Sống được Nhờ Nghề... Lượm Bạc Cắc - Báo Hậu Giang

Ngâm tay trong nước hàng giờ đồng hồ, là cơn ác mộng với những ai dị ứng và không quen mùi lông gia cầm... Dẫu vậy, nghề nhổ lông gia cầm thuê có thể kiếm tiền triệu mỗi tháng.

Gà, vịt được làm bằng tay ngay trước mặt, giúp nhiều bà nội trợ an tâm về chất lượng.

Ăn theo nghề bán gà, vịt

“Con gà 2,1kg, tiền mần 10.000 đồng, của con hết 262.000 đồng”, đó là những chia sẻ rất đỗi chân tình của bà Mai Thị Chín, một tiểu thương và kiêm luôn nghề nhổ lông gà, vịt tại chợ Phường III (chợ Vị Thanh), thành phố Vị Thanh. Nép mình nơi góc chợ, là tiếng cười nói rộn ràng của các bà, các chị làm nghề nhổ lông gà, vịt.

Tỉ mỉ nhổ lông gà, chốc chốc, bà Chín lại quay sang canh lửa nồi nước kế bên để nó luôn nóng, sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu. Ngót nghét đã 4 năm nay, vợ chồng bà Chín từ quê huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đến Hậu Giang gắn bó với công việc này. Ban đầu, ông bà mưu sinh bằng việc bán gà, vịt, vậy rồi, sau nhiều lần khách mua có nhu cầu thuê làm thịt gà, vịt tại chỗ cho an tâm, bà Chín bắt đầu nghĩ đến chuyện “thầu” luôn cái nghề mà nhiều người gọi là… lượm bạc cắc.

“Cỡ 4 giờ, 4 giờ 30 phút sáng là vợ chồng tôi có mặt ở chợ. Gà, vịt để sẵn, khách chịu con nào thì mình bán, kêu mần thì mình mần luôn, người ta đi chợ một vòng trở lại là có đem về. Một con gà thì tiền công mần 10.000 đồng, vịt 20.000 đồng, ngỗng thì 30.000 đồng, vịt xiêm cồ 30.000 đồng. Hồi mới ra mần đau tay lắm, từ từ mới quen. Mình bán ở đây, người ta đem gà, vịt nhà ra nếu rảnh thì nhận làm luôn. Bữa nào số lượng nhiều thì thuê thêm người phụ”, bà Chín bộc bạch.

Góc nhỏ của vợ chồng bà Chín bày bán không nhiều, chừng 5 con vịt trắng, vài con vịt xiêm, vài con gà. Tùy theo bữa chợ, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, tằn tiện, tích góp, cuộc sống cũng ổn định. Bà Chín tâm sự: “Bán vịt, gà mình mần luôn thì có thêm tiền. Lông vịt thì đem về phơi khô, lâu lâu có lái người ta lại lấy. Lông vịt đen, vịt xiêm,… khoảng 35.000 đồng/kg, còn lông vịt trắng thì được 60.000 đồng/kg. Lông gà nhổ xong thì gom lại vô bịch, dọn dẹp chứ người ta không có mua”.

Cực nhưng ráng theo vì cuộc sống

Đến nhận gà đã đặt làm từ lúc sáng sớm, chị Nguyễn Ngọc Kim Trang, ngụ khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Gà nhà có sẵn, đi làm bận rộn với lại cũng không biết mần nên mình đem lại đây cho mấy cô mần. Ở đây mần kỹ, đi chợ xong ra là có mang về chế biến. Thấy làm tận mắt, mình an tâm hơn”.

Vớt con vịt từ nồi nước nóng để nhổ hết mớ lông còn sót lại, bà Nguyễn Thị Thương, ngụ khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh kể về công việc của mình: “Tôi mới mần chừng hơn 1 năm nay. Hồi trước bán vịt, cuộc sống khó khăn quá nên ai mướn mần thì mình mần luôn. Một ngày mần được 5 đến 7 con, cũng được hơn 100.000 đồng. Cỡ 2 giờ đêm là ra chợ bắt đầu mần tới 10 giờ. Vịt có lông nhiều thì mần 1 tiếng trở lại, vịt có lông ít thì khoảng nửa tiếng. Con gà thì nó rất nhanh, từ khi cắt cổ đến mần hoàn thành cỡ 10-20 phút”.

Khi được hỏi làm nghề nhổ lông gà, vịt bấp bênh và phụ thuộc vào buổi chợ, có bao giờ các bà, các chị có ý định chuyển nghề? Nghỉ tay ít phút bà Thương tiếp lời: “Mần nghề này cực lắm! Ngâm nước riết hư móng tay hết trơn. Có khi lở ra máu luôn, xức thuốc, mang bao tay rồi làm tiếp. Mà bao tay thì chỉ nhổ lông lớn còn lông con thì không sạch được. Cực thì cực nhưng không có vốn, nghèo nên ráng đeo”.

Ở khu vực bán gà, vịt chợ Phường III, mọi người đều cần mẫn, tỉ mỉ như nhau. Các dì, các cô mỗi người một công việc, người nấu nước, người tranh thủ nhổ cho xong con vịt trong thau của mình, người bỏ bọc giao cho khách khi làm xong.

Ngồi quan sát các cô, các bà làm việc, có dịp nghe tâm tình của cô Mười Hòa, cái tên thân mật mà mọi người ở đây gọi bà. Giơ bàn tay nhăn nheo vì ngâm nước lâu từ khuya của mình, cô Mười Hòa vừa nói vừa cười: “Ở đây chị em nhổ lông gà, vịt thuê, người ta đặt thì xúm lại mần. Tiền công đủ chi tiêu hàng ngày, bữa nào tính theo bữa đó, có mần thì có tiền sinh sống, mần nhiều sẽ dư ít đỉnh để dành”.

Tan buổi chợ, đã quá 11 giờ trưa, những người làm nghề nhổ lông gà, vịt cũng kết thúc công việc của mình.

Cuộc sống ngày càng phát triển, đã có nhiều loại máy thay sức người, có cả những máy nhổ lông gà, vịt hiện đại hoàn thành công việc trong ít phút với số lượng lớn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Thế nhưng, ở nhiều chợ, công việc bình dị nơi góc chợ của những cô tiểu thương làm gà, vịt vẫn còn đó. Như một “điểm hẹn” của những người tiêu dùng bận rộn và là nghề nuôi sống của không ít gia đình.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Từ khóa » đồng Bạc Cắc