Sử Dụng Filter Trong Nhiếp ảnh Phong Cảnh - Linhscape

Nếu bạn đang tìm hiểu về nhiếp ảnh phong cảnh, thì rất có thể bạn sẽ nhìn thấy một số cảnh tượng vô cùng hấp dẫn, từ thác nước chảy mượt mà đến những đám mây mờ ảo và thậm chí là những mặt nước trong như gương. Có thể bạn cũng đang tự hỏi làm thế nào để có được những hiệu ứng đó với chiếc máy ảnh của mình. Có phải tất cả đều là quá trình xử lý hậu kỳ hay chỉ là kỹ thuật chụp để tạo ra những bức ảnh tuyệt đẹp?

Bí mật của những hiệu ứng này nằm ở việc sử dụng filter trong nhiếp ảnh phong cảnh. Mặc dù khi mới bắt đầu tìm hiểu các hiệu ứng có vẻ hơi phi thường và bí ẩn, nhưng đến cuối bài viết này, bạn sẽ hiểu được làm cách nào để có được chúng. Không chỉ vậy, bạn sẽ còn cải thiện khả năng chụp ảnh phong cảnh của mình bằng cách sử dụng filter đúng đúng nơi và đúng thời điểm. Vì vậy, hãy bắt đầu tìm hiểu filter trong nhiếp ảnh phong cảnh.

Filter là gì?

Filter là vật trong suốt được đặt trước cảm biến máy ảnh để thay đổi lượng ánh sáng đi vào. Vì là vật trong suốt nên filter hay được sản xuất bằng thuỷ tinh (hoặc resin). Filter được đặt ở các vị trí như trước màn trập máy ảnh (clip-in), cuối ống kính và thường thấy nhất là đầu ống kính do dễ sản xuất và thao tác nhanh. Nhờ vào việc đặt trước sensor mà trong một số trường hợp, filter có thể tạo ra các hiệu ứng mà không làm được trong khâu hậu kỳ.

Có rất nhiều loại filter, mỗi loại sẽ tạo ra một hiệu ứng khác nhau, trong phạm vi bài viết này mình sẽ nói về filter không thể thiếu được trong nhiếp ảnh phong cảnh: Neutral Density filter, Graduated Neutral Density filter và Polarizer filter.

Neutral Density filter là gì?

Neutral Density filter hay còn được gọi tắt là ND filter là bộ lọc độ đen trung tính, làm giảm cường độ của tất cả các bước sóng ở cùng một mức độ, gây ra hiện tượng tối tổng thể nhưng không thay đổi màu. Nói một cách đơn giản, ND filter giống như một chiếc kính râm có tác dụng che sáng khi vào ống kính và sau đó là đến cảm biến máy ảnh. ND filter cho phép bạn kiểm soát độ phơi sáng tốt hơn, cho phép bạn làm việc với tốc độ màn trập chậm hơn để tạo ra các hiệu ứng chuyển động thú vị có thể thay đổi tâm trạng và bầu không khí tổng thể của bức ảnh.

ND filters. Ảnh: Nisi Optics

Khi nào sử dụng ND filter?

Giảm tốc độ màn trập là cách phổ biến nhất để sử dụng ND filter. Bằng cách đặt ND filter trước ống kính, bạn sẽ giảm lượng ánh sáng đi vào máy ảnh, để có được độ phơi sáng như ban đầu cần kéo dài thời gian chụp, khiến các đối tượng chuyển động bị mờ. Một kỹ thuật phổ biến trong nhiếp ảnh phong cảnh là Long Exposure (chụp với thời gian phơi sáng lâu). Kỹ thuật này liên quan đến việc sử dụng tốc độ màn trập vài giây hoặc vài phút, có thể tạo ra các hiệu ứng mờ ảo trên nước hoặc mây.

Phân loại ND filter

Có hai loại ND filter được sử dụng trong nhiếp ảnh phong cảnh: ND filter tròn và ND filter vuông. Cả hai đều có chức năng chính như nhau mặc dù có những ưu và nhược điểm riêng.

ND filter tròn: ND filter tròn được sản xuất tuỳ thuộc vào đường kính ren ngoài của ống kính, mỗi kích cỡ sẽ sử dụng một filter có đường kính tương tự.

Ưu điểm: Hạn chế hiện tượng lọt sáng, gọn nhẹ, giá thành rẻ

Nhược điểm: Khó chồng nhiều filter trong quá trình sử dụng, không sử dụng được đối với nhiều ống kính kích thước khác nhau, có thể xảy ra hiện tượng tối góc đối với ống kính góc rộng.

ND filter vuông: Đây là lựa chọn phổ biến khi bạn chụp ảnh phong cảnh. ND filter vuông cho phép chồng nhiều filter lên mà ít xảy ra hiện tượng tối góc. Để sử dụng được filter vuông bạn cần holder và adapter ring. Khoản đầu tư cho filter vuông có thể sẽ lớn hơn filter tròn tuy nhiên bạn có thể sử dụng được cho nhiều ống kính với các kích thước khác nhau bằng cách chọn adapter ring phù hợp. Bạn sẽ không cần phải quá phân vân khi thay đổi ống kính mà filter cũ không sử dụng được nữa mà chỉ cần thay đổi adapter ring.

Ý nghĩa những con số trên ND filter

ND filter có nhiều cường độ khác nhau. Chúng được phân chia theo mật độ quang học (lượng ánh sáng bị chặn bởi bộ lọc) hoặc giảm f-stop tương đương (giảm bao nhiêu stop bằng cách sử dụng filter).

Đối với các nhiếp ảnh gia phong cảnh, cách dễ nhất để phân loại chúng là giảm bao nhiêu stop. Do đó, filter được thiết kế thường được gắn nhãn là ND 3-stop, ND 4-stop, ND 10-stop…

Tuy nhiên, ND filter ban đầu được thiết kế bởi các kỹ sư quang học và có thể được sử dụng để sử dụng trong các lĩnh vực khác ngoài nhiếp ảnh. Vì vậy một số thương hiệu filter gắn nhãn sản phẩm của họ bằng số Hệ số lọc ND (ví dụ: ND8) hoặc Mật độ quang học (ví dụ: ND 0,9) thay vì số f-stop được giảm xuống.

Vì vậy khi nói filter ND 4-stop, ND 16, ND 1.2 thì chúng đều có ý nghĩa là filter làm tối đi 4-stop.

Để đơn giản bạn có thể theo dõi bảng quy đổi dưới đây:

Giảm ánh sángGiảm f-stopHệ số NDMật độ quang học
2x1-stopND 20.3
4x2-stopND 40.6
8x3-stopND 80.9
16x4-stopND 161.2
32x5-stopND 321.5
64x6-stopND 641.8
128x7-stopND 1282.1
256x8-stopND 2562.4
512x9-stopND 5122.7
1024x10-stopND 1000*3.0
Bảng1: Bảng quy đổi f-stop, hệ số ND và mật độ quang học

Một mẹo nhỏ đó là hệ số ND= Luỹ thừa của 2. Ví dụ ND 64 sẽ giảm 6-stop do 64 bằng 26, ND 1000 sẽ giảm 10-stop do 1000 xấp xỉ bằng 210.

Trên hết, quy tắc chung là bộ lọc càng tối thì càng nhiều ánh sáng bị chặn khi đi vào ống kính và đến cảm biến máy ảnh. Điều này sẽ dẫn đến tốc độ màn trập lâu hơn và tạo ra những bức ảnh khác thường hơn.

ND filter trong thực tế

Giả sử bạn muốn chụp ảnh thác biển hùng vĩ ở Hang Rái, Ninh Thuận. Mục đích của bạn là chụp ảnh thác nước chảy mượt mà nhưng vẫn thấy được sự hùng vĩ của biển.

Hiệu ứng nước chảy mượt mà khi sử dụng ND filter. Ảnh: Linh Nguyen

Khi chụp trong điều kiện ánh sáng mạnh ở ISO 100, f/13, bạn thấy rằng tốc độ màn trập khá nhanh ở 1/200, khiến nước như bị đóng băng, nhìn hơi lộn xộn và không phải là những gì bạn hy vọng đạt được.

Bằng cách sử dụng ND filter, bạn có thể thay đổi thời gian phơi sáng bằng cách giảm tốc độ màn trập để làm mờ thác nước. Với ND64 (6-stop) bạn đã giảm tốc độ chụp xuống 1/3s làm thác biển chảy mượt mà hơn.

  • Xem thêm: Tam giác phơi sáng: Iso, Khẩu độ và Tốc độ

Sử dụng apps để tính thông số

Nếu bạn quá lo lắng về việc không thể nhớ hết các con số trong bảng quy đổi thì apps trên điện thoại cũng rất hữu dụng trong việc sử dụng filter. App mà mình sử dụng đó là Nisi ND Calculator. Để sử dụng, bạn thực hiện theo 3 bước:

Nisi ND Calculator app.

Bước 1: Chụp ảnh với độ phơi sáng phù hợp ban đầu, điền tốc độ chụp vào mục Basic Shutter speed

Bước 2: Gắn filter mà bạn muốn tạo hiệu ứng phơi sáng. Điền vào mục Filter Density

Bước 3: Nếu độ phơi sáng ban đầu chưa chuẩn, bạn cũng có thể ước lượng thêm hoặc bớt ở mục Exposure Compensation. Phần mềm sẽ tính toán cho bạn thông số để có được độ phơi sáng chính xác sau khi gắn filter.

Graduated Neutral Density filter là gì?

Đúng như tên gọi của nó, Graduated Neutral Density filter (hay GND filter) là ND filter có độ chuyển từ sáng sang tối. Chúng được thiết kế để giúp bạn đạt được độ phơi sáng cân bằng trên bầu trời và tiền cảnh, để không phần nào của hình ảnh bị dư sáng hoặc thiếu sáng.

Các loại GND filters. Ảnh: Nisi Optics

Sử dụng GND filter khi nào?

GND filter được sử dụng trong trường hợp chụp ảnh phong cảnh có độ chênh sáng giữa trời và tiền cảnh. Với mỗi trường hợp có đường tiếp xúc khác nhau sẽ sử dụng GND có độ chuyển khác nhau, cùng tìm hiểu thêm về các loại GND filter.

Phân loại GND

Soft GND: GND có độ chuyển mềm, khoảng cách từ phần tối nhất đến sáng nhất trên filter trải dài giúp filter có thể sử dụng trong các trường hợp đường tiếp xúc phức tạp, nhiều chi tiết. Do vậy Soft GND hay được sử dụng với ảnh phong cảnh núi, cây cối…

Hard GND: GND có độ chuyển mạnh, khoảng cách từ phần tối nhất đến sáng nhất rất ít, làm filter chỉ có thể sử dụng trong trường hợp đường tiếp xúc đơn giản như là đường thẳng. Hard GND hay được sử dụng với phong cảnh biển

Reverse GND: có độ chuyển gần giống với Hard GND tuy nhiên từ phần trung tâm trở lên trên thay vì để tối thì được làm sáng lên. Chính vì vậy Reverse GND thường được sử dụng khi mặt trời nằm thấp ở đường chân trời, khi mà ánh sáng vùng giữa trở nên mạnh nhất.

Medium GND: Sự kết hợp hoàn hảo giữa Soft GND và Hard GND, độ chuyển vừa phải cùng khoảng tối rộng giúp filter có thể sử dụng trong hầu hết các trường hợp từ ảnh phong cảnh núi đến biển.

Ý nghĩa những con số trên GND

Trên GND có những con số thể hiện mật độ quang học (GND 0.9). Khi chúng ta nói filter GND 3-stop, GND 0.9 hay GND 8 thì có thể ngầm hiểu rằng khi sử dụng filter sẽ làm giảm 8 lần lượng ánh sáng đi vào máy ảnh do đó làm ảnh tối đi 3-stop ở điểm tối nhất. Để hiểu thêm ý nghĩa con số mật độ quang học trên GND, bạn hãy quay lại Bảng 1.

Sử dụng GND

Trong trường hợp dưới đây đường tiếp xúc giữa trời và tiền cảnh không quá phức tạp, vì vậy mình sử dụng Medium GND để cân bằng ánh sáng, thu được đủ chi tiết vùng sáng và vùng tối.

Ảnh không sử dụng filter. Ảnh: Linh Nguyen
Ảnh sử dụng GND Medium 0.8. Ảnh: Linh Nguyen

Polarizer filter

Bộ lọc phân cực giúp giảm ánh sáng phản xạ và độ chói từ các bề mặt phản xạ (có thể là mặt nước, kim loại, bề mặt lá hoặc cỏ…). Bằng cách cắt một phần ánh sáng đi vào máy ảnh, Polarizer filter làm giảm đi khoảng 2-stop, tái tạo màu sắc và chi tiết trên bề mặt phản xạ chân thực hơn.

Ở ví dụ dưới đây, hãy nhìn vào phần trời, núi và bóng nước dưới mặt ruộng để xem hiệu ứng của CPL filter mang lại.

Ảnh không sử dụng filter. Ảnh: Linh Nguyen
Ảnh sử dụng CPL filter. Ảnh: Linh Nguyen

Có 2 loại là Phân cực thẳng (Linear) và Phân cực tròn (Circular). Không có khác biệt giữa hiệu ứng mang lại của 2 loại Polarizer filter nếu bạn sử dụng máy ảnh không gương lật. Đối với máy ảnh có gương lật, việc sử dụng phân cực thẳng có thể làm ảnh hưởng một chút đến việc đo sáng do đó Circular Polarizer filter hay còn gọi là CPL được sử dụng phổ biến hơn.

Chồng filter

Để tăng độ sáng tạo trong mỗi bức hình và đạt được nhiều hiệu ứng mong muốn, chúng ta có thể sử dụng kết hợp nhiều filter với nhau bằng cách chồng chúng trước ống kính. Nhờ vào việc sử dụng holder, việc chống filter trở nên dễ dàng hơn.

Có một lưu ý khi sử dụng kết hợp nhiều filter đó là khi sử dụng nhiều filter chụp ngược sáng, ánh sáng trực tiếp từ mặt trời sẽ làm flare xuất hiện nhiều hơn, đồng thời gắn quá nhiều filter sẽ làm giảm độ nét của ảnh. Do vậy chúng ta chỉ nên giới hạn số lượng chồng filter là 3 chiếc để đảm bảo độ nét.

Cũng giống như bề mặt ống kính, bề mặt filter bị bụi sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh, đặc biệt đối với ảnh ngược sáng. Vì vậy hãy đảm bảo bề mặt filter luôn sạch sẽ trong khi chụp hình.

Lời khuyên khi lựa chọn filter trong nhiếp ảnh phong cảnh

Lựa chọn filter sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà bạn muốn hình ảnh của mình trở nên như thế nào.

Nếu bạn muốn làm mờ dòng chảy của suối, thác nước trong điều kiện ánh sáng yếu, hãy chọn ND 4-stop.

Núi Chu Va, Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Linh Nguyen

Nếu muốn làm mờ sóng biển hoặc mây trong điều kiện ánh sáng vừa phải, hãy thử với ND 6-stop.

Hoàng hôn Hòn Đỏ, Mỹ Hiệp, Ninh Thuận. Ảnh: Linh Nguyen

Nếu bạn muốn hiệu ứng mộng mơ hơn nữa hoặc làm mờ những chi tiết chuyển động chậm trong điều kiện ánh sáng mạnh, hãy sử dụng ND 10-stop hoặc 15-stop.

Bình minh Mũi Điện, Phú Yên. Ảnh: Linh Nguyen

Lời kết,

Rất khó để biết bạn thực sự phù hợp với filter nào cho đến khi bạn tận tay thử nghiệm chúng. Bằng cách thử nghiệm bạn sẽ nhanh chóng chọn ra filter cần thiết để mang lại hiệu ứng như mong muốn. Nếu như bạn mới bắt đầu sử dụng filter trong nhiếp ảnh phong cảnh, bạn có thể lựa chọn ND 6-stop, 10-stop và CPL, những filter này mang lại hiệu ứng không thể thay thế được bằng hậu kỳ. Ngoài ra, Medium GND hoặc Soft GND 0.9 cũng có thể dùng trong đa số các trường hợp chụp ảnh phong cảnh, giúp bạn tiết kiệm thời gian chụp hơn rất nhiều.

Khám phá bí mật của việc sử dụng filter để chụp ảnh phong cảnh tốt hơn chỉ là bước khởi đầu. Phần tiếp theo bạn sẽ phải cầm máy để đi đâu đó chụp ảnh, thể hiện khả năng sáng tạo và đưa kỹ thuật nhiếp ảnh của bạn lên một tầm cao mới.

Từ khóa » Filter Chụp Phơi Sáng