Sự Thành Lập Chính Phủ Trần Trọng Kim, 1945

Thực dân Pháp đầu hàng Nhật Bản bằng hiệp ước bổ sung quy định thể thức chiếm đóng Đông Dương của quân đội Nhật. Từ đây xuất hiện mối quan hệ cộng trị - cộng tác Nhật - Pháp tại Việt Nam, nhân dân ta chịu cảnh "một cổ hai tròng" từ đó.

Ngày 9/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp độc chiếm Việt Nam, dựng lên Chính phủ Trần Trọng Kim phục vụ cho việc chiếm đóng của quân đội Nhật.

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ ngày 17 tháng 4 năm 1945 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945 kể cả thời gian xử lý thường vụ. Tổng cộng hơn bốn tháng.

Vài nét về tiểu sử Trần Trọng Kim

Trần Trọng Kim (1883-1953).

Trần Trọng Kim tự là Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vợ ông Bùi Thị Tuất là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ. Ông có một người con gái duy nhất là Trần Thị Diệu Chương, lấy chồng làm Chưởng lý Bộ Quốc ấn tại Sénégal. Cha ông là Trần Bá Huân (1838-1894), đã từng tham gia từ rất sớm phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Vào năm 1897, ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Định và học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và tốt nghiệp năm 1903.

Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, vì hiếu học nên ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Năm 1906, nhân có Hội chợ đấu xảo tại Marseille Pháp, ông xin làm một chân thợ khảm để được đi với Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) sang dự. Sau hội chợ, ông xin ở lại để học thêm tại các trường ở Ardeche, Lyon rồi tiếp tục học ở Trường thuộc địa.

Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911, rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921); Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931; Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử. Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng như Miến Điện, Philippines, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy hiệp ước Patơnốt ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Vua Bảo Đại liền giải tán Hội đồng cơ mật gồm Thượng thư sáu bộ, tuyên bố từ nay sẽ tự mình cầm quyền nhưng bên cạnh nhà vua là viên Đại sứ Nhật ở Đông Dương Yokoyama làm “Tối cao cố vấn”.

Ngày 30-3-1945, Trần Trọng Kim được Nhật Bản đón từ Băng Cốc (Thái Lan) về Sài Gòn. Khoảng 5 tháng 04 năm 1945, Trần Trọng Kim đến Huế. Sau khi được yết kiến Bảo Đại và gặp Trần Đình Nam, Trần Trọng Kim cũng tán thành giải pháp lập nội các do Ngô Đình Diệm đứng đầu nên một bức điện thứ 2 triệu tập Ngô Đình Diệm được Tối cao cố vấn Yokoyama nhận chuyển đi. Nhưng Ngô Đình Diệm không ra Huế. Bảo Đại triệu Trần Trọng Kim vào tiếp kiến lần thứ hai.

Nội các Trần Trọng Kim

Trần Trọng Kim và một số trí thức có tiếng tăm được giao thành lập nội các ở Huế vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là một dạng chính phủ nghị viện đầu tiên tại Việt Nam và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tham gia Nội các của ông đều là các nhà trí thức luật sư, bác sĩ, kỹ sư (một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư).

Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim, từ trái sang phải: Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi (ảnh chụp 20/5/1945).

Ngoài các thành viên Nội các, nhiều nhà trí thức có tiếng tăm cùng tham gia công việc của chính quyền: Phan Kế Toại (Khâm sai Bắc bộ), Bác sĩ Trần Văn Lai (Thị trưởng Hà Nội), Giáo sư Nguyễn Lân (Thị trưởng Huế), Phó bảng Đặng Văn Hướng (Tỉnh trưởng Nghệ An), Phó bảng Hà Văn Đại (Tỉnh trưởng Hà Tĩnh), Giáo sư Đặng Thai Mai (Tỉnh trưởng Thanh Hóa)… Các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Vũ Văn Cẩn, Ngụy Như Kontum, được mời ra thành lập Hội đồng Thanh niên. Tạ Quang Bửu được mời làm Cố vấn đặc vụ ủy viên Bộ Thanh niên và Kỹ sư Lê Duy Thước làm Chánh văn phòng Bộ.

Một chính phủ được thành lập trong bối cảnh lịch sử như chính phủ Trần Trọng Kim, thông thường dễ bị coi là thân Nhật, là tay sai Nhật. Và thực tế đã bị coi như vậy. Giáo sư Đinh Xuân Lâm có viết: "Nội các Trần Trọng Kim, với thành phần là những trí thức có tên tuổi, trong đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như: Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh… Họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo, chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc, nên được nhiều người ngưỡng mộ…".

Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm".

Sự tan rã và sụp đổ của Nội các Trần Trọng Kim

Nội các Trần Trọng Kim ra đời và hoạt động trong những điều kiện chủ quan và khách quan hết sức khó khăn, phức tạp. Về phía người Nhật, những kẻ đã dựng ra và hậu thuẫn cho sự tồn tại của Nội các, đang ngày càng thất vọng với vai trò bù nhìn và sự bất lực của nội các, nên ngày càng lộ rõ dã tâm "thay ngựa giữa dòng". Căn cứ vào những diễn biến, thái độ của người Nhật từ khoảng cuối tháng 5/1945 trở đi, có thể đoán chắc rằng nếu chiến tranh thế giới thứ hai không đột ngột kết thúc sớm như vậy thì dù Nội các Trần Trọng Kim không bị nhân dân Việt Nam lật đổ thì người Nhật cũng lật đổ để đưa Cường Để, Ngô Đình Diệm và các nhóm thân Nhật khác lên cầm quyền.

Về phía các lực lượng yêu nước và cách mạng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, thái độ rõ ràng và dứt khoát ngay từ đầu là bất hợp tác, lên án và kiên quyết đòi lật đổ chế độ quân chủ, trong đó trung tâm điểm là Nội các Trần Trọng Kim.

Trong bối cảnh đó, Nội các Trần Trọng Kim đã nhanh chóng tan rã và hoàn toàn sụp đổ.

Vai trò của Nội các Trần Trọng Kim

Dựa trên sự phân tích sâu sắc những hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim trong thời gian từ ngày 17/4 đến ngày 23/8/1945, có thể khẳng định rằng:

Trong thời gian ngắn ngủi, chính phủ này cũng đã làm được một việc quan trọng là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam kỳ vào đất nước Việt Nam; và thay chương trình học bằng tiếng Pháp bậc tiểu học và trung học sang chương trình học bằng tiếng Việt, do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn. Hành chính được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ ngoại trừ lĩnh vực y tế và các văn thư liên lạc với Pháp hoặc các công ty của người Trung Hoa.

Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng Hà Nội đã cho đổi tên phố từ tên người Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc.

Chính phủ Trần Trọng Kim không có quân đội để tránh phải tham gia chiến tranh thế giới thứ II với tư cách đồng minh của Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ thanh niên Phan Anh đã thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến, Thanh niên Xã hội để thực hiện công tác trị an, bảo vệ. Tuy nhiên khi Cách mạng tháng tám nổ ra, lực lượng Thanh niên Tiền tuyến đã rời bỏ hàng ngũ Đế quốc Việt Nam để quay sang ủng hộ Việt Minh. Trường Thanh niên tiền tuyến đã đào tạo ra nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này. Nhiều thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim đã tham gia trong Chính phủ Việt Nam DCCH và có đóng góp to lớn cho đất nước như: Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển...

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim lưu vong ra nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quàng Châu và Hồng Kong, ngày 6 tháng 2 năm 1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo. Người Pháp thu xếp cho ông trở về Sài Gòn để vận động thành lập chính phủ mới. Về đến Sài Gòn, ông nhận ra rằng những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên ông quyết định không làm gì. Năm 1948, ông qua Phnom Penh và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phòng GD, CC)

Từ khóa » định Nghĩa Về Câu Của Tác Giả Trần Trọng Kim