Sự Căng Thẳng/Stress Và Hội Chứng Quá Tải

Thế nào là Hội chứng quá tải?

Hội chứng quá tải là một trạng thái tâm lý tiêu cực lâu dài, mà thường được hình thành trong bối cảnh cộng việc (Schaufeli & Enzmann, 1998). Người mắc phải hội chứng này có cảm giác kiệt sức về mặt tâm lý và cảm thấy mình bị quá sức trong mọi việc làm. Họ còn thuật lại về cảm giác thiếu năng lượng và trạng thái căng thẳng. Hơn nữa họ mất đi sự thích thú với công việc, mặc dù trước đây công việc đó đã đem lại niềm vui cho họ. Bây giờ công việc đó khiến họ nản chí. Người bị Burnout còn có thể cảm thấy mình thấp kém, không có ich gì, mất khả năng kiểm soát mọi việc. Burnout còn có thể làm mất đi sự sáng tạo. Hội chứng quá tải có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của họ về công việc và qua đó làm thay đổi năng lực và nghị lực làm việc. Hội chứng quá tải còn tác động đến các khía cạnh khác của cuộc sống ngoài công việc như đến các mối quan hệ, gia đình, cũng như đến sự hài lòng về cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng quá tải là do tình trạng Stress kéo dài mà không vươt qua được, ví dụ là điều kiện làm việc mà chúng ta không thay đổi được. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng, Stress là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của sức khỏe của thế kỷ 21. Ngoài những trách nhiệm thường nhật của công việc, gia đình, xã hội thì người nhập cư còn thêm gánh nặng trong hay sau sự nhập cư. Điều đó đã được xác nhận trong một đề tài nghiên cứu khi so sánh người nhập cư với người dân Đức. Người nhập cư hoặc người dân có nguồn gốc nhập cư trong cuộc sống hằng ngày thường phải lựa chọn giữa các giá trị quan trọng của cuộc sống, các phép lịch sự (bao gồm cách cư xử), cách biểu lộ cảm xúc phù hợp với nguyên tắc chung và của xã hội. Qua đó họ thực hiện thêm việc dịch thuật giữa các ngôn ngữ, giữa các phép xã giao và giá trị quan trọng của cuộc sống của các nền văn hóa. Mà điều này đặc biệt khó khăn ở những tình huống hiểu lầm hay khi ngôn từ giao tiếp bị hạn chế.

Triệu chứng của Stress và Hội chứng quá tải

Trạng thái Stress/căng thẳng kéo dài có thế dẫn đến những triệu chứng thể lý, ngoài những triệu chứng tâm lý. Các triệu chứng thể lý có thể là bị ù tai, cảm giác ngột ngạt ở phần ngực, tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, sự nôn nao, sự khó tiêu hóa, sự táo bón, bị đầy bụng, đau bụng. Một số triệu chứng khác mà Stress có thể gây ra là sự chóng mặt, sự căng cơ hàm, sự đay nghiến hai hàm răng, cảm giác đau nhói trong bụng hoặc thay đổi cấu trúc hay dễ viêm nhiễm niêm mạc miệng. Hơn nữa Stress thường đi đôi với sự căng cơ, qua đó dẫn đến sự đau cơ hay sự căng cơ vai và cổ mãn tĩnh. Điều này sẽ gây ra đau lưng hay đau đầu. Sự căng thẳng còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, có thể khiến cho người dưới Stress toát mồ hôi nhiều hơn, cảm thấy lạnh hoặc huyết áp tăng lên.

Triệu chứng của Hội chứng quá tải bao gồm cả triệu chứng tâm lý và triệu chứng tâm thể. Các triệu chứng tâm lý gần giống những triệu chứng của Rối loạn Trầm cảm, nhưng mức độ không nặng bằng Trầm cảm. Vì thế Hội chứng quá tải còn được gọi là giai đoạn nguy cơ mà có thể dẫn đến Trầm cảm. Người mắc Hội chứng quá tải thường cảm thấy vô vọng, trống rỗng, cảm thấy mình thấp kém, cảm thấy bị cô lập, có tính khí bất thường, bi quan, hay nổi giận, không kiên nhẫn, nhạy cảm hơn và hay bồn chồn. Khi Stress kéo dai lâu sẽ dẫn đến Hội chứng quá tải với những triệu chứng tâm thể như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, cảm giác ngột ngạt ở phần ngực, sự căng cơ hoặc triệu chứng thể lý như tăng nhịp tim, tăng huyết áp và đổ mồ hôi nhiều hơn.

Quá trình phát triển và sự phổ biến

Do triệu chứng của Hội chứng quá tải và một giai đoạn Trầm cảm dạng nhẹ có nhiều điểm giống nhau nên nhiều khi khó có thể phân biệt được chúng. Vì thế Hội chứng quá tải còn được gọi là giai đoạn nguy cơ có thể hình thành Rối loạn Trầm cảm hoặc giai đoạn tiền Trầm cảm. Trong một cuộc khảo sát với 10.000 người thì có đến một phần ba nhân viên đó có dấu hiệu của Hội chứng qúa tải. Ở một cuộc nghiên cứu lớn tại Phần Lan thì 25% người trong độ tuổi lao động mắc một dạng nhẹ của Hội chúng quá tải; 3% mắc dạng nặng của Hội chứng quá tải, mà có thể được chuẩn đoán là Rối loạn Trầm cảm (Honkonen et al, 2006).

Các yếu tố nguy cơ cho Hội chứng quả tải

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến Hội chứng quá tải là sự chồng chất trách nhiêm, công việc hay những sự đòi hỏi, mà người bị ảnh hưởng cảm thấy những điều đó là Stress. Một tình huống cụ thể có thể là người lao động, họ có nhiều công việc mà cần nhiều thời gian và công sức để hoàn thành, mà họ chỉ được cho một khoảng thời gian ngắn. Hơn nữa họ không có quyền tự dàn xếp công việc của mình sao cho phù hợp. Một khó khăn nữa là sự thiếu chuẩn bị đối với yêu cầu mới của công việc ví dụ do sự đổi mới hệ thống công nghệ thông tin của nơi làm việc hay sự thay đổi quy trình làm việc. Hơn nữa, không khí làm việc cũng có ảnh hưởng – nếu ở nơi làm việc người làm việc tốt ít được khen thưởng, ít khi nhận được sự phản hồi về cách hoặc kêt quả làm việc, không có sự giao tiếp rành mạch và rõ rang hay sự lạnh lùng giữa đồng nghiệp với nhau, cũng có thể dẫn đến Hội chứng quá tải. Ngoài ra nếu người lao động luôn phải liên lạc được 24/7 được hay không có sự tách biệt rõ ràng giữa công việc và đời sống riêng tư, cũng là những nguy cơ cho Hội chứng quá tải.

Các yếu tố nguy cơ của bản thân người đó là do khuynh hướng dễ bị tác động bởi Stress do cấu trúc sinh học/gen của họ. Bên cạnh đó các yếu tố cá nhân khác là người đó quá cầu toàn, có sự đòi hỏi quá cao đối với bản thân, đề trọng cao sự nhận được lời khen ngợi và công nhận của người khác hay người đó có khó khăn trong việc từ chối một công việc hay nói chung là người đó khó có thể nói „không“ với lời đề nghị/yêu cầu của người khác. Nếu người đó không có cách đối phó tốt với Stress cũng có thể dẫn đến Hội chứng quá tải. Một số cách hay yếu tố phòng ngừa Hội chứng quá tải là sự làm việc có tổ chức – nhượng bộ lại công việc cho người khác nếu cảm thấy mình quá sức, và sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, hay có những đồng nghiệp hợp tác tốt mới mình. Đối với các rối loạn gây ra bởi Stress thì mô hình giải thích nguyên nhân hình thành là mô hình sự tổn thương và Stress. Hoặc còn được gọi là mô hình yếu tố di truyền và môi trường. Đây là mô hình sử dụng đa yếu tố để giải thích sự hình thành của các rối loạn tâm lý.

Quá trình phát triển của Hội chứng quá tải

Hội chứng quá tải thường bắt đầu với cảm giác kiệt sức và sự mệt mỏi thường xuyên. Người mắc Hội chứng quá tải thỉnh thoảng đối xử với người xung quanh mình một cách khó chịu. Triệu chứng thể lý bắt đầu xuất hiện và số ngày nghỉ phép vì ốm đau ngày càng tăng lên. Họ ngủ không ngon giấc, thức dậy nhiều lần buổi đêm và cảm thấy căng thẳng. Vì thế không ít khi họ tự điều trị các triệu chứng đó bằng thuốc giảm đau hay thuốc ngủ, hoặc bằng rượu bia. Hơn nữa người đó cũng có thể giải tỏa Stress bằng cách tiêu thụ các phương tiện truyền thông nhiều hơn – xem tivi, xem bộ phim dài tập và hoặc chơi trò chơi điện tử. Những cách giải tỏa Stress vừa nêu không thích hợp và đem lại tác dụng lâu dài. Burnout còn có thể thay đổi thói quen ăn uống một cách không tốt. Hậu quả lâu dài của Hội chứng quá tải là những vấn đề trong hôn nhân và gia đinh, vì so với trước người mắc Burnout hay cáu kình, ít khoan dung và linh hoạt hơn trong đối xử với người khác, bởi họ quá căng thẳng vì công việc và chỉ để tâm đến điều đó. Một hậu quả nữa là người mắc Burnout có thể phải đổi chỗ làm việc hay nghỉ việc sớm hơn dự định.

Hội chứng quá tải không những chỉ tăng nguy cơ hình thành Rối loạn trầm cảm mà còn tăng nguy cơ cho một số rối loạn tâm lý và căn bệnh khác. Đó thường là Rối loạn lo âu hay sự nghiện thuốc hoặc rượu bia. Các căn bệnh có thể là Rối loạn trao đổi chất, Bệnh béo phì, sự đau nhức mãn tĩnh hoặc các bệnh viêm nhiễm.

Có những cách điều trị nào?

Trọng tâm của việc đối phó với các yếu tố nguy cơ dẫn đến Hội chứng quá tải là ở các biện pháp phòng ngừa. Chúng ta cần phải tìm được sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc. Hơn nữa sự hiểu biết và nhận ra kịp thời về những triệu chứng đầu tiên của Burnout, cũng như những triệu chứng thể lý bản thân có thể giúp phòng ngừa Hội chứng quá tải. Những hoạt động giải tỏa Stress có thể giúp phòng ngừa Burnout ví dụ là dành thời gian tạo những kỷ niệm đẹp với gia đinh và bạn bè, các hoạt động thể thao (tập Yoga, đi chạy bộ, đi bơi, …), dành thời gian rảnh rỗi cho các sở thích của mình hay các hoạt động khác mà đem lại niềm vui cho bản thân. Nhưng quan trọng là chúng ta phải giữ được sự cân bằng giữa các hoạt động giải trí và thời gian nghỉ ngơi.

Nếu triệu chứng của sự căng thẳng kéo dài và có những dấu hiệu của triệu chứng Trầm cảm thì chúng ta nên tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Đó có thể là tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý (ngoại trú). Nếu các triệu chứng rất nặng và kéo dài thì chúng ta cũng có thể vào viện điều trị nội trú tại Khoa Tâm thần & Tâm lý. Sự điều trị bằng thuốc ở đây cũng có tác dụng cho triệu chứng rất nặng, ví dụ bằng thuốc chống trầm cảm hay thuốc ngủ.

Dựa vào một bài viết của:

BS CK TS Tạ Thị Minh Tâm (Chuyên gia tâm lý lâm sàng, Charité CBF)

Tài liệu tham khảo:

Positionspapier der Deutschen Gesellschaft für Psychiatrie, Psychotherapie und Nervenheilkunde (DGPPN) zum Thema Burnout, 07.03.2012. retrieved: http://www2.psychotherapeutenkammer-berlin.de/uploads/stellungnahme_dgppn_2012.pdf von Poser, A. et al. SFB 1171 Affective Societies – Working Paper 03/17: Annäherungen an das Unsagbare – Artikulationen des Affektiven und die Formierung transkultureller Emotionsrepertoires im Vietnamesischen Berlin. (2017). Honkonen, T. et al. The association between burnout and physical illness in the general population – results from the Finnish Health 2000 Study. J Psychosom Res. Jul 61(1), 59-66 (2006). Schaufeli, W.B. & D. Enzmann. The burnout companion to study and practice. Taylor & Francis, London (1998).

Từ khóa » Hình ảnh Công Việc Quá Tải