Sự Thật Chữa Bệnh Bằng Tê Tê - Tiền Phong

Cây cỏ chưa thấy đủ, lắm người dụng công nghiên cứu, kiếm tìm, nuôi hy vọng vào những bài thuốc cổ hay phương dược có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Sau những sừng tê, mật bò tót, máu huyết rắn lục đầu dồ đuôi đỏ, bột ngà voi…, nay người ta dồn tầm ngắm vào bột dược tê tê mà đông y gọi là xuyên sơn giáp.

Thị trường sôi động

Loài xuyên sơn giáp hay tê tê theo mô tả của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi có bề ngoài giống con thằn lằn nhưng thực ra là một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa. Với thân dài, chân ngắn và thấp, đầu nhỏ nhọn và đuôi rất dài, toàn thân con tê tê được phủ từ mũi đến đuôi lớp vảy hình vỏ trai, cái nọ xếp đè lên cái kia trông giống ngói lợp thành từng dải dài: "Má, ngực, bụng tê tê không có vảy, chỉ lớt phớt một ít lông cứng. Da bụng tê tê trắng mềm, lưỡi là bộ phận kỳ lạ nhất của tê tê, hình con giun dài bằng nửa chiều dài toàn thân con vật. Nhờ một thứ bột dính ở lưỡi, tê tê có thể loại những đất cát ra khỏi thức ăn của nó một cách tài tình. Nếu đem mùn cưa trộn với thức ăn rồi cho tê tê ăn thì ta thấy thức ăn biến mất chỉ còn lại mùn cưa".

Thị trường vận chuyển, mua bán trái phép loài tê tê hiện đang rất sôi động với số vụ vận chuyển, mua bán trái phép bị cơ quan chức năng các địa phương phát hiện, tịch thu xử lý ngày càng nhiều. Trên các trang rao vặt, những thông tin "cần mua tê tê", "bán tê tê", "bán con trút làm thuốc"… nhiều vô kể. Người ta mua tê tê hay bộ vảy của nó dưới nhiều hình thức, từ các trang rao vặt, tại phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, TP HCM với giá rao bán đến 15 triệu đồng/kg và mua tại cửa rừng. Mới đây, trong chuyến xuyên rừng đến xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), từ một nguồn tin, chúng tôi đến tiệm ăn Bến Lội nằm trên con đường độc đạo nối giữa Khánh Hòa với Lâm Đồng và được chủ quán chào hàng những bào thai tê tê ngâm rượu với sâm rừng. Rùng mình khi biết được để có được bào thai tê tê con, người ta phải mổ bụng con mẹ khi nó đang mang thai…

Theo ghi nhận của chúng tôi, loài xuyên sơn giáp hay tê tê được Sách đỏ Việt Nam liệt vào nhóm thú hoang dã quý hiếm, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, mua bán dưới mọi hình thức. Nhưng buồn làm sao, khi có nhu cầu, có tiền thì ai đó vẫn có được nó. Có những quý ông khoái sưu tầm thú quý hiếm ngâm rượu khẳng định khi đã là chỗ thân quen rồi, chỉ cần ngồi tại nhà nhấc điện thoại alô là được dân đầu nậu đặc sản rừng cung ứng tại gia. "Tay gấu, nguyên con hổ tươi roi rói, sừng tê giác, rắn hổ mang chúa nặng cả chục ký lô người ta còn chào bán tại nhà thì con tê tê nghĩa lý gì" - ông Q., ngoài 50 tuổi, lúc khoe cái tay gấu ngâm rượu, khẳng định.

Những lời đồn có cánh

"Tê tê bổ toàn tập. Máu nó giải độc, tăng cường sinh lực, vẩy làm thuốc trị đủ thứ bệnh. Thịt tê tê thì đại bổ dưỡng, ăn vào gân cơ rắn chắc, có lực… Mấy cái này không phải tôi nói mà là sách nói, được các lương y ghi chép hẳn hoi. Có tài liệu còn ghi máu và nhất là cái vảy của tê tê trị được ung thư nữa kia" - ông khách luống tuổi dáng phốp pháp nói với chúng tôi lúc ghé quán Bến Lội rinh một lúc 2 hũ rượu ngâm bào thai tê tê, trước khi lên xe.

Về sau, qua tiếp xúc với nhiều người khác tại khu đông dược ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), qua hỏi thăm, trò chuyện với những người bán lẫn người mua, chúng tôi ghi nhận nhiều thông tin về tác dụng chữa bệnh của tê tê. Kẻ bảo tiết (máu) tê tê có tác dụng tráng dương, bổ thận nên ai đó một khi đã dùng tê tê rồi, chắc chắn nội lực sẽ có sức mạnh công phá ghê hồn. Rồi những thông tin dùng vảy tê tê nấu cháo cho sản phụ thiếu sữa cho con bú, dùng chữa tà ma, chữa đau nhức xương khớp...

Hũ rượu ngâm bào thai tê tê được chào bán tại quán ăn Bến Lội.

"So với máu thì vẩy của tê tê kém xa. Máu mới là “linh hồn” của tê tê vì nó có tính năng giải được mọi thứ đan độc. Đông y quan niệm con người ta sinh bệnh vì do độc ứ trong cơ thể. Khi uống máu tê tê vào thì độc tiêu tán… Ngặt nỗi bây giờ kiếm con tê tê tươi sống khó quá nên tui kiếm cái vảy của nó trị bệnh. Sách thuốc xưa và cả sách của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cũng ghi vị thuốc tê tê hay xuyên sơn giáp chữa được ung thư nhưng với điều kiện chưa bị bung vỡ. Do đó nếu người nào bị ung thư chưa đến giai đoạn lở loét hay can thiệp phẫu thuật thì dùng vẩy của tê tê uống trong để triệt bệnh" - Trong cơn cuống cuồng tìm đủ mọi phương cách, thuốc men để chữa ung thư cho con trai, ông Vĩnh N., 62 tuổi, nhà ở quận Tân Phú có được bài thuốc chữa được chứng ung thư máu từ con tê tê. Chúng tôi gặp ông Vĩnh N. và nghe ông nói về tác dụng của tê tê lúc ông ghé trụ sở Đoàn bác sĩ Niềm Tin tại quận Tân Bình, để được bác sĩ trưởng đoàn Trương Thế Dũng, tư vấn và động viên tinh thần.

Ông Vĩnh N. nói rằng song song với việc tuân theo phác đồ chữa trị của Bệnh viện Huyết học TP HCM, vợ chồng ông cũng cho con uống bột vẩy tê tê. Ông kể một người bạn của ông cho biết một trong những công dụng của xuyên sơn giáp là "tán huyết thông lạc", giúp cho sạch máu, giúp huyết bầm huyết ứ huyết bất thường được trở lại như cũ và lưu thông. "Con tôi phát bệnh đến nay đã hơn 3 tháng, sức khỏe ngày càng suy kiệt. Nghe nói có người bị ung thư xương, có khối u trong người nhờ uống bột tê tê mà khỏi, biết đâu con tui… gặp may" - ông Vĩnh N. trò chuyện với bác sĩ Thế Dũng với những mong tìm được "đồng minh" về tác dụng của xuyên sơn giáp này!

Lương y Nguyễn Thái Bình (quận 12) cho biết, nhiều người còn dùng tê tê làm vị thuốc tráng dương bổ thận. Mốt ăn nhậu tê tê hầm thuốc bắc nhâm nhi với rượu pha tiết tê tê là gu của không ít quý ông khi ở tuổi xế chiều. Có người còn dùng tê tê để chữa bệnh tâm thần, trầm cảm này nọ… nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa thấy ai đưa ra dẫn chứng thuyết phục. Nghe đồn, nghe chỉ, vậy là người ta làm theo, riết rồi thành trào lưu… mà theo lương y Bình việc đó tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.

Hại mình… hại cả thú

Theo các tài liệu đông y, người dân một số vùng còn dùng xuyên sơn giáp chữa chứng tắc tia sữa (nướng xuyên sơn giáp tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, có thể uống cùng một ít rượu), chữa chứng tràng nhạc vỡ loét (đốt xuyên sơn giáp nghiền nhỏ đắp vào), chữa đau nhức các khớp xương (ngày dùng 6-12gr dưới dạng uống). Ngoài ra, xuyên sơn giáp được sử dụng làm thuốc thông sữa, chữa mụn nhọt khi được phối với một số vị thuốc khác như đương quy, bạch chỉ, hoàng kỳ, tạo giáp (gai bồ kết), phục linh…: "Theo tài liệu cổ, xuyên sơn giáp vị mặn, tính hơi hàn, có độc, vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng tán huyết thông lạc, tan ung nhọt, làm thuốc chữa đậu, trẩn, tắc tia sữa. Tuy nhiên, trong sách còn ghi ung thư đã vỡ rồi mà nguyên khí hư thì không dùng được" - trích “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.

Các lương y giải thích, tán huyết thông lạc hiểu theo đông y là giúp máu huyết lưu thông không bị ứ trệ chứ không phải trị bệnh ung thư máu như hiểu nhầm của ông Vĩnh N. Và chứng "ung thư" được nhắc đến trong tài liệu của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi không phải là căn bệnh nan y theo như góc nhìn của tây y, mà là chứng ung nhọt (mụn nhọt). "Vấn đề ở chỗ lâu nay, nhiều người do không có chuyên môn khi tiếp cận với các tài liệu y học cổ truyền thấy ghi cây thuốc này, con thú nọ chữa được ung thư cứ nghĩ đấy là bệnh nan y, nào biết đó chỉ là mụn nhọt. Sự nhầm lẫn này tai hại ở chỗ vì cứ nghĩ bị ung thư uống vào là hết nên thay vì điều trị tại bệnh viện chuyên khoa, nhiều người lại tự ý chữa trị cho mình, mua sừng tê giác, mua vảy tê tê về mài bột uống hay bỏ ngang phác đồ điều trị để hy vọng vào những vị thuốc mà mình ngộ nhận này. Điều đó khiến họ mất đi cơ hội vàng, nghĩa là nếu đến bệnh viện sớm, nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ rất thuận lợi, ít tốn kém, ít để lại di chứng và mau bình phục. Đằng này..." - lương y Bình trăn trở.

Do thiếu hiểu biết và ngộ nhận nên nhiều người vô tình đã góp phần hủy diệt loài thú hoang dã hiền lành này, biến chúng từ loài động vật sống hoang dã mà theo ghi nhận của Sách đỏ Việt Nam, từng một thuở đâu đâu cũng có nhưng nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo thông tin tuyên truyền của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Việt Nam có 2 loài tê tê gồm tê tê vàng và tê tê Java, cả hai cùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam (nguy cấp) và Sách đỏ thế giới (nhóm cực kỳ nguy cấp) vì thường bị tiêu thụ để làm thức ăn trong các nhà hàng hoặc ngâm rượu, vảy bị bán để làm thuốc…

Theo N.T.Dũng - N.H.Sơn

Theo Công an nhân dân

Từ khóa » Tác Dụng Chữa Bệnh Của Vẩy Con Tê Tê