Sự Phân Bố Thần Kinh Trong ống Tiêu Hoá - YHOCTRUCTUYEN.COM

PHÂN BỐ MẠCH MÁU, THẦN KINH Ở BỘ MÁY TIÊU HOÁ

►Sự phân bố thần kinh trong ống tiêu hoá

Hoạt động của ống tiêu hoá chịu sự điều hoà của hệ thống thần kinh tự chủ (gồm thần kinh phó giao cảm và thần kinh giao cảm) và hệ thần kinh ruột.

- Thần kinh phó giao cảm:

+ Nhân vận động dây X ở hành não cho các sợi theo dây X đi đến đoạn dưới thực quản, dạ dày, ruột non và manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang. + Đoạn cùng của tuỷ sống (C2-C4) cho các sợi theo dây thần kinh chậu đi đến đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng và ống hậu môn.

Các sợi thần kinh phó giao cảm tạo synap với các tế bào hạch của hệ thần kinh ruột. Các sợi tiền hạnh phó giao cảm bài tiết acetylcholin.

- Thần kinh giao cảm: Các sợi thần kinh giao cảm xuất phát từ đoạn tuỷ sống thắt lưng rồi tạo synap với các hạch trước cột sống như hạch cổ, hạch mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới. Các sợi sau hạch giao cảm có thể đến tạo synap với các nơron của hệ thần kinh ruột hoặc trực tiếp đến các mạch máu, các cơ thắt trơn và các hốc Lieberkuhn trong nhung mao ruột.

- Ống tiêu hoá cũng có các sợi cảm giác để tiếp nhận các kích thích cơ học, hoá học và nhiệt độ.

- Hệ thần kinh ruột gồm các nơron có thân tế bào nằm trong thành của ống tiêu hoá. Hệ thần kinh ruột được tổ chức thành hai loại đám rối thần kinh: Đám rối cơ (đám rối Auerbach) khư trú giữa lớp cơ dọc và lớp cơ vòng của thành ống, phân bố thần kinh cho các lớp cơ; đám rối dưới niêm mạc (đám rối Meissner) nằm giữa lớp cơ vòng và lớp dưới niêm mạc, phân bố thần kinh cho niêm mạc. Hệ thần kinh ruột cũng được gọi là “bộ não nhỏ” của ruột vì nó được tổ chức như một hệ thần kinh độc lập gồm các nơron cảm giác, nơron trung gian và nơron vận động với các con đường phản xạ và những chương trình vận động được thiết lập sẵn. Số lượng nơron của hệ thần kinh ruột vào khoảng 100 triệu, gần bằng số nơron của tuỷ sống.

Hoạt động của hệ thần kinh ruột có thể bị biến đổi (modified) bởi hệ thần kinh tự chủ, tuy nhiên một số lượng rất lớn nơron thần kinh ruột không nhận thông tin trực tiếp từ các sợi thần kinh giao cảm hoặc phó giao cảm vì hầu hết nơron thần kinh ruột là nơron trung gian có chức năng tích hợp, do đó các thông tin cảm giác có thể được xử lý trong hệ thần kinh ruột hoàn toàn độc lập với hệ thần kinh trung ương.

Hệ thần kinh ruột không chỉ kiểm soát sự co hoặc giãn các cơ, kiểm soát lưu lượng máu mà còn điều hoà hoạt động bài tiết của các tế bào biểu  mô ống tiêu hoá. Hệ thần kinh ruột cũng có những chương trình vận động được thiết lập sẵn cho các vận động nhu động, co bóp theo phân đoạn, nôn và đại tiện.

►Phân bố mạch máu

Từ khóa » Chức Năng đám Rối Meissner