Sự Ra đời Của Tổ Chức Cộng Sản Và Phong Trào đấu Tranh Giải Phóng ...

Sự ra đời của tổ chức cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở tỉnh Nam Định (1929-1945)

Đăng ngày 12-10-2020 100%

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Để phát triển, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã cử người về nước vận động, lựa chọn và đưa người sang Quảng Châu để đào tạo

 

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG THEO ĐƯỜNG LỐI CỘNG SẢN

Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Nam Định.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Để phát triển, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã cử người về nước vận động, lựa chọn và đưa người sang Quảng Châu để đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về chính trị, tổ chức. Giữa năm 1925, Lê Hồng Sơn, phái viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Quảng Châu về Nam Định gặp Đinh Chương Dương đặt vấn đề vận động thanh niên yêu nước ở Nam Định sang Quảng Châu học tập. Sự kiện này diễn ra tại ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự và một số cơ sở ở Cát Đằng, huyện Ý Yên.

Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển mạnh mẽ ở Nam Định, đến cuối năm 1927, đã có đến tám chi hội hoạt động. Tháng 9-1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã cử Nguyễn Danh Đới làm đại diện cho Kỳ bộ về Nam Định tổ chức họp mặt với ba cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định là Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào và Trần Trung Tín. Một Ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm ba người do Nguyễn Văn Hoan làm bí thư đã được thành lập. Đến cuối năm 1928, các chi hội đã lan rộng đều trên phạm vi toàn tỉnh, từ thành phố xuống nông thôn. Mùa hè năm 1928, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) đã lập ra tờ Dân cày để phục vụ công tác tuyên truyền quần chúng. Báo tồn tại đến ngày 1-5-1931 thì phải đình bản.

Từ khi có tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra quyết liệt, tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sợi Nam Định (ngày 23-11-1928), cuộc đình công của toàn bộ phu kéo xe Nam Định (ngày4-10-1929), đặc biệt là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sợi (tháng 3-1929) đã gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh cả nước.

Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định được thành lập, bao gồm Nguyễn Hới (Bí thư), Phạm Văn Ngọ và Lê Ngọc Rư. Trụ sở của Ban Tỉnh ủy được đặt tại ngôi nhà số 12, phố Năng Tĩnh và một số ngôi nhà khác ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xã. Ngay từ đợt đầu tiên, ở Nam Định đã có 250 hội viên được kết nạp vào Đảng, trong đó công - nông chiếm đa số (75%).

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định đã tỏ rõ sức chiến đấu và khả năng tổ chức của mình bằng việc phát động nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi ở các nhà máy. Chỉ trong vòng hơn một tháng đã nổ ra bốn cuộc bãi công của thợ Nhà máy đèn (ngày 19-6); thợ nề (ngày 4-7); thợ nhuộm, thợ guồng Nhà máy sợi (từ ngày 7 đến 18-7-1929) và nữ công nhân máy lờ từ ngày 20 đến 21-7-1929. Tất cả các cuộc bãi công đều thu được thắng lợi.

Nam Định trong cao trào cách mạng 1930-1931.

   Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngay sau đó Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định trở thành một Đảng bộ thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo nên chuyển biến lớn cho phong trào cách mạng Nam Định.

Đầu tiên là cuộc đấu tranh của nữ công nhân Nhà máy chiếu ngày 15-3-1930, sau đó 10 ngày là cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân Nhà máy sợi với mức độ quyết liệt và quy mô lớn chưa từng có. Cuộc đấu tranh của gần 4.000 công nhân Nhà máy sợi trong 21 ngày gian khổ chính thức mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931 của toàn tỉnh và cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo. Từ ngày 25-7 đến 25-9-1930, liên tiếp nổ ra sáu cuộc bãi công, biểu tình của công nhân xưởng dệt Nhà máy sợi và Nhà máy tơ. Các hoạt động khác như cuộc mít tinh ngày 22-10-1930, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vào tối 6-11 và ngày 7-11-1930 diến ra khắp nơi. Tháng 2-1931, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thôn bộ, sau đó cùng với tờ báo Tiền phong, Tỉnh ủy còn xuất bản thêm tờ Nông dân (sau đổi là Hưởng ứng) để tuyên truyền đường lối cách mạng cho đảng viên và quần chúng nông thôn.

Cao trào cách mạng 1930-1931 đã ghi lại một trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Nam Định.

Nam Định trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939.

Mùa hè năm 1936, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ nhất, quyết định tạm gác khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất của địa chủ phong kiến chia cho dân cày”, lập Mặt trận nhân dân phản đế (sau đổi là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp mọi lực lượng dân tộc đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Từ ngày 31-10-1935 đến ngày 6-10-1937 tại Nam Định đã nổ ra 33 cuộc đấu tranh - một kỷ lục về các cuộc đấu tranh từ trước tới giờ. Nổi bật là cuộc đấu tranh có quy mô lớn chưa từng thấy của 8.000 công nhân Nhà máy sợi kéo dài hơn một tháng từ 2-2-1937 đến 3-3-1937.

Tháng 5-1937, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập lại do Đặng Hữu Rạng làm bí thư, sau đó Trần Hoạt được cử làm bí thư. Lúc này ngoài các đại lý sách báo cánh tả của Đảng tuyên truyền các sách báo cách mạng và tiến bộ, nhiều sách báo từ Hà Nội chuyển về cũng được phân phát khắp nơi như: Vấn đề dân cày của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp), Nhật ký tuyệt thực chín ngày rưỡi của Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)... Tháng 3-1938, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít tinh với hơn 4.000 người tham gia, lấy danh nghĩa là đưa tiễn Công sứ Alơmăng, nhưng thực chất là cuộc biểu dương lực lượng đòi tự do lập nghiệp đoàn, tự do hội họp, đòi tăng lương... ngay tại sân ga Nam Định.

Phát huy khí thế trên, ngày 29-7-1938, Đảng bộ lại tổ chức công nhân biểu tình lấy cớ “đón thống sứ Saten (Châtel)” để đưa yêu sách đòi tự do dân chủ. Cũng năm 1938, Đảng bộ Nam Định còn vận động được đông đảo quần chúng về dự mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo (Hà Nội) để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động nhằm ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, phản đối bọn phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ và yêu cầu phòng thủ Đông Dương.

NAM ĐỊNH TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1939-1945)

Chống khủng bố, khôi phục phong trào.

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Không chỉ Pháp mà xứ Đông Dương thuộc Pháp cũng bị lôi kéo vào chiến tranh. Cùng với việc vơ vét, lùng bắt trai tráng thanh niên vào lính phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp thẳng tay triệt phá phong trào cách mạng, tiến công vào Đảng Cộng sản.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ sáu (11-1939) về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, Tỉnh ủy Nam Định đã quyết định ba nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố các cơ sở đảng, tiếp tục duy trì phát triển các tổ chức quần chúng; tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ nâng cao tinh thần quyết tâm chống đế quốc, giải phóng dân tộc; lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực.

Đầu năm 1940, Đảng bộ đã thành lập Đoàn thanh niên phản đế gồm 15 người chọn từ Đoàn Thanh niên dân chủ chuyển sang. Đảng bộ đã tổ chức các hoạt động phù hợp như treo cờ Đảng, phát tán truyền đơn ở những nơi quan trọng, kêu gọi đấu tranh chống tăng giờ làm, chống bắt phu, bắt lính, sung công tài sản,...

Cuối tháng 9-1940, quân Nhật tiến vào chiếm đóng Đông Dương, toàn dân tộc ta lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”. Trong bối cảnh đó, tiếng súng khởi nghĩa ở Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Nam Kỳ, Đô Lương đã thôi thúc mạnh mẽ tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Cờ Đảng lại tung bay trên cây gạo ở Trình Xuyên (Vụ Bản). Đội tự vệ ở Hà Cát được thành lập.

Đầu tháng 5-1941, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ tám họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị tiếp tục hoàn thiện việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược Đảng trong tình hình mới, quyết định tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xây dựng lực lượng cách mạng cả về chính trị và quân sự, cả ở miền núi, nông thôn và thành thị, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Cao trào kháng Nhật, cứu nước (tháng 3-1945 đến tháng 8-1945).

Ngày 9-3-1945, Nhật làm đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Cùng với chính sách quân sự phát xít, chính sách vơ vét cạn kiệt lương thực, thực phẩm của Nhật đã khiến cho 212.218 nguời dân Nam Định chết thê thảm trong nạn đói đầu năm 1945.

Mặc dù phát xít Nhật dùng mọi thủ đoạn để khống chế phong trào cách mạng, nhưng ở nhiều nơi quần chúng đã phẫn uất tiến hành phá tài sản của Nhật, tự vệ thành phố đốt kho xăng dầu ở bến đò Chè (Thành phố Nam Định), đốt kho đay ở làng Gạo (Vụ Bản)...

Sau Hội nghị Ban Cán sự tại Quần Liêu nghiên cứu Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phong trào cách mạng tại Nam Định lại được tăng cường lực lượng, cao trào cách mạng ngày càng dâng cao. Đặc biệt, đội tuyên truyền xung phong của Tỉnh hoạt động rất tích cực, có bắn súng, đốt pháo, diễn thuyết và phát truyền đơn liên tiếp, khắp nơi.

Khởi nghĩa giành chính quyền.

   Trong khoảng thời gian rất ngắn (từ ngày 9-3-1945 đến tháng 8-1945), Đảng bộ Nam Định đã gấp rút xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tạo điều kiện khách quan hết sức thuận lợi cho cách mạng Việt Nam bùng nổ.

Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng đã phát bản Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân vùng lên giành chính quyền.

Từ ngày 17-8 đến ngày 22-8, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và mặt trận Việt Minh, nhân dân ở các địa phương đã nhất tề nổi dậy đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Ngày 17-8, khởi nghĩa thành công ở huyện Trực Ninh.

Ngày 18-8, khởi nghĩa thành công ở huyện Nam Trực.

Chiều tối ngày 18-8, Đội Danh dự đã phát báo, dùng loa phóng thanh tuyên truyền khởi nghĩa ở Chợ Rồng, hàng ngàn người kéo tới dự tạo thành cuộc mít tinh lớn.

Trước khí thế mãnh liệt của quần chúng, ngày 19-8, chính quyền bù nhìn và phát xít Nhật đã phải trả thả hầu hết các chính trị phạm bị giam giữ.

Trong đêm 20 và sáng ngày 21-8, truyền đơn kêu gọi nhân dân mít tinh được rải khắp nơi. Chiều hôm đó, cả thành phố là một rừng cờ đỏ sao vàng. Đến 3 giờ chiều, cuộc mít tinh khai mạc. Gần ba vạn quần chúng hân hoan hưởng những giờ phút độc lập đầu tiên trong đời. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định được thành lập gồm bảy người do Đặng Châu Tuệ làm chủ tịch. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Nam Định do Nguyễn Văn Hoan làm chủ tịch ra mắt nhân dân. Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định diễn ra nhanh gọn. Chỉ trong vòng sáu ngày (từ 17-8 đến 22-8), toàn bộ chính quyền địch từ tỉnh đến huyện đã sụp đổ hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra cho toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân. Với cuộc cách mạng Tháng Tám, lịch sử Nam Định cùng cả nước bước sang một trang mới.

(violet.vn)

Từ khóa » Sự Ra đời 3 Tổ Chức Cộng Sản Năm 1929