Sử Dụng Zeolite Trong Ao Tôm - Tạp Chí Thủy Sản

Khái niệm

Zeolite là khoáng chất silicat nhôm hay còn gọi là aluminosilicat của một số kim loại có hệ thống mao quản đồng đều chứa các cation nhóm I và II. Hiện các hạt Zeolite có kích thước 1.000 – 5.000 nm và trong tương lai sẽ giảm kích thước hạt tới dưới mức 100 nm nhằm tạo ra vật liệu nano – zeolite nhằm tăng khả năng ứng dụng của vật liệu này. Zeolite có thể gặp ở trạng thái tự nhiên hoặc nhân tạo. Zeolite tự nhiên được hình thành từ sự kết hợp giữa đá và tro của núi lửa với các kim loại kiềm có trong nước ngầm. Để tổng hợp Zeolite nhân tạo có thể thực hiện theo 2 cách: Trực tiếp từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, biến tính các aluminosilicat là các khoáng phi kim loại như cao lanh, bentonit. Tổng hợp trực tiếp từ các silicat và aluminat.

Ứng dụng

Zeolite là hợp chất khoáng sét, được sử dụng rất phổ biến trong NTTS, đặc biệt trong nuôi thâm canh tôm, cá. Đặc tính ưu việc của Zeolite là khả năng hấp phụ các kim loại, amonia (dạng NH3, N – NH4+), H2S, NO2… các chất độc cho tôm cá thường có trong ao nuôi, tham gia đảo nước và cung cấp ôxy.

Hấp thu các khí độc tích tụ ở đáy ao như: NH3, H2S, CO2… và axit trong nước; giảm tỷ trọng kim loại nặng, độc hại trong ao nuôi; phân hủy xác tảo,các chất lơ lửng bẩn trong ao nuôi, giúp cân bằng môi trường nước, ổn định độ pH; ổn định màu nước, hạn chế có váng, làm sạch nước, tăng lượng ôxy hòa tan trong nước; hạn chế mầm bệnh, vi khuẩn có hại trong nước, vi khuẩn phát sáng trong ao nuôi…

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng tác dụng của Zeolite có nhiều biến động theo các điều kiện sinh thái khác nhau; trong đó, khả năng hấp phụ NH3 của Zeolite thay đổi rất lớn theo độ mặn của nước.  Zeolite có khả năng hấp phụ amonia, nhưng khả năng hấp phụ này tốt nhất trong môi trường nước ngọt, khi độ mặn của nước càng tăng, khả năng hấp phụ amonia của Zeolite càng giảm bởi vì khả năng hấp phụ amonia của Zeolite bị kiềm chế mạnh bởi các cation hòa tan trong nước lợ. Trong điều kiện thí nghiệm của các nhà khoa học tại Đại học Cần Thơ cho thấy, 1 g Zeolite có khả năng làm giảm 0,12 mg amonia. Zeolite có tác dụng làm giảm amonia sau 8 – 12 giờ xử lý, sau thời gian trên, khả năng hấp phụ của Zeolite hầu như không còn nữa. Do đó, Zeolite nên được sử dụng trong trường hợp lượng amonia tăng đột ngột (> 2 mg/l) và cần chú ý amonia càng độc khi pH và nhiệt độ nước càng cao.

Cơ chế hấp thụ

Về cơ chế thì những phân tử lơ lửng, nhiễm bẩn, ion sẽ được hấp thụ vào những lỗ xốp và đường ống của Zeolite. Những kim loại nặng, độc tố sẽ được hấp thụ qua phản ứng trao đổi ion với các ion của Zeolite.

Trong ao hồ thì ammonia thường tồn tại ở dạng ion NH4+ và phân tử NH3. Cation NH4+ sẽ trao đổi với cation Na+ hay K+ trong Zeolite và được loại bỏ ra khỏi nguồn nước. Khi lượng NH4+ giảm thì theo cơ chế NH3 sẽ thủy phân tạo thành NH4+, tiếp tục xảy ra quá trình trao đổi ion và tổng thể lượng ammonia trong nước giảm đi.

Khi dùng Zeolite để hấp thụ ammonia ở những ao, hồ nước mặn cần chú ý rằng hàm lượng Zeolite cần dùng sẽ nhiều hơn đối với nước ngọt vì trong ao, hồ nước mặn có chứa thêm những cation như Na+, K+… do đó sẽ có sự cạnh tranh về việc trao đổi ion với ammonium và với các ion này.

Cách sử dụng

Cải tạo ao: 50 – 300 kg/ha. Chẳng hạn, nếu diện tích ao nuôi là 2.500 m2 thì liều dùng là 12 – 75 kg/ao.

Trong ao cũ hoặc trước khi gây màu nước nuôi: 100 – 200 kg/ha. Chẳng hạn, nếu diện tích ao nuôi là 2.500 m2 thì liều dùng là 25 – 50 kg/ao.

Trong thời gian nuôi: 100 – 150 kg/ha, cụ thể cho ao 2.500 m2 thì liều dùng là 25 – 40 kg/ao.

Giảm hàm lượng khí độc (nồng độ amonia) lúc đang cao dùng từ: 150 – 250 kg/ha; tương đương 40 – 60 kg/ao diện tích 2.500 m2.

Hướng dẫn sử dụng

Rải đều trên mặt ao. Thời gian dùng tốt nhất từ 15 giờ trở đi. Khi ao nuôi tôm bị ô nhiễm, đáy ao bẩn và tôm nổi đầu do khí độc có thể dùng Zeolite. Nên sử dụng Zeolite sau khi sử dụng các chất diệt khuẩn, hóa chất và lúc tảo chết đột ngột.

Để nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào.

Bích Hòa

Từ khóa » Cách Sử Dụng Zeolite