Sử Dụng Các Giải Pháp Tổng Hợp Chống Ngập Cho TPHCM

Phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị

Tại hội nghị, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM khuyến nghị TP cần phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị. Cụ thể, sử dụng phương pháp hồ chứa tập trung điều tiết nước mưa; hồ chứa nước mưa phân tán trong khu dân cư và hộ gia đình. Đồng thời, lồng ghép chức năng điều tiết nước vào các hồ hiện hữu; lồng ghép chức năng thoát nước trong các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển dân cư.

Theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, để việc phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị TP đạt hiệu quả, TPHCM cần nghiên cứu lựa chọn và cải tiến các kỹ thuật điều tiết phù hợp với điều kiện khí hậu và phi khí hậu tại TP. Đồng thời, đánh giá những rào cản và đề xuất giải pháp khắc phục để triển khai có hiệu quả không gian điều tiết nước mưa. Mặt khác, xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật thiết kế, quản lý, duy tu; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp điều tiết nước mưa; xây dựng quy trình quản lý, bảo dưỡng, duy tu; bổ sung nguồn lực tài chính.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nghe giới thiệu về công nghệ quản lý ngập Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nghe giới thiệu về công nghệ quản lý ngập

Đề cập về giải pháp giải quyết bài toán ngập cục bộ trên các tuyến đường ở TPHCM, đại diện Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH đề xuất TP ứng dụng xây dựng hồ điều tiết ngầm công nghệ Cross - Wave nhằm điều tiết nước chảy tràn và tích nước. Đây là giải pháp mô đun nhựa được xây dựng, lắp đặt ngầm dưới lòng đất nhằm mục đích điều tiết nước mưa; cũng như góp phần giải quyết ngập lụt đô thị, sử dụng hiệu quả nguồn nước mưa; bổ cập nước ngầm, giảm sụt lún; giảm ô nhiễm môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp chống ngập cụ thể

Cũng tại hội nghị, TS Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Về giải pháp chống ngập úng khu vực TPHCM theo định hướng tiêu thoát nước đã được phê duyệt tại Quyết định 2076/QĐ - TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cần xác định cao độ nền đất xây dựng; nạo vét, cải tạo nâng cao khả năng tiêu thoát nước sông chính, hệ thống kênh, rạch trong vùng; xây dựng hệ thống thoát nước đô thị hoàn chỉnh và kết nối với hệ thống sông, rạch trong vùng; khu vực đô thị cũ sử dụng các hệ thống thoát nước chung hiện hữu, xây dựng các tuyến thu gom nước thải đưa về các trạm xử lý; đối với khu vực xây dựng mới cần phải xây dựng các hệ thống thoát nước riêng, hạn chế tối đa san lấp hồ, sông, kênh, rạch, khuyến khích xây dựng các hồ điều hòa.

Về giải pháp tổng thể chống ngập úng TPHCM, TS Đỗ Đức Dũng cho hay: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TPHCM đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chống ngập úng TP. Theo đó, để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị TPHCM không sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải sử dụng các giải pháp tổng hợp liên vùng từ cấp lưu vực sông toàn vùng đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết của từng khu vực đô thị, dự án cụ thể. Đối với các giải pháp công trình gồm xây dựng hệ thống tiêu thoát nước; hệ thống thu gom xử lý nước thải; hệ thống công trình đê, cống ngăn triều; trạm bơm tiêu úng; san lấp cốt nền; xây dựng hồ điều hòa, hồ chứa cắt lũ ở phía thượng lưu. Đối với các giải pháp phi công trình như vận hành hệ thống liên hồ chứa; xây dựng các hệ thống cảnh báo, tích hợp vấn đề rủi ro ngập úng vào các quy hoạch đô thị; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn gần cầu Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh Ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn gần cầu Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh

“Để giải quyết vấn đề ngập úng TPHCM không thể sử dụng giải pháp đơn lẻ mà cần có giải pháp tổng hợp. Ngoài ra, cần điều chỉnh quy hoạch 1547/QĐ - TTg ngày 28/10/2008 để chống ngập úng cho khu vực phía ngoại thành ngoài khu vực 57.000ha thuộc các tỉnh Long An và vùng phụ cận TPHCM” - TS Đỗ Đức Dũng đề xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng: Hiện nay, nguyên nhân gây ngập có nhiều, trong đó đáng chú ý là việc phát triển đô thị không đúng gây ra tình trạng ngập nước. Từ thực tiễn, TPHCM là một đô thị chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp cụ thể.TP lắng nghe, tiếp thu và có chọn lựa trên cơ sở phải xác định được nguyên nhân gây ngập ở từng vị trí để giải quyết. Theo đó, TP sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước của TP; cũng như có bản đồ mô phỏng tình hình ngập của TP để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp.

17 dự án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM kêu gọi đầu tư

Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 2. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Rạch Cầu Dừa. Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Bắc. Thành phần 1 - xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Thành phần 3 - xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm. Nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào. Nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé. Nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu. Cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình. Cống kiểm soát triều Sông Kinh. Cống kiểm soát triều Rạch Tra. Đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh (đoạn còn lại). Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Từ khóa » Các Giải Pháp Chống Ngập Lụt đô Thị