Sự Gián đoạn Tại Các Cảng Biển Lớn ở Trung Quốc Và Mỹ Góp Phần ...

MEKSEA.COM – Sự gián đoạn tại các cảng biển ở Trung Quốc và Mỹ đã gây trở ngại lớn đối với thương mại toàn cầu. Các đợt gián đoạn liên tục và kéo dài không những làm cho chuỗi cung ứng đứt gãy do sự chậm trễ trong vận chuyển mà còn khiến cước vận chuyển quốc tế tăng đột biến.

Ở Trung Quốc, chủ trương xiết chặt các biện pháp chống dịch được xem là nguyên nhân khiến việc lưu chuyển hàng hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây. Hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến lượng lớn hàng hóa bị ùn ứ tại các cảng biển ở quốc gia này.

Trong tuần vừa qua, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào Trung Quốc, buộc hai trong số các cảng lớn của quốc gia này buộc phải ngừng hoạt động. Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải cho biết một số nhà ga tại Thượng Hải – cảng bận rộn nhất thế giới tính theo khối lượng hàng hóa – đã phải tạm ngừng hoạt động trong 2 ngày (12-13/09) để phòng cơn bão Chanthu.

Cảng Ninh Ba gần đó, cảng vận tải biển lớn thứ 2 Trung Quốc sau Thượng Hải, và là cảng bận rộn thứ ba thế giới sau Singapore, cũng tạm dừng hoạt động tại một số nhà ga, theo thông báo riêng từ các nhà ga đó. Đồng thời, cảng này mới mở cửa trở lại sau tuần ảnh hưởng bởi bão Infa hồi cuối tháng 7 và dịch covid-19 hồi giữa tháng 8 khi một nhân viên nhà ga có kết quả dương tính với covid-19 dù trước đó đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Sự gián đoạn tại các cảng biển lớn ở Trung Quốc và Mỹ góp phần đẩy cước vận chuyển quốc tế tăng kỷ lục

Xe tải chở container xếp hàng dài tại cảng Ninh Ba, Trung Quốc. (ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng kỷ lục giữa khối lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu đang gây ra sự ùn ứ số lượng lớn các container rỗng ở các cảng Nam California. Vừa qua, Sở giao dịch hàng hải Nam California cho biết, lượng tàu container neo đậu ở vịnh San Pedro, Nam California đang chờ để cập bến tại cảng Los Angeles và Long Beach đạt mức kỷ lục và dự đoán sẽ sớm tăng đột biến do các nhà nhập khẩu muốn tránh mùa cao điểm.

Tại Cảng Los Angeles, thời gian chờ đợi tại nơi neo đậu là 8,5 ngày dựa trên mức trung bình 30 ngày. Trong tuần 12-18 tháng 9, sản lượng hàng nhập khẩu dự kiến là 133.582 TEU, tăng 9,14% so với tuần trước và 25,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hàng nhập khẩu dự kiến sẽ tăng thêm 21,65% tại cảng Los Angeles trong tuần 19 – 25 tháng 9 lên 162.498 TEU, tăng 45,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gián đoạn tại các cảng biển lớn ở Trung Quốc và Mỹ góp phần đẩy cước vận chuyển quốc tế tăng kỷ lục 2

Tàu container xếp hàng dài tại cảng Los Angeles (Ảnh: AFP)

Sự gián đoạn tại các cảng lớn khiến các container hàng hóa không tiếp tục di chuyển đến chủ hàng, các container rỗng không luân chuyển được về các nơi khác gây tình trạng thiếu container rỗng ở nhiều nơi. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, các tập đoàn lớn trên thế giới sẵn sàng thuê lại các container rỗng để chuyên chở hàng cho họ phục vụ kinh doanh, làm cho container rỗng đã thiếu lại càng thêm thiếu. Những điều này đã góp phần đẩy giá cước tăng tột đỉnh, để có được chỗ trên chuyến tàu, doanh nghiệp không chỉ chi tiền cước mà còn phải chi thêm một khoản để đảm bảo booking không bị hủy do thiếu container rỗng.

Hiện nay, các nhà bán lẻ tại Bắc Mỹ và châu Âu đang tăng cường mua hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trở lại, đồng thời tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho đợt cao điểm cuối năm. Tình trạng thiếu tàu vận chuyển, thiếu container rỗng và tắc nghẽn tại các cảng biển càng khiến các chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng, giá vận chuyển tăng đột biến. Có thể thấy trong tháng vừa qua cước vận chuyển container từ Trung Quốc và Đông Nam Á đến bờ biển phía đông của Mỹ đạt mức cao kỷ lục hơn 20.600 USD cho mỗi đơn vị tương đương 20 feet (TEU).

Thực hiện: Huyền Dương/ Huy Hoàng (Meksea Team)

Nội dung này có hữu ích với bạn? hãy để lại lượt Thích như bên dưới để chúng tôi phát triển hơn nữa chủ đề này; hoặc bạn có những ý kiến liên quan, hãy cùng trao đổi với chúng tôi ở phần bình luận bên dưới.

Từ khóa » Các Cảng Biển ở Trung Quốc