Sông Lam Trong, đục - Tuổi Trẻ Online

j4qbujHW.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Từ ngày còn nhỏ, tôi đã nghe đến thuộc lòng những ca từ đẹp đẽ ấy trong bài ví dặm ân tình mẹ vẫn hát ru mỗi đêm dìu dặt. Dòng sông Lam hiền hòa đã in dấu vào tiềm thức của đứa trẻ ngày đó, khi trái tim đang bắt đầu định hình hai chữ “tuổi thơ”. Cho đến hôm nay, dù đã rời xa nhưng con sông ấy vẫn luôn hiện hữu trong ký ức tôi với bao kỷ niệm ngọt ngào.

Xóm nhỏ của tôi cách dòng sông Lam một bãi bồi lớn. Hai bờ sông vào mùa xuân ngút ngàn sắc xanh của những hàng ngô vào mùa trổ bông. Mùa hè, hai cây phượng lớn nở hoa đỏ rực và màu của hoa lạc trải dài, nhuốm vàng một triền thương nhớ. Những năm đi học xa nhà, mỗi khi về quê vào dịp tết và kỳ nghỉ hè, tôi lại đạp xe ra đứng trên cầu, thu vào tầm mắt và chụp hình vào trí nhớ những hình ảnh tươi rói ấy.

Nước sông Lam không trong xanh suốt bốn mùa quanh năm như nhiều bài thơ, bài văn mà cô giáo vẫn thường đọc cho cả lớp tôi nghe tham khảo. Nó thoắt đục, thoắt trong tựa hồ như cô gái đỏng đảnh thích mặc váy màu này màu nọ, tùy theo cảm hứng. Tôi nhớ kỳ con nước đỏ au mùa lũ về, những vòng xoáy lớn, dòng nước mạnh chảy xiết cuốn trôi bao khúc gỗ, cành cây. Tôi nhớ lúc nước rút cạn, trơ ra cả những bãi cát tận dưới đáy sông.

Hồi còn bé, cả đám trẻ con trong xóm tôi thường í ới gọi nhau ra sông tắm vào mỗi trưa hè. Cái nắng chói chang, cái nóng rát mặt từ đợt gió Lào thổi rít của mảnh đất miền Trung bỗng chốc tan biến ngay khi chúng tôi đẫm mình xuống dòng sông. Té nước nhau, đánh nhau chiếm “lãnh thổ”, tranh giành để kỳ cọ lưng cho nhau… Ôi thôi, đủ cả. Cả khúc sông rộn ràng hẳn lên vì tiếng lũ trẻ ríu rít: “Tau phải kỳ lưng cho thằng Hiệp, mi nỏ được giành của tau!”, “Không, tau về tau méc mẹ, mi liệu hồn!”… Chúng tôi cứ thích đứa nào là đòi phải kỳ lưng cho đứa ấy, đến nỗi có cô bạn kia dễ thương được cả năm, sáu đứa xúm vào “tắm giúp”, không ai chịu nhường ai cả. Tắm, vui đùa, nghịch ngợm thỏa thuê, chúng tôi lên bờ, chẳng cần mặc quần áo, cứ thế chạy nhông nhông từ ngoài sông vào xóm.

Lên lớp 6, tôi theo chị và nhiều đứa trong làng ra bãi bồi cắt cỏ. Những cây cỏ mực xanh tốt, cỏ chỉ dài ngoẵng, cỏ lông lợn bé li ti… len lỏi dưới gốc dâu đã qua mùa trút lá. Tôi bé con, thấp lè tè, đặt quang gánh hai bên vai mà cả hai cái sọt cỏ cứ kéo lê trên mặt đất, chẳng thể nào nhấc lên nổi. Đưa cỏ ra bến đò, chúng tôi chọn chỗ ngồi thật vững rồi từ từ rửa cỏ hết mớ này sang mớ khác. Dòng nước rửa trôi hết cát, hết bùn, những sọt cỏ trở nên xanh mơn mởn. Bữa cơm trưa những hôm đó mới ngon làm sao khi nhận được lời khen từ mẹ: “Con gái mẹ đảm đang quá!”.

Khúc sông Lam chảy qua chỗ tôi ở có một bến đò nhỏ. Chừng năm, sáu chiếc đò con con ngày ngày lại đưa khách từ bờ bên này tới bờ bên kia. Hai khu chợ nhỏ nằm ở hai bên bờ sông khiến những chuyến đò luôn tấp nập người. Tôi cũng không ít lần ngồi lên chuyến đò đi chợ Rộ ở bên kia sông. Ngồi phía trên mui thuyền, tôi tha hồ ngắm mây ngắm nước, tận hưởng cảm giác tất thảy mọi việc đang dần trôi xa phía sau lưng mình, như bỏ mặc những gì đã là quá khứ. Xóm Vạn nghèo tầm vài chục con người sinh sống luôn xa lạ đối với chúng tôi ngày đó. Họ ăn uống sinh hoạt ngay trên thuyền. Mấy đứa bằng tuổi đi học cùng chúng tôi thì da đen nhẻm vì cháy nắng, giọng lơ lớ, tóc vàng sém…

Từ ngày cầu Rộ được xây lên nối liền đôi bờ, những chiếc đò trở nên vơi khách rồi dần dà không còn chở người sang sông nữa. Sau đó vài năm, dân xóm Vạn chuyển đi đâu hết, mỗi người một ngả. Bến đò dường như vắng bóng người, buồn đến hắt hiu.

…Tuổi thơ trong tôi là triền đê già nằm cạnh dòng sông Lam với bạt ngàn sắc hoa đồng nội, để mỗi dịp rảo bước, món quà mang theo về nhà là chiếc quần dính đầy bông cỏ may, là dãy núi Nguộc hiên ngang và dòng Lam bên lở bên bồi hữu tình sơn thủy. Bức tranh quê ấy, con sông quê hương xiết bao trìu mến ấy đã hằn sâu trong tâm trí tôi, in đậm vào tiềm thức tôi, để mỗi lần nhớ đến là hiển hiện vẹn nguyên cùng cảm xúc mến thương…

nk37USSJ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Dòng đục Sẽ Nhuốm đục Dòng Trong