Sông Sài Gòn: Bức Tranh đẹp Nhưng Chưa đắt Giá - PLO

LTS: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tại TP.HCM vừa là đặc trưng vừa có vai trò quan trọng trong phát triển không gian đô thị nói chung. Đặc biệt, sông Sài Gòn với 80 km uốn lượn như một điểm nhấn và cũng là tiềm năng kinh tế của TP nếu được quy hoạch tốt.

Trong bối cảnh sông Hồng (TP Hà Nội) đã có quy hoạch dọc sông, sông Hương (TP Huế) cũng tương tự, bài toán quy hoạch, khai thác dọc sông Sài Gòn đang được TP.HCM rất quan tâm. Các sở, ban, ngành chuyên môn và UBND TP cũng đang có nhiều kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng ven con sông lớn và mang đậm bản sắc của Sài Gòn.

Xuôi theo sông Sài Gòn, từ trung tâm TP.HCM đổ về phía quận 7 hay huyện Củ Chi, chúng ta có thể nhận ra tình trạng quy hoạch không đồng đều ven sông. Lần rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc sông Sài Gòn gần nhất của Sở QH-KT TP.HCM đã nêu lên thực trạng của hai bên dòng sông này. Việc lấn chiếm dọc sông để làm dự án nhà ở, dịch vụ buôn bán đang diễn ra phổ biến.

Một khúc sông Sài Gòn nhìn từ trên cao. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Sơ đồ ba vùng thượng, trung, hạ lưu sông Sài Gòn theo phân chia của Sở QH-KT TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG

Bờ sông “lỗ chỗ”, nhiều nơi bị lấn chiếm

Những ngày cuối tháng 5, PV Pháp Luật TP.HCM đã khảo sát xuôi theo con sông Sài Gòn từ trung tâm TP.HCM hướng về phía quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Lộ trình tiếp theo là từ khu vực cầu Bình Lợi về hướng qua khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) và vòng quanh bán đảo Thanh Đa, cầu Bình Triệu. Những nơi chúng tôi đi qua đều chứng kiến nhiều hình ảnh trái ngược nhau của đôi bờ dòng sông.

“Bên bờ kia là trung tâm TP.HCM với hàng loạt dãy nhà chọc trời và khu cao ốc. Còn bờ sông bên khu Thủ Thiêm thì “đồng không mông quạnh”. Khu Thảo Điền, bờ sông là khu biệt thự của nhà giàu, đối lập là bán đảo Thanh Đa lại gần như hoang bờ” - anh Văn Dũng, người lái canô trên sông Sài Gòn vừa khoát tay vừa nói.

Thật vậy, đô thị dọc sông Sài Gòn hiện nay còn phát triển manh mún, chưa có thiết kế đô thị một cách khoa học, bài bản. Ngay như khu Thảo Điền (TP Thủ Đức), nơi đây vốn được mệnh danh là khu nhà giàu, với hàng loạt biệt thự san sát nhau thì bờ sông lại được xem là “của riêng”, tạo “view” sông cho riêng mình.

Quay ngược lại, xuôi về phía cầu Bình Lợi là một hình thái khác khi bờ sông được phát triển bởi các cụm dân cư, nhà riêng lẻ không theo một quy luật nào. Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm hành lang sông vô tội vạ như làm quán cà phê, quán ăn sát bờ sông để kinh doanh.

Đánh giá chung về hiện trạng cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn, báo cáo năm 2019 của Viện Quy hoạch xây dựng (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cũng cho biết cảnh quan bờ sông phát triển chưa đồng đều, chủ yếu khu vực trung tâm thuộc bờ tây, tạo nên áp lực lớn về mặt hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông.

Vạch rõ thực trạng sử dụng hai bờ sông

Trong lần rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc sông Sài Gòn gần nhất, Sở QH-KT TP.HCM chỉ rõ thực trạng sử dụng của hai bờ sông Sài Gòn. Cụ thể, sông Sài Gòn khúc chảy qua TP.HCM có thể phân chia thành ba đoạn, với 50 quy hoạch phân khu (hiện tất cả đã phủ kín).

Đoạn 1: Từ ranh giới phía bắc TP đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, một phần quận Bình Thạnh (phía bờ tây) và một phần TP Thủ Đức (phía bờ đông) đến cầu Bình Triệu. Đoạn này có chiều dài khoảng 60 km, chia tiếp thành hai đoạn 1A và 1B.

Đoạn lA: Từ ranh giới phía bắc TP thuộc địa bàn huyện Củ Chi đến cầu Bình Phước trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn quận 12 (chiều dài khoảng 54 km). Đoạn này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 15 đồ án. Định hướng quy hoạch là các khu vực du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng và khu dân cư nông thôn kết hợp với kinh tế vườn, các khu nhà ở mật độ thấp.

Đoạn 1B: Từ cầu Bình Phước (quốc lộ 1A) đến cầu Bình Triệu đi qua quận 12, quận Bình Thạnh và một phần TP Thủ Đức. Đoạn này có chiều dài khoảng 6 km, là khu vực đã và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đoạn này cũng đã phủ kín quy hoạch phân khu với 10 đồ án, định hướng quy hoạch chủ yếu là khu dân cư.

Đoạn 2: Từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận đi qua quận Bình Thạnh (phía bờ tây) và một phần TP Thủ Đức, chiều dài khoảng 15 km. Đây là đoạn đã đô thị hóa với mật độ cao, trong đó có trung tâm TP.HCM 930 ha là khu vực tập trung các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng cấp TP, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch và nhà ở quy mô lớn. Đây cũng là khu vực có tiềm năng phát triển các ngành thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi giải trí.

Đoạn 3: Từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đò, quận 7 ở bờ phía tây và một phần TP Thủ Đức (bờ phía đông), chiều dài khoảng 6 km.

Không gian ven bờ sông đoạn 3 phần lớn là đất trống, cây xanh tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng thành công viên cây xanh theo quy hoạch. Công trình kiến trúc dọc bờ sông chủ yếu là dạng nhà ở thấp tầng (nhà biệt thự, nhà liền kề...).

Đoạn này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 12 đồ án (bảy đồ án bờ tây và năm đồ án bờ đông). Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư, công nghiệp, kho bãi hàng hóa gắn với cảng sông và khu công viên văn hóa giải trí tại khu vực mũi Đèn Đỏ.

Cách làm kinh tế, dịch vụ như thế nào?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, nói: “Chúng tôi vừa trình dự thảo phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 TP.HCM và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 cho UBND TP.HCM”.

Theo Sở QH-KT, một trong những định hướng của đề án là xác định tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, nguyên tắc, các tiêu chí đầu tư xây dựng phát triển kè sông, kinh tế dịch vụ ven sông, thông qua việc phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng.

Ý tưởng của dự thảo quy hoạch này là đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông. Từ đó hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng (bao gồm chức năng về giao thông thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế, dịch vụ).

Về lộ trình thực hiện, từ nay đến năm 2025 sẽ có ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tập trung triển khai chương trình hành động cải tạo chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn (đoạn chảy qua khu vực trung tâm TP) gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ.

Thứ hai, ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Thứ ba, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí.

Từ năm 2025 đến 2045 cũng có ba nhiệm vụ. Thứ nhất, triển khai dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí theo kế hoạch.

Thứ hai, hoàn chỉnh các pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông. Thứ ba, liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông. Việc rà soát phải theo hướng đảm bảo lợi ích chung của TP, phù hợp với chủ trương, định hướng quy định cấp cao hơn, đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung.

Về giải pháp cụ thể, Sở QH-KT đề xuất phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan sông Sài Gòn thành ba vùng gồm: Thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.

Vùng thượng lưu: Giải pháp sẽ là phối hợp các tỉnh đầu nguồn như Bình Phước, Tây Ninh quản lý đầu nguồn nước, phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái nước đầu nguồn. Xem xét, tính toán đến việc kết nối hai bờ bằng cầu đường bộ, thúc đẩy liên kết vùng TP.HCM.

Vùng trung và hạ lưu được chia thành hai đoạn: Đoạn 1 từ tỉnh Bình Dương đến TP thủ Đức và đoạn 2 từ TP Thủ Đức đến mũi Đèn Đỏ (quận 7). Riêng đoạn 2 tiếp tục được chia thành năm khu vực nhỏ. Trong năm khu vực nhỏ thì khu vực quan trọng nhất là khu vực sông Sài Gòn đi qua khu trung tâm hiện hữu lịch sử (930 ha). Đây là khu vực có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ và có tiềm năng phát triển kinh tế, dịch vụ ven sông.

“Khu vực này (sông qua khu trung tâm) cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2020-2025, nhằm xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị” - đề án Sở QH-KT nêu.•

83 dự án nhà ở ven sông

Theo báo cáo rà soát quy hoạch của Sở QH-KT TP trên toàn tuyến sông Sài Gòn (chảy qua TP.HCM) có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí. Tổng diện tích các dự án thống kê chưa đẩy đủ khoảng 454,22 ha.

Diện tích quy hoạch cây xanh hành lang bảo vệ bờ sông (bao gồm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật) khoảng 431 ha (chiều rộng hành lang bờ sông từ 30 đến 50 m), trong đó có khoảng 165 ha (chiều rộng hành lang bờ sông 50 m) thuộc khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, dọc tuyến sông Sài Gòn có hàng trăm lô đất, công trình ảnh hưởng hành lang an toàn.

Triển khai các dự án điển hình

Theo Sở QH-KT, trong giải pháp khai thác dọc sông Sài Gòn, quan trọng là lập quy hoạch, thiết kế đô thị. Cụ thể, khi điều chỉnh quy hoạch các khu vực hành lang dọc sông Sài Gòn cần làm rõ các khu vực thuận lợi phát triển không gian công cộng dịch vụ, cảnh quan; đồng thời tạo không gian phát triển hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, áp dụng mô hình TOD (phát triển giao thông dựa trên định hướng giao thông công cộng) tại các vị trí thích hợp.

Ngoài ra, cần triển khai các quy định, hướng dẫn về thiết kế đô thị, nguyên tắc xác định ranh, khoảng lùi, chỉ tiêu kiến trúc công trình dọc sông; nghiên cứu xây dựng công cụ quản lý quy hoạch tích hợp đa ngành và đồng bộ theo các chiến lược phát triển. Cạnh đó, triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng công trình tại các khu vực ven sông theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư.

Một nội dung quan trọng của đề án là nêu việc cần triển khai các dự án điển hình ven sông, cụ thể là các dự án theo kế hoạch, lộ trình được duyệt; triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh, kè bờ theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian. Đồng thời cần rà soát, đánh giá và lập kế hoạch điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch đô thị tại khu vực (đề án điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực sông Sài Gòn); triển khai các đồ án quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị điển hình…

Rà soát quy hoạch, xử lý việc lấn chiếm ven sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ vùng đồi thấp, có độ cao tương đối khoảng 150 m so với mực nước biển. Từ huyện Lộc Ninh, Bình Phước, sông chảy dọc địa phận ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, rồi chảy tiếp qua hồ Dầu Tiếng (Bình Dương). Sông Sài Gòn cũng là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bình Dương với TP.HCM, hợp với sông Đồng Nai thành hệ thống sông Đồng Nai, đổ ra biển. Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256 km, chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80 km.

Trong cuộc họp vào tháng 5-2021 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: “TP giao Sở Xây dựng rà soát, tham mưu UBND TP.HCM xem xét, xử lý các công trình vi phạm ven sông Sài Gòn”.

Theo ông Phong, cần phải nâng cao nhận thức sông Sài Gòn là một tài sản quý báu của TP.HCM. Do đó cần phải có quy hoạch, gìn giữ và phát triển sông Sài Gòn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Ngoài ra, chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở QH-KT khẩn trương tham mưu UBND TP điều chỉnh cục bộ quy hoạch ven sông Sài Gòn làm cơ sở để xây dựng đề án phát triển kinh tế, dịch vụ ven sông Sài Gòn. Cạnh đó, để có cơ sở điều chỉnh quy hoạch ven sông Sài Gòn, Sở QH-KT TP.HCM phải tiến hành và báo cáo việc rà soát lại quy hoạch ven sông. Công tác mà lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu sở này triển khai từ tháng 10-2019.

KIÊN CƯỜNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Bờ Kênh đẹp