Sự Thật Lặng Người Về Miếu Hai Cô ở Bãi Giữa Sông Hồng

Ngôi miếu hoang ở bãi giữa sông Hồng

Đi dọc con đường đất từ dưới chân cầu Long Biên đến xóm Phao (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), chúng tôi gặp một ngôi miếu nhỏ sát sông Hồng.

Trước mặt là hai ngôi mộ lớn. Bên trong miếu, ban thờ không có bài vị hay di ảnh, chỉ có duy nhất tấm bia màu đen khắc dòng chữ: “Miếu Hai Cô”, rải rác xung quanh có thêm vài ngôi mộ khác.

{keywords}
Miếu Hai Cô ở bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội).

Dân xóm Phao cho hay, tất cả đều là mộ vô danh của những nạn nhân chết đuối. Vì không xác định được danh tính nên chính quyền và người dân địa phương đã an táng họ ngay bên bãi đất này.

Ông Cao Văn Hùng (70 tuổi) - dân ngụ cư ở xóm Phao, cho hay, vài năm trước, miếu để hoang, nhóm người nghiện ngập tụ tập hút chích, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của xóm.

Mọi người trong xóm bàn bạc, cắt cử ông hàng ngày ra đây quét dọn, trông coi. Các đối tượng xấu vì vậy cũng kéo nhau bỏ đi.

{keywords}
Ông Hùng trông coi ngôi miếu nhiều năm nay. 

Ban đầu, cũng chỉ có thành viên CLB bơi sông Hồng và người dân xóm nổi thi thoảng ra hương khói nhưng lâu dần, dân từ các nơi khác cũng ùn ùn kéo nhau đến đây lễ, bái. 

Vì người ta truyền tai những câu chuyện đầy ly kỳ về ngôi miếu, rằng hai ‘cô’ rất linh, ai thành tâm, đến cầu xin phù hộ làm ăn, con cái… đều được ‘cô’ ban lộc.

Thế nhưng, khi tìm hiểu sự thật về nguồn gốc của ngôi miếu, chúng tôi bỗng lặng người bởi sự thật phía sau những lời đồn thổi về số phận đầy bi ai của hai cô gái trẻ.

Cái chết bí ẩn của hai cô gái trẻ

Ông Nguyễn Đăng Được (73 tuổi) - một trong những người đầu tiên đến bãi giữa sinh sống, cho biết, ông từng tham gia trong nhóm trục vớt thi thể hai cô gái và chôn cất họ.

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Được.

Theo lời ông, 15 năm trước, người dân phát hiện thi thể một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi trôi dạt vào chân cầu Long Biên.

Tình trạng cô hết sức thê lương, hai cánh tay bị trói chặt vào thanh tre to và dài. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người không khỏi xót xa.

Trong khi đó, bà Sinh - người bán nước dưới gầm cầu Long Biên, chia sẻ, hôm xảy ra sự việc, con trai bà (SN 1986) đang bơi ở khúc sông này.

Từ xa, anh nhìn thấy thanh tre to dập dềnh theo làn nước. Con trai bà Sinh lao ra kéo thanh tre về, ý định mang về gia cố cho căn nhà bè.

{keywords}
Bà Sinh - cư dân xóm Phao.

Chẳng ngờ, ra đến nơi mới nhận ra là thi thể người, anh liền hô hoán. Sau đó, cơ quan chức năng đến hiện trường, tiến hành trục vớt và khám nghiệm. Người dân an táng cô dưới gầm cầu.

Hơn 1 năm sau, hình ảnh cô gái xấu số hôm nào vẫn chưa nguôi, dân xóm Phao tiếp tục vớt một thi thể khác đang phân hủy, trôi dạt vào bãi giữa.

Lạ lùng thay, lần này cũng là cô gái trẻ cùng độ tuổi người trước, hai chân bị cột chặt vào nhau. Trên người mặc bộ quần áo ngủ in hoa, rách nát. Cô gái nhanh chóng được chôn cất trên bãi đất um tùm cỏ lau.

{keywords}
Nơi đặt các lọ hoa là mộ của hai thiếu nữ trẻ năm nào.

“Hai cái chết đầy oan khuất với những tình tiết giống nhau đến kỳ lạ. Nhiều năm trôi qua nhưng gốc tích và nguyên nhân cái chết của họ vẫn còn là một ẩn số. Điều đó luôn ám ảnh chúng tôi”, ông Nguyễn Đăng Được nói.

Thương cảm cho số phận bạc bẽo của hai cô gái, năm 2009, các thành viên CLB bơi sông Hồng và dân xóm Phao quyên góp tiền, chuyển hai ngôi mộ về nằm cạnh nhau trên gò đất khô ráo, đồng thời xây một ngôi miếu nhỏ thờ tự.

Đến năm 2017, một số nhà hảo tâm giúp đỡ, người dân sửa sang, xây dựng ngôi miếu khang trang, rộng rãi hơn.

Ông Cao Văn Hùng tiết lộ thêm, trong khuôn viên miếu Hai Cô còn có ngôi mộ của bé gái bị bố mẹ bỏ rơi.

Hôm đó, ông đến miếu quét dọn như thường lệ thì thấy có một đống đất như mới đắp, phía trên để một lá thư.

Mở lá thư ra đọc, ông mới biết có người vừa chôn bé gái sơ sinh xuống. Bố mẹ cháu bé trình bày hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chôn cất con tử tế, nhờ mọi người nhang khói. Trong thư có số điện thoại và một ít tiền.

Ông Hùng vội thông báo tin này cho bà con, mọi người cùng nhau chở gạch, cát, xi măng, xây mộ cho bé gái.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Lễ (Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết:

“Miếu Hai Cô tồn tại 15 năm nay. Đây thực chất là ngôi mộ của nạn nhân đuối nước được dân quy tập lại.

Những người dân thường xuyên đi bơi, câu cá… vẫn hay qua thắp hương, mang tính chất tâm linh, nghĩa tử là nghĩa tận, chăm sóc cho phần mộ người xấu số như việc làm phúc. Người này đồn người kia, dân kéo đến lễ bái đông, nhất là vào lễ, Tết”.

Kỳ bí hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang

Kỳ bí hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang

Tại triền núi A Mang (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), từ lâu đã tồn tại 500 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn.

Huy Tuấn - Thanh Tâm

Từ khóa » đền Thờ 2 Cô