Sóng Thần Là Gì Và Nó được Hình Thành Như Thế Nào?

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta, dù ít hay nhiều, cũng đã từng được nghe về sóng thần - một trong những hiện tương thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp nhất. Tuy nhiên liệu bạn đã thực sự hiểu rõ sóng thần là gì và nó được hình thành như thế nào hay chưa? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm lời giải đáp cho một số câu hỏi xoay quanh “cơn phẫn nộ của đại dương”.

Sóng thần là gì và nó được hình thành như thế nào?

Mục lục

  • Sóng thần là gì?
  • Sóng thần bắt nguồn từ đâu?
    • Nguyên nhân hình thành sóng thần:
    • Sự hình thành sóng thần xảy ra như thế nào?

Sóng thần là gì?

Sóng thần có thể hiểu là một loạt các đợt sóng liên tiếp, xảy ra khi một khối nước đại dương khổng lồ bị dịch chuyển một cách chớp nhoáng trên một phạm vi rất lớn. Về bản chất vẫn có thể coi sóng thần như những cơn sóng biển thông thường khác. Tuy nhiên nguyên nhân tạo ra sóng thông thường là do gió còn nguyên nhân tạo ra sóng thần là do sự dịch chuyển đi lên của một khối nước khổng lồ. Bên cạnh đó, những cơn sóng thông thường chỉ có chiều dài khoảng 150 mét trong khi chiều dài của sóng thần có thể lên tới hàng trăm kilômét (km). Nguyên nhân gây ra sóng thần có thể là do động đất, núi lửa phun trào, lở đất hay va chạm thiên thạch.

Định nghĩa sóng thần là gì?

Sóng thần bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân hình thành sóng thần:

Để giải thích cho hiện tượng hình thành sóng thần, trước hết chúng ta sẽ cần phải tìm hiểu qua một chút về cấu tạo của vỏ Trái Đất. Theo đó, phía ngoài cùng của vỏ Trái Đất gồm hai lớp là thạch quyển và quyển mềm. Thạch quyển gồm những lớp đất đá cứng tạo nên các mảng kiến tạo riêng biệt, mỗi mảng này sẽ tạo thành lục địa hoặc đáy đại dương. Còn quyển mềm tuy cũng bao gồm các lớp vật chất cứng song nhiệt độ và áp suất rất cao đã khiến chúng trở thành dạng dẻo với độ nhớt nhẹ. Chính độ nhớt đó đã khiến cho các mảng kiến tạo bên trên luôn luôn chuyển động với vận tốc rất chậm (khoảng 50 - 100mm/năm).

Khi hai mảng kiến tạo va vào nhau, một mảng sẽ bị đẩy lên còn mạng kia đi xuống. Và khi sức ép do vụ va chạm vượt quá khả năng chịu đựng của mảng, sự đứt gãy xảy ra, giải phóng một nguồn năng lượng khổng lồ và gây ra động đất. Nếu vụ động đất này xảy ra ở dưới đáy đại dương, nguồn năng lượng đó sẽ tác động vào nước biển khiến cho một thể tích nước khổng lồ bị đẩy lên cao. Sau đó dưới sự tác động của trọng lực, khối nước này lại bị kéo xuống, tạo nên những cơn sóng thần. Đây chính là nguyên nhân giải thích sự hình thành do động đất dưới đáy biển. Bên cạnh đó, núi lửa phun trào, va chạm thiên thạch hay lở đất cũng có thể là nguyên nhân khiến cho một khối lượng nước cực lớn bị dịch chuyển và từ đó tạo ra sóng thần.

Nguyên nhân hình thành sóng thần

Núi lửa phun trào dưới đại dương là một trong những nguyên nhân gây sóng thần

Sự hình thành sóng thần xảy ra như thế nào?

Khi một khối lượng nước khổng lồ bị dịch chuyển vị trí (mà cụ thể hơn là bị đẩy lên cao), chúng sẽ nhanh chóng rơi xuống do sự tác động của trọng lực. Sau khi rơi xuống, chúng sẽ tỏa gợn sóng ra khắp đại dương như thể bạn ném một cục đá vào trong ao nước và đây chính là lúc sóng thần hình thành. Thông thường nguồn năng lượng của một cơn sóng thần sẽ hướng xuống đáy biển do đó ở những vùng nước sâu, chiều dài sóng thường rất thấp và những người ở trên tàu giữa đáy đại dương thường rất khó nhận ra sóng thần. Sau đó, cơn sóng đi qua đại dương với vận tốc trung bình khoảng 700 - 800 kilômét một giờ (km/h). Khi đến gần đất liền, do vùng nước trở nên nông hơn, nguồn năng lượng khổng lồ bắt đầu đẩy nước lên cao và tạo thành một bức tường nước khổng lồ. Lúc này, vận tốc của con sóng cũng được giảm xuống còn khoảng 20 - 50 km/h, nhỏ hơn rất nhiều so với lúc ở trên đại dương song rõ ràng con người cũng không thể chạy được với tốc độ như vậy.

Thông thường, những cơn sóng thần chứa một nguồn năng lượng khổng lồ, di chuyển với tốc độ cao ngoài đại dương và mất rất ít năng lượng. Do đó một trận sóng thần có thể gây thiệt hại cực lớn ở khu vực cách nơi chúng bắt đầu tới hàng nghìn km. Bên cạnh đó, sóng thần sẽ gồm những đợt sóng liên tiếp nhau đồng thời cách càng gần đất liền thì chu kỳ sóng càng giảm. Vì vậy mà mỗi trận sóng thần thường sẽ bao gồm nhiều đợt sóng nhanh và mạnh ập vào liên tiếp.

Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi muốn chia sẻ để giải đáp các thắc mắc sóng thần là gì cũng như sóng thần được hình thành như thế nào. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã có thêm một số kiến thức để có thể hiểu thêm về “cơn phẫn nộ của đại dương” và từ đó có biện pháp đề phòng nếu chẳng may gặp phải. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!

Mời các bạn cùng xem clip dưới đây để hiểu rõ hơn về quá trình hình thành sóng thần

Từ khóa » Nguyên Nhân Hình Thành Sóng Thần Là Gì