Startup Số Hóa Sổ Bán Hàng Việt Nam được đầu Tư 1,5 Triệu USD

Vài tháng trước, hai anh em Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long phát triển một ứng dụng ghi sổ cho các tiểu thương tại Việt Nam. Với tên gọi SoBanHang, ứng dụng này giúp các cửa hàng “số hóa” cuốn sổ cái truyền thống của mình.

Startup số hóa sổ bán hàng Việt Nam được đầu tư 1,5 triệu USD - Ảnh 1.

Một khách hàng của SoBanHang

Khi Covid-19 ập tới, SoBanHang lại cùng với họ đối phó với khó khăn. Nhóm tổ chức sự kiện hackathon tìm ra ý tưởng sản phẩm mới để người bán lẻ tạo cửa hàng trực tuyến và quản lý đơn hàng. Từ khi ra mắt 3 tháng trước, gần 20.000 người đã đăng ký SoBanHang, nhiều người trong số đó lần đầu bán hàng qua mạng.

Hôm 24/8, SoBanHang cho biết vừa huy động thành công 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống, với sự tham gia từ các nhà đầu tư như FEBE Ventures, Class 5, Kevin P.Ryan – nhà sáng lập Gilt Groupe, Business Insider và MongoDB.

Trước khi giới thiệu SoBanHang, Bùi Hải Nam sáng lập Datamart Solutions, nền tảng phân tích và tự động hóa dữ liệu, đồng thời làm việc tại Lazada. Trong khi đó, Bùi Hải Long có vài năm ở vị trí quản lý tại Lazada trước khi giữ chức Giám đốc Công nghệ và Giám đốc Phân tích tại Landers Superstore, một chuỗi siêu thị Philippines.

Ý tưởng về SoBanHang nảy ra khi Bùi Hải Nam ghé thăm một cửa hàng tạp hóa. Chủ cửa hàng nhìn thấy chiếc áo Lazada mà anh đang mặc và hỏi làm cách nào để bắt đầu bán hàng qua mạng. Vì vậy, anh giúp họ đăng ký tài khoản trên Shopee và đăng ảnh, mô tả sản phẩm.

“Sau khi cài đặt xong xuôi, họ nhận được đơn hàng đầu tiên và lại hỏi tôi: “Làm sao để giao hàng”, anh nhớ lại. “Tôi nói rằng một bên vận chuyển sẽ đến và nhận hàng. Sau đó là câu hỏi về tiền. Họ không hiểu quy trình và không thấy thoải mái khi gửi hàng cho bên vận chuyển”.

Startup số hóa sổ bán hàng Việt Nam được đầu tư 1,5 triệu USD - Ảnh 2.

Giao diện SoBanHang

Do phần lớn đơn hàng thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đều thanh toán bằng tiền mặt khi nhận (COD), chủ cửa hàng cũng đặt câu hỏi về việc thanh toán. Anh liền giải thích rằng khách hàng sẽ trả tiền cho tài xế, người sau đó giao lại cho Shopee và Shopee trả vào ví điện tử của chủ cửa hàng.

“Rồi họ lại hỏi ví đâu, làm sao tôi rút tiền sang tài khoản ngân hàng nếu không có tài khoản ngân hàng? Đó là một khoảnh khắc “a-ha” khi tôi nhận ra nhiều nền tảng TMĐT vẫn chưa chạm tới khoảng 90% người bán lẻ tại Việt Nam”, Hải Nam nói trên TechCrunch. “Hệ thống quá phức tạp với họ”.

Vì vậy, hai anh em bắt tay xây dựng ứng dụng ghi sổ giúp các chủ cửa hàng số hóa hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra và các khu vực bị phong tỏa, họ chưa thể bán hàng qua mạng ngay lập tức. Dựa trên khảo sát của SoBanHang, có khoảng 16 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ trong nước. Nhiều doanh nghiệp chỉ phục vụ khách hàng trong phạm vi vài km. Trên thực tế, các khách hàng của SoBanHang thường tự đi bộ giao hàng.

“Đó là khoảnh khắc a-ha thứ hai về các nhà bán lẻ, việc họ bán hàng cho khách sống xung quanh. Người mua và người bán thực chất ở gần nhau. Khi kết nối với người mua, họ có thể thực hiện giao dịch, sau đó người bán tự giao hàng và nhận tiền ở cửa nhà người mua”. Điều này loại bỏ nhu cầu hệ thống thanh toán hay logistics rắc rối cho SoBanHang, hay phải sử dụng ứng dụng giao hàng của bên thứ ba mất phí.

Nhiều khách hàng của SoBanHang trước đây ghi giao dịch trên giấy và không có POS hay laptop. Do đó, tiếp cận ứng dụng là lần đầu tiên họ “số hóa” hoạt động. SoBanHang có thể dùng cho mọi nhà bán lẻ nhưng trong thời gian dịch bệnh, dùng nhiều nhất là các cửa hàng tiện lợi và thực phẩm. Số này nhỏ vừa đủ để tự nhắn tin giao dịch với người mua song SoBanHang làm cho quy trình mượt mà hơn, giúp họ bán nhiều hàng hơn. Có một cửa hàng trên mạng cũng giúp nhà bán lẻ chuẩn bị tốt hơn cho Covid-19 và duy trì quan hệ với người khách.

Chẳng hạn, SoBanHang ký thỏa thuận chiến lược với Viettel để cung cấp gói SMS giảm giá. Khách hàng của SoBanHang có thể gửi tin nhắn về các mặt hàng ưu đãi cho một loạt người mua ngay cả khi người mua không cài ứng dụng.

Sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, SoBanHang sẽ giúp tiểu thương cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Lợi thế của họ là “quan hệ tốt với khách hàng, hiểu rõ họ; chúng tôi muốn biến quan hệ đó thành chiến lược bán hàng mới”.

Trong tương lai, SoBanHang dự định duy trì ý tưởng gốc là một ứng dụng sổ cái. Cũng như một số ứng dụng cùng loại khác, startup có kế hoạch bổ sung dịch vụ tài chính nhưng trước mắt sẽ tiếp tục giúp những cửa hàng nhỏ lần đầu bán hàng qua mạng.

[Case study] Quảng cáo 13 năm chẳng ai mua, sắp phá sản thì gặp được ‘bậc thầy’ marketing chỉ lối, Palmolive một bước trở thành thương hiệu xà phòng phổ biến bậc nhất thế giới

Du Lam

Theo ICT News Copy link Link bài gốc Lấy link! https://ictnews.vietnamnet.vn/khoi-nghiep/mot-startup-so-cai-viet-nam-vua-nhan-dau-tu-1-5-trieu-usd-294077.html

Từ khóa » Sổ Bán Hàng Gọi Vốn