Sông Rạch Là Tài Nguyên đặc Biệt Của Thành Phố - Ubnd Tphcm

(HCM CityWeb) – Đó là nhận định của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025” tổ chức vào ngày 10/9/2019.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh Lê Ngân

Hệ thống kênh rạch là đặc điểm độc đáo của TPHCM

Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả khắp thế giới nên có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ. Từ câu chuyện cải tạo hệ thống cấp thoát nước tại Chicago, Mỹ, GS. Sybil Derrible cho rằng, hệ thống sông rạch đã làm cho TPHCM trở nên độc đáo. Đây là tài sản vật chất - xã hội lớn và nếu quy hoạch tốt, tiếp cận tốt sẽ phát huy khả năng lớn.

PGS- TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, cho rằng, TPHCM đưa quỹ đất và không gian kênh rạch, sông nước Sài Gòn vào phát triển là định hướng rất đúng đắn. TP cần có khung phát triển hệ thống kênh rạch để có tầm nhìn tổng thể, đồng thời có sự mềm dẻo trong kết nối, không thể tách từng dự án ra khỏi hệ thống khi TP đang bị lún và chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Đề nghị TP xây dựng bản đồ địa lý thủy văn để điều hành chung, cũng như kết nối TP cũ với sự mềm mại của hạ tầng xanh mới.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, đề nghị xây dựng một đề án tổng thể, đưa việc tổ chức dòng sông vào đồ án quy hoạch chung TPHCM đợt này. Đây là nền tảng để tính toán việc nên như thế nào đối với bờ kè sông rạch.

Các phát biểu tại hội thảo cho thấy “nút thắt” về vốn đã có giải pháp. Đơn vị đang nghiên cứu chỉnh trang dự án rạch Xuyên Tâm cho biết Tổ chức JICA sẽ cho vay đến 70%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng tài trợ vốn cho các dự án cải tạo sông rạch…

Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. TP đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên.

Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng, môi trường của bờ kè, kênh rạch của TP. Xác định được những vấn đề trọng tâm của bờ kè sông rạch trong nội thành, không chỉ quy hoạch mà còn phải có khung pháp lý để phát triển; chỉ ra các tồn tại hạn chế, gợi mở nhiều vấn đề để khai thác hiệu quả. Từ đây, TP sẽ xây dựng quy hoạch, khung pháp lý, quy chế quản lý đầy đủ, trong đó xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp cũng như có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. TP sẽ xây dựng kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương…. Việc xây dựng bờ kè sẽ đi từ thấp đến cao, từ đường đất, đến bê tông, đường nhựa. Về nguồn lực, TP sẽ có nhiều cơ chế huy động, xây dựng một số vùng đệm vừa khai thác vừa bảo vệ.

“TP phải hướng đến đô thị sông nước. Khi dự án chống ngập vùng trung tâm hoàn thành, TPHCM sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước. Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của người dân TP. Tất cả chúng ta có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian ấy trở thành một đô thị sông nước hài hòa với tự nhiên, thân thiện với môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân TP”, ông Võ Văn Hoan nêu ý kiến.

Kênh Tàu Hủ và đường Võ Văn Kiệt đoạn quận 6, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Cuối 2019 có định hướng quy hoạch phát triển đất ven sông

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, sông nước đối với TPHCM là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt nên phải được sử dụng, phát triển tốt trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một số nước gặp sai lầm trong quy hoạch nên TPHCM phải tham khảo kinh nghiệm của các nước để lập, thực hiện quy hoạch kè sông và phát triển đất ven sông với kinh nghiệm mới nhất, tránh được những sai lầm. Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, bờ sông phải được quy hoạch đa chức năng, vừa ngăn nước, vừa làm đường giao thông và cũng có thể tạo không gian mở để người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí hoặc dùng xây dựng các công trình khác. Đến cuối năm 2019, UBND TPHCM có định hướng về quy hoạch xây dựng kè và phát triển đất ven sông, kênh tại TPHCM giai đoạn đến 2030 và định hướng đến năm 2050; đồng thời xây dựng quy chế quản lý, thực hiện quy hoạch này.

Ven sông Sài Gòn khu vực Thảo Điền. Ảnh Quang Định

Để đảm bảo yêu cầu trên, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý những công việc cần thực hiện trong thời gian tới. Trước tiên là tiếp tục tổ chức chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch, phát triển ven sông của các nước. Đồng thời, TPHCM cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập úng và thoát nước của thành phố, định hướng lại những giải pháp vĩ mô trong chống ngập. Ở nhóm vấn đề này, TPHCM sẽ cân nhắc đến khả năng xây đê chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực huyện Cần Giờ. Cùng với đó là làm rõ các giải pháp kỹ thuật xây kè sông đa chức năng nhanh với chi phí thấp. Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm các nước xây dựng mô hình hợp tác xây dựng kè và phát triển đất ven sông. Mô hình này không chỉ theo hình thức đối tác công - tư (PPP), mà bên cạnh nhà nước, doanh nghiệp thì người dân cũng được tham gia. Việc này nhằm đảm bảo vừa thuận theo các quy luật tự nhiên (của tài nguyên nước), người dân khu vực đồng thuận và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp (khi tham gia đầu tư) cùng chính quyền.

Từ khóa » Hệ Thống Kênh Rạch Tphcm