Sự Thật Thú Vị Về Rùa Biển

Đặc điểm

Rùa biển là loài thuộc nhóm bò sát, có hình dáng gần giống với rùa trên cạn và các loài rùa nước ngọt hay ba ba. Khác với rùa sống trên mặt đất, rùa biển không thể thu đầu và chân vào trong mai được. Chúng có 4 chân (chi) hoạt động như mái chèo.Thức ăn chính của rùa biển bao gồm cỏ biển, sứa biển, cua, các loài thân mềm và hải miên (bọt biển).

Hầu hết rùa biển đều sống ở khu vực nhiệt đới quanh đường xích đạo, trừ loài rùa da có thể sống ở khu vực ôn đới với nhiệt độ nước biển thấp hơn. Chúng sống ở các thảm có biển, các rạn san hô và khu vực bờ biển. Rùa biển có thể ngủ trên mặt nước, ở vùng nước sâu hoặc giấu mình trong những tảng đá ở dưới đáy những vùng nước gần bờ. Nhiều thợ lặn đã từng nhìn thấy rùa biển ngủ trên những rạn đá ngầm và rạn san hô.

Rùa biển

Vòng đời

Trong môi trường tự nhiên ổn định, một chú rùa biển có thể có một vòng đời khá dài. Tuổi thọ của rùa biển có thể lên tới 80 năm.

Rùa biển di cư hàng trăm (đôi khi hàng nghìn) km từ nơi kiếm ăn sinh sống đến bãi đẻ và sau đó quay về. Rùa biển cái bơi qua những ngọn sóng để đẻ trứng trên bờ biển. Chúng chỉ rời khỏi mặt nước lên bờ trong thời kỳ đẻ trứng này. Rùa biển cái đào tổ bằng chi và đẻ khoảng 70-190 trứng. Trứng rùa cần 6-10 tuần để nở, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Giới tính của rùa con được quyết định bởi nhiệt độ của cát biển nơi chúng được sinh ra: dưới 30°C chủ yếu là rùa biển đực, ngược lại trên 30°C là rùa cái. Rùa con ngay khi sinh ra đã có thể định vị phương hướng và bơi về hướng biển, bắt đầu một chuyến hành trình dài.

Chúng chuyển ra sinh sống tại vùng biển sâu cho đến khi nó được 5-10 tuổi. Khi kích thước được khoảng 20 cm – bằng một chiếc đĩa, rùa non mới rời khỏi vùng biển sâu, quay lại vùng biển gần bờ và sống ở các rạn san hô hoặc ở những thảm cỏ biển. Do có rất nhiều mối đe dọa đối với rùa con nên chỉ khoảng 1 trong số 1,000-10,000 con sống sót đến lúc trưởng thành.

Khi rùa biển đến tuổi trưởng thành, chúng bắt đầu quá trình sinh sản. Cả rùa đực và cái di cư đến bãi biển gần với nơi chúng được sinh ra để sinh đẻ. Khả năng định hướng của rùa biển khi di cư, khả năng ghi nhớ vị trí nơi mình được sinh ra, lý do lựa chọn bãi đẻ của rùa mẹ,… vẫn còn tồn tại nhiều bí ẩn chưa được các nhà khoa học khám phá.

Rùa biển

Gồm các loài

Hiện nay, trên thế giới có tất cả 7 loài rùa biển. Tên gọi của 7 loài này đều có những câu chuyện rất thú vị:

  • Quản đồng hay còn gọi là Đú hoặc Đầu to (longgerhead) có tên gọi như vậy vì cái đầu đặc biệt to của nó.
  • Đồi mồi (hawksbill) có tên như vậy bởi chúng có đầu hẹp và mõm lớn giống như cái mỏ (hawk).
  • Rùa da (leatherback) là loài rùa biển duy nhất không có mai cứng. Nó được gọi là Rùa da vì mai của nó chỉ là lớp da mỏng, dai, có khả năng đàn hồi. Đây là loài rùa biển lớn nhất thế giới.
  • Đồi mồi dứa (olive ridley) có mai màu xanh ôliu (xanh vàng nhạt).
  • Vích hay còn gọi là Rùa xanh (green) thì lại khác, nó được gọi tên như vậy bởi lớp da mỡ dưới mai có màu xanh.
  • Rùa mai phẳng (flatback) được đặt tên như vậy vì chúng có cái mai phẳng.
  • Rùa Kemp's ridley được đặt theo tên của Richard Kemp, người đã phát hiện và nghiên cứu loài rùa này.

Rùa biển

Đồi mồi dứa.

Cả 7 loài này đều nằm trong danh mục những loài được bảo vệ theo Sách đỏ quốc tế, cũng như cấm săn bắt và buôn bán ở hầu hết các quốc gia.

Rùa biển

Rùa biển Quản Đồng.

Rùa biển được coi là ‘sứ giả của đại dương’, bởi mỗi loài rùa biển có một vai trò khác nhau trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Chẳng hạn như:

  • Vích (Rùa Xanh) giúp duy trì sự ổn định của hệ sinh thái cỏ biển bằng cách tạo ra các luống khi ăn cỏ, làm tăng trao đổi chất dinh dưỡng trong thảm cỏ, giúp loại bỏ rong tảo, giảm mật độ các loài động vật không xương sống trong thảm cỏ.
  • Đồi mồi có bộ hàm khỏe mạnh giúp cắn xé bọt biển (hải miên) trong các rạn san hô, giúp tạo không gian cho ấu trùng san hô định cư, duy trì sự ổn định cấu trúc rạn san hô.
  • Rùa da giúp duy trì lưới thức ăn của biển. Chúng có khẩu phần ăn ưa thích là sứa, chúng có thể tiêu hóa được các chất độc từ sứa, với kích thước và khối lượng lớn giúp chúng tiêu thụ rất nhiều sứa trong một ngày. Do đó, rùa da giúp kiểm soát số lượng sứa trong tự nhiên, giúp cho trứng cá và cá con (thức ăn chủ yếu của sứa) có cơ hội để phát triển. Số lượng rùa da giảm đi sẽ dẫn đến sự tăng lên của sứa, giảm số lượng cá trong tự nhiên.

Rùa biển

Rùa da.

Tại các vùng biển ở Việt Nam, có 5 (trong số 7 loài) rùa biển có thể được tìm thấy. Trong 5 loài này, có Vích, Đồi mồi, Rùa da và Đồi mồi dứa đã từng sinh sản tại vùng biển Việt Nam. Riêng Quản đồng chỉ kiếm ăn chứ không sinh sản tại vùng biển nước ta.

Rùa biển

Đồi mồi.

Quần thể rùa biển đang suy giảm

Hiện nay, các quần thể rùa biển trên thế giới và Việt Nam đều đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Cả 5 loài rùa được tìm thấy ở nước ta đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007.

Loài rùa da đã từng rất phổ biến tại vùng biển Việt Nam cách đây hơn 30 năm, số lượng đẻ trứng hàng năm khoảng 500 con. Nhưng những năm gần đây, chỉ còn khoảng 1- 2 con đẻ trứng mỗi năm tại khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), các khu vực khác hầu như không có.

Loài đồi mồi dứa phân bố nhiều ở các khu vực vịnh Bái Tử Long và các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên). Hiện nay chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long, bán đảo Sơn Trà và tỉnh Quảng Bình.

Loài vích là loài phổ biến nhất tại vùng biển Việt Nam. Vào những năm 70, ước tính mỗi năm có khoảng 100 con lên đẻ tại các đảo ở vịnh Bắc Bộ, 500 con tại ven bờ các đảo ở Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam đến Ninh Thuận), 230 con tại Côn Đảo và 100 con tại các đảo ở vịnh Thái Lan. Nhưng theo các khảo sát gần đây, số lượng vích đã và đang suy giảm tại tất cả các khu vực. Ngoại trừ khu vực Côn Đảo còn duy trì được số lượng vích lên đẻ tương đối ổn định, các khu vực khác chỉ còn lác đác vài con trong một năm.

Trên thực tế, rùa biển luôn phải đối mặt với nguy cơ suy giảm quần thể. Trong tự nhiên, rùa đẻ có thể bị mất trứng hoặc rùa non bị giết bởi các động vật ăn thịt. Chúng còn dễ bị tấn công bởi khác khối u bệnh.

Với tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ sống sót thấp cộng thêm thời gian phát triển dài nên ít rùa con sống sót được đến khi trưởng thành. Các quần thể rùa biển dọc vùng biển Việt Nam cũng đã chịu những tác động mạnh mẽ của con người trong nhiều thập kỷ. Rùa biển và trứng của chúng đã bị khai thác làm thức ăn, làm thuốc, bị buôn bán và sử dụng để chế tác mai rùa, mẫu nhồi và đồ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, rùa biển còn đối mặt với nguy cơ mất bãi đẻ từ các hoạt động ven biển (lấn biển, xây dựng,…). Chúng còn dễ dàng vườn vào lưới đánh cá của ngư dân hay vướng phải túi ni lông, rác thải, va phải tàu thuyền.

Rùa biển

Chú rùa biển tội nghiệp này rất được cộng đồng mạng quan tâm.

Hãy cùng nhau bảo vệ rùa biển

Mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần vào việc bảo vệ rùa biển:

  • Trước hết, hãy là người tiêu dùng có hiểu biết, không báo giờ mua hoặc bán thịt rùa và các đồ lưu niệm được làm từ rùa. Mọi hành vi khai thác, thu gom, mua, bán, vận chuyển rùa biển và cácsản phẩm từ rùa biển đều vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Giữ cho môi trường biển trong lành và vận động mọi người cùng làm như bạn. Cẩn thận thận khi đánh cá ngoài biển, thường xuyên kiểm tra lưới cá để cứu những chùa rùa mắc phải.
  • Tham gia các hoạt động bảo tồn rùa biển. Hiện nay hoạt động này được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức hàng năm, bạn hoàn toàn có thể đăng ký tham gia đấy!
  • Nếu bạn phát hiện thấy rùa biển bị bắt, rao bán hay làm thịt, cần báo ngay cho các cơ quan và tổ chức liên quan, như Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tại địa phương và IUCN để xử lý.

Rùa biển

Nguồn: vibienxanh.vn

Từ khóa » Các Loại Rùa Biển