Sự Thật Về Huyền Thoại Tuý Quyền - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Trận ác đấu diễn ra vô cùng gay cấn. Chàng trai đại diện cho chính nghĩa bị đối phương tấn công bằng những chiêu thức công phu hủy diệt, sinh mạng như đèn dầu leo lét trước cuồng phong. Thế nhưng, trong cơn nguy khốn ấy, chàng trai trẻ may mắn được viện trợ khẩn cấp bằng một... "món quà" đặc biệt, ấy là rượu. Nốc ừng ực những vò rượu lớn ấy, bỗng chốc chàng trai rơi vao trạng thái say mèm, chân lảo đảo, mắt lờ đờ nhìn không rõ phương hướng. Thấy hành động kỳ cục ấy, đối thủ của chàng trai tỏ thái độ khinh khi, coi thường, hắn bổ tới để tung đòn quyết định. Thế nhưng, lạ kỳ thay, chàng trai tưởng như đứng không vững ấy lại tránh né tài tình, đồng thời tung ra những cú đòn còn chính xác hơn lúc tỉnh...
Mô tuýp trên thường thấy trên phim ảnh của Trung Quốc, xây dựng xung quanh bài võ túy quyền. Và, cũng chính bởi sự hấp dẫn của bài võ này... trên phim nên bấy lâu túy quyền đã trở thành "đặc sản" của võ học đại lục, được võ lâm trên khắp thế giới ngưỡng mộ. Làng võ Việt Nam cũng đã có sự xuất hiện của túy quyền, nhưng tập luyện đạt đến cảnh giới cao nhất thì cũng chỉ có một vài cao thủ.
Đi tìm "cha đẻ" võ say
Tìm hiểu về bài võ độc đáo này, người đầu tiên tôi nghĩ đến là võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng môn phái Hoa quyền. Đã có lần tôi thấy ông rất dẻo khi biểu diễn quyền thuật nên cứ nghĩ môn phái có gốc gác từ Trung Hoa của ông có lưu giữ những chiêu thức trác tuyệt của bài võ xuất thần này. Thế nhưng, cao thủ Hoa quyền này bảo, ở Việt Nam rất ít môn phái có túy quyền, đặc biệt hơn nữa, những cao thủ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bản thân môn phái của ông cũng vậy, tuy nổi danh cùng rất nhiều bài võ có chọn lọc, chỉnh biên từ võ Tàu nhưng túy quyền thì không. Võ sư Vũ Quang Tín giới thiệu cho tôi hai môn phái mà bấy lâu, túy quyền của họ đã được làng võ Việt Nam thừa nhận. Theo sự giới thiệu ấy, tôi tìm đến võ sư Băng Sơn, hiệu là Bắc Phong chân nhân, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia.
Võ sư Băng Sơn cho biết, hiện tại, ngay cả Trung Quốc vẫn chưa biết ai là người sáng tạo ra túy quyền. Theo truyền thuyết thì bài võ này bắt nguồn từ trận hỗn chiến của 8 vị tiên trong thần thoại Trung Hoa, bởi thế nó còn có tên là Túy bát tiên. Tương truyền, sau khi tu luyện đạt đến trình độ thượng thừa, bát tiên (gồm Chung Ly Quyền, Lam Thái Hòa, Tào Quốc Cữu, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô, Trương Quả Lão, Lý Thiết Quải) được Ngọc Hoàng Thượng đế giao cho nhiệm vụ diệt quái trừ yêu, bảo vệ cuộc sống của mọi người.
Một lần, vượt biển trừ yêu, bởi sóng to nên thuyền của bát tiên bị đánh đắm khiến cả tám vị chìm nghỉm ở giữa biển khơi. Kính trọng bát tiên, long cung mở tiệc ăn mừng nhân chuyến hội ngộ kỳ duyên đó. Rượu say bí tỉ, với bản tính thích giỡn đùa, quậy phá, bát tiên đã đánh lộn với binh tôm tướng cá, gây náo loạn long cung. Kịch chiến trong lúc say, nhưng với võ công siêu đẳng, bát tiên vẫn thi triển những chiêu thực võ thuật vô cùng đẹp mắt, dù người nào người nấy đều ngất ngưởng, chân nam đá chân chiêu, quàng góc nọ bổ góc kia.
Và, sau cùng không muốn chứng kiến màn siêu quậy của bát tiên, thêm nữa, dù huy động rất đông chiến tướng cho cuộc giao tranh kỳ lạ ấy nhưng không thể nào khuất phục 8 vị tiên say nên Long Vương đành phải để bát tiên đi. Thế nhưng, bởi đó là trận chiến long trời lở đất, nên hình ảnh tám vị tiên say đánh lộn đã in bóng lên trời. Thấy hình ảnh 8 vị tiên đi quyền đẹp mắt, mọi người ở hạ giới cứ ngó mà học theo. Túy quyền xuất hiện ngay từ dạo đó.
Theo võ sư Băng Sơn, đến bây giờ, tranh, tượng mô phỏng hình ảnh "bát tiên quá hải" vẫn còn được treo, thờ trong nhiều gia đình Trung Quốc. Trong những bức tranh hay tượng ấy, mỗi vị tiên thể hiện một thế đứng đặc biệt của mình, tượng trưng cho một thế võ của túy quyền.
Ngoài bát tiên, trong đời sống văn học, nghệ thuật của Trung Hoa cũng xuất hiên nhiều nhân vật mà cuộc đời đã thành một biểu tượng cho tinh thần trượng nghĩa, lấy chính trực, quân tử để chiến thắng bạo tàn, dối trá. Theo võ sư chưởng môn Võ lâm Phật gia thì họ đều có bí kíp... võ say và cách thức thi triển công phu độc đáo của họ đã thành tên của một số bài tuý quyền sau này.
Người đam mê văn học, võ thuật không thể không biết tới những trận say nghiêng ngả của hành giả Võ Tòng, một nhân vật giàu cá tính trong tiểu thuyết “Thủy hử” của Thi Nại Am. Những trận say quên trời quên đất của vị hành giả ấy đã là nguồn cảm hứng để võ lâm sáng tạo một loạt chiêu thức tuý quyền có tên là Võ Tòng tuý tửu, dựa trên những chiêu thức mà nhân vật này từng quá say mà đánh. Trong số ấy tiêu biểu có trận đả hổ tại đồi Cảnh Dương, say đả Tưởng Môn Thần, đại náo Phi Vân phố...
Cũng trong tiểu thuyết lừng danh ấy, một "ông tổ" của tuý quyền đã được Thi Nại Am, sau này là phim ảnh Trung Quốc mô tả vô cùng rõ nét, đó là nhà sư tính lỗ mãng nhưng rất đáng yêu Lỗ Trí Thâm. Thật hiếm khi thấy nhân vật này xuất hiện mà không có nậm rượu bên mình. Bởi luôn sống trong tình trạng... say xỉn nên hoà thượng này đã để lại nhiều trận đánh kinh hồn bạt vía. Trong số những trận đánh bởi ma men điều khiển ấy hẳn nhiều người không thể nào quên trận "tuý đả sơn môn", say giao đấu với cả trăm vị hoà thượng tại chùa trên Ngũ Đài Sơn.
Khi nhắc đến môn võ độc đáo này, theo võ sư Băng Sơn thì không thể không nhắc tới một "ông tổ" nữa đó là Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân. Với trận say nghiêng ngả này, lão Tôn đã một mình đại náo thiên đình bằng những động tác võ thuật vô cùng uy lực. Bởi trận chiến làm thiên binh thiên tướng thất điên bát đảo này, chúa tể của Hoa Quả sơn đã là nguồn cảm hứng để làng võ sáng tác ra những chiêu thức ảo diệu trong tuý hầu quyền.
Tuyệt kỹ của đệ tử... lưu linh?
Trên phim ảnh, thường thì những người thi triển tuý quyền đều ở trạng thái say bí tỉ, không phân biệt thế nào là thật giả, đúng sai. Mắt thì lờ đờ, điệu bộ thì liêu xiêu, ngật ngưỡng. Rượu càng nhiều thì võ càng thăng hoa, uy lực. Phải chăng, muốn sử dụng được tuý quyền thì người luyện võ phải luyện thêm cho mình khả năng... uống rượu?
Cụ thể hơn, tuý quyền là bài võ có quyền pháp bắt chước hình ảnh của người say chứ không phải thực say. Hình ảnh người say trên phim ảnh đó chỉ có tính chất nghệ thuật, hư cấu, hơn nữa những nhà làm phim muốn khắc họa một cách ẩn ý triết lý cốt lõi của bài võ độc đáo này. Triết lý đó là dù thân thể có say đến mấy thì tâm người luyện võ vẫn phải tỉnh táo. Càng uống nhiều rượu thì càng minh mẫn, đòn thế càng dẻo, ảo diệu, chính xác. Đó là mục đích sâu xa của các nhà làm phim, còn thực tế, theo võ sư Băng Sơn, rượu đã say mèm, đứng còn không vững thì đừng nói chuyện... đánh đấm.
Tuý quyền tiềm ẩn sức mạnh trong các thế đứng và vồ. Khi chiến đấu, người võ sĩ phải vận dụng, phối hợp nhuần nhuyễn nhãn pháp (mắt), thủ pháp (đòn tay), cước pháp (đòn chân) và thân pháp (di chuyển, thân người võ sĩ luôn ở trạng thái khật khưỡng, hoặc uốn từ Đông sang Tây, vươn ngẩng về phía trước, hay ngửa gập ra phía sau). Túy quyền kết hợp nhiều động tác tay nhưng ấn tượng và đặc trưng nhất vẫn là động tác nâng chén rượu mời. Còn thân pháp thì chú trọng đến thế ngã, lăn lộn, tung người. Trong tất các các thế này đều chứa đựng cả thế công và thủ. Cước pháp thì đặc trưng là những "cú đá người què" như đá móc, nằm đá...
Khi người tỉnh tập quyền... say
Cũng nhờ sự giới thiệu của võ sư Vũ Quang Tín, Trưởng tràng Hoa quyền mà tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng nét hoa mĩ, hài hước ở những chiêu thức túy quyền do chính tác giả của bài võ ấy, lão võ sư Trần Hưng Quang, Chưởng môn phái Bình Định Gia, biểu diễn. Lão võ sư Trần Hưng Quang, nhân vật nổi tiếng với vai ông Ốc trong vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, tuổi đã ngoại bát tuần nhưng còn minh mẫn lắm. Quê gốc ở đất võ Bình Định, sớm gia đình cùng các danh sư nổi tiếng truyền thụ võ công nên ra Hà Nội, ông đã làm rạng danh võ phái Bình Định Gia nổi tiếng của mình.
Hoà cùng các bài võ đã là truyền thống của Bình Định, mới đây, lão võ sư Trần Hưng Quang còn "trình làng" những chiêu thức võ công mới do ông tự sáng tác có tên chung là tuý quyền được dân làng võ vô cùng hâm mộ. Lão võ sư cho biết, các chiêu thức trong tuý quyền của môn phái ông không phỏng theo bất cứ môn phái nào và đó là kết quả của cả đời lăn lộn, nghiên cứu, nghiền ngẫm, đúc kết của riêng cá nhân ông. Bởi tuổi đã cao, chân tay đã yếu nên các động tác quăng quật, tung người, lăn lộn của lão võ sư không còn lanh lẹ nữa, nhưng khuôn mặt, điệu bộ say thì lão võ sư "diễn" đạt vô cùng. Có lẽ ấy là "thành tựu" của người đã từng vươn tới danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trên sân khấu tuồng đem lại.
Lão võ sư, Chưởng môn Bình Định Gia cho biết, tập tuý quyền đã vô cùng khó, đạt tới đỉnh giới cao nhất của tuý quyền lại càng khó hơn. Dù tuý quyền đã chính thức là "tài sản" của môn phái nhưng cho đến giờ chỉ có 2 môn đồ của võ sư có thể biểu diễn được tuý quyền ở trình độ cao, thể hiện hoàn hảo cái thần thái của một người say thực thụ. Trong hai môn đệ ấy, người từng biểu diễn tuý quyền và dành Huy chương vàng ở Hội diễn võ thuật cổ truyền Hà Nội, do sức khoẻ yếu đã từ giã con đường võ thuật. Thế nên, theo lão võ sư, tuý quyền của Bình Định Gia vẫn chưa tìm thấy một truyền nhân thực thụ.
Tuý quyền của Bình Định Gia có 50 thế đánh, nhưng để bắt đầu luyện tập thì người luyện võ phải có cơ bản là 3 năm tôi rèn võ thuật trước đó. Ban đầu, theo lão võ sư, bài đầu tiên mà người luyện phải tập là tập mắt bởi ánh mắt là "mồi nhử" đầu tiên khiến đối phương tưởng địch thủ của mình... say thật. Điều này thì đã hiển nhiên vì "cửa sổ tâm hồn" của người tỉnh khác hẳn với của người say. Cứ đứng trước gương mà luyện, luyện đến khi nào ánh mắt lờ đờ, nhìn như không nhìn, liếc như không liếc, xéo như không xéo mới đạt. Tiếp đến là tập nét mặt. Sắc mặt người say cũng có rất nhiều điểm khác so với người tỉnh táo. Lão võ sư bảo, chỉ nhìn sắc mặt là có thể đoán ngay kẻ đối diện mình say hay tỉnh, quắc cần câu hay chỉ mới lây phây. Kế đến là... âm thanh. (Chi tiết này có lẽ chỉ có tuý quyền của Bình Định Gia mới có). Đó là những tiếng ợ, nấc, thậm chí cả tiếng... cho chó ăn chè.
Bởi là bài võ dựa vào địa hình, địa vật để chiến đấu nên sau những bài tập về thần thái là những bài tập nhào lộn, quăng quật. Để thuần thục bài tập này, người luyện võ phải chấp nhận những vết bầm dập bởi những cú va chạm như trời giáng do... ngã. Bài tập này chỉ hoàn thành khi người luyện ngã chơi mà như ngã thật, nhào lộn, bật, bốc thân nhẹ nhàng tựa lá vàng bay. Sau những bài tập nền tảng trên thì chiêu thức tuý quyền mới được lão võ sư truyền dạy. Lão võ sư bảo, nếu có cơ bản võ thuật, học tuý quyền thì chỉ mất vài tháng, thế nhưng, để thành cao thủ có lẽ phải là người có cơ duyên. Bằng chứng là nhiều môn đệ của lão võ sư dù hấp thụ rất nhanh những bài võ khác nhưng tuý quyền tập mãi mà vẫn chẳng thành.
Phái Võ lâm Phật gia của võ sư Băng Sơn cũng chung "cảnh ngộ" như võ phái của lão võ sư Trần Hưng Quang. Dù võ say (Tuý quyền vân du) đã là bảo vật của môn phái, đã được nhiều người luyện võ ngưỡng mộ, nhưng đến giờ, những người học được tuý quyền vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuý quyền lợi hại như... phim?
Theo võ sư Băng Sơn, làng võ Việt Nam, ngoài môn phái của ông và Bình Định Gia thì võ say còn xuất hiện ở các môn phái như Thiếu lâm Châu gia ở thành phố Hồ Chí Minh với những bài như Tuý hầu quyền, Tuý hầu côn. Võ phái Hồng gia quyền ở Đà Nẵng với bài Bát tiên tuý tửu và dòng Phan gia võ học ở Quảng Nam với bài Tuý quyền, Tuý nhân kiếm...
Tuy thế, theo võ sư Băng Sơn, từ khi túy quyền xuất hiện, võ say chưa thực sự được "thử lửa" bởi làng võ chưa từng chứng kiến cuộc thư hùng nào của những cao thủ thi triển, vận dụng nhuần nhuyễn các đòn thế trong bài võ này. Sở dĩ có điều này là bởi võ say chỉ được sử dụng khi những cao thủ uyên thông bài võ này gặp những đối thủ dưới tầm, vừa đánh vừa... trêu. Còn khi đối đầu với những đối phương ngang tầm chẳng ai sử dụng võ say cả bởi có nhiều lối đánh khác giải quyết trận chiến nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Và, theo võ sư Băng Sơn, nếu có phải vận dụng đến bài võ ảo diệu này thì người ta cũng chỉ vận dụng chiêu thức, đòn thế để tấn công đối thủ trong chớp nhoáng. Các động tác dật dờ, liêu xiêu, bước thấp bước cao của người say cũng sẽ bị lược bỏ cho... đỡ mất thời giờ. Tuy thế, đã vài lần thử dùng võ say trong các cuộc đánh giao lưu với đồng đạo võ lâm, võ sư Băng Sơn thấy uy lực của võ say là vô cùng lợi hại, rất phù hợp cho những trận đánh ở tư thế gần.
Vui xuân, nhiều người quá chén. Thế nhưng, khi ấy đừng ai có dại mà biểu diễn "võ say" bởi "võ" ấy chỉ nhận cho mình phần họa!
Bát tiên của Trung Hoa là những nhân vật do dân gian sáng tạo nhưng có dựa theo những nhân vật phần nào có thật trong lịch sử, họ tu hành đắc đạo theo phong cách riêng tuỳ theo tính cách của mỗi người. Bát tuý tiên gồm: Chung Ly Quyền, Lam Thái Hoà, Tào Quốc Cửu, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô, Trương Quả Lão và Lý Thiết Quải. Chung Ly Quyền: Đứng đầu bát tiên, luyện được nước thánh và quạt phép có khả năng cải tử hoàn sinh. Sống từ thời nhà Thương sang đời nhà Chu, còn được gọi là Chân Dương Tử hoặc Hán Trung Ly; là bạn thân với Lão tử. Tương truyền, ông cao đến ba thước, có bộ râu xoắn và đôi mắt khoan hoà. Sau một cuộc bại trận, ông đắc đạo tiên. Kỹ thuật "Chung ly xoa bụng" chỉ về sự dùng sức nặng của thân mình và các động tác xoa, chà, vuốt... Lam Thái Hoà: Được xem là tổ của nghề làm vườn, trồng hoa; có hình tượng cậu trai tay xách giỏ hoa, mình mặc áo cánh xanh, chân đi một giày. Lam tiên trong trí tưởng tượng giống như một cậu bé con. Sinh vào cuối nhà Thương, tương truyền ông đắc đạo lên tiên sau một trận say long trời lở đất và được một con ngỗng trắng chở về thượng giới. Võ say có kỹ thuật "Lam Hoà thái hoa" gồm những đòn điểm vào vùng bụng. Tào Quốc Cửu: Sinh ở thế kỷ thứ X, anh họ của vua, còn gọi là Tào Nghi; có nghề gõ phách cầm nhịp được tụng xưng là tổ của các kịch sỹ, diễn viên. Vốn kết bạn với Chung Ly Quyền và Lữ Động Tân, ông được hai người này giúp tu thành đạo sau khi quyết chí từ bỏ phú quý sa hoa. Võ say có kỹ thuật "Tào tiên vọng nguyệt" thể hiện trong các thế khoá và phát công. Lữ Động Tân: Xuất thân Đạo gia nên ông trang bị Phất trần và Kiếm phép là kiếm biết bay và tuân theo lời ông sai khiến, tróc yêu diệt quái dễ dàng. Tương truyền, ông là đạo sỹ ẩn dật sống vào khoảng thế kỷ thứ VIII, người ta còn nói đến ông dưới nhiều tên khác như Trấn Dương sáng tổ, Lữ Nguyên hay Lữ Tử. Kết bạn với Chung Ly Quyền và được xem là tác giả của phép Bát Cẩm Khí Công lưu truyền với phái Bắc Cực ở núi Vũ Dương, nơi khai sinh nền võ học nội gia. Võ say gọi các kỹ thuật phát triển công dụng bàn tay là "Lữ tiên mật kiếm". Hàn Tương Tử: Viện sỹ thổi sáo. Ông cũng sống trong đời nhà Thương. Ông được coi là thần âm nhạc; lại có biệt tài khiến hoa nở cấp tốc. Trong văn học Trung Hoa, tính khí và phong cách của vị tiên này đôi khi được sử dụng không phân định với Lam Thái Hoà. Điều này rất thường thấy trong tạo và sử dụng điển cố trong văn chương Tàu khi các tác giả muốn mượn ý, lấy lời từ thế giới siêu phàm, hư cấu. Đặc trưng trong kỹ thuật võ say Hàn tiên là "Viện sỹ thổi sáo", chủ về sự dùng tay túm, chụp và bẻ trong khi thân người ngã lăn ra đất. Hà Tiên Cô: Bảo vật của vị nữ lưu duy nhất trong Bát tuý là quả đào tiên trường thọ. Sinh vào đời nhà Thương, người quận Linh Linh, tỉnh Hồ Nam. Tương truyền lúc sơ sinh là con trai, được đặt tên là Hứa Sinh; sau cải giống thành nữ. Nhờ nuôi mẹ ốm chí hiếu mà đắc đạo tiên. Bản thân Lữ tiên sau đó sống nhờ cách ăn bột ngọc, uống ánh trăng. Vị tiên này tay cầm hoa sen hoặc trái đào, biểu thị cho sự phong nhiêu, trù phú. Kỹ thuật võ say mượn tên "Hà cô mời rượu" để chỉ thế dùng hai ngón tóm giữ trong khi tay kia tấn công vào thân trên của đối thủ; và chân đứng thế bắt chéo. Trương Quả Lão: Chuyên nghề thuật sỹ; vật tiêu biểu là cái trống cơm với con lừa cưỡi ngược. Là người ở trong lĩnh vực huyền bí, cũng sống trong đời nhà Thương. Truyền thuyết ghi rằng ông sinh ra thời vua Nghiêu (khoảng 2325 trước Công nguyên). Trương lão cưỡi một con lừa trắng, ông thường ngồi xoay ngược ra sau và luôn giở sách đọc. Khi không cưỡi lừa, ông gói nó lại cho vào cái bị cói kè kè sau lưng. Kỹ thuật vặn bẻ cổ tay hay ngón tay, đồng thời đánh vào cẳng tay của đối thủ. Võ say mượn hình tượng ông mà có tên là "Trương lão cưỡi lừa". Lý Thiết Quải: Hay còn gọi là ông tiên què, ông tiên ăn mày. Bảo bối là cây nạng sắt và quả bầu tiên. Do bạo bệnh phải cắt một chân, Lý tiên còn được gọi là Lý Hồng Thuỷ, hoặc Lý phế nhân. Ông sống ở Sơn Hạ vào khoảng cuối đời nhà Tuỳ (518- 618). Thiên hạ tôn ông là Đông Hoa giáo chủ, thường vẽ hình ông cưỡi cua có hươu theo hầu. Truyện kể rằng ông đắc đạo tiên sau bảy ngày phiêu du giữa muôn sao, nhân tiện thử thách sự thuỷ chung của vợ. Vợ cho rằng ông đã chết, bà bèn đem hoả táng. Khi trở về không có xác, hồn Lý ông đành phải nhập vào bất cứ thân xác không hồn nào đầu tiên tìm thấy và thân xác đó là của người hành khất tàn tật mới qua đời. Võ say có kỹ thuật "Lý ông chống nạng" chỉ các đòn đá, tiêu biểu là "cú đá người què", không hoa mỹ mà rất công hiệu khi nhằm vào chân và hạ bộ đối phương. |
Từ khóa » Hình ảnh Võ Túy Quyền
-
138 động Tác Túy Quyền | Thế Giới Võ Thuật - Pinterest
-
'Túy Quyền' Nổi Tiếng Trở Lại ở Trung Quốc Nhờ... Thành Long
-
VÕ ĐƯỜNG TÚY QUYỀN - Home | Facebook
-
Tin Tức Giải Trí Online - Túy Quyền Việt Nam Trên Phim ảnh, Thường ...
-
Sự Thật Về Huyền Thoại Túy Quyền - Võ Thuật
-
Võ Thuật Túy Quyền - Túy Quyền Nổi Tiếng Nhờ
-
Võ Túy Quyền Trung Quốc Lao đao - Võ Thuật - Zing
-
Túy Quyền Huyền Thoại Tìm đường Hồi Sinh Trong Võ Thuật Trung Quốc
-
TÚY QUYỀN - NGUỒN GỐC ?!?
-
Túy Quyền - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Túy Tửu Quyền (Võ Say) By Dong A Sang - Ebook | Scribd
-
Túy Quyền – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bình Định Gia: Một Dòng Chảy đặc Sắc