Sử Dụng điện Thoại Khi Mang Thai Có Gây Hại Gì Cho Thai Nhi?

Có thể nói, ngày nay, những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) là vật bất ly thân của rất nhiều người, kể cả các mẹ bầu. Bên cạnh những tiện ích mang lại, thiết bị này tiềm ẩn nhiều nguy hại với sức khỏe. Vậy mẹ bầu xem điện thoại nhiều có sao không? Sử dụng điện thoại khi mang thai gây ra những tác hại nào? Mời bạn dành ít phút tìm câu trả lời qua bài viết sau.

Thời buổi hiện đại, nhiều thiết bị tân tiến ra đời, điển hình là smartphone đã góp phần thay đổi cuộc sống, mang lại nhiều trải nghiệm, lợi ích cho con người. Tuy nhiên, chẳng mấy ai nhận thức rõ mối nguy hại của việc lạm dụng thiết bị điện tử này. Trên nhiều diễn đàn, cũng như các trang mạng xã hội, có không ít những cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề bà bầu dùng điện thoại nhiều có sao không, sóng điện thoại ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào hay sử dụng điện thoại khi mang thai như thế nào là an toàn? Mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này với bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung bạn nhé!

Sóng điện thoại ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục về việc sử dụng điện thoại trong thời gian ngắn khi mang thai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bầu sử dụng điện thoại nhiều, luôn kè kè chiếc điện thoại 24/7 thì lại không có gì đảm bảo điều này an toàn.

Theo thống kê, có 2 nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc trẻ sơ sinh tiếp xúc sớm với điện thoại từ trong bụng mẹ với các vấn đề hành vi, điển hình là chứng hiếu động thái quá suốt thời thơ ấu. Để rõ hơn, hãy cùng Hello Bacsi và bác sĩ Huỳnh Kim Dung tìm hiểu các tác hại của bức xạ từ thiết bị điện tử, cũng như vì sao yếu tố này lại có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sau sinh.

bức xạ điện thoại

1. Các thiết bị điện tử phát ra bức xạ điện từ không ion hóa

Điện thoại di động, tivi, máy vi tính… là các thiết bị phát ra các bức xạ điện từ không ion hóa. Về bản chất, đây là loại bức xạ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhẹ hơn so với dạng ion hóa và có thể bắt gặp khi sử dụng máy chụp X-quang, CT scan hoặc một số thiết bị trị liệu khác.

Theo đó, lượng bức xạ mà cơ thể hấp thu khi sử dụng điện thoại được đánh giá dựa trên chỉ số SAR (tỷ lệ hấp thụ riêng, đơn vị đo mức năng lượng RF được cơ thể hấp thụ khi sử dụng điện thoại di động). Chỉ số này cao chứng tỏ lượng bức xạ hấp thụ càng nhiều. Trên thực tế, năng lượng phát ra từ điện thoại còn phụ thuộc vào yếu tố gọi là cường độ tín hiệu. Nếu tín hiệu càng mạnh, điện năng của thiết bị càng giảm và giá trị SAR càng thấp. Vì thế, mẹ bầu sử dụng điện thoại khi mang thai nên dùng trong vùng phủ sóng mạnh. Đây là cách đơn giản để hạn chế mức độ bức xạ mà cơ thể tiếp xúc.

2. Mẹ bầu sử dụng điện thoại nhiều, trẻ có nguy cơ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Theo một nghiên cứu của Northwestern Medicine (Hoa Kỳ), hiện nay có đến 3% trẻ em trong độ tuổi đi học bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), tỷ lệ này đã tăng lên 66% so với 10 năm trước. Dù chưa biết chắc nguyên nhân gây ra ADHD, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên quan giữa việc sử dụng điện thoại khi mang thai và sự hiếu động ở trẻ sau sinh.

Nghiên cứu tại Đại học Yale (Hoa Kỳ), trên chuột cũng nhấn mạnh, tác động của bức xạ điện thoại trong thời gian mang thai gây nên hội chứng tăng động giảm chú ý ở giai đoạn bào thai. ADHD là một rối loạn phát triển liên quan đến những tác động lên vùng não có nhiệm vụ phát triển các neuron quyết định hành vi. Trẻ mắc hội chứng này thường suy giảm khả năng học tập và gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người.

Mẹ bầu cần sử dụng điện thoại khi mang thai thế nào cho an toàn?

Sử dụng điện thoại khi mang thai an toàn

Hiện nay, điện thoại di động rất phổ biến với mọi người đến nỗi thậm chí có người còn mang theo 2-3 chiếc bên mình để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng rất hữu dụng trong cuộc sống của mỗi người, phục vụ cho việc liên lạc, giải quyết công việc và giải trí. Tuy nhiên, bà bầu sử dụng điện thoại khi mang thai cần nhớ những lưu ý sau để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi:

  • Chỉ nên sử dụng điện thoại trong những trường hợp cần thiết
  • Gửi tin nhắn hoặc sử dụng điện thoại cố định là một sự ưu tiên hàng đầu với mẹ bầu
  • Không nên gọi điện thoại quá lâu
  • Chỉ sử dụng khi điện thoại có tín hiệu mạnh
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như tai nghe để giảm tỷ lệ SAR ở gần đầu hoặc cơ thể
  • Tránh để điện thoại trước ngực gây ảnh hưởng không tốt đến tim và hệ nội tiết trong cơ thể
  • Để điện thoại xa đầu nằm khi ngủ nhằm tránh các tia bức xạ gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi
  • Không sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin vì các linh kiện nóng lên làm tăng bức xạ và tăng các nguy cơ cháy nổ.

Mong rằng, những thông tin trong bài viết này, bạn đã có câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc “bà bầu dùng điện thoại nhiều có sao không”. Hãy theo dõi Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật những thông tin bổ ích liên quan đến thai kỳ bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm: Mẹ bầu thức khuya, ngủ ít có sao không? Làm sao để cải thiện giấc ngủ?

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Bấm điện Thoại Nhiều Có Sao Không