Sự Thật Về Chè đậu đỏ Và Ngày Thất Tịch - Ngôi Sao

Lễ Thất tịch, còn có tên gọi khác là Tết Ngâu, phổ biến tại các quốc gia châu Á. Ở Hàn Quốc, ngày lễ này có tên gọi là Chilseok. Còn tại Nhật, lễ hội có tên là Tanabata nhưng theo dương lịch. Ngày này gắn với truyền thuyết vốn nhiều dị bản, về Ngưu Lang (một vị thần chăn trâu) và Chức Nữ (một tiên nữ giỏi dệt lụa). Chuyện tình yêu của họ gặp nhiều trắc trở. Theo truyền thuyết, mỗi năm, họ chỉ được gặp nhau một lần vào ngày 7/7 âm lịch trên cầu Ô Thước. Vào ngày tiễn biệt, Ngưu Lang và Chức Nữ nhớ nhung khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa và được gọi là mưa ngâu.

Vài năm gần đây, cứ đến ngày lễ Thất tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch hay ngày Ngưu Lang - Chức Nữ), dân tình lại đổ xô đi mua chè đậu đỏ, với niềm tin ăn vào sẽ "thoát ế". Các hàng chè cũng vào mùa làm ăn được khi số lượng order chè đậu đỏ tăng đột biến trong ngày này.

Theo một số thông tin trên mạng xã hội, chè đậu đỏ gắn với ngày Thất tịch - ngày lễ tình yêu của người Trung Quốc. Các cô gái ăn món ăn này đều sẽ gặp may mắn trong việc tìm kiếm tình duyên. Tuy nhiên, người Trung Quốc không hề có truyền thống này và ngày lễ tình nhân của người Hoa cũng chỉ thịnh hành vài năm gần đây.

Món chè đậu đỏ gây hiểu lầm về ngày Thất tịch.

Món chè đậu đỏ gây hiểu lầm về ngày Thất tịch.

Nguồn gốc lễ tình nhân Trung Quốc

Theo Baike, Ngày lễ này chỉ mới thịnh hành ở Trung Quốc cách đây hơn 20 năm, chứ không phải ngày lễ nghìn năm như nhiều người lầm tưởng. Từ năm 2001, ngày này mới trở thành lễ tình nhân của người Trung Quốc sau một chiến dịch tuyên truyền. Nguyên nhân là trước đó, vào thập niên 90, các trào lưu văn hóa phương Tây tràn vào Trung Quốc, giới trẻ ưa chuộng làn sóng này và dần quên các giá trị thuyền thống. Trước tình trạng này, ông Zhou Yaoting, người sáng lập tập đoàn Hồng Đậu (Hongdou) nảy ra sáng kiến khôi phục truyền thống và tạo nên một trào lưu mới.

Lễ hội mang tên Hồng Đậu Thất Tịch được tổ chức dành cho các đôi tình nhân. Biểu tượng của lễ hội này là hạt hồng đậu - hình tượng xuất hiện trong bài thơ "Hồng đậu sinh Nam quốc" của nhà thơ nổi tiếng Trung Hoa - Vương Duy.

Lễ hội này nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan quản lý văn hóa và cộng đồng vì kết hợp được yếu tố thời đại và truyền thống, làm phong phú thêm văn hóa Á Đông nhưng vẫn gần gũi với giới trẻ. Năm 2008, lễ tình nhân Hồng Đậu Thất Tịch trở thành một trong 122 lễ hội nổi bật và thuộc top 30 sự kiện được quan tâm nhất trong 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc. Từ đó, hàng năm, ngày 7/7 âm lịch chính thức trở thành ngày lễ tình nhân của người Trung Quốc trong các văn bản do 7 cơ quan trung ương nước này ban hành.

Tuy nhiên, có một sự thật khiến nhiều người "ngã ngửa" là hạt hồng đậu được nhắc tới không phải là hạt đậu đỏ ăn được, dùng để nấu chè, dù chúng đồng âm. Trên thực tế, hạt hồng đậu này còn được gọi là đậu tương tư, có độc tính, hoàn toàn không thể dùng để chế biến. Hạt hồng đậu có màu đỏ tươi, ngoài vỏ rắn chắc, hình dáng hơi giống trái tim. Chúng có thể bảo quản rất lâu nên người ta thường dùng để xâu thành chuỗi vòng, tặng người thương, tượng trưng cho tình yêu "bách niên giai lão".

Theo CGTN, trong văn hóa Trung Quốc, người đàn ông tặng hồng đậu cho người yêu có thể thay cho lời hứa thủy chung, son sắt. Còn người phụ nữ đeo vòng hồng đậu để cầu mong một đời hạnh phúc hay ngỏ ý với người trong mộng.

Do đồng âm với hạt đậu đỏ, khi "du nhập" ngày lễ này về Việt Nam, nhiều người đã bị nhầm lẫn, cho rằng ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch có thể cầu mong tìm được ý trung nhân và tạo nên trào lưu này.

Hạt hồng đậu mang ý nghĩa tình yêu, không thể ăn được do có độc tính.

Hạt hồng đậu mang ý nghĩa tình yêu, không thể ăn được do có độc tính.

Người Trung Quốc ăn gì vào ngày Thất tịch?

Ở Trung Quốc trước đây, 7/7 chỉ là ngày dành cho các bé gái chứ không phải lễ tình yêu. Các món ăn truyền thống vào ngày này cũng khá đặc biệt. Dưới đây là các món ăn trong ngày lễ bé gái, theo Travel China Guide:

Bánh xảo quả

Sự thật về chè đậu đỏ và ngày Thất tịch - 2

Bánh xảo quả (qiaoguo) mới là món ăn đặc trưng nhất cho ngày lễ Thất tịch ở Trung Quốc. Bánh gồm vừng, bột mì, đường và mật ong... nặn trong khuôn gỗ trước khi nướng. Bánh có vị giòn của vỏ, quyện với vị ngọt của nhân. Ở những vùng nông thôn Thượng Hải, một phong tục thời xa xưa được lưu truyền là phụ nữ mới kết hôn mang bánh xảo quả từ nhà mẹ đẻ sang nhà chồng, ở Thiệu Hưng cũng vậy. Món quà này còn được tặng cho những người già và trẻ nhỏ ở Ôn Châu.

Bánh jiangmi

Người Nam Kinh xưa kia có phong tục độc đáo trong ngày lễ tình nhân là ăn bánh jiangmi. Đây là món ăn vặt của người Hán gồm gạo nếp, bột đậu nành, mạch nha và siro. Chúng được trộn đều, cắt thành dài hoặc que, rắc thêm chút đường và chiên lên. Bánh có ý nghĩa cầu chúc cho một tình yêu ngọt ngào.

Thịt gà

Thời xưa, ngày lễ Thất tịch, nhà nào cũng ăn thịt gà trống. Người ta tin rằng nếu không có gà trống, trời sẽ không sáng và Ngưu Lang - Chức Nữ không phải xa nhau.

Kẹo xảo tô

Kẹo xảo tô (qiaosu) truyền thống thường được nặn thành hình thiếu nữ, tượng trưng cho nàng Chức Nữ nhưng ngày nay, nó được biến thể thành nhiều hình dáng như bông hoa. Những cô gái ăn kẹo qiaosu với hy vọng ngày càng khéo léo, đảm đang và tìm được hôn phu như ý.

Bánh chẻo

Sự thật về chè đậu đỏ và ngày Thất tịch - 3

Đây là món ăn quen thuộc trong ẩm thực Trung Hoa, đặc biệt vào ngày 7/7 âm lịch. Trong ngày lễ này, người ta sẽ đặt thêm các loại nhân đặc biệt như tiền xu, kim chỉ, quả táo đỏ, nhãn... Họ đều cẩn thận tách nhân trước khi ăn. Ai ăn trúng bánh có đồng xu sẽ gặp may mắn, người gắp trúng cây kim sẽ có tài khéo léo, những cô lấy được long nhãn sẽ có hôn nhân hạnh phúc, còn ai ăn được quả táo tàu sẽ lấy chồng sớm.

Ngũ tử

Lễ Thất tịch là ngày lễ quan trọng với những bé gái và phụ nữ trẻ ở Trung Quốc. Mâm cúng phải có đủ ngũ tử gồm long nhãn, hạt lạc, hạt dưa, hạt dẻ và quả táo tàu. Sau khi hạ lễ, người ta tin rằng ai ăn đủ 5 loại này thì lời cầu khấn sẽ thành hiện thực.

Hoa quả

Vào ngày lễ 7/7 âm lịch, trên bàn cúng không thể thiếu trái cây được tỉa thành hình chim uyên ương, bông hoa... Người ta tin rằng ăn những trái dưa đẹp mắt này sẽ mang lại cho bạn sự thông minh, khéo léo, giúp bạn cầu may mắn trong chuyện tình cảm.

Mì vân

Đây là món ăn cầu kỳ nhất trong lễ Thất tịch. Những giọt sương sớm được hứng lại để nấu cùng những sợi mì thủ công. Người dân Lâm Nghi ở Sơn Đông tin món mì vân có thể khiến các cô gái thông minh, thuần khiết như sương mai.

Mì giá đỗ

Các gia đình sẽ ngâm giá đỗ từ đúng 7 ngày trước lễ Thất tịch. Khi giá dài khoảng 2-3 cm, có thể dùng để nấu với mì, ăn kèm thịt lợn xào thái hạt lựu, hành lá, gừng, xì dầu.

Nguyên Chi

Từ khóa » đậu đỏ Là Ai