Steve Jobs – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Steve Jobs | |
---|---|
Steve Jobs giới thiệu chiếc điện thoại iPhone 4 năm 2010 | |
Sinh | Steven Paul Jobs 24 tháng 2, 1955[1]San Francisco, California, Hoa Kỳ[1] |
Mất | 5 tháng 10, 2011 | (56 tuổi) Palo Alto, California, Hoa Kỳ
Quốc tịch | Hoa Kỳ |
Trường lớp | Reed College (bỏ học năm 1972) |
Nghề nghiệp | Chủ tịch và CEO, Apple Inc.[2] |
Tiền lương | 1 $[3][4][5][6] |
Tài sản | 8,3 tỷ $ (2011)[7] |
Tôn giáo | Vô thần[8] (trước đó Lutheran)[9] |
Phối ngẫu | Laurene Powell (1991–2011) |
Con cái | 4 |
Chữ ký | |
Steve Paul Jobs (/ˈdʒɒbz/; 24 tháng 2 năm 1955 – 5 tháng 10 năm 2011) là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên,[10] chủ tịch, và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple,[11][12] là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính. Trước đây ông từng là tổng giám đốc điều hành của xưởng phim hoạt hình Pixar; sau đó trở thành thành viên trong ban giám đốc của công ty Walt Disney năm 2006, sau khi Disney mua lại Pixar. Ông cũng là người điều hành sản xuất của bộ phim Toy Story (1995).[13]
Cuối những năm 1970, Steve Jobs cùng nhà đồng sáng lập Apple với Steve Wozniak, Mike Markkula,[14] và một số người khác cùng nhau thiết kế, phát triển và đưa ra thị trường một trong những dòng máy tính cá nhân thành công thương mại đầu tiên, dòng Apple II. Đầu những năm 1980, Jobs là một trong những người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng thương mại của giao diện người dùng điều khiển đồ họa bằng cách sử dụng chuột dẫn đến việc ra đời Macintosh.[15][16] Sau khi thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực với ban giám đốc vào năm 1984,[17][18] Jobs rút khỏi Apple và sáng lập NeXT, một công ty phát triển nền tảng máy tính chuyên về giáo dục và kinh doanh cao hơn. Việc Apple mua lại NeXT vào năm 1996 đã đưa Steve Jobs trở lại công ty mà ông là đồng sáng lập, sau đó làm việc ở đó trong vai trò tổng giám đốc điều hành từ năm 1997 cho đến năm 2011. Năm 1986, ông mua lại bộ phận đồ họa vi tính của công ty Lucasfilm, sau đó tách ra thành hãng phim hoạt hình Pixar.[19] Ông vẫn là tổng giám đốc điều hành và cổ đông lớn với 50,1% cổ phần của Pixar cho đến khi được hãng Walt Disney mua lại vào năm 2006.[2] Do đó Jobs trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất nắm 7% cổ phần và là thành viên của Hội đồng quản trị của Disney.[20][21][22][23]
Quá trình hoạt động kinh doanh của Steve Jobs đã đóng góp nhiều cho các hình ảnh biểu tượng mang phong cách riêng, nhà doanh nghiệp tiêu biểu của Thung lũng Silicon, nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế và hiểu biết vai trò thiết yếu của tính thẩm mỹ trong việc thu hút công chúng. Công việc của ông thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm mà chức năng và tính thanh lịch của chúng đã thu hút những người ủng hộ hết mình.[24] Năm 2005, Steve Jobs tiết lộ rằng mình bị ung thư tuyến tụy. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Steve Jobs tuyên bố từ chức tổng giám đốc điều hành của Apple. Trong thư từ chức, Jobs mạnh mẽ gửi gắm rằng Tim Cook là người kế nhiệm ông. Do yêu cầu này, Tim Cook được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị của Apple.[25][26] Ngày 5 tháng 10 năm 2011, Apple loan tin Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56.[27][28]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Gia đình bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi
[sửa | sửa mã nguồn]Steven Paul Jobs sinh ngày 24, tháng 2 năm 1955 với cha và me ruột là Abdulfattah Jandali và Joanne Schieble, và được nhận nuôi bởi cặp vợ chồng người Mỹ là Paul Reinhold Jobs (1922–1993) và Clara Jobs (1924–1986).[29][30]
Cha ruột của ông là Abdulfattah "John" (al-)Jandali (Arabic: عبد الفتاح الجندلي) (b. 1931), lớn lên ở Homs, được sinh ra trong một gia đình người Arab theo đạo Hồi. Trong thời gian đang là sinh viên tại Đại học Hoa Kỳ-Beirut, Lebanon, ông là một thanh niên tích cực và đã từng bị bắt giam cho các hoạt động chính trị. Ông đã tiếp tục học bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin, nơi ông đã gặp Joanne Carole Schieble, một người theo đạo Thiên Chúa gốc Thụy Sĩ và Đức. Khi làm luận án tiến sĩ, Jandali làm trợ giảng cho Schieble, mặc dù cả hai cùng tuổi. Mona Simpson, em ruột của Job, nói rằng gia đình đằng ngoại đã không vui vẻ gì khi con gái họ đang hẹn hò với một người Hồi giáo. Walter Isaacson, tác giả tiểu sử của Steve Jobs, cho rằng cha của Schieble "đã đe dọa từ mặt cô hoàn toàn" nếu cô tiếp tục mối quan hệ.[31][32]
Cha nuôi của Job, Paul Reinhold Jobs, là một thợ máy làm việc cho Coast Guard (cảnh sát biển), một cơ quan thuộc Quân đội Hoa Kỳ. Sau khi rời Coast Guard, Paul Jobs đã cưới Clara Hagopian vào năm 1946. Những nỗ lực của họ để bắt đầu một gia đình đã bị tạm dừng khi Clara có thai ngoài tử cung, dẫn tới họ tính tới việc nhận con nuôi vào năm 1955.
Jobs được sinh ra
[sửa | sửa mã nguồn] "Trong tất cả các phát minh của loài người, máy tính phải được xếp gần hoặc tại vị trí đừng đầu khi lịch sử mở ra và chúng tôi nhìn lại. Nó là công cụ tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã từng phát minh. Tôi cảm thấy cực kì may mắn để ở đúng chỗ trong thung lũng Silicon, tại đúng thời điểm, về phương diện lịch sử, nơi mà phát minh này đã hình thành"—Steve Jobs, 1995. Từ nguồn tài liệu, Steve Jobs: The Lost Interview.[33]
Schieble có mang Jobs vào năm 1954, khi cô và Jandali khi cô dành thời gian nghỉ hè với gia đình ông tại Homs, Syria. Theo Jandali, Schieble cố ý không cho ông biết: "không nói với tôi, Joanne đứng dậy và rời đi tới San Francisco để sinh con mà không ai biết, kể cả tôi."
Schieble đã sinh Jobs vào 24 tháng Hai, 1955, ở San Francisco và đã chọn một cặp vợ chồng nhận con nuôi mà họ là một gia đình có "Đạo Thiên Chúa, có giáo dục và giàu có," nhưng sau đó cặp vợ chồng này đã đổi ý. Jobs sau đó được sắp đặt làm con nuôi cho Paul và Clara Jobs, mặc dù cả hai đều không có bằng đại học, và Schieble đã từ chối ký vào giấy tờ. Cô sau đó đã đưa vấn đề này ra tòa trong nỗ lực để con trai cô được ở với gia đình khác, và chỉ đồng ý sau khi Paul và Clara kí cam kết cho việc Jobs được học đại học.
Khi Steve Jobs học trung học, mẹ nuôi đã thừa nhận với bạn thân của cô, Chrisann Brennan, rằng cô "quá lo sợ để yêu Steve 6 tháng đầu tiên...Tôi đã lo lắng họ sẽ đến lấy thằng bé từ tôi. Mặc dù sau đó họ đã thắng trong vụ kiện, Jobs là một đứa trẻ khó tính lúc hai tuổi. Tôi cảm thấy chúng tôi đã phạm sai lầm. Tôi đã muốn trả lại nó." Khi Chrisann đã chia sẻ bình luận này của mẹ ông với Steve, ông đã nói rằng ông đã hoàn toàn nhận biết vấn đề, và sau đó nói rằng ông đã rất được yêu thương và nuông chiều bởi Paul và Clara. Nhiều năm sau đó, vợ của Steve Jobs là Laurene cũng nói rằng "ông cảm thấy thật sự may mắn vì là con của họ". Jobs sẽ trở nên đau buồn khi Paul và Clara được nói tới như bố mẹ nuôi của mình; ông đã coi họ như bố mẹ thật sự của ông "1,000%".
Thời thơ ấu
[sửa | sửa mã nguồn]Jobs theo học trường trung học Cupertino và Homestead tại thành phố Cupertino, tiểu bang California.[24] Sau giờ học, ông thường đến công ty Hewlett-Packard tại Palo Alto, California. Ông nhanh chóng được thuê và làm việc cùng Steve Wozniak trong vai trò là những nhân viên thời vụ mùa hè.[34] Năm 1972, Jobs tốt nghiệp trung học và ghi danh học tại Reed College, một trong số 10 trường cao đẳng hàng đầu của Hoa Kỳ[35] ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon. Mặc dù Steve Jobs bỏ học sau chỉ một học kì bán niên (semester) vì học phí đại học tư quá cao,[36] ông vẫn tiếp tục dự thính các lớp học tại Reed trong khi phải ngủ dưới sàn nhà của những người bạn, đổi lon nước ngọt để lấy tiền ăn và nhận các suất ăn miễn phí mỗi tuần tại đền Hare Krishna.[18] Sau này Jobs bày tỏ rằng: "Nếu tôi chưa từng dự lớp học thư pháp riêng lẻ đó tại đại học thì Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ hay phông chữ có tỉ lệ cân xứng như vậy."[18]
Mùa thu năm 1974, Jobs quay trở lại California và bắt đầu tham dự các buổi gặp mặt của câu lạc bộ Homebrewe Computer cùng với Wozniak. Ông làm kĩ sư cho hãng Atari – một nhà sản xuất trò chơi điện tử, đồng thời tích góp tiền bạc cho chuyến đi hành hương tại Ấn Độ.
Sau đó, Jobs đến Ấn Độ cùng với Daniel Kottke, người bạn học tại trường Reed (sau này là nhân viên đầu tiên của Apple), để tìm kiếm sự khai sáng tâm hồn. Ông trở về như một tín đồ Phật giáo, đầu cạo trọc và mặc đồ truyền thống của Ấn Độ.[37][38] Trong thời gian này, Jobs đã thử ma tuý, cho biết rằng trải nghiệm LSD là "một trong số hai hay ba thứ quan trọng nhất từng làm trong đời"".[39] Jobs khẳng định rằng, đối với những người quanh nhưng không muốn chia sẻ những nguồn gốc nền văn hoá của ông, họ sẽ không thể nào hiểu được suy nghĩ của ông.[39]
Jobs quay lại công việc trước đây của mình tại hãng Atari và được giao nhiệm vụ tạo một mạch điện tử cho trò chơi Breakout. Nolan Bushnell, nhà sáng lập Atari, cho biết Atari trả 100 đô la Mỹ cho mỗi con chip được loại ra khỏi chiếc máy. Do không hứng thú và cũng không có nhiều kinh nghiệm về thiết kế mạch điện, Jobs đã thoả thuận với Wozniak chia đôi số tiền thưởng nếu Wozniak có thể giảm đến mức thấp nhất số lượng chip.
Vượt quá sự mong đợi của Atari, Wozniak đã giảm lượng chip xuống còn 50, một thiết kế quá chặt chẽ khiến cho nó không thể tái sản xuất trên một dây chuyền lắp ráp. Vào thời điểm đó, Jobs nói với Wozniak rằng Atari chỉ đưa cho họ 700 USD (thay vì con số thật sự là 5.000 USD) và Wozniak chỉ nhận được con số phân nửa là 350 USD.[40][41][42][43][44][45]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Khởi nghiệp với công ty máy tính Apple
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1976, khi Jobs 21 tuổi và Wozniak 26 tuổi, họ sáng lập công ty Apple Computer trong ga-ra nhà Jobs. Sản phẩm đầu tiên của họ là máy tính cá nhân Apple I. Năm 1977 Apple tung ra sản phẩm tiếp theo, Apple II, một thành quả to lớn đã làm nên tiếng vang cho một công ty còn non trẻ Apple. Năm 1980 Jobs và Wozniak trở thành triệu phú. Họ đã phát triển công ty chỉ 2 người thành một công ty tầm cỡ quốc tế với cả ngàn nhân viên khắp toàn cầu.
Steve Jobs muốn một người cùng quản lý công ty Apple cùng mình nên đã thuyết phục giám đốc điều hành của Pepsi lúc đó là John Sculley: "Ông có muốn dùng cả đời mình bán thứ nước có đường đó hay muốn có cơ hội thay đổi thế giới?". Năm 1983, John Sculley thay thế Jobs làm giám đốc điều hành do 2 người có những hướng đi khác nhau trong việc điều hành và Apple đang lâm vào tình cảnh khó khăn và hội đồng quản trị Apple lại đứng về phía John Sculley và Jobs đã bị sa thải khỏi công ty, nhưng trước đó vào năm 1984 Apple đã đưa ra một sản phẩm gây tiếng vang, máy tính cá nhân Macintosh.
Công ty máy tính NeXT
[sửa | sửa mã nguồn]Trong cùng thời điểm, Jobs thành lập nên một công ty khác mang tên NeXT Computer. Cũng như Apple Lisa, máy trạm NeXT ứng dụng công nghệ kĩ thuật cao. Tuy nhiên phần lớn chúng bị ngành công nghiệp đào thải do chi phí cao không cho phép chúng trở nên phổ biến. Mặc dù trong số những người có đủ khả năng mua được, máy trạm NeXT nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ vì những điểm mạnh kỹ thuật của nó, đứng đầu trong số đó là hệ thống phát triển phần mềm hướng đối tượng được cài đặt bên trong.
Jobs bán ra sản phẩm NeXt cho những người trong lĩnh vực học thuật và khoa học vì tính công nghệ mới sáng tạo và thực nghiệm mà nó tích hợp, bao gồm kernel (phần mềm, ứng dụng ở mức thấp trong hệ thống, có khả năng thay đổi linh hoạt để phù hợp với phần cứng) Mach, chip xử lý tín hiệu kỹ thuật số và cổng Ethernet.
Jobs bày tỏ rằng NeXTcube là một máy tính "tương tác – giao tiếp thông minh", ông tin rằng chiếc máy này là bước tiếp theo sau máy tính "cá nhân". Điều này có nghĩa là, nếu máy tính có thể cho phép con người dễ dàng giao tiếp và cộng tác với nhau, nó sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề mà máy tính "cá nhân" phải đối mặt.
Trong thời kỳ mà thư điện tử mà con người gửi cho nhau thường là những đoạn văn bản đơn thuần, Jobs muốn giới thiệu hệ thống thư điện tử của NeXT, với tên gọi NeXTMail, như một ví dụ cho triết lý "tương tác – giao tiếp thông minh" của ông. NeXTMail là một trong những dịch vụ đầu tiên hỗ trợ đồ hoạ và âm thanh tích hợp mà người dùng có thể nhúng vào trong thư điện tử.
Jobs điều hành NeXT với một nỗi ám ảnh về việc hoàn thiện thẩm mỹ. Điều này đặt ra căng thẳng đáng kể lên bộ phận phần cứng của NeXT. Trong năm 1993, sau khi chỉ bán ra được 50.000 máy, NeXT chuyển hoàn toàn sang phát triển phần mềm với việc phát hành NeXTSTEP/Intel.
Pixar và Disney
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1986, Steve Jobs mua hãng phim đồ họa Lucasfilm (sau là Pixar Studios) với giá 10 triệu đô la, trong đó 5 triệu đô la dùng làm vốn cho hãng.[46] Hãng mới, ban đầu đặt tại xưởng Kerner của Lucasfilm tại San Rafael, California; sau này di dời đến Emeryville, California. Hãng này theo dự định ban đầu được xây dựng để trở thành một nhà phát triển phần cứng đồ hoạ công nghệ cao. Sau hàng năm buôn bán máy tính Pixar Image không thu về lợi nhuận, hãng đã ký hợp đồng với Disney để sản xuất ra những bộ phim hoạt hình đồ hoạ, trong đó Disney sẽ cộng tác tài chính và phân phối.
Bộ phim đầu tiên hợp tác do sản xuất mang tên Câu chuyện đồ chơi đã đem lại danh tiếng và sự khen ngợi đối với xưởng phim khi ra mắt vào năm 1995. Hơn 10 năm sau đó, dưới điều hành của giám đốc sáng tạo John Lasseter của Pixar, hãng phim đã cho ra đời những phim hoạt hình nổi tiếng như A Bug's Life (1998), Câu chuyện đồ chơi 2 (1999), Monsters, Inc. (2001), Đi tìm Nemo (2003), Gia đình siêu nhân (2004), Cars (2006), Chú chuột đầu bếp (2007), WALL-E (2008), Up (2009) và Câu chuyện đồ chơi 3 (2010). Trong số đó, Đi tìm Nemo, Gia đình siêu nhân, Chú chuột đầu bếp, WALL-E, Up và Câu chuyện đồ chơi 3 đều nhận được Giải Oscar dành cho phim hoạt hình hay nhất – giải thưởng được đưa ra vào năm 2001.
Ông đổi tên hãng thành Pixar (sau là Pixar Studios). Pixar sản xuất những bộ phim rất thành công biến Jobs trở thành tỷ phú.
Trong năm 2003 và 2004, vì hợp đồng của Pixar với Disney dần hết hạn, Jobs và giám đốc điều hành Disney là Michael Eisner đã cố gắng nhưng thất bại trong việc thương lượng quan hệ cộng tác mới.[47] Đầu năm 2004, Jobs tuyên bố rằng Pixar sẽ tìm kiếm một đối tác mới để sản xuất phim khi hợp đồng với Disney hết hạn.
Vào tháng 10 năm 2005, Bob Iger lên thay thế Eisner tại Disney, sau đó Iger nhanh chóng nối lại quan hệ với Jobs và Pixar. Ngày 24 tháng 1 năm 2006, Jobs và Iger thông báo Disney đã đồng ý mua Pixar với việc chuyển giao toàn bộ cổ phần trị giá 7,4 tỷ đô la Mỹ. Khi thoả thuận kết thúc, Jobs trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng Walt Disney, nắm trong tay khoảng 7% cổ phần của hãng.[20] Trong khi đó, Eisner chỉ nắm 1,7% và Roy E. Disney, thành viên của gia đình Disney, cho đến khi qua đời chỉ có khoảng 1% cổ phần của hãng. Jobs tham gia vào ban lãnh đạo công ty dựa trên sự hợp nhất hãng Pixar. Ông cũng đảm trách trông nom vấn đề kinh doanh hoạt hình phối hợp giữa Disney và Pixar với một ghế trong hội đồng lãnh đạo gồm 6 người.
Trở lại Apple
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1996, Apple tuyên bố sẽ mua NeXT với giá 429 triệu đô la Mỹ. Thoả thuận mua bán đạt được vào cuối năm 1996,[48] đưa Jobs trở lại công ty mà ông là đồng sáng lập. Jobs trở thành người đứng đầu trên thực tế, sau đó tổng giám đốc điều hành Gil Amelio bị tước chức vào tháng 7. Ông chính thức mang danh là giám đốc điều hành tạm thời trong tháng 9 năm 1997.[49] Tháng 3 năm 1998, nhằm tập trung cho việc thu lại lợi nhuận cho Apple, Jobs cho ngừng một số dự án như Newton, Cyberdog và OpenDoc. Trong những tháng tiếp theo, nhiều nhân viên có nỗi sợ hãi tăng dần khi gặp Jobs trong thang máy, "lo sợ rằng họ có thể không có một công việc làm khi cánh cửa mở ra. Thực tế là những hành quyết vắn tắt của Jobs hiếm khi xảy ra, nhưng một vài nạn nhân cũng đủ để khủng bố toàn bộ công ty."[50] Jobs cũng thay đổi điều khoản trong bản quyền chế tạo các máy tính dòng Macintosh, khiến chúng trở nên quá tốn kém cho các nhà sản xuất tiếp tục chế tạo.
Qua việc mua lại NeXT, hầu hết công nghệ của công ty được ứng dụng cho các sản phẩm của Apple, nổi bật nhất là NeXTSTEP, sau này đã trở thành hệ điều hành Mac OS X. Dưới sự chỉ huy của Jobs, công ty từng bước tăng doanh thu đáng kể qua việc ra mắt iMac và những sản phẩm mới khác. Kể từ đó, những thiết kế kế đầy sức hút và thương hiệu quyền lực vận hành trôi chảy phục vụ cho sự phát triển của Apple. Tại Triển lãm và Hội thảo Macworld 2000, Jobs chính thức từ bỏ chức vụ mang tính lâm thời và trở thành tổng giám đốc điều hành của Apple.[51]
Trong những năm gần đây, công ty đã mở rộng các chi nhánh, liên tục đưa ra giới thiệu và cải tiến những thiết bị kĩ thuật số tiên tiến. Bằng việc giới thiệu máy nghe nhạc cầm tay iPod, phần mềm nghe nhạc kĩ thuật số iTunes và iTunes Store, công ty đánh mạnh vào nhu cầu âm nhạc và điện tử phổ biến của người tiêu dùng. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone, một loại điện thoại di động cảm ứng đa chạm, chứa đựng hầu hết các tính năng của iPod, có trình duyệt riêng dành cho điện thoại và màn hình trình duyệt mang tính cách mạng. Tuy khuyến thích sự đổi mới, Jobs cũng nhắc nhở nhân viên của mình về "con thuyền nghệ thuật"[52] mà ông cho rằng việc tạo ra những sản phẩm vào đúng thời điểm cũng quan trọng ngang với việc phải thiết kế cho nó thật sáng tạo và hấp dẫn.
Jobs vừa được ngưỡng mộ vừa bị phê phán vì kĩ năng thuyết phục và nghệ thuật bán hàng tài ba của ông.
Tháng 4 năm 2005, Jobs trả lời vụ việc Apple bị chỉ trích vì có quy trình tái chế rác thải điện tử kém tại Hoa Kỳ bằng cách mắng mỏ những người ủng hộ môi trường và một số khác tại buổi gặp gỡ hàng năm của Apple tại Cupertino. Tuy nhiên, vài tuần sau, Apple thông báo rằng sẽ nhận lại iPods và trao đổi miễn phí tại các cửa hàng bán lẻ. Chiến dịch thu hồi máy tính phát động bằng cách cho một chiếc máy bay treo băng rôn ngay phía trên địa điểm diễn ra buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford, nơi Jobs là phát ngôn cho phần khai mạc.[18] Trên băng rôn ghi "Steve — Don't be a mini-player — recycle all e-waste" (Steve — Đừng là một chiếc máy chơi nhạc nhỏ bé — hãy tái chế tất cả rác thải điện tử). Năm 2006, ông mở rộng chương trình tái chế của Apple đến bất kì khách hàng Mỹ nào mua một chiếc Mac mới. Chương trình này bao gồm phí giao hàng tận nhà và loại bỏ những thành phần không thân thiện với môi trường trong sản phẩm cũ của hãng.[53]
Năm 2005 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử công ty Apple khi Steve Jobs tuyên bố giã từ IBM sau 10 năm gắn bó để kết hợp với Intel sản xuất chip cho máy Macintosh. 2 chiếc máy đầu tiên được chuyển sang nền Intel là iMac và MacBook Pro, trước đó khi sử dụng chip IBM tên của chúng là iMac G5 và PowerBook G4. Đến hơn giữa năm 2006 tất cả máy tính Apple đều sử dụng chip Intel, đó là các máy Mac Mini, MacBook, Mac Pro. Các máy tính nền Intel này có khả năng chạy được Windows của Microsoft với phần mềm Boot Camp miễn phí của Apple. Steve Jobs cũng đã giới thiệu hệ điều hành tiếp theo Mac OS 10.5 "Leopard" và thiết bị xem phim, hình, nhạc trên TV kết nối không dây với vi tính mang tên iTV, cả iTV lẫn Leopard đều sẽ được tung ra năm 2007.
Rút khỏi Apple
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 8 năm 2011, Jobs rút khỏi chức vị tổng giám đốc điều hành của Apple, nhưng vẫn hoạt động tại công ty trên danh phận chủ tịch hội đồng quản trị.[25][54][55] Vài giờ sau tuyên bố này, giá cổ phiếu của Apple trên thị trường giảm 5%[56] Trước đó, mỗi cổ phiếu của Apple đang ở mức tăng.[57] Sự mất giá nhẹ này là do các nhà đầu tư xem xét tầm quan trọng của Jobs đối với Apple, kết hợp với việc tình hình sức khoẻ của ông luôn trong được quan tâm tại thời điểm đó. Hơn nữa, ông đã ngừng điều trị y tế từ tháng 1 năm 2011.[58] Theo Forbes, có thể khẳng định rằng tác động này sẽ dẫn đến một con đường tiêu cực hơn cho Apple, ngay cả tại hãng Pixar nơi Jobs giữ vai trò là giám đốc.[59] Trong những giờ giao dịch sau vài ngày Jobs đưa ra tuyên bố rút khỏi Apple, cổ phiếu của hãng Walt Disney giảm xuống 1,5%.[60]
Đời sống kinh doanh
[sửa | sửa mã nguồn]Tài sản
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù Jobs chỉ kiếm được 1 đô la Mỹ mỗi năm trong vai trò tổng giám đốc điều hành của Apple[61], ông nắm giữ 5,426 triệu cổ phần của Apple, cũng như 138 triệu cổ phần của Disney (mà ông đã nhận được đổi lại với việc Disney mua Pixar).[62] Forbes ước tính toàn bộ tài sản của ông vào khoảng 5,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2009, điều này khiến ông được xếp vào hạng 43 trong những người Mỹ giàu có nhất.[63] Sau khi truyền hình Bloomberg nhầm lẫn tai hại đưa ra cáo phó của ông vào năm 2008, phóng viên Arik Hesseldahl của tạp chí BusinessWeek ghi rằng "Jobs không nổi tiếng nhiều về những việc làm từ thiện của ông", so với những gì mà Bill Gates đạt được.[64] Sau khi trở lại quyền kiểm soát Apple trong năm 1997, Jobs lờ đi tất cả các chương trình từ thiện đoàn thể.[65] Vào tháng 6/2011, ông được xếp vị trí 109 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất – theo Tạp chí Forbes bình chọn, với giá trị tài sản ròng ước tính lên tới 8,3 tỷ USD[66].
Vụ gian lận cổ phiếu
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2001, Steve được Apple ưu tiên quyền mua cổ phần với số lượng lên tới 7,5 triệu cổ phiếu với đơn giá khi mua vào là 18,3 đô la Mỹ một cổ phiếu, dù giá trị thị trường 1 cổ phiếu tại thời điểm đó là 21,1 đô la Mỹ, do đó phát sinh thu nhập chịu thuế từ 20 triệu đô la Mỹ mà ông không báo cáo trong phần thu nhập. Điều này là do việc ghi lùi ngày quyền mua cổ phần. Nếu tìm ra khả năng pháp lý, Jobs có thể đã phải đối mặt với một số trách nhiệm hình sự và tiền phạt dân sự. Apple cho biết rằng quyền chọn mua cổ phần ban đầu chỉ được ưu tiên tại hội nghị ban quản trị đặc biệt mà có thể sẽ không bao giờ diễn ra. Hơn nữa, các điều tra đang tập trung về việc ghi ngày sai lầm về quyền chọn mua dẫn đến việc dư ra 20 triệu đô la Mỹ. Vụ kiện từ phía cổ đông đối với ban lãnh đạo Apple vì sự thiếu minh bạch vụ việc này là đối tượng của các cuộc điều tra hình sự và dân sự của chính phủ.[67] Mặc dù cuộc điều tra nội bộ riêng của Apple hoàn thành vào ngày 29 thấng 12 năm 2006 đưa kết quả rằng Jobs không có ý thức về việc này và quyền chọn mua cổ phiếu từng cấp cho ông được thu hồi lại mà chưa được áp dụng vào năm 2003, đồng thời số tiền thất thoát được trả lại.[68] Ngày 1 tháng 7 năm 2008 diễn ra một vụ kiện về việc thất thu 7 tỷ đô la Mỹ từ phía các cổ đông đối với một vài thành viên ban lãnh đạo Apple vì dính líu vào vụ gian lận chứng khoán này.[69][70]
Tác phong quản lý
[sửa | sửa mã nguồn]Phần lớn tác phong quản lý của Jobs dựa trên tính khắt khe và đòi hỏi cao của bản thân ông. Tạp chí Fortune viết rằng ông "được xem là nhà tự cao tự đại hàng đầu của Thung lũng Silicon."[71] Có thể tìm thấy các bình luận về phong cách nóng nảy của ông trong quyển The Little Kingdom (Tiểu vương quốc); một trong những tiểu sử được Jobs ủy quyền; The Second Coming of Steve Jobs (Sự trở lại lần hai của Jobs) của tác giả Alan Deutschman; và iCon: Steve Jobs (Biểu tượng: Steve Jobs) của tác giả Jeffre S. Young và William L.Simon. Năm 1993, Jobs lọt vào danh sách những ông chủ khó tính nhất của tạp chí Fortune trong vấn đề lãnh đạo Next. Tạp chí Fortune trích dẫn lời của nhà đồng sáng lập Dan'l Lewin cho biết thời gian đó, "Lúc cao độ ở mức không thể tin được... nhưng lúc thấp thì lại không thể tưởng tượng nổi", văn phòng của Jobs trả lời rằng tính cách của ông đã thay đổi kể từ đó.[72]
Jef Raskin, bạn học trước đây của Jobs, từng nói rằng Jobs "hẳn sẽ là một vị vua Pháp tuyệt vời", ám chỉ đến đặc trưng con người hơn đời và thuyết phục của Jobs.[73]
Jobs luôn luôn mong muốn vị thế của Apple và các sản phẩm của công ty được đặt ở vị trí hàng đầu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin bằng cách dự báo và thiết lập các xu hướng, ít nhất là trong sự đổi mới và phong cách. Ông tổng kết quan điểm bản thân ở cuối bài phát biểu tại Triển lãm và Hội thảo Macworld diễn ra vào tháng 1 năm 2007 bằng cách trích lời huyền thoại hockey trên băng Wayne Gretzky:[74]
Có một câu nói của Wayne Gretzky mà tôi yêu thích. 'Tôi sẽ trượt đến nơi bóng băng sẽ lăn đến, không phải đến nơi bóng đang lăn qua.' Và chúng tôi luôn luôn nỗ lực làm điều đó tại Apple. Ngay từ thuở khởi đầu sơ khai. Và chúng tôi sẽ luôn luôn làm như vậy.
— Steve Jobs
Họa sĩ phim hoạt hình Floyd Norman nói rằng tại Pixar, Jobs là một "nhân vật già dặn, chín chắn" và không bao giờ can thiệp vào quá trình sáng tạo của các nhà làm phim.[75]
Năm 2005, Steve Jobs cấm tất cả những quyển sách do công ty John Wiley & Sons xuất bản tại các cửa hàng bán lẻ của Apple để phản ứng lại việc xuất bản tiểu sử trái phép iCon: Steve Jobs (Biểu tượng: Steve Jobs).[76] Trong báo cáo doanh thu hàng năm năm 2010, Wiley cho biết việc này đã "đóng lại một giải pháp... để dùng tên gọi ấy cho iPad."[77]
Phát minh
[sửa | sửa mã nguồn]Jobs là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu của hơn 230 bằng sáng chế được trao giải hoặc các ứng dụng được cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực rộng lớn của công nghệ, từ máy tính cho tới thiết bị di động, giao diện người dùng (bao gồm giao diện dựa trên nền cảm ứng), loa, bàn phím, bộ chuyển năng lượng, cầu thang, móc cài, ống bọc ngoài, dây buộc và bao bì đóng gói sản phẩm.[78]
Sản phẩm công nghệ gắn liền với Steve Jobs
[sửa | sửa mã nguồn]Apple II (1983)
[sửa | sửa mã nguồn]Giới thiệu lần đầu vào tháng 1/1983, đây là chiếc máy tính đưa Apple đến với các tín đồ làng công nghệ. Máy được trang bị bộ nhớ RAM 64KB, được xem là dung lượng bộ nhớ khổng lồ thời điểm đó. Cỗ máy này cũng trở thành sản phẩm sống lâu nhất của Apple trước khi bị khai tử năm 1993.
Máy tính All-in-One Macintosh (1984)
[sửa | sửa mã nguồn]Đây được xem là chiếc máy tính tất cả trong một đầu tiên trên thế giới. Máy gây kinh ngạc với người dùng thời điểm đó bởi tốc độ nhanh cùng công nghệ cảm ứng, thay vì sử dụng chuột.
Máy tính iMac (1998)
[sửa | sửa mã nguồn]Đây được xem là thế hệ mới của chiếc Macintosh. Mặc dù nhận được không nhiều tình cảm, song mẫu máy này mang lại cho Apple vị trí lớn đối với các học sinh trung học, sinh viên.
Power Mac G4 (1999)
[sửa | sửa mã nguồn]Khi G4 xuất hiện và nhiều năm sau đó, sẽ là phạm pháp nếu ai đó mang máy ra khỏi nước Mỹ, bởi vì nó được xem là một siêu máy tính thời bấy giờ. Ngoài ra, cỗ máy này còn là trợ thủ đắc lực của các nhà làm ảnh/video chuyên nghiệp và cả các nhạc sĩ.
Hệ điều hành Mac OS X (2001)
[sửa | sửa mã nguồn]Mac OS X là thế hệ kế tiếp của Mac OS, hệ điều hành ban đầu của Apple từ năm 1984. Trước năm 2005, hệ điều hành Mac OS X chỉ dành cho các máy tính PowerPC (do chính Apple sản xuất). Phiên bản mới nhất là Mac OS X Ventura (macOS 13) ra mắt hồi tháng 10/2022 với nhiều tính năng cải tiến.
iPod (2001)
[sửa | sửa mã nguồn]2001 là một năm thành công của Apple. iPod đã làm thay đổi cách người dùng thưởng thức âm nhạc và cùng với iTunes làm thay đổi cả ngành công nghiệp âm nhạc.
Điện thoại iPhone (2007)
[sửa | sửa mã nguồn]Điện thoại iPhone ra mắt đã mở ra cho người dùng cách thức giao tiếp với nhau hoàn toàn mới, cách thức duyệt web, các công nghệ tích hợp và cả thiết kế mê hoặc. Sự thành công của iPhone khiến nó trở thành chiếc điện thoại hình mẫu để các thương hiệu khác hướng đến.
Máy tính bảng iPad (2011)
[sửa | sửa mã nguồn]Cùng với iPhone, máy tính bảng iPad ra đời năm 2010 đã mang lại thành công rực rỡ cho Apple. Trước iPad, đã có nhiều máy tính bảng, tuy nhiên, chỉ đến khi có sự xuất hiện iPad, người dùng mới thực sự có khái niệm về máy tính bảng. iPad ra đời cũng trở thành sát thủ của ngành công nghiệp máy tính cá nhân.
Đời sống cá nhân
[sửa | sửa mã nguồn]Steve làm đám cưới với Laurene Powell ngày 18 tháng 3 năm 1991, và họ có ba đứa con. Ông cũng có một đứa con gái từ mối quan hệ trước.
Sức khoẻ và qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Vào giữa năm 2004, Jobs thông báo cho nhân viên của mình rằng kết quả chẩn đoán cho biết ông có một khối ung thư trong tuyến tụy.[79] Các tiên lượng về bệnh ung thư tuyến tụy thường không khả quan, tuy nhiên, Jobs tuyên bố rằng ông bị một loại ung thư hiếm, ít xâm lấn hơn, gọi là u tuỵ nội tiết.[79] Ban đầu ông phản đối việc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế thông thường và bắt tay vào một chế độ ăn uống đặc biệt để ngăn chặn căn bệnh. Nhưng sau đó trong tháng 7 năm 2004, Jobs trải qua một dạng phẫu thuật phổ biến nhất trong việc điều trị ung thư tuyến tuỵ gọi là pancreaticoduodenectomy (hay "phẫu thuật Whipple"), kết quả cho thấy đã thành công việc cắt bỏ khối u.[80][81] Jobs đã không yêu cầu được hóa trị hoặc xạ trị.[79][82] Trong thời gian Jobs vắng mặt, Timothy D. Cook, người chịu trách nhiệm đứng đầu về hoạt động và bán hàng trên toàn thế giới tại Apple điều hành công ty.[79]
Vào đầu tháng 8 năm 2006, Jobs tuyên bố một phát biểu quan trọng trong Hội thảo Phát triển Toàn cầu diễn ra hàng năm của Apple. Vẻ ngoài "ốm, gần như gầy", phát biểu thiếu sức sống bất thường,[83][84] cùng với tuyên bố quyết định uỷ quyền những phần quan trọng trong vai trò then chốt mà ông vốn đảm đương đã làm dấy lên một làn sóng phương tiện truyền thông và internet xoáy vào vấn đề sức khỏe của ông.[85] Ngược lại, theo tường thuật trên nhật báo Ars Technica, những người có mặt tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu thấy rằng Jobs "trông có vẻ khoẻ".[86] Người đại diện của Apple cho biết rằng "Sức khoẻ của Steve rất tốt"[87]
Hai năm sau, những nghi vấn tương tự lại diễn ra sau tuyên bố của Jobs tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu 2008.[88] Apple chính thức tuyên bố rằng Jobs chỉ bị nhiễm siêu vi và hiện đang dùng thuốc kháng sinh,[89] trong khi những người khác phỏng đoán dấu hiệu về bệnh suy nhược của ông là do tác dụng phụ của Whipple trong quá trình điều trị.[90] Tại một cuộc họp tháng 7 thảo luận về doanh thu của Apple, những người tham gia trả lời những câu hỏi không ngừng về sức khỏe của Steve Jobs nhấn mạnh rằng đó là một "vấn đề riêng tư". Tuy nhiên, những người khác bày tỏ ý kiến rằng các cổ đông có quyền được biết nhiều hơn, họ muốn biết phương pháp chuyển giao để tiếp tục vận hành công ty của ông.[91] Tờ New York Times xuất bản một bài báo dựa trên một cuộc trò chuyện điện thoại phá kỷ lục với Jobs, cho biết rằng các vấn đề sức khỏe của ông "không đe dọa tính mạng và ông không bị ung thư tái phát".[92]
Ngày 28 tháng 8 năm 2008, truyền hình Bloomberg nhầm lẫn đưa ra bản cáo phó 2500 từ của Jobs trong phần tin tức doanh nghiệp, nhưng không cho biết về độ tuổi và nguyên nhân cái chết (các nhà truyền tin thường lưu trữ các bản cáo phó luôn được cập nhật để dễ dàng đưa tin sự kiện về cái chết không rõ thời điểm của một người nổi tiếng). Mặc dù lỗi được kịp thời sửa chữa, nhiều người đưa tin và các blog đã góp phần thuật lại điều này,[93][94][95] tăng cường các tin đồn liên quan đến sức khỏe của Jobs.[96] Jobs phản ứng trong bài tuyên bố tại Let's Rock vào tháng 9 năm 2008 của Apple bằng cách trích dẫn lời của Mark Twain: "Những tin tức về cái chết của tôi bị cường điệu quá mức. "[97] Tại một sự kiện truyền thông tiếp theo, Jobs kết thúc phần trình bày với màn trình chiếu "110/70", đề cập đến huyết áp của ông, khẳng định rằng sẽ không tiếp tục trả lời các câu hỏi về sức khỏe.[98]
Ngày 16 tháng 12 năm 2008, Apple thông báo rằng phó chủ tịch marketing Phil Schiller sẽ chuyển giao những vị trí chủ chốt cuối cùng của công ty tại Triển lãm và Hội thảo Macworld 2009, một lần nữa làm sống lại các câu hỏi về sức khỏe của Jobs.[99][100][101] Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 5 tháng 1 năm 2009 trên trang Apple.com,[102] Jobs cho biết ông đang bị mất cân bằng hóc môn trong vài tháng.[103] Ngày 14 tháng 1 năm 2009, trong một bản ghi nhớ nội bộ của Apple, Jobs viết rằng vào tuần trước, ông đã "nghiệm ra rằng các vấn đề liên quan đến sức khỏe của tôi phức tạp hơn so với suy nghĩ ban đầu" và tuyên bố nghỉ 6 tháng vắng mặt cho đến khi kết thúc tháng 6 năm 2009 để tập trung chăm sóc tốt hơn cho sức khoẻ. Tim Cook, từng đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc điều hành khi Jobs vắng mặt năm 2004, trở thành tổng giám đốc điều hành của Apple,[104] trong khi đó Jobs vẫn còn tham gia vào những quyết định chiến lược chủ chốt.[105]
Trong tháng 4 năm 2009, Jobs trải qua ca cấy ghép gan tại Viện Cấy ghép Bệnh viện Đại học Methodist ở Memphis, Tennessee.[106][107] Dự báo của Jobs về kết quả của việc này là "tuyệt vời".[108]
Ngày 17 tháng 1 năm 2011, một năm rưỡi sau khi Jobs trở về từ ca ghép gan, Apple thông báo rằng ông đã được cấp giấy nghỉ phép dưỡng bệnh. Jobs tuyên bố việc ra đi của mình trong một lá thư gửi các nhân viên, cho biết quyết định là để giúp ông có thể tập trung vào tình hình sức khoẻ. Trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh của ông vào năm 2009, Apple thông báo rằng Tim Cook sẽ điều hành các hoạt động hàng ngày và Jobs sẽ tiếp tục được tham gia vào các quyết định quan trọng chiến lược của công ty.[109][110] Mặc dù đã rời đi, ông vẫn xuất hiện tại sự kiện ra mắt iPad 2 vào ngày 2 tháng 3, tại tuyên bố giới thiệu iCloud trong Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu Apple diễn ra vào ngày 6 tháng 6, và tại hội đồng thành phố Cupertino vào ngày 7 tháng 6.[111]
Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Jobs tuyên bố từ chức tổng giám đốc điều hành của Apple. Trong thư từ chức, Jobs đã viết rằng ông có thể "không còn đáp ứng các nhiệm vụ và mong đợi trong vai trò CEO của Apple nữa".[112]
Vào ngày 05 tháng 10 năm 2011, trong một tuyên bố của gia đình ông có nói Jobs "đã ra đi thanh thản bên gia đình vào ngày hôm nay..." [113]
Apple đưa ra tuyên bố rằng Jobs đã qua đời ở tuổi 56.[27][114] Nội dung như sau: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc thông báo rằng Steve Jobs qua đời ngày hôm nay. Sự nhiệt tình, đam mê và vinh quang của Steve là nguồn gốc cho vô số sáng kiến đã làm giàu và cải thiện đời sống của chúng ta. Thế giới trở nên vô cùng tốt đẹp hơn vì Steve. Tình yêu lớn nhất của ông dành riêng cho người vợ, bà Laurene, và gia đình. Tâm hồn chúng ta hướng đến họ và đến tất những những ai có cùng niềm rung động trước món quà đặc biệt mà ông đã trao trong cuộc đời."[115]
Cũng từ ngày 5 tháng 10 năm 2011, trang chủ Apple chào đón khách ghé thăm bằng một thông điệp đơn giản: bức hình trắng đen của Steve Jobs, tên, năm sinh và mất của ông. Nhấp chuột vào hình ảnh của Jobs sẽ dẫn đến cáo phó với nội dung: "Apple đã mất đi một thiên tài sáng tạo và nhìn xa trông rộng, thế giới đã mất đi một con người tuyệt vời. Chúng tôi, những người đã may mắn quen biết và làm việc với Steve đã mất đi một người bạn thân thiết và người cố vấn đầy cảm hứng. Steve ra đi để lại sau lưng một công ty mà chỉ duy nhất ông là người có thể gây dựng nên, và tinh thần của ông sẽ mãi mãi là nền tảng của Apple." Một địa chỉ email cũng được đăng lên công khai để chia sẻ những kỷ niệm, gửi lời chia buồn và cảm nghĩ.[116]
Jobs qua đời để lại người vợ mà ông đã kết hôn hơn 20 năm, bà Laurene, cùng ba đứa con. Ngoài ra còn một đứa con thứ tư, Lisa Brennan-Jobs từ mối quan hệ trước đó.[117]
Những phát biểu về việc Steve Jobs qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Nhiều người nổi tiếng tại Mỹ đã đưa ra những lời phát biểu về sự ra đi của ông, trong đó bao gồm Bill Gates của Microsoft, Bob Iger của Walt Disney, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và Tổng thống Barack Obama.[118]
Bill Gates nói rằng:[119][120]
Tôi vô cùng đau buồn khi nghe tin về cái chết của Steve Jobs. Melinda và tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình và bạn bè của ông, và đến tất cả mọi người có mối liên hệ với Steve trong công việc. Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và từ lâu đã là cộng sự, người cạnh tranh và bạn bè suốt hơn nửa cuộc đời của chúng tôi. Hiếm ai trên thế giới gây được những tác động sâu sắc như Steve, và những hiệu quả mang lại từ đó sẽ được nhiều thế hệ sau ghi nhận. Đối với những ai trong chúng ta đủ may mắn từng làm việc với ông, đó là một vinh dự tột cùng. Tôi sẽ nhớ Steve rất nhiều.
Chủ tịch Walt Disney, Bob Iger bày tỏ thương tiếc với Jobs:[121]
Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là một cố vấn đáng tin tưởng. Di sản ông để lại sẽ vượt xa các sản phẩm ông đã tạo ra hoặc các doanh nghiệp ông mà đã xây dựng nên. Hàng triệu người đã được ông truyền cảm hứng, hàng triệu cuộc sống đã thay đổi vì ông và nền văn hóa ông xác lập ra. Steve là một tấm gương xác thực, với tâm trí đầy sáng tạo và trí tưởng tượng đã định một kỷ nguyên mới. Bất chất những gì lớn lao ông đã thực hiện, chúng dường như chỉ mới là sự bắt đầu. Sự qua đời của ông đồng nghĩa với thế giới đã mất đi một tấm gương, Disney đã mất đi một thành viên gia đình, và tôi đã mất một người bạn tuyệt vời. Xin dành những tâm tư và lời cầu nguyện của chúng tôi đến người vợ Laurene và con cái của ông trong thời gian khó khăn này.
Đạo diễn người Mỹ Steven Spielberg cho biết: "Steve Jobs là nhà sáng chế lỗi lạc nhất từ sau Thomas Edison. Ông đưa thế giới đến đầu ngón tay của chúng ta."[122]
Vinh danh
[sửa | sửa mã nguồn]Ông được Tổng thống Ronald Reagan trao tặng Huân chương Quốc gia về Công nghệ vào năm 1984 cùng với Steve Wozniak (nằm trong số những người đầu tiên từng nhận được vinh dự này),[123] và một Giải thưởng Jefferson cho Dịch vụ công ở hạng mục "Dịch vụ công tuyệt vời nhất do một cá nhân 35 năm tuổi trở xuống" (hay còn gọi là giải thưởng Samuel S. Beard) vào năm 1987.[124]
Ngày 27 tháng 11 năm 2007, Jobs được tạp chí Fortune mệnh danh là người có quyền lực nhất trong giới kinh doanh.[125]
Ngày 5 tháng 12 năm 2007, Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger và Đệ nhất phu nhân Maria Shriver đưa nhân vật Jobs vào California Hall of Fame, tọa lạc tại Bảo tàng California về Lịch sử, Phụ nữ và Nghệ thuật.[126]
Tháng 8 năm 2009, Jobs được bầu là doanh nhân được giới trẻ ngưỡng mộ nhiều nhất theo một cuộc khảo sát của tổ chức thanh thiếu niên phi lợi nhuận Junior Achievement.[127]
Ngày 5 tháng 11 năm 2009, tạp chí Fortune mệnh danh Jobs là tổng giám đốc điều hành của thập kỷ.[128]
Tháng 11 năm 2009, Jobs được xếp hạng thứ 57 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới của công ty truyền thông và xuất bản Forbes.[129]
Tháng 12 năm 2010, thời báo tài chính Financial Times gọi Jobs là nhân vật tiêu biểu của thời báo này trong năm 2010, phần cuối của bài luận đề cập đến trích dẫn trong tự truyện của John Sculley – cựu giám đốc điều hành PepsiCo, người từng điều hành Apple như sau: "Apple được dự định sẽ trở thành một công ty sản phẩm tiêu dùng tuyệt vời. Đây quả là một kế hoạch điên cuồng. Công nghệ cao không thể được thiết kế và bán như một sản phẩm tiêu dùng." Bài báo kết luận rằng làm thế nào Sculley có thể sai lầm đến vậy.[130]
Trong văn hoá đại chúng
[sửa | sửa mã nguồn]Dựa vào tuổi trẻ, tài sản lớn uy tín cá nhân, cùng với việc thành lập Apple, Jobs trở thành một biểu tượng của nền công nghiệp và công ty Apple. Khi tạp chí Time vinh danh máy tính là "Cỗ máy của năm", tạp chí này đăng kèm theo một tiểu sử dài về Jobs, đánh giá ông là "nhạc trưởng nổi tiếng nhất về những vật tinh vi ở tỉ lệ siêu nhỏ."[131][132] Jobs nổi bật đặc trưng trong ba bộ phim về lịch sử của ngành công nghiệp máy tính cá nhân, bao gồm:
- Triumph of the Nerds – phim tài liệu 3 phần năm 1996 chiếu trên PBS, nói về sự trỗi dậy của máy tính gia đình/máy tính cá nhân.
- Nerds 2.0.1 – phim tài liệu 3 phần 1998 của chiếu trên PBS, (tiếp theo của Triumph of the Nerds) ghi lại sự phát triển của internet.
- Pirates of Silicon Valley (Những tên cướp tại thung lũng Silicon) — phim phóng sự dựa trên những sự kiện có thật, sản xuất năm 1999, ghi lại sự phát triển của Apple và Microsoft. Trong phim này, Noah Wyle thủ vai Jobs.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Smithsonian Oral and Video Histories: Steve Jobs”. Smithsonian Institution. ngày 20 tháng 4 năm 1995. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2006.
- ^ a b “The Walt Disney Company and Affiliated Companies – Board of Directors”. Walt Disney Company. 2006. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2009. Đã bỏ qua tham số không rõ |DUPLICATE_work= (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |DUPLICATE_url= (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |DUPLICATE_title= (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |DUPLICATE_access-date= (trợ giúp)
- ^ “Putting Pay for Performance to the Test”. New York Times. ngày 8 tháng 4 năm 2007.
- ^ “Apple again pays Jobs $1 salary”. CNET News.com. ngày 13 tháng 3 năm 2006.
- ^ “Jobs' salary remained at $1 in 2005”. AppleInsider. ngày 14 tháng 3 năm 2006.
- ^ “Steve Jobs banks his $1 salary, loses $500m”. The Independent. London. ngày 8 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2009.
- ^ “Forbes 400 Richest Americans”. Forbes. tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2011.
- ^ Elkind, Peter (ngày 15 tháng 3 năm 2008). “The trouble with Steve Jobs”. Fortune. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Steve Jobs: Died Buddhist, Raised Lutheran”. ngày 7 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014.
- ^ Markoff, John (ngày 1 tháng 9 năm 1997). “An 'Unknown' Co-Founder Leaves After 20 Years of Glory and Turmoil”. New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Steve Jobs Resigns as CEO of Apple” (Thông cáo báo chí). Apple Inc. ngày 24 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Steve Jobs Resigns as Apple CEO”. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Toy Story (1995) - IMDb” – qua www.imdb.com.
- ^ Markoff, John (ngày 1 tháng 9 năm 1997). “An 'Unknown' Co-Founder Leaves After 20 Years of Glory and Turmoil”. The New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2011.
- ^ Kahney, Leander (ngày 6 tháng 1 năm 2004). “Wired News: We're All Mac Users Now”. Wired News. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2006.
- ^ “America's Most Admired Companies: Jobs' journey timeline”. CNNMoney.com. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2010. Jobs and a team of engineers visit Xerox PARC, where they see a demo of mouse and graphical user interface
- ^ Vivek Kaul (ngày 11 tháng 5 năm 2009). “What Steve Jobs did when he was fired from Apple”. DNA (newspaper).
- ^ a b c d “'You've got to find what you love,' Jobs says”. Stanford Report. ngày 14 tháng 6 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2011."I didn't see it then, but it turned out that getting fired from Apple was the best thing that could have ever happened to me".
- ^ “Pixar History – 1986”. Pixar. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2008.
- ^ a b ngày 25 tháng 1 năm 2006 Disney buys Pixar for $7.4 bn, rediff.com
- ^ “The Walt Disney Company”. ngày 30 tháng 5 năm 2023. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)
- ^ Holson, Laura M. (ngày 25 tháng 1 năm 2006). “Disney Agrees to Acquire Pixar in a $7.4 Billion Deal”. The New York Times. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Pixar Becomes Unit of Disney”. The New York Times & The Associated Press. ngày 6 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2010.
- ^ a b Cringely, Robert X. (ngày 1 tháng 4 năm 2004). “Steve Jobs – Apple Computer, Pixar”. Inc. Magazine. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2006.
- ^ a b “Co-founder Steve Jobs resigns”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Letter from Steve Jobs”.
- ^ a b “Remembering Steve Jobs - Apple”. Cupertino, California: Apple Inc. ngày 5 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)
- ^ “Apple Co-Founder Steve Jobs Dies at 56”. Chicago Tribune. ngày 5 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2011.
- ^ *Joan Ferrante (2012). Sociology: A Global Perspective. Cengage Learning. tr. 218. ISBN 1111833907.
- Shirin Sadeghi (ngày 6 tháng 10 năm 2011). “Steve Jobs' Arab-American background and the story of his adoption”. New America Media. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2014.
- “Steve Jobs Dies: He Was The Most Famous Arab in the World”. International Business Times. ngày 5 tháng 10 năm 2011.
- ^ The Federal Bureau of Investigations; The Federal Bureau of Investigations Staff (ngày 20 tháng 2 năm 2012). The FBI File on Steve Jobs. Skyhorse Publishing Inc. tr. 27–. ISBN 978-1-62087-251-2. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ Sherman, Suzan. “BOMB Magazine: Mona Simpson by Ameena Meer”. Bombsite.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2010.
- ^ Smith, David (ngày 29 tháng 1 năm 2006). “The non-stop revolutionary”. The Guardian. London.
- ^ “The Lost Interview: Steve Jobs Tells Us What Really Matters”. Forbes. ngày 17 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2015.
- ^ “Biography: Steve Jobs”. The Apple Museum. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2006.
- ^ “The Cream of the Crop: Top Liberal Arts Colleges in the U.S.”. About.com Education. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2011. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
- ^ Campbell, Duncan (ngày 8 tháng 6 năm 2004). “The Guardian Profile: Steve Jobs”. The Guardian. UK. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2006.
- ^ Andrews, Amanda (ngày 14 tháng 1 năm 2009). “Steve Jobs, Apple's iGod: Profile”. The Daily Telegraph. UK. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2009.
- ^ “Steve Jobs profile: Apple's hard core”. Edinburgh: News scotsman. ngày 11 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2009.
- ^ a b Markoff, John (2005). What the Dormouse Said: How the 60s Counterculture Shaped the Personal Computer Industry. The Penguin Group. ISBN 0-670-03382-0. pg. xviii–xix.
- ^ Letters – General Questions Answered Lưu trữ 2011-06-12 tại Wayback Machine, Woz.org
- ^ Wozniak, Steven: "iWoz", a: pages 147–148, b: page 180. W. W. Norton, 2006. ISBN 978-0-393-06143-7
- ^ Kent, Stevn: "The Ultimate History of Video Games", pages 71–73. Three Rivers, 2001. ISBN 0-7615-3643-4
- ^ “Player 2 Stage 1: The Coin Eaters”. Thedoteaters.com. ngày 29 tháng 9 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “Breakout, Arcade Video game by Atari, Inc. (1976)”. Arcade History. ngày 25 tháng 6 năm 2002. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “Classic Gaming: A Complete History of Breakout”. Classicgaming.gamespy.com. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “Pixar Founding Documents”. Alvyray.com. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Wolff, Michael, "iPod, Therefore I am", Vanity Fair magazine, April, 2006. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2010.
- ^ Apple Computer, Inc. Finalizes Acquisition of NeXT Software Inc., Apple Inc., ngày 7 tháng 2 năm 1997. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2006.
- ^ “Apple Formally Names Jobs as Interim Chief”. New York Times. New York. ngày 17 tháng 9 năm 1997. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2011.
- ^ “The once and future Steve Jobs”. Salon.com. ngày 11 tháng 10 năm 2000. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ Norr, Henry (ngày 6 tháng 1 năm 2000). “MacWorld Expo / Permanent Jobs / Apple CEO finally drops 'interim' from title”. SF Gate. San Francisco. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2011.
- ^ “Real Artists Ship”.
- ^ “Apple Improves Recycling Plan”. PC Magazine. ngày 21 tháng 4 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2011.
- ^ Siegler, MG (ngày 24 tháng 8 năm 2011). “Steve Jobs Resigns as CEO of Apple”. TechCrunch. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ Gupta, Poornima (ngày 18 tháng 8 năm 2011). “Steve Jobs Quits”. Reuters. Reuters.com. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ “AAPL: Summary for Apple Inc.- Yahoo! Finance”. Finance.yahoo.com. ngày 2 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ Steve Jobs từ chức CEO Apple, doanh nhân toàn cầu tiếc nuối VnExpress. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011. (tiếng Việt)
- ^ Valentino-Devries, Jennifer (ngày 25 tháng 8 năm 2011). “Apple's Stock: Looks Like Steve Jobs's Departure Was Priced in”. The Wall Street Journal. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ Steve Schaefer (ngày 26 tháng 7 năm 2011). “Steve Jobs Steps Down, Apple Shares Drop 5% After-Hours”. Forbes. Forbes. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ “DIS: Summary for Walt Disney Company (The) Commo- Yahoo! Finance”. Finance.yahoo.com. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Executive salaries on the rise again”. Slideshow (bằng tiếng Australian). Nine MSN. tr. 5. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2011.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
- ^ "Steve Jobs is $300 million richer" Lưu trữ 2012-05-29[Timestamp length] tại Archive.today. Fortune. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2010.
- ^ "The 400 Richest Americans 2009". Fortune. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2010.
- ^ "Thoughts On The Steve Jobs Legacy". Bloomberg Businessweek. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2010.
- ^ "The Trouble With Steve Jobs". Fortune. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2010.
- ^ "Ai thừa kế 8,3 tỷ USD của Steve Jobs?" "24H.COM.VN" Thứ Sáu, ngày 07/10/2011, 10:54
- ^ “New questions raised about Steve Jobs's role in Apple stock options scandal”. ngày 28 tháng 12 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Apple restates, acknowledges faked documents”. EE Times. ngày 29 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2007.
- ^ “Group Wants $7B USD From Apple, Steve Jobs, Executives Over Securities Fraud”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Apple, Steve Jobs, Executives, Board, Sued For Securities Fraud”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2011.
- ^ Colvin, Geoff (ngày 19 tháng 3 năm 2007). “Steve Jobs' Bad Bet”. Fortune. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2011.
- ^ Dumaine, Brian (ngày 18 tháng 10 năm 1993). “AMERICA'S TOUGHEST BOSSES In an era of endless restructuring, cutting heads like Robespierre on a rampage is just average. These leaders inflict pain by messing with your mind as well. Here's what they're like to work for”. CNN.
- ^ Appleyard, Bryan (ngày 16 tháng 8 năm 2009). “Steve Jobs: The man who polished Apple”. The Sunday Times. UK. tr. 2. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2011.
- ^ “JOBS MACWORLD 07”. blog.seattlepi.nwsource.com. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Floyd Norman (ngày 19 tháng 1 năm 2009). “Steve Jobs: A Tough Act to Follow”. Jim Hill Media. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
- ^ Hafner, Katie (ngày 30 tháng 4 năm 2005). “Steve Jobs' Review of His Biography: Ban It”. The New York Times. tr. Technology. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2006.
- ^ Weinman, Sarah (ngày 17 tháng 6 năm 2010). “Education Publisher John Wiley & Sons Closes Fiscal Year on a Strong Note”. DailyFinance. AOL. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2010.
- ^ “[[United States Government|Governmental]] patent database”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2010. Tựa đề URL chứa liên kết wiki (trợ giúp)
- ^ a b c d Evangelista, Benny (ngày 2 tháng 8 năm 2004). “Apple's Jobs has cancerous tumor removed”. San Francisco Chronicle. tr. A1. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2006.
- ^ “Pancreatic Cancer Treatment”. Mayo Clinic. Mayo Clinic. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Markoff, John (23 tháng 7, 2008). “Talk of Chief's Health Weighs on Apple's Share Price”. The New York Times – qua NYTimes.com.
- ^ Elmer, Philip (ngày 13 tháng 6 năm 2008). fortune.cnn. com/2008/06/13/steve-jobs-life-after-the-whipple/?source=yahoo_quote “Steve Jobs and Whipple” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Apple20.blogs. fortune.cnn.com. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ "Looking very thin, almost gaunt": Kahney, Leander. “Has Steve Jobs Lost His Magic?”. Cult of Mac. Wired News. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2006.
- ^ "[The audience was] uninspired (and concerned) by Jobs' relatively listless delivery": Meyers, Michelle. “Jobs speech wasn't very Jobs-like”. BLOGMA. CNET News.com. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2006.
- ^ Saracevic, Al (ngày 9 tháng 8 năm 2006). “Where's Jobs' Mojo?”. San Francisco Chronicle. tr. C1. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2006.
- ^ Cheng, Jacqui (ngày 8 tháng 8 năm 2006). “What happened to the Steve we know and love?”. Infinite Loop. Ars Technica. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2006.
- ^ Claburn, Thomas (ngày 11 tháng 8 năm 2006). “Steve Jobs Lives!”. InformationWeek. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Business Technology: Steve Jobs' Appearance Grabs Notice, Not Just the IPhone”. The Wall Street Journal. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ "Apple says Steve Jobs feeling a little under the weather" in AppleInsider.
- ^ Elmer, Philip (ngày 13 tháng 6 năm 2008). fortune.cnn. com/2008/06/13/steve-jobs-life-after-the-whipple/ “Fortune Magazine Article” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). Apple20.blogs. fortune.cnn.com. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ "Steve Jobs and Apple" Lưu trữ 2014-04-10 tại Wayback Machine Marketing Doctor Blog. ngày 24 tháng 7 năm 2008.
- ^ Talking Business: Apple’s Culture of Secrecy The New York Times (ngày 26 tháng 7 năm 2008).
- ^ “Steve Jobs' Obituary, As Run By Bloomberg”. Gawker Media. ngày 27 tháng 8 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2008.
- ^ Moore, Matthew (ngày 28 tháng 8 năm 2008). “Steve Jobs Obituary Published By Bloomberg”. The Daily Telegraph. UK. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Bloomberg mistakenly publishes Steve Jobs obituary”. Yahoo! News. Yahoo!. ngày 28 tháng 8 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Bloomberg publishes Jobs obit but why?”. Zdnet Blogs. ZDnet. ngày 28 tháng 8 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Apple posts 'Lets Rock' event video”. Macworld. ngày 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Live from Apple's "spotlight turns to notebooks" event”. Engadget. ngày 14 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2008.
- ^ Stone, Brad (ngày 17 tháng 12 năm 2008). “Apple's Chief to Skip Macworld, Fueling Speculation”. The New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2010.
- ^ Apple abandons Macworld amid Jobs illness rumours[liên kết hỏng] Daily Headlines – GQ.com UK
- ^ “Steve Jobs' Health Declining Rapidly, Reason for Macworld Cancellation – Steve Jobs' health”. Gizmodo. ngày 30 tháng 12 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Jobs, Steve (ngày 5 tháng 1 năm 2009). “Letter from Apple CEO Steve Jobs”. Apple.com. Apple Inc. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Apple's Jobs admits poor health”. BBC News. ngày 5 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Apple Media Advisory”. Apple Inc. ngày 14 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Apple Media Advisory” (Thông cáo báo chí). Apple Inc. ngày 14 tháng 1 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Steve Jobs Receives Liver Transplant – Methodist Le Bonheur Healthcare”. Methodisthealth.org. ngày 23 tháng 6 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ liver. transplant/index.html “Steve Jobs recovering after liver transplant” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). CNN. ngày 23 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “Steve Jobs recovering after liver transplant”. CNN. ngày 23 tháng 6 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Helft, Miguel (ngày 17 tháng 1 năm 2010). “Apple Says Steve Jobs Will Take a New Medical Leave”. The New York Times. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Steve Jobs to take medical leave of absence but remain Apple CEO”. ngày 17 tháng 1 năm 2011.
- ^ Abell, John C. (ngày 8 tháng 6 năm 2011). “Video: Jobs Pitches New 'Mothership' to Approving Cupertino City Council”. Epicenter. Wired. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2011.
- ^ “Apple Resignation Letter” (Thông cáo báo chí). Apple. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2011.
- ^ Fowler, Yukari Iwatani Kane And Geoffrey A. (5 tháng 10, 2011). “Steve Jobs, Apple Co-Founder, Is Dead”. Wall Street Journal – qua www.wsj.com.
- ^ “Statement by Apple's Board of Directors”. MarketWatch. ngày 5 tháng 10 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2011.
- ^ VnExpress. “Huyền thoại Steve Jobs qua đời ở tuổi 56”. vnexpress.net. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.
- ^ “Remembering Steve Jobs - Apple”. www.apple.com.
- ^ Griggs, Brandon (ngày 5 tháng 10 năm 2011). “Steve Jobs, Apple founder, dies”. CNN.
- ^ “President Obama on the Passing of Steve Jobs: "He changed the way each of us sees the world."”. whitehouse.gov. 5 tháng 10, 2011.
- ^ Gates, Bill. “Remembering Steve Jobs”. gatesnotes.com.
- ^ Steve Jobs, co-founder of Apple, has passed away at 56 - Engadget
- ^ “Bill Gates, Mark Zuckerberg, Other CEOs and Celebrities React to Steve Jobs' Death - Yahoo! News”.
- ^ “Disney CEO: "Jobs Was Such an Original"”. Mashable. 6 tháng 10, 2011.
- ^ “THE NATIONAL MEDAL OF TECHNOLOGY RECIPIENTS 1985 Laureates”. Uspto.gov. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “National Winners | public service awards”. Jefferson Awards.org. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ “25 most powerful people in business 1. Steve Jobs”. CNN. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Jobs inducted into California Hall of Fame Lưu trữ 2008-09-28 tại Wayback Machine, California Museum. Truy cập 2007.
- ^ “Steve Jobs bigger than Oprah!” (PDF). Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Lashinsky, Adam (ngày 5 tháng 11 năm 2009). “Steve Jobs: CEO of the decade”. CNN. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ Noer, Michael (ngày 11 tháng 11 năm 2009). “The World's Most Powerful People”. Forbes.
- ^ Richard Waters and Joseph Menn, "Silicon Valley visionary who put Apple on top," [1]Financial Times, ngày 22 tháng 12 năm 2010. The actual text from the biography is: Apple was supposed to become a wonderful consumer products company. That's why it hired a soft-drinks guy in the first place. By now, however, I knew this was a lunatic plan; our race to realize it had been a death march. Technology companies are only superficially in the same category as consumer products companies. We couldn't bend reality to all our dreams of changing the world. The world would also have to change us. Our perspective had been hopelessly wrong. High tech could not be designed and sold as a consumer product. The consumer business had collapsed at the end of 1984. Most people who bought computers stuffed them in the closet because balancing a checkbook wasn't reason enough to flick on the switch. Consumers weren't ready to put computers in their homes as easily as they installed telephones, refrigerators, televisions, and even Cuisinarts. They weren't willing to pay a couple of thousand dollars for something they didn't know what to do with. John Sculley and John A. Byrne, Odyssey: Pepsi to Apple – a journey of adventure, ideas and the future, Harper & Row, 1987
- ^ Cocks, Jay; Michael Moritz (ngày 3 tháng 1 năm 1983). “The Updated Book of Jobs”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2011.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ Golden, Frederic (ngày 3 tháng 1 năm 1983). “Other Maestros of the Micro”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2011.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Tìm hiểu thêm vềSteve Jobstại các dự án liên quan | |
Tập tin phương tiện từ Commons | |
Dữ liệu từ Wikidata |
- Cuộc đời Steve Jobs
- Sự nghiệp của Steve Jobs qua ảnh
- 'Huyền thoại' Steve Jobs của hãng Apple qua đời
- Tiểu sử chính thức của Steve Jobs
- Bản tóm tắt công việc của Steve Jobs
Chức vụ doanh nghiệp | ||
---|---|---|
Tiền nhiệm:Gil Amelio | Chủ tịch hãng Apple1997–2011 | Kế nhiệm:Tim Cook |
| ||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
| ||||||||||||||||||||
Sản phẩm |
| |||||||||||||||||||
Dịch vụ |
| |||||||||||||||||||
Công ty |
| |||||||||||||||||||
Có liên quan |
| |||||||||||||||||||
Nhân vật |
| |||||||||||||||||||
|
| |
---|---|
Sáng lập viên |
|
CEO |
|
Nhân viênhiện tại |
|
Nhân viêntrước đây |
|
| |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Một công ty con của Walt Disney Studios, một bộ phận của The Walt Disney Company. | |||||||||
Phim dài |
| ||||||||
Phim ngắn |
| ||||||||
Truyền hìnhđặc biệt |
| ||||||||
Thương hiệu |
| ||||||||
Liên kếtsản xuất |
| ||||||||
Phim tài liệu | The Pixar Story (2007) | ||||||||
Sản phẩm | Pixar Image Computer · RenderMan · Marionette | ||||||||
Nhân viên |
| ||||||||
Xem thêm | Danh sách nhân vật của Pixar |
Tiêu đề chuẩn |
|
---|
Từ khóa » Chủ Apple
-
Steve Jobs Là Ai? Cùng Tìm Hiểu Về Cuộc đời Của Founder Vĩ đại Này ...
-
Ông Chủ Thực Sự đứng Sau Apple | Doanh Nhân
-
Apple Inc. – Wikipedia Tiếng Việt
-
Apple
-
Nhà Lãnh đạo Apple Hiện Nay Là Ai?
-
Không Phải Tim Cook, đây Mới Là ông Chủ Thực Sự đứng Sau Apple
-
Steve Jobs Là Ai? Cuộc đời Huyền Thoại Của Người Sáng Lập Apple
-
[PDF] Cẩm Nang Hướng Dẫn Về Washington Apple Health (Medicaid) Cho ...
-
Apple Là Công Ty Giàu Nhất Thế Giới. Vậy Các Tỷ Phú đang ở đâu?
-
Apple ICloud
-
Apple Thay đổi Thế Nào Sau 10 Năm Dưới Tay CEO Tim Cook?
-
Apple Lỗi Máy Chủ, Hàng Loạt IPhone ở Việt Nam Hóa 'cục Gạch'
-
Apple - Home | Facebook