Sự Có Lý Trong Những điều Vô Lý - Công An Nhân Dân

>> Sự có lý trong những điều vô lý

Sự vô lý của một giai thoại hay nhầm lẫn của lịch sử

Trong bài "Nhân mùa vải thiều giá rẻ" đăng trên Báo Văn nghệ số 28, ra ngày 14/7/2007, học giả Nguyễn Huệ Chi viết: Vải thiều được mùa đến nỗi nhiều thương lái tìm cách xuất sang Trung Quốc và đó cũng là một cách giải quyết đầu ra hộ nông dân. Một tín hiệu giúp ta khấp khởi mừng, nhưng ngẫm nghĩ kỹ, đây cũng là chuyện lạ. Bởi cái tên "vải thiều" bản thân nó đã nói rõ xuất xứ của cây vải được bứng từ Trung Quốc sang trồng ở Việt Nam.

Lạ thay cho đến hôm nay, sau mấy trăm năm xuất sang xứ người, sản phẩm của loài di thực ấy mới lại có điều kiện trở về nguồn.

Lan man nghĩ ngợi lại nhớ đến cái giai thoại về nguyên nhân khiến lãnh tụ phong trào nông dân Việt Nam Mai Thúc Loan (?-722), người làng Mai Phụ, nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh nổi lên chống ách đô hộ nhà Đường vào năm 722 là bắt nguồn từ ách lao dịch quá nặng nề mà các đoàn phu cống vải người Việt chịu không nổi nên vùng lên chống lại.

Giai thoại có phần sáng tạo ngẫu hứng của một nhà nho nào đó từ khá xa xưa, nhưng một thời gian dài đã trở thành luận điểm chính thức hẳn hoi trong các bộ chính sử của miền Bắc Việt Nam, mà gần đây nhất, mới năm 2001 thôi, trong bộ "Lịch sử Hà Tĩnh" hai tập, luận điểm đó vẫn được nhắc đến nguyên vẹn.

Do thói quen của tư duy hay là một cớ nào đấy, các nhà sử học đã sơ ý không nghĩ đến điều mà trên một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây, Lê Mạnh Chiến đã đưa ra chính kiến nhằm "giải truyền thuyết hóa" một cách sắc bén. Ông cho rằng, cuộc khởi nghĩa Mai Hắc Đế xảy ra tại vùng đất nay là Nam Đàn, Nghệ An, vậy dân phu gánh vải ở đây lấy vải từ đâu ra?

Bởi xứ Nghệ từ xưa đến nay vốn không phải là vùng thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng vải. Mà cho dù đoàn dân phu bị bắt từ Nghệ An ra Hải Dương để gánh vải, thì với tiết trời tháng 6, tháng 7 nóng nực, phương tiện chuyên chở là gánh bộ, liệu trên chặng đường xa thăm thẳm đến kinh đô Tràng An nhà Đường làm sao cho vải khỏi thối rữa? Ta chẳng thấy vải mua ngay từ chợ về hôm trước, hôm sau đã đen quắt lại nếu không bỏ vào tủ lạnh đấy sao?

Chỉ có trong điều kiện của ngành công nghiệp đông lạnh và ngành giao thông vận tải tối tân hiện nay mới có thể nói đến chuyện xuất vải tươi sang Trung Quốc. Một lôgic đơn giản đến thế mà mãi đến hôm nay giới sử học vẫn chưa chịu bình tâm xét lại. Nhìn thẳng vào sự thật khó lắm thay!

Gần đây, Lê Mạnh Chiến có cung cấp cho học giả Nguyễn Huệ Chi hai bài thơ chữ Hán của Đỗ Phủ (712-770), thi nhân nổi tiếng đời Đường, nói về việc cống vải. Hai bài thơ là bằng chứng rõ rệt cho sự đúng đắn trong luận điểm của Lê Mạnh Chiến.

Trong hai bài thơ, Đỗ Phủ nói đến việc các xe vải lại tiếp tục đến kinh đô Trường An sau khi Dương Quý Phi (719-756) và Đường Minh Hoàng (685-726) đã mất. Ông ngậm ngùi cho một sắc đẹp không còn nữa và cái vị thơm ngon của quả vải cũng trở nên trớ trêu khi người đáng mặt thưởng thức đã chết.

Nhưng cảm hứng của hai bài thơ còn nằm ở cái ý ngầm phê phán triều đình nhà Đường đã bỏ quên số phận những đoàn người dầm trong sương trắng đưa vải từ Tứ Xuyên đến tận kinh đô. Và cũng trong cảm hứng chua chát ấy, ông nhớ lại những ngày ghé Tứ Xuyên vào mùa vải chín.

Rõ ràng, chúng ta có thể rút được từ trong hai bài thơ này một ý căn bản: Vải cống cho triều đình nhà Đường không phải đến từ Việt Nam. Hai bài thơ trong chùm "Khiển muộn" của Đỗ Phủ, như sau:

Tiên đế, Quý Phi kim tịch mịchLệ chi hoàn phục nhập Trường AnViêm phương mỗi tục chu anh hiếnNgọc tọa ưng bi bạch lộ đoàn.

Ức quá Lô, Nhung trích lệ chiThanh phong ẩn ánh thạch uy diKinh trung cựu kiến vô nhan sắcHồng quả toan, cam chỉ tự tri.

Nguyễn Huệ Chi tạm dịch:

Hoàng đế, Quý Phi nay đã vắngTrường An vải đến bình thườngPhương Nam mỗi bận dâng hoa quảBệ ngọc nên rầu lũ gội sương

Nhớ ngày hái vải ghé Lô, NhungLấp ló non xanh, đá ánh hồngNhan sắc kinh đô đâu thấy nữaNgọt chua quả vải biết trong lòng.--PageBreak--

"Thất trảm sớ" của Chu Văn An

Từ trước đến nay, người ta chỉ biết rằng, đến đời Trần Dụ Tông (1341-1369), chính trị đổ nát, Chu Văn An giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy Hoàng tử, viết "Thất trảm sớ" (sớ xin chém bảy nịnh thần) dâng lên vua, nhưng không được chấp nhận, ông cởi mũ áo trả lại triều đình, rồi về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương. Nội dung sớ thế nào, thì không thấy ghi trong sử sách.

Theo cuốn "Vương triều sụp đổ", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, như sau:

1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.

2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị.

Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.

4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.

5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

Điều tệ hại đáng nói nhất là, lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác".

Đọc phần giải mã "Thất trảm sớ" trên thật thú vị. Nhưng, nếu có thể được, trong lần tái bản "Vương triều sụp đổ", nhà văn Hoàng Quốc Hải ghi thêm vào phần phụ lục cuối sách, rằng nguồn tư liệu về bảy tên gian thần được lấy từ đâu, thì điều thú vị của bạn đọc thật trọn vẹn

Từ khóa » Vô Lý Vãi