thành Phố Hà Tĩnh

TPHT- Nhắc đến sông Cụt, cầu Vồng, hẳn người dân thị xã Hà Tĩnh xưa, thành phố hôm nay ai cũng nhớ đến chiếc cầu vắt qua dòng sông Cụt. Con sông và cây cầu đã đi vào tâm thức với bao kỷ niệm vui, buồn của những con người đã từng sống và yêu mảnh đất này. Đó là những buổi chiều hè, sông Cụt bồng bềnh dâng tràn con nước thủy triều xanh trong, mát rượi. Ai đã từng sống với khúc sông này sẽ có những ký ức đẹp về một thời tuổi thơ bơi lội, vẫy vùng. Vẻ đẹp thanh bình trên dòng sông Cụt thật khó quên, có những bè gỗ dài xuôi từ thượng lưu với những con thuyền căng cánh buồm nâu chở đầy hàng hóa lên giao thương với chợ tỉnh. Thời gian rồi sẽ qua đi, chiếc cầu Vồng và dòng sông Cụt thơ mộng đã chảy vào quá khứ. Đô thị hóa sẽ làm thay đổi khúc sông này, bằng những lớp bờ bê tông và chiếc cầu ngang kiên cố, đủ cho các làn xe lưu thông vào hiện tại…

Thời nhà Nguyễn, niên hiệu Khải đinh, thứ 7 (1922), chính quyền cho đào con sông nối từ sông Rào Cái, cắt từ sông Đò Hà đi ngược lên, ôm gọn khu chợ tỉnh và có nhánh rẽ vào Hào Thành. Con sông Đào này ước tính làm hai đoạn hạ và thượng lưu, cắt ngang bởi chiếc cầu Vồng. Ấn tượng với chiếc cầu Vồng hồi đó được lắp ghép bằng những phiến gỗ lim, ghọ nhưng các thợ cầu không quên chau chuốt công trình này có thẩm mỹ đơn giản và yểu điệu. Mặt cầu không rộng, chỉ đủ người bộ hành cùng đôi quang gánh nhưng được nâng thành hình vòng cung, đủ cho các loại thuyền to, nhỏ qua lại Cụ Nguyễn Phương 87 tuổi, lớn lên bên mố cầu phía Đông kể lại rằng “ngày đó nước sông Cụt sạch lắm, mỗi khi triều lên trong vắt, nước sông có vị mặn mòi là nơi tắm mát tuổi thơ bao thế hệ người dân nơi đây. Cả bốn mùa ai cũng đổ ra sông tắm, gội, giặt dũ và rửa rau xanh, thực phẩm. Nghĩa là nhờ nước sông để sinh hoạt trong các gia đình, vì hồi đó cả thị xã Hà Tĩnh chỉ có 3 - 4 vòi nước máy công cộng, chỉ dùng để ăn, uống”. Cầu Vồng là nơi qua lại nhiều nhất của các gia đình ở hai phố nhỏ phường Tân Giang ngày nay. Ở đây, dọc hai bờ sông, bao bọc bởi những khóm cây bần cao lớn, mùa hè tỏa bóng xuống lòng sông mát rượi. Mỗi khi con nước thủy triều rôm lên làm tràn mặt đường, là lúc những người giỏi bơi lội đứng trên măt cầu thi nhau nhào, lộn xuống sông nô đùa thỏa thích. Dân ở gần sông Cụt, ai cũng bơi lội giỏi. Đám đàn bà, con gái thủa ấy cũng tụ nhau tắm gội trên sông thành từng cụm, chủ yếu quanh quẩn tại các bến có độ thoải, nhưng nhiều người cũng có tài bơi lặn không kém đám con trai.

Sông Cụt là đường thủy giao lưu hàng hóa với chợ tỉnh nên có thơ rằng: “ chợ tỉnh họp tháng sáu phiên/ trên bến dưới thuyền tấp nập đông vui”. Đúng vậy, không khi nào sông vắng người, khi nước thủy triều lên có hàng chục chiếc thuyền của người dân Vạn Đò neo đậu. Họ đi chợ tỉnh mua lương thực, thực phẩm về mưu sinh lênh đênh trên thuyền bằng nghề vận chuyển cát, sỏi cho cả gia đình. Sông Cụt tấp nập và trở thành nguồn sinh sống một thời của bao gia đình. Đó là khi triều xuống để lộ những ruộng bùn cho các người làm nghề nhủi tôm tép. Đặc biệt những người làng chài, làng mò Thạch Hưng, Tân Giang, họ bắt tôm, cua, cá rất giỏi, nhiều gia đình chủ yếu sống bằng nghề mò cua, bắt ốc ở dòng sông này. Mặc dù quê nội của tôi gốc gác ở Tân Giang nhưng khi chia tách hộ ông, bà tôi lên vùng thượng lưu, gần chợ tỉnh để sinh sống nên dẫu sao tôi vẫn có ảnh hưởng lớn với con sông này. Ngày còn nhỏ, như bao đứa trẻ trong xóm tôi cùng theo anh trai xuống sông bắt con trìa, con ốc về nấu canh. Lúc thủy triều xuống, lòng sông cạn kiệt để lộ những phiến đá to, lún sâu trong những hố bùn. Nhưng tôi đâu hiểu hết các loài sinh vật sống dưới nước nên mới có một buổi sáng nhớ đời ấy. Trong lúc mãi chơi với lũ còng, cáy nên tôi bị những chú cua nhèm ra tấn công. Thật lạ lùng, chúng kẹp tôi đau điếng và bỏ lại chiếc càng to dính chặt lấy cổ chân, còn mình nó bỏ chạy vào hang đá,...

Thế hệ chúng tôi, ai cũng có ký ức của một thời nông nổi, nhọc nhằn và những kỷ niệm ngọt ngào bên cầu Vồng, sông Cụt. Mới đây thôi, khi vào thăm thành phố Hồ Chí Minh, gặp lại Phạm Quảng Hà, nhà anh ở bên mố cầu Vồng, vừa từ Cần Thơ lên thân mật chào tôi. Anh suy tư: công việc qúa bận nên mấy năm mình chưa về thăm lại chốn xưa, cầu Vồng, sông Cụt, cầu Sở Rượu,… những cái tên không dễ gì quên. Trong câu chuyên làm ăn nơi xa, Hà không quên nhắc lại những chuyện cũ chơi trò “du kích” trên bãi cát, sỏi cạnh chiếc cầu xưa. Đó cũng là cách để anh điểm lại tên, tuổi của lũ bạn mà giờ đây đã lên chức ông, bà. Dù ở chốn phồn hoa, nhóm bạn của chúng tôi vẫn tranh nhau để kể chuyện quê nhà với nỗi niềm trăn trở…

Rồi đây sẽ có một chiếc cầu ngang bằng bê tông kiên cố đủ để cho hai làn xe có trọng tải lớn qua lại, cầu Vồng sẽ chỉ còn lại trong ký ức nhưng ước mong của người dân vùng này là nước sông Cụt trở lại trong xanh, sạch đẹp. Đô thị hóa là quy luật của sự phát triển song xin đừng để mất đi những nét văn hóa của người Thành Sen xưa.

Từ khóa » Cầu Vồng Hà Tĩnh