Sử Dụng Mô Hình Dupont Trong Phân Tích Khả Năng Sinh Lời Của ...

Phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh là một nội dung mà các nhà quản trị rất quan tâm. Bài viết này, phân tích báo cáo tài chính sẽ hướng dẫn bạn đọc sử dụng mô hình Dupont để phân tích khả năng sinh lời của DN.

Bài viết xem thêm: ROA là gì?

1. Mô hình Dupont trong phân tích khả năng sinh lời của DN

Mô hình Dupont được sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp thông qua phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu tài chính. Từ đó giúp người phân tích có thể phát hiện ra những nhân tố đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân tích theo một trình tự nhất định. Sơ đồ Dupont được thiết lập từ ROE – tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu.

ROE là chỉ số thể hiện khả năng tạo tiền trên đồng vốn góp của chủ sở hữu và được tính bằng công thức lấy lợi nhuận ròng chia vốn chủ sở hữu. Do vốn chủ sở hữu là một phần của tổng nguồn vốn hình thành nên tài sản, nên ROE sẽ phụ thuộc vào hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản. Mối quan hệ này được thể hiện bằng mô hình Dupont cấp 1 và cấp 2 sau:

Công thức tính ROE

Hay ROE = Hệ số lợi nhuận ròng x Hiệu suất sử dụng tổng tài sản x Đòn bảy tài chính

Để tăng ROE, doanh nghiệp cần tăng ít nhất một trong các yếu tố trên. Theo đó, các giải pháp để tăng ROE là:

  • Tăng lợi nhuận ròng biên, điều này yêu câu doanh nghiệp phải có một lợi thế cạnh tranh nhất định trong ngành. Có thể bằng cách tiết giảm chi phí, tăng giá bán…
  • Nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách sử dụng tốt hơn hoặc tăng hiệu suất sử dụng các tài sản sẵn có của doanh nghiệp, nhằm nâng cao vòng quay tài sản. 
  • Nâng cao đòn bẩy tài chính hay nói cách khác là vay nợ thêm vốn để đầu tư.

Bài viết xem thêm: ROE là gì? Vận dụng ROE trong phân tích BCTC

Từ nội dung trên, mô hình phân tích Dupont trong phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh (khả năng sinh lời) được áp dụng như sau:

Mô hình phân tích dupont trong phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh

2. Ví dụ Phân tích ROE của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT thông qua mô hình Dupont

Dựa vào Báo cáo tài chính của VNPT, xây dựng bảng tính các chỉ tiêu trong mô hình Dupont như sau: 

Năm 2019 2018 2017
Hệ số lợi nhuận ròng 0.109 0.105 0.082
Hiệu suất sử dụng tổng tài sản 0.527 0.530 0.553
Đòn bảy tài chính 1.473 1.491 1.494
ROE 0.085 0.083 0.068
ROA 0.058 0.055 0.046

Phân tích dupont

Nguồn: Tác giả tự xử lý từ báo cáo tài chính của VNPT

Từ biểu đồ trên có thể thấy, ROE của VNPT tăng qua các năm. Nguyên nhân tăng là do sự tăng lên của hệ số lợi nhuận ròng, hay nói cách khác 1 đồng doanh thu của VNPT đã tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Mặc dù hiệu suất sử dụng tổng tài sản bị giảm đi qua các năm. Điều này cũng dễ hiểu bởi lĩnh vực kinh doanh của VNPT có sự thay đổi nhanh về công nghệ, tài sản cổ định nhanh bị lỗi thời và thay thế. Bên cạnh đó, đòn bảy tài chính giảm qua các năm cho thấy công nợ của VNPT giảm dần. Việc công nợ giảm và ROE tăng, cho thấy VNPT đã sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh hơn.

=>> Tìm hiểu thêm: Khoá học kế toán tổng hợp online

So sánh chỉ tiêu ROE và ROA của VNPT với trung bình ngành Viễn thông và CNTT 

So sánh roe roa

Nguồn: Tác giả tổng hợp và xử lý dữ liệu

Có thể thấy rằng cả 2 chỉ tiêu ROE, ROA của VNPT năm 2019 đều thấp hơn chỉ tiêu ROE, ROA của trung bình ngành Viễn thông và Công nghệ thông tin. Như vậy mặc dù tỷ suất sinh lời của VNPT tăng lên theo các năm tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình ngành. Điều này cũng dễ dàng giải thích vì VNPT là tập đoàn lớn, hoạt động kinh doanh tại nhiều ngành nghề khác nhau, phát sinh nhiều chi phí hoạt động, có bộ máy nhân sự không tinh gọn bằng các doanh nghiệp khác trong ngành.

Mô hình dupont

»»» Review Khóa Học Phân Tích Tài Chính Doanh Nghiệp Tốt Nhất

3. Một số kết luận và khuyến nghị

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh là mục tiêu không chỉ VNPT hướng tới, mà còn là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Thông qua việc sử dụng mô hình Dupont để phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại VNPT, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại VNPT như sau:

Nâng cao hiệu quả giám sát nguồn vốn kinh doanh để tối ưu đòn bẩy tài chính

VNPT là một tập đoàn kinh tế lớn, có bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều đơn vị trực thuộc. Vì vậy, hoạt động thanh tra, giám sát vốn kinh doanh tại các đơn vị cần được quan tâm, hoàn thiên, giúp các doanh nghiệp thuộc tập đoàn VNPT phát huy được tiềm năng, nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó gia tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VNPT.

Để nâng cao được hiệu quả nguồn vốn kinh doanh thì VNPT cần điều chỉnh chính sách tài chính, nâng cao tính tự chủ về tài chính, sử dụng đòn bẩy tài chính và rủi ro tài chính, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, điều chỉnh tỷ lệ nợ vay và tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho phù hợp với năng lực hoạt động.

Gia tăng hiệu quả sử dụng tài sản

Tài sản tại VNPT là những tài sản có giá trị lớn nhưng vòng đời sử dụng không dài do sự thay đổi yếu tố công nghệ. Vì vậy, VNPT cần điều chỉnh cơ cấu tài sản, tăng hiệu suất sử dụng tài sản, tăng vòng quay tài sản, thông qua việc vừa tăng quy mô về doanh thu thuần, vừa sử dụng tiết kiệm và hợp lý về cơ cấu tổng tài sản. 

Gia tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng lợi nhuận.

Gia tăng doanh thu thông qua việc phát triển dịch vụ, phát triển quy mô khách hàng, phát triển các kênh bán hàng phù hợp với thị hiếu của khách hàng tại từng giai đoạn.

Hoàn thiện quy chế, quy trình, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị. Thực hiện rà soát, điều chỉnh cơ chế giá chuyển giao phù hợp với xu hướng thay đổi của dịch vụ trên thị trường.

Bên cạnh đó, hoàn thiện việc thiết lập các định mức chi phí theo từng giai đoạn, từng địa bàn để tối ưu chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Bài viết xem thêm: ROS là gì? Vận dụng ROS trong phân tích BCTC DN

Tác giả: CEO Lê Ánh

Khóa học phân tích tài chính doanh nghiệp

Rate this post

Từ khóa » Giải Pháp Tăng Roe