Sống Lại Chương Vàng Son Của âm Nhạc Hải Ngoại Qua Album Nhạc ...

Sinh ra từ sự náo nhiệt và màu sắc của những năm 80s, một làn sóng âm nhạc mới đã trở thành biểu tượng  cho cả một thế hệ người Việt, để rồi dần rơi vào quên lãng khi đạt đến đỉnh cao thành công. Phải mãi hơn hai thập kỷ sau, bằng nỗ lực của một nghệ sĩ trẻ, chương vàng son này của âm nhạc mới lại được hé lộ một lần nữa.

Đây là câu chuyện về hành trình của Dan Nguyễn, những thăng trầm của dòng nhạc Vwave, và danh tính văn hóa của người Việt trên đất Mỹ sau chiến tranh.

Từ một cậu bé người Việt thích vẽ…

Dan Nguyễn, hay còn được biết đến qua nghệ danh Demon Slayer, là một nghệ sĩ thị giác, nhà sản xuất nhạc, và DJ người Mỹ gốc Việt. Anh sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại Riverside, miền nam California.

“Mình là một người nhập cư thế hệ thứ nhất, tức mình là người đầu tiên trong gia đình được sinh ra ở Mỹ,” Dan chia sẻ với Saigoneer qua một cuộc gọi. “Mình thích vẽ từ khi còn bé tẹo. Không biết là thừa hưởng năng khiếu từ đâu, vì trong nhà cũng không có ai là nghệ sĩ.”

Khi Dan Nguyễn lớn lên, niềm đam mê nghệ thuật vẫn không ngừng thôi thúc anh theo những cách khác nhau.

Sau chiến tranh, ba mẹ của Dan cùng họ hàng di cư đến Hoa Kỳ với mong muốn xây dựng một cuộc sống mới. Và như rất nhiều phụ huynh châu Á kiểu mẫu khác, họ không ủng hộ con mình theo đuổi nghệ thuật: “Ba mẹ mong mình sẽ có nghề nghiệp ổn định như bác sĩ hoặc luật sư, nên lúc nhỏ mình chỉ được vẽ vời theo kiểu ‘chơi chơi’ thôi. Học hành phải là ưu tiên số một.”

Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật vẫn không ngừng thôi thúc cậu bé Dan theo những cách khác nhau. Khi lớn lên, anh không chỉ tiếp tục vẽ, tổ chức triển lãm mà còn khám phá những loại hình sáng tạo khác. “Mình được các chú bác và anh em trong gia đình cho nghe đủ thể loại nhạc. Những giai điệu mang màu sắc rất đặc trưng của thập niên 80s. Thế là từ năm cấp hai, mình bắt đầu học DJ và biểu diễn tại các sự kiện âm nhạc.”

Khi âm nhạc trở thành tiếng nói của một thế hệ

Trong kho tàng âm nhạc mà Dan thừa hưởng từ các anh chú trong nhà, những giai điệu Vwave, hay còn gọi là Vietnamese New Wave, có lẽ là để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Với nhịp bass mạnh mẽ, tiếng synth mê hoặc kèm theo phong cách thời trang “kim sa lấp lánh,” Vwave là hiện thân của tinh thần phóng khoáng, phá cách và đậm tính cá nhân mà người trẻ thập niên 80s lấy làm kim chỉ nam.

Vwave là hiện thân của tinh thần phóng khoáng, phá cách và đậm tính cá nhân mà người trẻ thập niên 80s lấy làm kim chỉ nam.

“Vwave là trào lưu âm nhạc và thời trang thịnh hành từ những năm 80s đến 90s. Trào lưu này bắt nguồn từ khu Little Saigon ở Orange County [thường được gọi nôm na là “Quận Cam”]. Đây là cộng đồng tập trung nhiều người Việt hải ngoại và người Việt mới nhập cư đến California,” Dan chia sẻ.

Bản thân Vwave là kết quả của sự chuyển đổi thức thời từ New Wave, một thể loại nhạc thống lĩnh các bảng xếp hạng ở Mỹ và Châu Âu lúc bấy giờ qua các tên tuổi như The Smiths hay a-ha. Ở những tụ điểm công cộng như quán bar và cafe ở Little Saigon, các ban nhạc người Việt sẽ cover lại các ca khúc New Wave nổi tiếng bằng tiếng Việt. Khán giả Việt Nam vì vậy mà rất thích thú vì lần đầu tiên, họ có thể thưởng thức các ca khúc quốc tế bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Làn sóng Vwave khởi nguồn từ các băng đĩa, cát-sét ghi âm các bản cover những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng lúc bấy giờ.

“Lần đầu tiên, người Việt [ở Hoa Kỳ] cảm nhận được rằng có những nghệ sĩ, sản phẩm văn hóa dành riêng cho mình.” Từ đó, một cuộc cách mạng âm nhạc bắt đầu âm ỉ ở Little Saigon. Số lượng phòng trà, quán bar, và câu lạc bộ biểu diễn Vwave tăng nhanh chóng mặt, thúc đẩy sự ra đời của nhiều hãng đĩa, phòng thu âm để phục người hát lẫn người nghe. Các chủ tiệm đĩa thu mua và tiếp tục bán CD, cát-sét cho những khách hàng có thể chưa biết đến Vwave, từ đó thu phục thêm người hâm mộ cho thể loại này. “Một hệ tuần hoàn văn hóa của người Việt cho người Việt.”

Tuy nhiên, Vwave không hẳn chỉ là một bản sao y đúc của các New Wave. New Wave vốn là trường phái âm nhạc có phong cách rõ ràng, khuynh theo thiên hướng pop-rock. Trong khi đó, Vwave là xu hướng âm nhạc được cấu thành từ đa dạng các thể loại như pop, rock, dance, ballad, bolero, chachacha,... Chúng được nghệ sĩ nghệ sĩ gộp lại dưới một danh tính chung vì có cùng một đặc điểm là tính “Việt hóa.” Và không chỉ dừng lại ở chuyển ngữ các ca khúc lời Anh, nhiều nhạc phẩm đã được các nghệ sĩ Vwave Việt tự sáng tác, như ‘Mùa Thu Yêu Đương’ của Lam Phương, hay ‘Bên Nhau Ngày Vui Nhau Ngày Vui' của Quốc Dũng.

Danh tiếng của những ngôi sao Vwave hải ngoại như Lynda Trang Đài, Trizzie Phương Trinh và Tuấn Anh còn lan đến Việt Nam.

“Người Việt lúc đấy mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, không quen biết ai, không hiểu văn hóa bản địa, nhưng khi bật radio lên, mọi người vẫn cảm nhận được năng lượng buồn vui của những bản nhạc hay. Vwave là bước đầu tiên của người Việt trong việc tự chủ cuộc sống tinh thần ở xứ người — biến những âm hưởng của thời đại thành những âm thanh phản ánh tính cách, tinh thần của cộng đồng mình.” Đây cũng là nền tảng để những thế hệ nghệ sĩ người Việt về sau khám phá những chân trời mới trong nghệ thuật như rap, hip-hop và EDM — Dan nhận định.

Từ việc đi hát Vwave, nhiều giọng ca đã vượt qua bức tường ngôn ngữ và màu da để được công nhận bởi giới giải trí ngoài cộng đồng Việt Nam. Dan kể lại về kỉ niệm tuổi thơ: “Ngày mình còn bé có một ca sĩ Vwave rất nổi tiếng tên là Shere Thu Thủy. Nói không ngoa là thần tượng âm nhạc ‘Việt Kiều’ đầu tiên. Rồi cô được mời xuất hiện trên kênh MTV, được xem là sự kiện hết sức trọng đại, vì thời đấy MTV chả mời người châu Á bao giờ. Lúc đấy cả gia đình mình — ba mẹ, ông bà, cô chú — đều thấy rất tự hào. Mẹ mình còn thốt lên: ‘Cái cô này, cổ đại diện cho người Việt!’”

Rất đáng tiếc, đến đầu những năm 2000, khi đĩa CD, cát-sét bị thay thế bởi các dịch vụ stream nhạc, làn sóng Vwave cũng “rút nước” dần vì ê-kíp sản xuất, sáng tác không bắt kịp với sự thay đổi của ngành công nghiệp âm nhạc. Địa hạt của nét văn hóa này bị đẩy lùi và thu gọn lại ở những “tiệc Vwave” tổ chức riêng cho các cô chú bác từ thế hệ trước. Còn đa số người trẻ của thế hệ Millennial, Gen Z lại xem Vwave như một thứ nhạc sến sẩm, tắc kè hoa và không phù hợp với thị hiếu ngày nay.

15 năm để tua ngược cuộn băng thời gian

Năm 2007, Dan Nguyễn lúc này đã là một DJ thành công và từng lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dù đi đến đâu thì anh vẫn có một nỗi trăn trở về việc kết nối với văn hóa Việt Nam. Khi Dan vẽ, anh sẽ cố gắng đan cài chủ đề Việt Nam vào trong tác phẩm, còn khi anh DJ, anh luôn cố gắng tìm ít nhất 2–3 bài tiếng Việt để chơi trong set. “Nhưng mình đã gặp một vấn đề, là mình không tìm được nhạc Việt nào ngoài mấy bài Vinahouse và rap ‘giang hồ’ cả.”

Nhớ rằng anh em họ mình sở hữu một bộ sưu tập Vwave, Dan đã “khai quật” kho băng đĩa mà họ để lại. “Vì mấy băng đĩa này là ‘đồ cổ’ lắm rồi, nên mình đã chuyển chúng sang máy tính và hòa âm phối khí lại để nâng cao cao chất lượng âm thanh.” Kết quả của quá trình này là một bộ sưu tập Vwave độc nhất vô nhị mà Dan dùng để mang đến khán giả Việt Nam lẫn khán giả ngoại quốc. “Lúc mình chơi mấy bản này ở Việt Nam, nhiều người còn từng chạy đến hỏi là ‘Anh ơi, bài này là bài gì vậy, so good!’”

Để tạo nên các bản remix, Dan đã phải chọn lọc và cắt ghép chỉnh sửa hơn 200 ca khúc theo 3 tiêu chí riêng. Đầu tiên, ca khúc phải có beat và trống thật “đỉnh” để mọi người có thể “quẩy” theo trong club. Thứ hai, nó phải có lời Việt, vì anh không muốn chỉ bật những bài cover 100% bằng tiếng Anh. Và thứ ba, nó phải thể hiện được sự góc cạnh và “ngầu ngầu” nhất định. Điều một phần vì Dan muốn thách thức định kiến “sến sẩm” công chúng có về Vwave; một phần vì anh muốn tri ân những người anh, người chú đã giới thiệu thể loại này cho mình.

Quá trình thực hiện mixtape Vwave là lời tri ân của Dan Nguyễn dành cho văn hóa và gia đình người Việt.

“Hồi đấy mọi người phải gọi là ngầu bá cháy, không để mấy đứa phân biệt chủng tộc bắt nạt mình mà còn phản kháng lại rằng: ‘ĐM mày! Anh em tao là người Việt Nam!’ Với mình, tinh thần nổi loại đó cũng chính là linh hồn, là sức sống của Vwave.”

Theo dự định ban đầu, Dan đáng lẽ đã tung ra một mixtape hoàn thiện đến khán giả vào năm 2014. Nhưng kế hoạch này bị đình trệ đến nhiều năm, vì anh không liên hệ được với các hãng thu âm để xin quyền sử dụng các bản thu âm. “Mình đã đi đến tận 50–60 cửa hàng cửa hàng băng đĩa ở Little Saigon để truy lùng manh mối. Chủ tiệm còn định vứt hết mấy cái đĩa Vwave vì lâu quá rồi, nhưng thấy mình hỏi nên họ cho mình nguyên một xấp. Mình đã cố gắng liên lạc với mấy số điện thoại in trên đó nhưng không ai trả lời.”

Mãi đến năm 2021, cuộc tìm kiếm của Dan mới đi đến hồi kết khi anh tìm được những nghệ sĩ gốc của các tác phẩm. Nhiều người trong số đó đã bước qua một chương mới không còn liên quan gì đến âm nhạc. “Mình thì ríu rít: ‘Cảm ơn cô chú. Nhạc của cô chú đã thay đổi cuộc đời con.’ Có người chỉ đơn giản đáp lại: ‘À, cảm ơn con’ rồi tiếp tục với cuộc sống hiện tại, với tiệm cơm tấm hoặc tiệm bánh mì nào đó. Nhưng cũng có những cô chú tỏ ra rất hạnh phúc vì mình đã làm thể loại nhạc và thời kỳ này sống lại.”

Với sự đồng thuận của các chính chủ, bản mixtape “Vwave - Rare Vietnamese New Wave 1980s” gồm bảy ca khúc đầu tiên trong bộ sưu tập của Dan đã chính thức ra mắt người nghe ở mọi quốc gia, mọi lứa tuổi. Nhiều người trẻ nhắn tin đến anh, rằng sau khi nghe album này cùng với cha mẹ, cả gia đình đã cùng ôm nhau khóc vì xúc động. Có cả những Việt Kiều từ Úc, từ Pháp gửi lời cảm ơn vì album đã giúp họ khám phá một khía cạnh hay ho về văn hóa Việt Nam.

Dan bật mí, trong vài tháng nữa, anh sẽ cho ra mắt mixtape thứ hai, cũng như nhiều mixtape khác trong tương lại để “khán giả khắp nơi luôn có nhạc Việt hay để chờ đợi.” Qua series Vwave, anh muốn nhắn nhủ với mọi người một thông điệp:

“Truyền thông quốc tế lúc nào cũng khắc họa Việt Nam qua góc nhìn bi thương về chiến tranh, người tị nạn, hoặc góc nhìn ẩm thực về phở, bánh mì. Nhưng ngoài những thứ đó, người Việt mình còn có âm nhạc, có nghệ thuật độc đáo từ xưa đến nay. Vậy nên mình mong chúng ta có thể tiếp nối sự sáng tạo đó, giống như cách dòng nhạc Vwave đã làm. Nhưng trên tất cả, mình muốn tiếp tục nhìn thấy tinh thần Việt Nam sống mãi trong những sản phẩm nghệ thuật của bản thân.”

Độc giả Saigoneer có thể theo lắng nghe mixtape của Dan Nguyễn tại Bandcamp và Soundcloud, và theo dõi các hoạt động của anh tại đây.

[Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi Dan Nguyễn.]

Từ khóa » Nhạc Buồn Thập Niên 80