Sông Rạch Cà Mau

Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và đan xen như mạng nhện. Cà Mau là tỉnh đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng chiều dài kênh, rạch, sông lớn nhỏ lên hơn 7.000 km, mật độ trung bình 1,34km/km², với tổng diện tích mặt nước 15.756 ha, chiếm 3,02% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Dòng sông chảy giữa lòng thành phố Cà Mau. Ảnh:Huỳnh Lâm.

Do nằm trên bán đảo, tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển nên hệ thống sông, rạch nơi đây đều chảy ra biển Đông và Vịnh Thái Lan. Các sông, rạch ăn thông với nhau và dàn trải khắp một vùng đất rộng lớn, tạo nên một mạng lưới chằng chịt. Tuy nhiên, do chế độ thủy triều lên ở 2 bờ biển khác nhau mà dòng chảy của sông rạch Cà Mau rất phức tạp, hình thành nhiều tuyến giáp nước, vị trí giáp nước không ổn định và hầu hết giáp nước nằm về phía tây. Riêng con sông Cửa Lớn, nối cửa biển Bồ Đề (biển Đông) và cửa biển Ông Trang (biển Tây), có chiều dài 58km, rộng trung bình 200 mét, Cửa biển Bồ Đề nối sông Cửa Lớn với biển Đông, rộng 600 mét và sâu 19 mét. Về đến thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, sông còn rộng 300 mét, sâu 14 mét. Đến cửa Ông Trang, sông mở rộng như vịnh biển, rộng hơn 1.800 mét nhưng độ sâu giảm còn 4 – 5 mét. Sông Cửa Lớn có chức năng như một lạch triều lớn truyền nước từ biển Đông sang biển Tây, có lưu lượng nước lớn, khá phức tạp, do chịu ảnh hưởng 2 biển có chế độ triều khác nhau, bị chi phối phần lớn bởi thủy triều biển Đông.

Sông Cửa Lớn chảy ngang địa phận thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. Ảnh:Huỳnh Lâm.

Riêng con sông Cửa Lớn hay còn gọi là sông Cái Lớn, sông Tam Giang, Sông Năm Căn… tùy theo địa danh mà đoạn sông đi qua. Đây là con sông duy nhất ở Việt Nam có khởi nguồn từ biển và chảy ra biển, là con sông lớn nhất, dài nhất, sâu nhất và dòng chảy cũng mạnh nhất so với các con sông khác ở tỉnh Cà Mau. Có lẽ không dòng sông nào có nhiều chi lưu bằng sông Cửa Lớn. Ven theo bờ sông , không quá 1.000m có 1 chi lưu, lúc là con rạch nhỏ, lúc là con sông lớn chạy ngoằn ngoèo vào rừng sâu. Sông Cửa Lớn là dòng sông có nhiều tôm, cá nên nghề đóng đáy bè, đáy neo, đáy sông là nghề đánh bắt lâu đời của ngư dân nơi đây. Ngoài nghề đóng đáy, người dân nơi đây còn có nhiều nghề đanh bắt cá tôm khác như bao lưới, đẩy te, chài, lưới, câu… và đặc biệt là nghề đâm cá dứa trên sông. Ngày trước trên tuyến sông này vào mùa trái mắm rụng, cá dứa nổi lờ đờ trên mặt sông để ăn trái mắm nên nhiều ngư dân dịa phương dùng sào búp (chỉa 3 mũi) để đâm cá. Nhiều khi trên dòng sông này cũng xuất hiện cả đàn cá heo đùa giỡn, làm dợn sóng cả một khúc sông.

Nghề đáy sông. Ảnh:Huỳnh Lâm.

Sông Đầm Dơi, nối sông Gành Hào với sông Cửa Lớn tại ngã ba Tam Giang (huyện Ngọc Hiển). Tại ngã ba Mương Điều (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), khi dòng sôn Gành Hào đổi qua hướng đông thì đồng thời nó tạo thành một nhánh đổ về hướng nam hình thành sông Đầm Dơi. Sông Đầm Dơi dài 45km, sâu 5 – 6 mét, rộng từ 60 đến 80 mét. Đoạn từ Hố Gùi đến ngã ba Tam Giang, sông đổ về hướng tây nam và rộng tới 200 mét, sâu hơn 10 mét. Sông Đầm Chim, bắt nguồn từ nơi giáp ranh sông Gành Hào chảy qua Tam Giang đổ ra cửa biển Hố Gùi nhưng thực ra điểm xuất phát từ ngã ba Cây Tàng chảy ra. Sông dài 30 km, sâu 5 – 6 mét, nằm trên địa bàn 2 xã Tân Tiến và Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi). Dọc 2 bên bờ sông Đầm Chim là những cánh rừng đước bạt ngàn thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm, khai thác thủy sản sông rạch, trồng rừng. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có nhiều con sông chính đổ ra biển Tây (Vịnh Thái Lan) như sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Trèm Trẹm, sông Cái Tàu, sông Bạch Ngưu, sông Đồng Cùng. Trong đó, sông Bảy Háp dài hơn 50 km, xuất phát từ kinh xáng Đội Cường, chảy ra của Bảy Háp ở biển Tây. Cửa Bảy Háp còn còn tên gọi khác như cửa Gò Công, cửa Rạch Chèo nối liền Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển). Sông Ông Đốc có chiều dài 60 km, xưa có tên gọi là Khoa Giang, khởi thủy từ ngã ba Cái Tàu, tiếp nhận nước từ 2 con sông Cái Tàu và sông Trẹm rồi đổ ra biển Tây. Đoạn từ ngã ba Cái Tàu tới ấp Cỏ Xước sông chảy theo hướng nam. Từ ấp Cỏ Xước ra tới cửa biển, sông chảy theo hướng tây nam. Đây là một trong những con sông có vị trí quan trọng của tỉnh trong việc quy hoạch, phát triển các khu kinh tế hậu cần nghề cá, cảng cá, khu kinh tế khí – điện – đạm…

Những dòng sông, bến nước đã trở thành ký ức tuổi thơ của không biết bao lớp người đã sinh ra và lớn lên trên vùng này. Ảnh:Huỳnh Lâm.

Tỉnh Cà Mau còn có hệ thống rạch chằng chịt và ăn thông với các con sông chính trong vùng. Mỗi một con rạch đều được cư dân từ thời đi khẩn hoang, mở đất đặt tên dựa vào di tích, sự kiện, tên đất, tên người hoặc truyền thuyết như rạch Đình, rạch Trại, rạch Vinh, rạch Hàng Nhỏ, rạch Hàng Lớn, rạch Nàng Chăng, rạch Cây Nhơn, rạch Cá Bông, rạch Cuôi, rạch Ông Bích, rạch Vọp, rạch Chà Là, rạch Bù Mắt, rạch Bỏ Lược…

Đoạn tiếp giáp giữa sông Ông Đốc với sông Cái Tàu và sông Trèm Trẹm. Ảnh:Diễm Phương.

Tỉnh Cà Mau còn có hệ thống kênh đào khá lớn. Sau khi chiếm đóng toàn bộ nước ta, thực dân Pháp bắt đầu đào kênh để khai thác đất đai. Chủ yếu là khai thác ở Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ… Theo số liệu thống kê của thực dân Pháp, tổng số kinh đào bằng cuốc ở Nam Bộ từ thời Pháp chiếm đóng đến năm 1930 là 165 triệu m³. Ở tỉnh Cà Mau có tổng số 12 con kênh đào được thực hiện từ thời Pháp. Kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp, được đào từ năm 1918, từ Ngã Bảy (Hậu Giang) chảy về Cà Mau theo hướng đông bắc tây nam, dài 118 km, rộng trung bình 60 đến 70 mét. Trong đó, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Cà Mau dài 12 km, rộng 50 mét, sâu từ 2,5 đến 3 mét. Kinh Bạc Liêu - Cà Mau, đào từ năm 1914, có chiều dài 70 km, nối liền sông Gành Hào tại Cà Mau với cửa Mỹ Thanh (Sóc Trăng). Phần thuộc tỉnh Cà Mau dài 15 km. Kinh Thọ Mai, nối sông Mỹ Bình với rạch Đồng Cùng, dài 12 km. Kinh Đội Cường, nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào, dài 8km. Kinh Bà Kẹo, nối sông Ông Đốc với Đầm Bà Tường, dài 5km. Kinh Biện Nhị, nối sông Cái Tàu ra cửa Khánh Hội, đổ ra vịnh Thái Lan, dài 17km. Kinh Chắc Băng, đào trước năm 1930, nối sông Trẹm với sông Bạch Ngưu tại vàm Chắc Băng. Kinh xuất phát từ Cạnh Đền (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) chảy về huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Phần trên địa phận tỉnh Cà Mau dài khoảng 15km. Kinh Lộ Xe – Cái Nước, dài hơn 43 km, chạy theo lộ Rau Dừa nối sông Bảy Háp. Kinh Ngang, dài 12 km, nối sông Bảy Háp với sông Cửa Lớn qua thị trấn Năm Căn. Đây là dòng chảy tiếp theo của kinh Lộ Xe - Cái Nước. Kinh Cái Cùng, nối kinh Bạc Liêu – Cà Mau chảy ra biển Đông, dài 11km. Kinh Chợ Hội – Huyện Sử, thuộc huyện Thới Bình, dài trên 10 km, rộng khoảng 30 mét. Kinh Tắc Vân, dài hơn 10 km, nối kinh Bạc Liêu - Cà Mau với sông Gành Hào.

Trong một thời gian dài, hệ thống giao thông đường thủy ở Cà Mau phát triển rất mạnh. Ảnh:Nguyễn Thanh Dũng.

Do có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và ăn thông ra biển nên tỉnh Cà Mau có nhiều cửa biển nổi tiếng như cửa biển Gành Hào, Bồ Đề, Hố Gùi, Rạch Gốc, Rạch Tàu, Rạch Chèo (Bảy Háp), Cái Đôi Vàm, Mỹ Bình, Sông Đốc, Đá Bạc, Khánh Hội, Hương Mai… Vốn là vùng sông nước nên từ lúc khẩn hoang, mở đất, người dân Cà Mau đã cất nhà sinh sống ven theo ở các bờ sông, hình thành những làng ven sông, chợ trên sông, thị trấn ven sông. Hệ thống sông ngòi ở Cà Mau in đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa từ thời khai hoang, mở cõi cho đến 2 cuộc kháng chiến chống pháp và đuổi Mỹ của dân tộc như sông Đầm Dơi, Tam Giang, Ông Đốc, Cái Tàu… Những dòng sông, bến nước đã trở thành ký ức tuổi thơ của không biết bao lớp người đã sinh ra và lớn lên trên vùng này.

Diễm Phương (Nguồn: Địa chí Cà Mau)

Từ khóa » Tỉnh Nào ở Việt Nam Có Chiều Rộng Lớn Nhất