Sông Tarim – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt

Sông Tarim được hình thành từ sự hợp lưu của các sông Aksu, Yarkand và sông Hotan (hay sông Hòa Điền, thường khô cạn) ở khoảng 37 km (23 dặm Anh) phía xuôi dòng từ nơi hợp lưu của sông Yarkand và sông Kashgar tại miền tây Tân Cương. Chỉ có sông Aksu là có dòng chảy quanh năm. Nó là chi lưu quan trọng nhất của sông Tarim, cung cấp khoảng 70–80% lượng nước của con sông chính này. Tên gọi Tarim được sử dụng cho đoạn phía dưới nơi hợp lưu của sông Hotan. Tổng chiều dài hệ thống sông Yarkand-Tarim là khoảng 2.030 km (1.261 dặm Anh), mặc dù sông Tarim thường xuyên thay đổi dòng chảy của nó nên tổng chiều dài cũng thay đổi theo thời gian. Trước khi hoàn thành các hồ chứa nước và hệ thống tưới tiêu vào giữa thế kỷ 20 thì nước từ sông Tarim cuối cùng chảy tới Lop Nur (hiện nay là phần đáy hồ che phủ bằng các lớp muối). Hiện tại nước sông Tarim chảy không liên tục vào hồ Taitema, một hồ khoảng 160 km (100 dặm Anh) ở phía tây nam Lop Nur. Diện tích lưu vực sông Tarim là khoảng 557.000 km² (215.000 dặm vuông Anh). Một phần đáng kể của sông Tarim là không cố định, với lòng sông không rõ ràng. Lượng nước ở phần hạ du sông Tarim bị thu nhỏ do sự bay hơi nhanh cùng các hệ thống phân chia nước. Thời kỳ ít nước của sông Tarim là từ tháng 10 cho tới tháng 4 năm sau. Về mùa xuân và mùa hè thì nước dâng lên từ tháng 5 và kéo dài tới tháng 9 do tuyết tan chảy từ các dãy núi Thiên Sơn và Côn Lôn.

Nó là con sông nội lưu dài nhất tại Trung Quốc với tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm đạt 4-6 tỷ mét khối (127–190 m³/s). Khu vực thung lũng sông Tarim là quê hương của gần 10 triệu người Hán cùng các dân tộc thiểu số khác, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Mông Cổ.

Sông Tarim là một con sông nông, không thích hợp cho giao thông thủy, và do nó chứa nhiều bùn nên tạo thành nhiều sông con gần cửa sông trong vùng lòng chảo Godzareh. Nó cũng là nguồn gốc để đặt tên cho vùng bồn địa Tarim lớn và khô cằn nằm giữa hai dãy núi Thiên Sơn và Côn Lôn ở Trung Á.

Sông Tarim chảy ngay ở phía bắc cao nguyên Thanh Tạng. Nó chảy trong phần lớn chiều dài của mình qua sa mạc Taklamakan. Từ 'tarim' được sử dụng để chỉ phần bờ của các đoạn sông mà nó chảy được vào hồ hoặc phần bờ của các đoạn sông mà nó không thể phân biệt được với cát từ sa mạc. Đây cũng là đặc trưng thủy văn của nhiều con sông chảy ngang qua vùng cát của sa mạc Taklamakan. Một đặc trưng khác của các con sông trong bồn địa Tarim, bao gồm cả chính sông Tarim, là sự dịch chuyển dòng chảy của chúng, nghĩa là sự dịch chuyển của cả các bờ và lòng sông.

Vùng lưu vực hạ du sông Tarim là một bình nguyên khô cằn hợp thành từ các trầm tích hồ và bồi tích, được giới hạn bởi các dãy núi hùng vĩ. Vùng bình nguyên này là khu vực khô cằn nhất trên đại lục Á-Âu. Phần chủ yếu của nó là sa mạc Taklamakan, với diện tích chứa toàn cát là trên 270.000 km² (105.000 dặm vuông Anh). Ngoài ra, tại đây còn một vài khối núi tương đối nhỏ với diện tích trong khoảng 780-4.400 km² (300-1.700 dặm vuông Anh). Các cồn cát là kiểu địa hình chủ yếu.

Từ khóa » Bồn địa Duy Ngô Nhĩ