SỰ HÌNH THÀNH XÃ PHƯỚC ĐỒNG
Có thể bạn quan tâm
SỰ HÌNH THÀNH XÃ PHƯỚC ĐỒNG
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:
Xã Phước Đồng ngày nay nằm trên vùng đất chiến khu cách mạng Đồng Bò trước đây. Là đơn vị hành chính của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Xã Phước Đồng có ranh giới phía Bắc giáp xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Thái; phía đông Bắc giáp phường Phước Long và Vĩnh Trường; phía Đông giáp biển Đông; phía Đông Nam giáp với xã Cam Hải Đông huyện Cam Lâm; phía Nam giáp với xã Cam Hòa huyện Cam Lâm; phía Tây Nam giáp xã Suối Tân huyện Cam Lâm; phía Tây giáp xã Suối Cát huyện Cam Lâm.
Tổng chiều dài địa giới hành chính của xã là 34,343km. Từ trung tâm xã Phước Đồng đến trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6 km về hướng Đông Bắc. Địa bàn xã Phước Đồng chạy dọc theo chân núi Đồng Bò, tựa lưng vào núi, mặt hướng về trung tâm thành phố Nha Trang. Địa hình thấp từ Tây Nam sang Đông Bắc.
Mũi Cù Hin Sông Lô Phước Hạ
Xã Phước Đồng có diện tích tự nhiên khoảng 5.665ha, do địa hình của dãy núi Đồng Bò có ba đỉnh cao, cách nhau bởi những thung lũng nhỏ hẹp nên được chia làm ba khu vực chính, tính từ biển vào: Đồng Bò Hạ từ Vườn Dừa (sông Lô) lên núi Đất; Đồng Bò Trung từ núi Đất chạy lên Gò Bông; Đồng Bò Thượng từ Gò Bông lên giáp chân núi Chín Khúc; Ngoài ra, xã Phước Đồng còn có khu vực Hòn Rớ giáp với sông Tắc. Do địa hình như vậy, xã Phước Đồng có bốn vùng đất rõ rệt: Vùng đất núi, rừng chiếm diện tích chủ yếu (3/4 diện tích của xã) ở phía Tây Bắc, Tây và Tây Nam của xã. Đây là vùng đất núi thuộc dãy núi Hoàng Ngưu (Đồng Bò), có các đỉnh núi cao trung bình nhưng hiểm trở như ngọn Hòn Chu, Cù Hin (Cầu Hùm). Núi chạy dọc theo chiều dài của xã, núi rải rác ở vùng đất bằng, núi lan ra sát biển.
Dãy núi Hòn Ông Hòn Rớ II
Trên địa bàn xã có các ngọn núi cao như: Chín Khúc, Hòn Dung, Nhà Thờ, Hòn Chèo, Hòn Thị, Cầu Hin, Hòn Rớ (Khu Hòn Ông),vv…. Là những nơi thế cao, có thể bố trí các điểm canh phòng cho thành phố Nha Trang. Cấu tạo địa chất của núi chủ yếu là loại đá hoa cương Granic có thể làm vật liệu cho xây dựng, trong núi có nhiều hang, ngóc ngách như Đá Hang, Gộp Dây Leo, Gộp Thị Ủy, vv.. Trên bề mặt núi có lớp đất mỏng, loại đất đỏ vàng, chủ yếu để phát triển lâm nghiệp.
Song vì núi có độ dốc cao, chủ yếu là đá Granic nên không giữ được nước và chất màu. Rừng chủ yếu là rừng còi, cây gai, gỗ tạp, cây thưa tán lá, còn loại cây có giá trị kinh tế cao như trắc, mun, căm se, ngụ rất ít. Vùng đất nằm dưới chân các dãy núi là đất đồi, đất sỏi, bạc màu, thuộc loại đất xám bạc, nghèo dinh dưỡng (mùn) chỉ thuận lợi cho trồng cây công nghiệp và làm đất thổ cư, có thể xây khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng Phước Điền, Phước Thượng. Vùng đất dốc tụ pha cát tập trung ở thôn Phước Trung, Phước Hạ, nơi đây có tầng đất khá dầy có thể canh tác, thuận lợi cho trồng cây lương thực. Loại đất này tương đối thích hợp cho cây màu, làm vườn do mùn từ núi bị bào mòn tụ dần.
Vùng đất mặn và phèn mặn (nước trà hai) dọc theo sông Tắc (còn gọi là sông Quán Trường hay sông Bình Tân), thuận lợi cho nuôi trồng thủy hải sản, trồng cói và rừng ngập mặn như: Sú, vẹt, tràm. Xã Phước Đồng có bờ biển từ Nam cửa Bé đến mũi Cù Hin, bờ biển có đồi, núi nhấp nhô, lan ra biển Đông, có nhiều bãi biển đẹp như: sông Lô (Khu du lịch Hoàn Cầu), nối liền với Bãi Dài (khu du lịch huyện Cam Lâm). Chạy dọc theo bờ biển có đại lộ Nguyễn Tất Thành là đại lộ ven biển đẹp của tỉnh Khánh Hòa. Biển có nguồn hải sản phong phú, thuận lợi cho nghề đánh bắt hải sản ngoài biển Đông.
Trên địa bàn xã Phước Đồng có các con sông, đó là sông Quán Trường, đoạn cuối chia làm nhiều nhánh, sau đó hợp lại và có tên gọi là sông Bình Tân. Sông chạy dọc theo ranh giới giữa xã Phước Đồng với xã Vĩnh Thái, phường Phước Long và Vĩnh Trường đổ ra cửa Bé. Sông này bắt nguồn từ sông Cái Nha Trang, khi chảy qua địa phận thôn Vĩnh Xuân xã Vĩnh Thái, sông được các suối từ dãy núi Đồng Bò đổ về làm dung lượng dòng chảy mạnh lên , đến đoạn cuối ra biển, sông mở rộng làm nhiều nhánh, có khoảng rộng hơn. Trải qua năm tháng, sông bị phù sa bồi đắp tạo nên các đầm, đìa thuận lợi cho việc nuôi hải sản như tôm, cá vv… Xã Phước Đồng còn có sông Đồng Bò (còn gọi là sông Lô), dài khoảng 6km, sông này chạy dưới chân dãy núi Đồng Bò đổ ra biển, suối Gáo phát nguyên từ núi Đá Hang đổ ra sông Tắc.
Ngoài ra xã Phước Đồng còn có nhiều con suối lớn nhỏ chảy theo các khe núi, nhưng lớn nhất là suối Lùng, suối Cái, suối Khô, suối Dáng phát nguyên từ vùng núi Phước Thượng chạy qua Phước Điền đổ ra sông Tắc. Sông, suối ở Phước Đồng có độ dốc cao, bề rộng hẹp nên về mùa mưa dòng chảy tương đối mạnh, tạo ra sự ngăn cách giữa các vùng.
Dưới chân núi Đồng Bò Trung và núi Hòn Thị có hồ nước lớn (hồ Kênh Hạ), diện tích của hồ khoảng trên 10ha, dung lượng nước khoảng 750.000m³. Thung lũng dưới chân Hòn Dung diện tích 200ha, có thể xây dựng hồ thủy lợi, dung lượng khoảng 2.500.000m³, dự trữ nước để phục vụ cho phía Nam của thành phố Nha Trang.
Bờ biển và vùng biển của xã Phước Đồng từ Cửa Bé đến mũi Cù Hin dài khoảng 15km tính theo mép nước, chủ yếu là chân núi Hòn Rớ và núi Cù Hin, chỉ có vùng sông Lô (vườn Dừa) là có mặt bằng khoảng 200ha, vừa tiếp giáp biển, núi, lại dọc theo đại lộ Nguyễn Tất Thành, nên vào năm 2000 nơi đây được đầu tư xây dựng thành trung tâm du lịch khu nghỉ dưỡng, giải trí Nha Trang. Vùng biển có nhiều hải sản quý như tôm, mực, cá, cua vv ….
Vườn dừa Sông Lô Phước Hạ
* Đặc điểm khí hậu: xã Phước Đồng có khí hậu khá tốt, quanh năm mát mẻ, vừa ảnh hưởng khí hậu của núi, vừa ảnh hưởng khí hậu của biển. Độ chênh lệch thời tiết trong năm không đáng kể, nhiệt độ trung bình khoảng 27ºc. Trong năm có hai mùa, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 6, thời tiết rất ít mưa, do sông, suối có độ dốc cao nên thường thiếu nước; mùa mưa bắt đầu từ tháng 7 đến cuối tháng 10, khí hậu mát mẻ, cây cối tốt tươi, nhưng khi mưa lớn kéo dài ngày, nước từ các nguồn sông, suối đổ về kết hợp với triều cường thì thường có lũ, lụt ở vùng ven sông. Nhìn trung điều kiện khí hậu của xã Phước Đồng tương đối thuận lợi, quanh năm có ánh nắng mặt trời nhưng do giáp biển nên thời tiết tương đối mát mẻ. Được các dãy núi Đồng Bò che chắn phía Tây Nam và núi Hòn Rớ phía Đông nên địa bàn xã Phước Đồng ít bị ảnh hưởng của mưa bão lớn.
Do nằm ở khu vực tiếp giáp giữa thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh và Cam Lâm nên xã Phước Đồng có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội đối với các huyện, thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa.
Về quân sự, địa hình tự nhiên hùng vĩ của dãy núi Đồng Bò, Chín Khúc, Hòn Rớ nên địa thế quân sự xã Phước Đồng có nhiều thuận lợi như rừng núi hiểm trở, liên hoàn, núi cao có nhiều gộp đá, hang động, ngóc ngách, khe núi vv… có thể chứa hàng trăm người; vừa có thể bao quát vùng đồng bằng, đô thị của thành phố Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh; vừa có thể bao quát vùng biển Đông nên rất thuận lợi về mặt quân sự, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Phước Đồng là căn cứ cách mạng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phước Đồng là nơi phòng thủ chiến lược không chỉ của thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm mà còn của cả tỉnh Khánh Hòa.
Bia Di tích lịch sử Gò Bông thôn Phước Điền
Về kinh tế, xã Phước Đồng có các vùng đất rừng, đồi núi, điền thổ, biển, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo điều kiện phát triển cả lâm, nông, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Nơi đây có núi rừng, biển đảo, quang cảnh tự nhiên rất hữu tình, thơ mộng, thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như du lịch biển, núi, sinh thái, văn hóa lịch sử vv….
Về văn hóa và môi trường sinh thái, xã Phước Đồng có bề dày lịch sử của chiến khu cách mạng Đồng Bò, nơi đây còn giữ được dấu tích một thời cha ông ta kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, là bảo tàng lịch sử cách mạng ngoài trời, một trong những khu di tích đáng tự hào nhất của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa. Năm 1997 và 1998, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định bảo tồn khu di tích chiến khu cách mạng Đồng Bò, coi đó là tài sản văn hóa lịch sử của tỉnh Khánh Hòa. Về môi trường sinh thái, xã Phước Đồng có rừng, núi là lá phổi xanh của thành phố Nha Trang. Nơi điều hòa môi trường và không khí, tạo ra cảnh quan tươi đẹp cho thành phố Nha Trang.
2. TÌNH HÌNH DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI:
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa cùng với cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH. Vùng đất chiến khu cách mạng Đồng Bò trở thành vùng kinh tế mới tại chỗ của thành phố Nha Trang.
Đến cuối năm 1976, có 1.461 nhân khẩu chủ yếu là nhân dân các xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Phương Sài vào định canh, định cư; sau này nhân dân một số tỉnh ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi…cũng vào định cư, chủ yếu là tại Đồng Bò Trung và Đồng Bò Hạ và ngành nghề chủ yếu là đốn củi, làm than, phát rẫy. Sau những năm tháng khai hoang và xây dựng, cuộc sống mọi mặt ở vùng kinh tế mới dần đi vào ổn định.
Trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thành phố Nha Trang nói chung, vùng kinh tế mới Đồng Bò nói riêng. Ngày 27 tháng 3 năm 1978, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ký Quyết định số 54/BT về việc thành lập xã Phước Đồng trên cơ sở vùng kinh tế mới Đồng Bò trực thuộc thành phố Nha Trang - tỉnh Phú Khánh (tên gọi xã Phước Đồng với ý nghĩa vùng đất mang phước lành đến với nhân dân).
Dân số đến nay của xã khoảng 6.600 hộ với 29.000 nhân khẩu.
Thành phần dân tộc của xã chủ yếu là người Kinh chiếm trên 90% dân số, một số ít là người Tày, người Nùng, người Hoa, người Khơme. Tôn giáo có ba tôn giáo chính là Phật Giáo, Công Giáo và Tin Lành.
Miếu Cậu Sông Lô Phước Hạ
Số thôn trong xã: ngày 27 tháng 3 năm 1978 xã được thành lập với 4 thôn: Phước Hạ, Phước Trung, Phước Điền, Phước Thượng. Từ năm 2012 đến nay có 14 thôn: Phước Sơn, Phước Thượng, Phước Điền, Phước Tân, Phước Thủy, Phước Trung, Phước Lợi, Phước Lộc, Phước Hạ, Phú Cường, Phú Thọ, Phú Thịnh, Thành Phát, Thành Đạt.
Từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm của Thành ủy và UBND thành phố Nha Trang, trên địa bàn xã Phước Đồng đã có nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng như: Cảng cá Hòn Rớ, Khu du lịch và Giải trí Nha Trang, Khu dân cư Hòn Rớ II, tái tạo Chiến khu Đồng Bò, Khu du lịch tắm bùn Trăm Trứng, Khu tái định cư Phước Hạ, Khu biệt thự sinh thái Seapark, Khu trường học - đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, Nhà máy xử lý nước thải phía Nam thành phố Nha Trang..., Đại lộ Nguyễn Tất Thành (từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh), một số công ty, xí nghiệp cũng chọn Phước Đồng làm địa bàn đầu tư đã tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đây cũng là thời cơ thuận lợi cho địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Trước những thời cơ và thách thức mới, cán bộ và nhân dân xã Phước Đồng đã đoàn kết thống nhất vận dụng thời cơ vượt qua thách thức, khai thác các tiềm năng sẵn có nhằm phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ xã ngày càng được trẻ hóa và có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.Năm 2004, Chi bộ xã Phước Đồng được nâng lên thành Đảng bộ với 91 Đảng viên, 14 Chi bộ trực thuộc, cơ cấu hành chính của xã được chia thành 07 thôn: Phước Thượng, Phước Điền, Phước Trung I, Phước Trung II, Phước Hạ, Hòn Rớ I và Hòn Rớ II. Dân số khoảng 12.000 người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã tăng vượt bậc (từ một xã suốt 25 năm mất cân đối về ngân sách, mọi hoạt động phải dựa vào nguồn ngân sách của cấp trên nay đã tự cân đối được ngân sách và có kết dư).
Từ năm 2005 đến năm 2017, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Đồng lần thứ XV (nhiệm kỳ 2005 - 2010); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Với quyết tâm chính trị là “Tiếp tục lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đoàn kết nhất trí, phát huy cao độ mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của xã nhà để phát triển theo hướng công nghiệp hóa, thông qua đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - nông nghiệp”; “Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Đảng bộ và nhân dân xã Phước Đồng luôn luôn hoàn thành và vượt kế hoạch chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhà nước giao hàng năm. Đến ngày 01/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3711/QĐ-UBND về việc công nhận xã Phước Đồng đạt chuẩn nông thôn mới.
(Trích từ cuốn Lịch sử cách mạng xã Phước Đồng 1978-2010)
Danh Hùng
Từ khóa » Dân Số Xã Phước đồng Nha Trang
-
-
Xã Phước Đồng - Nha Trang - Trang Cá Nhân Của Trịnh Đình Linh
-
Xã Phước Đồng, Thành Phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa
-
Bản đồ Xã Phước Đồng, Thành Phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa
-
Bản đồ Quy Hoạch Xã Phước Đồng Nha Trang - N05 Hoàng Đạo Thúy
-
Xã Phước Đồng, TP Nha Trang - Quy Hoạch - Bản đồ - Tổng Quan
-
Phước Đồng - Wikiwand
-
Phước Đồng - Wiki Tiếng Việt 2022 - Du Học Trung Quốc
-
Bán đất Tại Xã Phước Đồng, Thành Phố Nha Trang
-
Bản đồ Quy Hoạch Xã Phước Đồng Nha Trang – N05 Hoàng Đạo Thúy
-
Bản đồ Quy Hoạch Xã Phước Đồng Nha Trang - Đất Xuyên Việt
-
Khu Tái định Cư Phước Hạ: Điều Chỉnh để Xây Chung Cư Xã Hội
-
Xã Phước Đồng Nha Trang - NhaTrangRich