Sử Dụng Bản đồ Quân Sự

1,6K Mục lục ẩn 1. Đo cự ly, diện tích trên bản đồ a) Đo cự ly b) Đo diện tích theo bản đồ 2. Xác định tọa độ, chỉ thị mục tiêu 3. Sử dụng bản đồ ngoài thực địa 4. Đối chiếu bản đồ với thực địa

1. Đo cự ly, diện tích trên bản đồ

a) Đo cự ly

– Cách tính đổi cự ly

+ Đổi cự ly bản đồ thành cự ly thực địa: Muốn đổi cự ly đo được trên bản đồ thành cự ly thực địa, lấy đoạn cự ly đo được trên bản đồ nhân với mẫu số tỷ lệ.

Ví dụ: Biết đoạn cự ly đo được trên bản đồ tỷ lệ 1:25.000 là 40cm. Tính cự ly thực địa?

D = 40 x 25.000 = 10.000.000 cm = 10.000m = 10km

+ Đổi cự ly thực địa thành cự ly bản đồ: Muốn đổi cự ly thực địa thành cự ly bản đồ ta lấy cự ly đã biết trên thực địa chia cho mẫu số tỷ lệ.

Ví dụ: Từ điểm đứng xác định khoảng cách đến mục tiêu là 1750m. Bản đồ tỷ lệ 1:25.000. Tính cự ly bản đồ

D = 1750/25000 m = 175000/ 25000 cm = 7cm

– Đo bằng thước tỷ lệ thẳng

Thước tỷ lệ thẳng cho phép bỏ qua các phép tính toán. Dùng thước tỷ lệ thẳng rất tiện lợi có thể đọc ngay được kết quả đo trên bản đồ hoặc lấy đoạn cự ly thực địa trên thước.

+ Cấu tạo chung của thước tỷ lệ thẳng

Ở mỗi tờ bản đồ đều có vẽ một thước tỷ lệ thẳng và bố trí dưới khung nam.

Thước gồm các đoạn thẳng kế tiếp nhau, mỗi đoạn gọi là “một đơn vị cơ bản” độ dài một đơn vị cơ bản chọn sao cho tương ứng với 1 độ dài chẵn ở thực địa để dễ nội suy.

Thước chia thành 2 phần, đoạn từ 0 sang phải có độ dài chẵn km, đoạn từ 0 sang trái được chia thành nhiều khoảng nhỏ và chỉ rõ 1cm, 1mm trên bản đồ ứng với số mét của thực địa.

+ Cấu tạo thước tỷ lệ thẳng 1:25.000, 1:50.000.

– Thước tỷ lệ 1:25.000

Thước có độ dài 8cm và chia thành 2 phần. Đoạn từ 0 sang phải có độ dài 4cm tương ứng với 1km thực địa, mỗi đoạn 1cm là đơn vị tỷ lệ bản đồ. Đoạn từ 0 sang trái được chia thành 4 khoảng lớn ghi số 250, 500, 750, 1000 là đơn vị độ dài được tính theo thực địa. Trên các khoảng 1cm được chia thành 5 khoảng nhỏ (1 khoảng tương ứng bằng 50m). Khi đo, tính để đọc kết quả nhanh chóng trên thước các khoảng nhỏ được gạch ngang bằng các đốt trắng, đen xen kẽ.

– Thước tỷ lệ 1:50.000

Thước có độ dài 6cm chia thành 2 phần, đoạn từ 0 sang phải bằng 4cm ứng với thực địa bằng 2km. Mỗi đoạn 1cm là đơn vị tỷ lệ bản đồ. Đoạn từ 0 sang trái bằng 2cm chia thành 2 khoảng lớn và ghi số 500, 1000, trên các khoảng lớn chia thành các khoảng nhỏ (10 khoảng). Để biết được số mét của mỗi khoảng dùng phép nội suy.

+ Cách đo

Khi đo một đoạn thẳng AB trên bản đồ nếu: Độ dài của đoạn thẳng nhỏ hơn 1km, dùng phần thứ 2 của thước; độ dài của đoạn thẳng lớn hơn 1km dùng cả 2 phần của thước; độ dài lớn hơn cả 2 phần của thước, tính trên lưới ô vuông bản đồ, phần lẻ đo ở phần thứ 2 của thước, tổng của 2 lần đo là độ dài đoạn cần đo.

– Đo cự ly đoạn thẳng

Khi đo cự ly của một đoạn thẳng trên bản đồ dùng một số phương tiện như: Thước mm, băng giấy, Compa…

+ Đo bằng thước mm: Đặt cho cạnh thước nối qua 2 điểm, số đo trên thước được bao nhiêu cm, mm, nhân với tỷ lệ bản đồ được kết quả đo.

Ví dụ: Đo từ điểm B đến điểm B cự ly đo được trên bản đồ 1: 25.000 là 3cm, cự ly thực địa đoạn cần đo là: 3cm x 25000 = 75000cm = 750m.

+ Đo bằng băng giấy: Băng giấy phải được chuẩn bị có độ dài khoảng 20cm trở lên rộng khoảng 5cm, mép băng giấy phải thẳng. Đặt cạnh băng giấy nối qua hai điểm trên bản đồ và đánh dấu lại, đem băng giấy ướm vào thước tỷ lệ thẳng đọc được kết quả cần đo.

+ Đo bằng compa: Mở độ doãng compa vừa khẩu độ định trên 2 điểm đo, giữ nguyên độ doãng compa đem ướm vào thước tỷ lệ thẳng rồi đọc kết quả đo.

– Đo cự ly đoạn gấp khúc, đoạn cong

+ Đo bằng băng giấy: Chuẩn bị băng giấy như đã nêu ở trên. Khi đo đánh dấu một đầu băng giấy, trùng vào đầu đoạn đo, mép băng giấy luôn bám sát một mép đường trên bản đồ. Kết hợp 2 tay và đầu bút chì bấm vào mép giấy, xoay mép băng giấy trùng lên mép đường, cứ như vậy cho đến điểm cuối cùng.

Chú ý: Khi xoay mép băng giấy phải lấy đầu bút chì làm trụ không để mép băng giấy trượt khỏi đường đo.

+ Đo bằng sợi dây mềm: Dùng sợi chỉ nhỏ được vuốt thẳng để hạn chế thấp nhất sự co giãn, đánh dấu đầu giây rồi đặt đầu dây vào điểm đo, lăn cho dây chỉ theo mép đường cho đến điểm cuối cùng.

Chú ý: Đo nhiều lần lấy kết quả đo trung bình

+ Đo bằng compa:

Đo những đoạn thẳng gấp khúc: đo lần lượt từng đoạn, rồi cộng lại.

Đo những đoạn cong: chia các đoạn cong thành các đoạn thẳng ngắn đều nhau; đo một đoạn thẳng ngắn được bao nhiêu nhân với tổng số đoạn được chia

+ Đo bằng thước đo cự ly kiểu đồng hồ

– Công tác chuẩn bị:

Kiểm tra bộ phận chuyển động của đồng hồ: đặt ngón trỏ tay phải vào bánh xe, đẩy đi đẩy lại xem bộ phận kim chuyển động có tốt không, đưa kim về vạch chỉ tiêu đỏ.

Kiểm tra độ chính xác: Lấy cạnh của một ô vuông trên bản đồ để kiểm tra, đẩy bánh xe lăn hết một cạnh ô vuông nếu kim dịch chuyển đúng một khoảng là độ chính xác tốt.

– Cách đo: Tay phải hoặc trái cầm thước mặt số quay vào phía mình, đặt bánh xe vuông góc với điểm định đo, từ từ đẩy bánh xe lăn theo đường cho đến điểm cuối cùng. Rồi nhấc thước ra khỏi vị trí đo. Nhìn vào thước xem kim dịch chuyển được bao nhiêu khoảng để tính kết quả đo.

Chú ý: Động tác đo phải hết sức thận trọng tỷ mỷ chính xác. Khi đẩy trượt bánh xe ra khỏi đường đo thì phải kéo lùi bánh xe về vị trí tại điểm trượt sau đó đo tiếp.

b) Đo diện tích theo bản đồ

Khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hay chiến đấu, đôi khi phải xác định diện tích một khu vực địa hình như: Phạm vi của đơn vị trú quân, phạm vi nhiễm xạ, phạm vi khu vực khai thác…

– Đo diện tích ô vuông

+ Đo diện tích ô vuông đủ

Trên bản đồ địa hình đều có hệ thống ô vuông, mỗi ô vuông trên bản đồ đều được xác định một diện tích nhất định phụ thuộc vào tỷ lệ đó.

Công thức S = a2

Trong đó: S là diện tích của một ô vuông a là cạnh của một ô vuông

Bảng tính diện tích ô vuông cho các loại tỷ lệ bản đồ

Tỷ lệ bản đồCạnh ô vuông (cm)Diện tích tương ứng thực địa (km2)
1:25.00041
1:50.00021
1:100.00024
1:200.0005100

+ Đo diện tích ô vuông thiếu

Chia cạnh ô vuông có diện tích đo thành 10 phần bằng nhau, kẻ các đường giao nhau vuông góc ta có 100 ô nhỏ; đếm tổng số ô con hoàn chỉnh; các ô không hoàn chỉnh đếm tổng số rồi chia đôi. Lấy tổng số ô nhỏ nhân với diện tích 1 ô nhỏ được kết quả đo.

– Đo diện tích một khu vực

Diện tích của một khu vực cần tính là tổng diện tích của ô vuông đủ với phần diện tích của ô vuông thiếu.

Công thức: A = ns +p__

Trong đó:

  • A là diện tích một khu vực cần tìm
  • n là số ô vuông đủ
  • s là diện tích của một ô vuông đủ
  • __ là diện tích của các ô vuông nhỏ tự kẻ
  • p là số ô vuông nhỏ tự kẻ

Cách tính: Khi tính diện tích của một khu vực trước hết ta phải xem khu vực đó chiếm mấy ô vuông đủ (n). Những ô vuông thiếu xác định diện tích như trên. Đếm tổng số ô vuông nhỏ của phần diện tích ô vuông thiếu rồi nhân với diện tích của một ô, đem cộng với diện tích ô vuông đủ có diện tích gần đúng của cả khu vực.

Hiện nay với công nghệ bản đồ số, muốn đo diện tích một khu vực trên bản đồ chỉ cần dùng con chỏ chạy theo đường biên của nó tạo thành vòng khép kín, dựa vào tọa độ tập hợp của các điểm trên đường biên phần mềm máy tính sẽ nhanh chóng giải bài toán và cho ngay diện tích.

2. Xác định tọa độ, chỉ thị mục tiêu

a) Tọa độ sơ lược

– Trường hợp sử dụng: Trong ô vuông tọa độ chỉ có một đối tượng mục tiêu “M” hoặc nhiều đối tượng tính chất “M” khác nhau, dùng tọa độ sơ lược để chỉ thị.

– Xác định tọa độ, chỉ thị mục tiêu

+ Xác định tọa độ: Xác định mục tiêu bằng tọa độ sơ lược phải tìm 2 số cuối cùng của đường hoành độ (ghi ở khung đông tây) và 2 số cuối của đường tung độ (ghi ở khung (bắc nam) bản đồ. Tìm giao điểm của đường hoành độ nối đường tung độ trong ô vuông tọa độ có chứa “M” cần tìm. M nằm ở phía trên của đường kẻ ngang và bên phải của đường kẻ dọc.

Ví dụ: tọa độ sơ lược điểm M (2536).

+ Chỉ thị mục tiêu: Viết tên mục tiêu, tọa độ X, Y viết liền không có dấu chấm, phẩy, gạch ngang; đọc tên mục tiêu, tọa độ (X), (Y) đọc rõ ràng từng số.

Ví dụ: cây độc lập hai năm, ba sáu.

b) Tọa độ ô 4, ô 9

– Trường hợp sử dụng: Trong ô vuông tọa độ có nhiều mục tiêu tính chất giống nhau, dùng tọa độ sơ lược sẽ nhầm lẫn nên dùng tọa độ ô 4 hoặc ô 9.

– Cách xác định tọa độ

+ Tọa độ ô 4: Chia ô vuông tọa độ sơ lược thành 4 phần bằng nhau, đánh dấu bằng chữ cái in hoa A, B, C, D từ trái qua phải từ trên xuống dưới. tọa độ ô 4 ghi kết hợp tọa độ sơ lược của điểm đó và ký hiệu của từng ô.

Ví dụ: M (2536B)

+ Tọa độ ô 9: Chia ô vuông tọa độ sơ lược thành 9 phần bằng nhau, đánh dấu các ô bằng chữ số Ảrập từ 1 – 9 theo quy tắc: số 1 góc Tây Bắc thuận theo chiều kim đồng hồ số 9 ở ô giữa. Tọa độ ô 9 ghi kết hợp tọa độ sơ lược của điểm đó và ký hiệu của từng ô.

Ví dụ: M (25369)

c) Tọa độ chính xác

Tọa độ chính xác (TĐCX) là xác định tọa độ của một điểm nằm trong một ô vuông tọa độ, tìm ra độ chênh về mét so với hệ trục gốc hoặc tọa độ sơ lược (TĐSL) của điểm đó. Độ chênh về X gọi là Δx độ chênh về y gọi là Δy.

– Cách đo tọa độ chính xác đến mét của một điểm (Hình 9)

Đo tọa độ chính xác một điểm trên bản đồ, lấy tọa độ sơ lược (X, Y) cộng thêm phần cự ly vuông góc từ vị trí điểm đo đến đường kẻ hoành độ phía dưới (Δx) và từ vị trí điểm đo đến đường tung độ bên trái Δy lấy đơn vị tính bằng mét, Công thức tính tọa độ chính xác:

TĐCX “M” X = TĐSL + Δx

Y = TĐSL + Δy

Vận dụng công thức đo TĐCX một điểm nào đó, trình tự được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Xác định tọa độ góc tây nam của ô vuông tọa độ có chứa điểm “M”.

Bước 2: Từ điểm “M” kẻ đường vuông góc về phía nam và phía tây tới đường hoành độ và tung độ của ô vuông.

Bước 3: Đo khoảng cách từ điểm “M” đến chân đường vuông góc với hoành độ và tung độ.

Bước 4: Nhân khoảng cách đó với mẫu số tỷ lệ bản đồ

Bước 5: Cộng khoảng cách Δx vào giá trị sơ lược X và Δy vào giá trị sơ lược Y của góc tây nam ô vuông nói trên.

Ví dụ: Xác định tọa độ chính xác điểm M (2536). Bản đồ tỷ lệ 1: 25.000

Δx = MP x 25.000 = 1,5 x 25.000 = 375m

Δy = MQ x 25.000 = 1,6 x 25.000 = 400m

Vậy tọa độ chính xác đến mét điểm M:

X = 25km + 375m = 25.375m (Hai năm, ba bảy năm)

Y= 36 km + 400m = 36.400m (Ba sáu, bốn không không)

– Chỉ thị mục tiêu

+ Viết: Viết tên mục tiêu, tọa độ X, tọa độ Y. Có thể viết theo hai cách sau:

X(M) = 25375

Y (M) = 36400

M (25375 36400).

+ Đọc: Đọc tên mục tiêu, tọa độ (đọc rõ từng số), địa điểm. Cũng ví dụ trên ta đọc: Điểm M: hai, năm, ba, bảy, năm, ba, sáu, bốn, không, không.

– Một số điểm chú ý khi đo tọa độ chính xác

+ Khi đo bằng thước hoặc bằng giấy thì cạnh thước, cạnh băng giấy phải song song với đường kẻ dọc, ngang lưới ô vuông.

Khi đo tọa độ ở những ô vuông thiếu: Nếu thiếu ở khung bắc, đông thì đo bình thường như các ô vuông đủ.

Thiếu ở khung tây và nam với từng giá trị đo ngược lại cách đo cơ bản sau đó lấy độ dài của một cạnh ô vuông trừ đi kết quả vừa đo ta được giá trị

Δx, Δy của mục tiêu.

+ Đo ở bản đồ tỷ lệ 1:100.000 khi giá trị Δx, Δy > 1000m phải cộng thêm 1km vào tọa độ sơ lược và phần lẻ.

tọa độ chính xác gồm 10 số khi giá trị Δx, Δy nhỏ hơn 100m phải thêm số 0 vào ngay sau tọa độ sơ lược. Ví dụ: X(M) = 25 075; Y (M) = 36089

3. Sử dụng bản đồ ngoài thực địa

a) Định hướng bản đồ

Định hướng bản đồ làm cho hướng Bắc bản đồ trùng với hướng Bắc của thực địa. Định hướng bản đồ có 3 phương pháp cơ bản sau:

– Định hướng bằng địa bàn Trải bản đồ lên vị trí bằng phẳng; đặt cạnh địa bàn trùng lên đường PP’ hoặc trục dọc lưới ô vuông hay khung Đông, Tây bản đồ sao cho số 0 quay lên phía bắc bản đồ.

Từ từ xoay bản đồ, khi đầu bắc kim nam châm chỉ vào chuẩn số 0 dừng lại. Như vậy bản đồ đã được định hướng.

– Định hướng bản đồ bằng địa vật dài thẳng

Khi đang đứng trên một địa vật dài thẳng như con đường, bờ sông, mương máng, đường dây điện, đường ống nước, ống dầu… Địa vật này có ký hiệu trên bản đồ. Lợi dụng địa vật để định hướng bản đồ cách làm như sau:

+ Trải bản đồ lên vị trí bằng phẳng

+ Đặt cho cạnh thước trùng lên ký hiệu địa vật dài thẳng trên bản đồ

+ Xoay bản đồ cho hướng của thước trùng hoặc song song với hướng của địa vật tương ứng ngoài thực địa như vậy bản đồ đã được định hướng.

Chú ý: Sau khi định hướng bằng phải đối chiếu so sánh ở 2 phía đầu địa vật dài. Nếu các ký hiệu trên bản đồ thống nhất với thực địa nghĩa bản đồ đã định hướng đúng và nếu chưa thống nhất là định hướng sai; phải xoay bản đồ ngược lại 1800 bản đồ được định hướng đúng.

Khi đứng ngoài địa vật dài thẳng phải xoay bản đồ cho hướng song song với hướng địa vật dài thẳng.

Định hướng bản đồ dựa vào địa vật dài thẳng

– Định hướng bằng đường phương hướng giữa hai địa vật Khi đang đứng trên một địa vật ở ngoài thực địa, địa vật có vẽ ký hiệu trên bản đồ, như vậy đã biết được điểm đứng. Quan sát ở thực địa chọn một địa vật thứ 2 có vẽ ký hiệu trên bản đồ. Đặt thước lên bản đồ sao cho 2 ký hiệu trên bản đồ nằm 1 cạnh của thước, xoay bản đồ cho hướng của thước hướng tới địa vật thứ 2 ngoài thực địa. Như vậy bản đồ đã được định hướng.

b) Xác định điểm đứng trên bản đồ

Sau khi định hướng bản đồ, phải xác định điểm đứng lên bản đồ (xác định vị trí đang đứng ở thực địa nằm ở vị trí nào trên bản đồ). Xác định điểm đứng lên bản đồ có 2 phương pháp cơ bản sau:

– Phương pháp ước lượng cự ly

+ Thứ tự động tác:

Quan sát thực địa chọn một đối tượng gần và rõ có vẽ ký hiệu trên bản đồ.

Đặt cạnh thước qua vị trí chính xác của ký hiệu, xoay thước ngắm tới đối tượng ngoài thực địa, kẻ đường chì mờ theo cạnh thước về phía sau.

Dùng phương tiện đo hoặc ước lượng cự ly từ vị trí đứng đến đối tượng ngoài thực địa.

Đổi cự ly ngoài thực địa ứng với tỷ lệ trên bản đồ, lây đoạn cự ly theo tỷ lệ đo từ vị trí ký hiệu theo đường kẻ chì về phía sau, chấm trên đường kẻ để định điểm đứng.

+ Những điểm chú ý:

Quá trình thao tác không làm xê dịch bản đồ ảnh hưởng đến quá trình định hướng. Cần kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp cơ bản và phương pháp phân tích địa hình để xác định điểm đứng một cách chính xác.

Xác định điểm đứng bằng phương pháp ước lượng cự ly

Vận dụng phương pháp ước lượng cự ly, khi vận động đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện cơ giới. Để xác định điểm đứng hành quân bằng căn cứ vào điểm xuất phát, đường vận động, thời gian, tốc độ vận động, dựa vào đồng hồ báo km trên xe. Căn cứ vào cự ly đã đi đổi theo tỷ lệ bản đồ điểm xuất phát theo đường vận động sẽ tìm ra điểm đứng.

Ví dụ: Nơi xuất phát điểm A, hướng vận động theo đường cái vẽ hướng Đông, tốc độ vận động 4km/giờ. Biết rằng thời gian đã đi từ vị trí xuất phát hết 02h15′. Có thời gian nghỉ 45′.

Thời gian vận động 02h15′ – 00h45′ = 01h30′, quãng đường vận động 4km Do vậy: thời gian 01h30′ đi được quãng đường 6km.

Để xác định đoạn 6km dùng compa hoặc thước đo cự ly đo từ vị trí điểm A theo đường cái một đoạn 6km (đổi ra cự ly bản đồ) đó là điểm đứng.

– Phương pháp giao hội

+ Trường hợp 1: Khi đang vận động men theo đường hoặc một địa vật dài thẳng bất kỳ (có vẽ ký hiệu trên bản đồ).

Thứ tự tiến hành:

Quan sát trên thực địa tìm một đối tượng, có vẽ ký hiệu trên bản đồ.

Đặt cạnh thước trùng vào điểm chính xác của ký hiệu; xoay thước ngắm tới địa vật ngoài thực địa. Kẻ đường chì mờ về phía sau. Giao điểm của đường chì vừa kẻ với ký hiệu của địa vật dài thẳng trên bản đồ là vị trí điểm đứng.

Xác định điểm đứng bằng phương pháp giao hội từ một vật chuẩn

+ Trường hợp 2: Không đứng trên một địa vật dài Thứ tự tiến hành:

Quan sát ở thực địa chọn hai đối tượng bản đồ có vẽ ký hiệu.

Lần lượt đặt thước vào vị trí chính xác của từng ký hiệu rồi xoay thước ngắm ra đối tượng ngoài thực địa.

Lần lượt kẻ đường chì mờ theo mép thước trên từng hướng về phía sau. Giao điểm của hai đường hướng kẻ là vị trí điểm đứng được xác định trên bản đồ.

Chú ý: Góc giao hội của hai đường hướng không được nhỏ hơn 30o hoặc lớn hơn 1500.

Để đạt độ chính xác cao dùng đường hướng thứ 3 kiểm tra. Nếu 3 đường hướng cắt nhau tại một điểm là vị trí đứng đã được xác định chính xác. Nếu 3 đường hướng tạo thành tam giác có cạnh nhỏ hơn 2mm thì điểm đứng lấy ở tâm của tam giác. Nếu cạnh của tam giác lớn hơn 2mm phải xác định lại.

Xác định điểm đứng bằng phương pháp giao hội từ 3 vật chuẩn

4. Đối chiếu bản đồ với thực địa

a) Phương pháp ước lượng cự ly

– Trường hợp vận dụng

Phương pháp ước lượng cự ly thường được tiến hành khi cần bổ sung các đối tượng, xác định vị trí mục tiêu ở gần, ước lượng cự ly chính xác.

– Thứ tự tiến hành

+ Định hướng bản đồ, xác định điểm đứng lên bản đồ.

+ Đặt cạnh thước vào vị trí điểm đứng, xoay thước lần lượt ngắm đến từng đối tượng cần xác định. Kẻ các đường hướng theo cạnh thước về phía trước.

+ Dùng thước đo hoặc ước lượng cự ly từ vị trí đứng đến đối tượng. Lấy đoạn cự ly theo tỷ lệ bản đồ, đo từ vị trí điểm đứng lên phía trước theo các đường phương hướng đã kẻ để định vị trí đối tượng hoặc mục tiêu cần bổ sung. Nếu bổ sung địa vật dùng ký hiệu để vẽ vào bản đồ. Nếu xác định vị trí phải xác định vị trí và tọa độ.

b) Phương pháp giao hội

– Trường hợp vận dụng

Phương pháp giao hội thường được tiến hành khi cần bổ sung các đối tượng, xác định vị trí mục tiêu ở xa, ước lượng cự ly khó chính xác.

– Thứ tự tiến hành

+Tại điểm đứng 1: Định hướng bản đồ; xác định điểm đứng lên bản đồ. Quan sát xác định đối tượng cần bổ xung hoặc mục tiêu cần xác định lên bản đồ.

Đặt cạnh thước tại điểm đứng, ngắm thước tới địa vật ngoài thực địa rồi kẻ đường phương hướng từ điểm đứng lên phía trước. Sau đó di chuyển đến điểm đứng thứ 2.

Điểm đứng thứ 2 có thể chọn một điểm ngoài thực địa có vẽ ký hiệu trên bản đồ. Nếu không chọn được điểm ngoài thực địa thì tại điểm đứng 1 ngắm tới vị trí cần đến rồi kẻ một đường hướng tới đó, căn cứ vào cự ly để chấm điểm đứng 2 lên bản đồ.

+ Tại điểm đứng 2: tiến hành các bước tương tự như ở điểm đứng 1. Điểm giao nhau của hai đường kẻ từ 2 điểm đứng là vị trí của đối tượng cần bổ sung hoặc mục tiêu cần xác định.

5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Đội hình tiểu đội [Giáo dục quốc phòng]
  2. Đội hình trung đội [Giáo dục quốc phòng]
  3. Đổi hướng đội hình
  4. Bản đồ là gì? Phân loại, công dụng và nội dung bản đồ
Giáo dục quốc phòng

Từ khóa » Khoảng Cao đều Của đường Bình độ Cái Trên Bản đồ Tỉ Lệ 1/25000 Là Bao Nhiêu