Sốt Xuất Huyết - Trung Tâm Y Tế Quận

1.Tổng quan về sốt xuất huyết: -Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác. -Trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti, còn được gọi là muỗi vằn. -Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, gặp cả trẻ em và người lớn. -Bệnh xảy ra quanh năm và tăng vào mùa mưa, triệu chứng của bệnh dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 2.Đặc điểm của muỗi truyền bệnh:

-Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. -Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. -Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/ xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. -Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây,...các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp hoa, vỏ dừa, -Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C 3.Giai đoạn bệnh:

-Thường khởi phát đột ngột và diễn tiến qua 3 giai đoạn: +GĐ sốt (N1 – N3): Người bệnh sốt cao, đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Da sung huyết, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Trong giai đoạn này, bệnh chưa có các dấu hiệu rõ ràng nên rất khó phân biệt với các loại sốt khác. Để xác định có bị sốt xuất huyết hay không, người bệnh nên đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm và được điều trị kịp thời. +GĐ nguy hiểm (N4 – N6): thường vào ngày 3-7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, dấu hiệu xuất huyết da niêm và tạng, nặng sẽ có thể dẫn tới sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp không đo được), tụt hay không đo được +GĐ hồi phục (>N7): Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, kéo dài 48-72 giờ.. Người bệnh hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Có thể phát ban, nhiều nhất ở hai chân 4.Chẩn đoán:

-Chẩn đoán thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng cũng như các xét nghiệm đơn giản.. Chẩn đoán lâm sàng dựa vào Tổ chức Y tế Thế giới 2009, chia làm 3 mức độ: +Sốt xuất huyết Dengue +Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo +Sốt xuất huyết Dengue nặng 4.1. Sốt xuất huyết Dengue: a)Lâm sàng: -Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: -Biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chân răng (ít/nhẹ) -Da sung huyết, phát ban -Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn -Đau cơ, khớp, nhức hai hố mắt b)Xét nghiệm máu: -Dung tích hồng cầu (Hematocrite - Hct) bình thường hoặc tăng. -Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm. -Số lượng bạch cầu thường giảm. 4.2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: a)Lâm sàng: -Bao gồm các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau: +Vật vã, lừ đừ, li bì +Đau bụng hoặc ấn đau vùng gan +Gan to > 2cm dưới bờ sườn +Nôn ói nhiều +Xuất huyết niêm mạc +Tiểu ít b)Xét nghiệm máu: -Dung tích hồng cầu (Hematocrite - Hct) tăng cao. -Số lượng tiểu cầu giảm nhanh chóng. 4.3. Sốt xuất huyết Dengue nặng: -Sốc sốt xuất huyết Dengue -Xuất huyết nặng -Suy tạng 5.Biến chứng: Bệnh tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: ●Trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nguyên nhân là do virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. ●Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa. ●Hạ tiểu cầu khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Chính vì vậy, người bệnh cần được làm xét nghiệm công thức máu để có được phác đồ điều trị hợp lý. ●Sốt xuất huyết biến chứng nặng gây tổn thương mạch máu dẫn đến chảy máu cam, nướu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu chảy ồ ạt ra ngoài cơ thể dẫn đến tử vong. ●Cũng từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim, suy thận do tình trạng xuất huyết liên tục làm rối loạn hệ thống tuần hoàn. Đặc biệt khi tim không được bơm đủ máu có thể dẫn đến tràn dịch màng tim. ●SXHD có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt. 6.Điều trị: -Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng -Thời gian điều trị: chủ yếu từ 7 - 10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên. -Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sỹ khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú cho người bệnh và thân nhân hiểu rõ -Khi người bệnh sốt: Lau mát bằng nước ấm, sử dụng Paracetamol đơn chất, liều dùng 10-15 mg/kg cân nặng/ lần, cách nhau 4-6 giờ (đường uống hoặc nhét hậu môn) khi nhiệt độ >= 38,5 độ C,. Tổng liều không quá 60mg/kg /24 giờ. Không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu. -Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước, nước trái cây ( nước cam, chanh, nước dừa,...), Oresol, nước cháo loãng với muối. -Cần tái khám nhập viện khi có dấu hiệu sau: ●Tổng trạng của bệnh nhân tự nhiên bồn chồn, kích thích, vật vã hay li bì ●Triệu chứng nôn tăng lên về số lần và lượng dịch nôn ● Bệnh nhân than đau bụng hoặc tăng dần cảm giác đau ●Đi tiểu ít: Số lần đi ít hơn và số lượng cũng giảm hơn. ●Xuất hiện chảy máu bất kỳ vị trí nào: chân răng, máu cam… 7.Phòng bệnh:

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có vaccin dự phòng nên cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt: -Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: + Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. + Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. + Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. + Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. -Phòng chống muỗi đốt: + Mặc quần áo dài tay. + Ngủ trong màn/ mùng kể cả ban ngày. + Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… + Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. + Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. -Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. 8.Chăm sóc và theo dõi: -Chế độ dinh dưỡng: +Nên: ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, chia thành nhiều bữa nhỏ, tăng cường uống nhiều nước, nước trái cây, Oresol hay nước cháo loãng với muối +Không nên: ăn thức ăn hay nước có màu nâu hay đỏ (huyết động vật, socola, cà phê, nước xá xị, các loại đậu sẫm màu, …) vì dễ nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa -Các dấu hiệu cần chú ý và theo dõi: +Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ ngày, số lượng nước tiểu mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy,... +Chú ý tình trạng tri giác: tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ, … và tình trạng xuất huyết (nếu có): chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đi cầu ra máu đi cầu phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu,... 9.Lưu ý trong quá trình điều trị: -Uống nhiều nước, tăng cường nước ép hoa quả như cam, bưởi, chanh, nước dừa, … không uống rượu bia, cà phê, nước có gas hay nước có màu sẫm -Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh các thức ăn màu đỏ sẫm để tránh nhầm lẫn xuất huyết tiêu hóa -Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng -Uống thuốc hạ sốt theo toa, theo chỉ định của bác sỹ -Liệt kê các loại thuốc đang dùng tại nhà kèm theo tình trạng dị ứng thuốc để bác sỹ theo dõi -Cần đến bệnh viện khi có các triệu chứng sau: +Tổng trạng của bệnh nhân tự nhiên bồn chồn, kích thích, vật vã hay li bì +Triệu chứng nôn tăng lên về số lần và lượng dịch nôn + Bệnh nhân than đau bụng hoặc tăng dần cảm giác đau +Đi tiểu ít: Số lần đi ít hơn và số lượng cũng giảm hơn. +Xuất hiện chảy máu bất kỳ vị trí nào: chân răng, máu cam…

Bs.Lê Nguyễn Bá Hùng - Trưởng Phòng khám

Từ khóa » Tổng Quan Về Bệnh Sốt Xuất Huyết