Sử Dụng Thiết Bị Nghe Lén - Hậu Quả Khôn Lường!
Có thể bạn quan tâm
- Xử lý hành chính “quý bà” đặt thiết bị nghe lén điện thoại của chồng
- Bắt quả tang nhiều nhóm đối tượng mua bán thiết bị nghe lén
Theo đó, chỉ với những thao tác đơn giản, không cần tiếp cận máy đối tượng, chủ nhân của các thiết bị này đã có thể giám sát mục tiêu 24/24, với những thông tin bí mật được thiết bị chuyển về đảm bảo tin cậy, kịp thời. Khỏi cần nói đến độ “hot” của dòng sản phẩm này vì đánh thẳng vào bản tính tò mò, đa nghi của con người. Nhưng, cũng chính vì vậy mà danh sách những người bị lừa đang tiếp tục nối dài...
Thiết bị định vị spy 865 được rao bán trên mạng. |
“Ăn theo” thói đa nghi
Tháng trước, Hoa - cô bạn gọi điện cho tôi với giọng hớt hải, kể rằng tình cờ nhìn thấy chồng mình cùng một nữ đồng nghiệp bước ra từ một nhà hàng. Nghi chồng “có chuyện” bên ngoài, cô hỏi có nên mua thiết bị gián điệp đang quảng cáo “ầm ĩ” trên mạng, để giám sát mọi hành tung nhằm “bắt tận tay, day tận trán” việc phản bội của chồng hay không. Sau lời khuyên không nên xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại của người khác, tôi cũng “lội” vào bạt ngàn những lời quảng cáo trên Facebook, Zalo... về dòng thiết bị gián điệp công nghệ mới có tên là “Thiết bị định vị spy 865”.
Quả thực, với lòng nghi kỵ, cùng quyết tâm làm rõ trắng đen mọi chuyện, thì ít bà vợ nào có thể bỏ qua clip hướng dẫn sử dụng sản phẩm kèm theo những dòng quảng cáo như sau: “Thiết bị gọn nhỏ, thao tác đơn giản, không cần phải tiếp cận máy của đối phương, dùng để định vị một cách chính xác vị trí của chiếc điện thoại cần theo dõi; có thể nghe lén mọi cuộc đàm thoại và các cuộc nói chuyện bình thường của đối phương từ xa; có thể tự động phát hiện và gọi điện về cho chủ nhân khi có cuộc gọi. Chưa hết, thiết bị còn có khả năng đọc trộm tin nhắn điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook...”.
Sản phẩm được quảng cáo là một loại thiết bị vỏ nhựa màu đen, có kích thước gần bằng một bao diêm Thống Nhất. Bên trong có khe gắn sim điện thoại. Theo hướng dẫn, chỉ cần mua sim 3G, 4G lắp vào thiết bị và kích hoạt sim để kết nối với máy điện thoại của người sử dụng, sẽ có đường link gửi về máy. Người theo dõi chỉ việc nạp số máy điện thoại của mục tiêu cần theo dõi, là thiết bị sẽ tự động thực hiện chức năng theo dõi, kiểm soát tất cả hoạt động của đối phương, từ việc định vị vị trí, nghe lén cuộc gọi, đến đọc trộm các loại tin nhắn trên mọi ứng dụng...
Thiết bị được quảng cáo là sản phẩm công nghệ tiên tiến của... Nhật Bản (!?), từng đoạt các giải thưởng về công nghệ. Có đoạn clip còn ghép thiết bị gián điệp này vào trong một chương trình “vinh danh” của... VTV2! Kỳ lạ là giá bán của một thiết bị gián điệp “siêu đa năng” ấy, chỉ từ 1-2 triệu đồng, hoàn toàn nằm trong khả năng mua sắm của nhiều người.
Xem hết các đoạn quảng cáo giới thiệu sản phẩm, tôi gọi ngược lại và cảnh báo đó chỉ là trò lừa đảo. Vì đó chỉ có thể là một thiết bị gián điệp trong phim... giả tưởng. Tuy nhiên, có vẻ lời khuyên không làm cô bạn suy suyển quyết định mua thiết bị này cho một cuộc điều tra bí mật. Vài tuần sau gặp lại, cô bạn thở dài, ngao ngán cho biết đã bị lừa vì sản phẩm không khả dụng, chẳng làm được bất cứ điều gì như trong quảng cáo.
Thượng tá Ngô Minh An - Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho hay đó là trò lừa đảo. Sản phẩm đó, thực chất là thiết bị định vị mini A8, được sản xuất tại Trung Quốc, bán lén lút ở các quầy hàng xén chợ đường biên với giá chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Về lý thuyết, khi gắn thiết bị này vào đồ vật, hay phương tiện giao thông... của đối tượng theo dõi và gọi điện kết nối thì nó có thể chuyển về tai người nghe các âm thanh mà nó ghi nhận được cùng vị trí của nó.
Tuy nhiên, trên thực tế vì thời lượng sử dụng pin của thiết bị rất thấp, định vị lại không chính xác, nên sản phẩm này không được thị trường mặn mà. Thứ đang quảng cáo tràn lan trên mạng hiện nay, chính là thiết bị này được thổi phồng về tính năng công dụng, để bán với giá cao gấp nhiều lần giá trị thật của nó.
Vẫn theo Thượng tá An, nếu có một loại thiết bị tiên tiến hiện đại như quảng cáo thì mức giá của nó sẽ lên tới cả tỉ đồng chứ không phải chỉ có vài triệu đồng như vậy. Mà cũng không thể được bán dễ dàng, công khai như vậy vì sản phẩm đó chỉ được sử dụng cho các mục đích quân sự, an ninh quốc gia mà thôi. Do đó, mọi người không nên tin theo những lời quảng cáo, cũng đừng bao giờ nảy sinh ý định theo dõi, giám sát bí mật thông tin điện thoại của người khác vì đó là hành vi xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín mà Bộ luật Hình sự đã cấm.
Ông cho biết thêm, ngoài hình thức bán “thiết bị định vị spy 865”, hiện nay trên mạng còn rất nhiều hình thức lừa đảo khác kiếm ăn trên sự đa nghi, ngờ vực của con người, như bán trạm BTS mini theo dõi điện thoại; sim ghép nghe lén điện thoại, con chip định vị siêu nhỏ sn06, spyx, mini spy xc recorder... gắn vào điện thoại để đọc trộm tin nhắn Zalo, Faceook, Viber trên điện thoại.
Người dùng cần hiểu rằng bất kỳ một loại thiết bị điện tử nào cũng đều phải có nguồn năng lượng pin để hoạt động, có cấu trúc các bo mạch, vỏ bảo vệ thiết bị, sim điện thoại... nên kích thước sẽ phải tương đối lớn. Vì vậy, không thể có một thiết bị siêu nhỏ nào có thể gắn trên điện thoại của đối tượng theo dõi mà không bị phát hiện. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc nhưng những loại thiết bị như spy 865, con chip định vị nghe lén điện thoại, zalo nano chip... thì chỉ có trên phim giả tưởng hoặc trong trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Hãy là người tiêu dùng thông minh để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thượng tá An phân tích.
Cùng trao đổi với chúng tôi về những trò lừa đảo trên mạng “ăn theo” thói đa nghi, thích kiểm soát người khác, ông Nguyễn Văn Cường - Tập đoàn Công nghệ Vietsens (Hà Nội) cho biết hiện nay trên mạng xã hội đang rộ lên quảng cáo hình thức dịch vụ hack tài khoản Zalo, Facebook của người khác với mức giá rất phải chăng. Khách hàng chỉ cần cung cấp số điện thoại và chuyển khoản tiền cọc, bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện hack tài khoản và cung cấp thông tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc, bên cung ứng dịch vụ không thực hiện trách nhiệm của mình, chặn số liên lạc, khóa máy hoặc thậm chí là tống tiền ngược lại khách hàng của mình. Ông Cường khuyến cáo mọi người nếu không muốn “tiền mất tật mang” thì tuyệt đối không nên sử dụng dịch vụ hack Zalo Facebook này.
Sử dụng là phạm pháp
Nhu cầu khám phá bí mật của người khác ngày một tăng cao trong bối cảnh nhiễu động của đời sống xã hội hiện nay. Có cầu ắt có cung, ngoài các thiết bị an ninh bị cấm lưu hành trên thị trường đang nhan nhản trên các trang web quảng cáo, rao vặt, tài khoản mạng xã hội... thì các sản phẩm phần mềm theo dõi điện thoại cũng được giới thiệu và tỏ ra vô cùng nguy hiểm.
"Phân khúc thị trường" của dòng sản phẩm phần mềm gián điệp được những kẻ chào bán hướng tới, đó là những người có nhu cầu theo dõi vợ, chồng mình với nghi án ngoại tình, các bậc cha mẹ muốn giám sát con cái đề phòng hư hỏng, theo dõi đối tác, địch thủ làm ăn...
Quảng cáo thiết bị định vị siêu nhỏ gắn trên điện thoại. |
Còn nhớ vào tháng 6-2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã triệt phá vụ bán phần mềm giám sát điện thoại di động Ptracker tại công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả điều tra xác định đã có 14.140 máy điện thoại bị cài đặt phần mềm gián điệp nguy hiểm này.
Ông Nguyễn Văn Cường cho rằng phần mềm theo dõi điện thoại thật sự là hiểm họa của bí mật đời tư, sử dụng cho các dòng điện thoại Android, Samsung, Oppo, iOS iPhone... Nó chạy ẩn trên chính chiếc điện thoại của đối tượng theo dõi, mà để sử dụng, người dùng cần phải cài đặt trộm từ trước. Phần mềm này có dung lượng nhẹ nên cài đặt rất nhanh trên điện thoại mục tiêu với những thao tác đơn giản.
Sau khi bị cài đặt, máy điện thoại của người bị theo dõi sẽ bị nghe trộm cuộc gọi 2 chiều, đọc trộm tin nhắn trên các ứng dụng, bị định vị vị trí, lộ trình di chuyển... với sự hỗ trợ của bên cung cấp dịch vụ phần mềm này”.
Phân tích về hành vi của người sử dụng thiết bị, phần mềm gián điệp để theo dõi, giám sát điện thoại của người khác, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật...
Do đó, mọi hành vi sử dụng các thiết bị hay phần mềm chuyên dụng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của người khác, nhằm mục đích kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin... có dấu hiệu của tội phạm quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Nếu hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín có mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, chủ thể sẽ bị xử lý về các tội danh tương ứng, chẳng hạn như tội làm gián điệp. Nếu dùng các thông tin cá nhân lấy cắp được trên điện thoại của người khác nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản của họ để chiếm đoạt, chủ thể phạm vào tội quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015...
Để phát hiện sớm việc bị theo dõi điện thoại bằng các phần mềm gián điệp, ông Nguyễn Văn Cường tư vấn: “Hiện tượng máy nhanh hết pin; dữ liệu 3G, 4G tăng đột biến; sử dụng thiết bị chậm hơn (đặc biệt là sử dụng mạng)... rất có thể là do điện thoại của bạn luôn phải gửi dữ liệu, vị trí đến máy chủ nghe lén qua mạng, điều đó khiến điện thoại phải hoạt động liên tục. Tiếp đến là khi đàm thoại, nếu có những tiếng nền lạ, những tin nhắn lạ được gửi đến hoặc những tiếng bíp nhẹ có chu kỳ... thì rất có thể bạn đang bị ghi âm cuộc gọi”.
Theo ông Cường, khi đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trên điện thoại, chủ máy nên vào ứng dụng Cydia và gỡ tất cả những ứng dụng lạ đã được cài đặt lên điện thoại. Để chắc chắn, hãy chạy phần mềm để xóa sạch những phần mềm đã được cài đặt lên thiết bị. Đơn giản hơn, người dùng thao tác vào Cài đặt > Sao lưu và cài đặt lại > Khôi phục cài đặt gốc.
Từ khóa » Thiết Bị Nghe Lén điện Thoại Có định Vị
-
Máy Nghe Trộm điện Thoại Dùng Sim Sử Dụng Thế Nào?
-
Máy Nghe Lén điện Thoại Di động Từ Xa đáng Mua Nhất 2022
-
Thiết Bị định Vị Nghe Lén - Websosanh
-
Máy Nghe Lén Từ Xa Bằng Sim Điện Thoại Di Động
-
THIẾT BỊ NGHE LÉN VÀ ĐỊNH VỊ ĐỂ VÍ- CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT
-
Cách Nghe Lén điện Thoại Người Khác đơn Giản Nhất IPhone, Android
-
#1 Máy Nghe Lén Nghe Trộm Siêu Nhỏ - Cực Kỳ Bí Mật Và An Toàn
-
Định Vị, Nghe Lén, Ghi Âm Chính Xác 100% - YouTube
-
Top Máy Nghe Lén Tốt Nhất 2022
-
Thiết Bị Nghe Lén âm Thanh Và định Vị Vị Trí Chính Xác
-
Thiết Bị Nghe Trộm | Nghe Lén Điện Thoại
-
Cách Nhận Biết điện Thoại Bị Nghe Lén, Nghe Trộm, Kiểm Tra điện Thoại
-
Máy Dò Thiết Bị định Vị, Camera Quay Lén, Gps, Nghe Trộm Cc308 Bằng ...