Sống Sót Sau 49 Ngày Lênh đênh Trên Biển - Báo Cần Thơ Online

Tựa như trong truyện cổ tích, một thiếu niên Indonesia đã sống sót kỳ diệu dù trôi dạt 49 ngày trên Thái Bình Dương trên một lều gỗ mong manh.

Ảnh: lailasnews

Trong buổi trực gác đèn bẫy cá cách bờ biển tỉnh Bắc Sulawesi 130km hồi giữa tháng 7, chiếc lều gỗ không mái chèo lẫn động cơ của Aldi Novel Adilang (ảnh) bị gió mạnh thổi đứt dây neo và đẩy ra biển xa. Sau khi cạn kiệt thức ăn, Adilang bắt cá và uống nước biển được lọc bằng quần áo (nhằm làm giảm lượng muối) để cầm cự qua ngày. Khi hết gas, cậu quay sang đốt các hàng rào của bè để nấu nướng. Chàng trai 19 tuổi đã chật vật giữ vững tinh thần khi mà hơn 10 chiếc tàu chạy qua nhưng không phát hiện.

Cuộc phiêu lưu gần 2.500km của Adilang kết thúc vào ngày 31-8 khi cậu nhận thấy một tàu chở dầu treo cờ Panama gần đó. Lúc này Adilang đang ở vùng biển gần đảo Guam của Mỹ. Vẫy mảnh vải để gây chú ý nhưng bất thành, Adilang bật radio sang tần số khẩn cấp và may mắn được thuyền trưởng bắt sóng. Tuy nhiên, quá trình giải cứu cũng không đơn giản do sóng to. Khi đó, chiếc tàu lớn cứ xoay quanh lều gỗ bé xíu, khiến Adilang không thể nhảy lên tàu, do vậy các thủy thủ phải ném dây cho cậu. Trong tuyệt vọng, cậu đành nhảy xuống biển để bắt lấy dây và cuối cùng được đưa lên tàu an toàn. Họ đưa Adilang đến Nhật Bản để lãnh sự quán Indonesia tại đây hỗ trợ hồi hương và đến đầu tháng này mới đoàn tụ với gia đình ở Manado. Adilang tiết lộ tinh thần bị ảnh hưởng, bởi có thời điểm tính chuyện nhảy xuống biển để tự sát. Những lúc đó, Adilang nhớ lời khuyên của cha mẹ: khi tuyệt vọng, hãy cầu nguyện.

Mặc dù câu chuyện của Adilang kết thúc có hậu và nhân vật chính hiện khỏe mạnh, vụ việc này cũng phơi bày những hiểm nguy mà người làm nghề gác đèn bẫy cá, một trong những công việc cô đơn nhất thế giới, phải đối mặt. Adilang được thuê mỗi đêm thắp sáng các ngọn đèn quanh lều gỗ bằng một máy phát điện để thu hút và bẫy cá. Chủ lao động chỉ trang bị cho cậu một chiếc bộ đàm để liên lạc và trả lương 130 USD/tháng. Tiếp xúc với con người duy nhất diễn ra một lần trong tuần khi ai đó đến để thu hoạch cá và tiếp tế lương thực, nhiên liệu và nước sạch. Sau 3 năm theo nghề, Adilang cho biết không muốn làm công việc này nữa. Sự cố trên là lần thứ ba bè gỗ của Adilang bị trôi dạt. Hai lần trước cậu được cứu bởi tàu của chủ.

Đánh cá là kế sinh nhai quan trọng ở Indonesia, quốc gia xuất khẩu hơn 3,1 tỉ USD hải sản trong năm 2016, theo dữ liệu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph, AP)

Từ khóa » Hình Sống Sót Trên Biển