Sự Thay đổi Trang Phục Cung đình Việt Nam Qua Các Thời Kì
Có thể bạn quan tâm
Ẩn đằng sau bức màn dày hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc là một nền văn minh trang phục rực rỡ. Đối với văn hóa cung đình, sự phân chia giai tầng xã hội được quy định nghiêm ngặt, chế độ áo mũ do đó cũng có luật lệ riêng, như Phan Huy Chú khẳng định: “Đạo trị nước không gì lớn bằng Lễ, Lễ là để làm rõ tôn ti […] Quy chế áo mũ, nghi vệ là để phân biệt trên dưới.” (Loại chí – Lễ nghi chí). Theo đó, trang phục cung đình Việt đã trải qua những vận động, biến đổi để mang một diện mạo vừa có nét tương đồng, vừa có điểm dị biệt so với trang phục của triều đình các nước láng giềng.
Vài nét về thời Ngô – Đinh – Tiền Lê
Vào nửa sau thế kỷ III trước công nguyên, Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt từ miền trên đã tràn xuống đánh chiếm nước Văn Lang, thống nhất hai lãnh thổ, dựng nên nước Âu Lạc, dời đô từ miền núi xuống đồng bằng. Thời kỳ này đồ sắt phát triển. Người Âu Lạc đã biết làm ra cày bừa và dùng sức kéo của trâu bò trong nông nghiệp. Về trang phục vẫn giữ tục cắt tóc, xăm mình, mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái (tả nhiệm) (tục này đã có từ khi còn chưa sáp nhập hai đất Âu Việt và Lạc Việt).
Truyền thuyết về Mỵ Châu – Trọng Thủy trong đó có tấm áo lông ngỗng chứng minh cho phong trào nuôi gia cầm, gia súc đã rất phổ biến và nói lên sự phát triển về trang phục của nhân dân thời đó. Đất nước Âu Lạc bị Triệu Đà xâm lược, cai trị, cộng với ba lần bị phong kiến phương Bắc thống trị hơn một ngàn năm (207 trước công nguyên – 939), nhân dân ta một mặt đấu tranh với kẻ thống trị, nhưng một mặt vẫn tích cực phát triển sản xuất. Nghề dệt đã có những bước tiến quan trọng. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã phổ biến và còn sản xuất được các loại vải bông thô, vải đay, vải gai, lụa, vải cát bá loại mịn… Đã biết dùng tơ tre, tơ chuối dệt thành vải. Vải dệt từ tơ chuối có tên gọi là vải Giao Chỉ. Khăn bông được thêu thùa rất đẹp gọi là bạch điệp.
Ngoài ra, còn làm nhiều đồ trang sức bằng vàng bạc (vòng tay, nhẫn, hoa tai, trâm), bằng ngọc (vòng, nhẫn), bằng hổ phách, bằng thủy tinh (chuỗi hạt). Thời thuộc Tề (479-502) đã từng phải cống cho triều đình phương Bắc loại mũ đâu mâu hoàn toàn bằng bạc. Khảo cổ học đã phát hiện được một số kiểu khóa thắt lưng, chứng tỏ tục mang thắt lưng khá phổ biến.
Đầu thế kỷ thứ ba, đất nước ta bị nhà Ngô xâm chiếm. Năm 248 đã nổi dậy cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu Ẩu (Triệu Thị Trinh). Bà Triệu mặc áo vải màu vàng, đi guốc, tóc cài trâm, cưỡi đầu voi, chỉ huy quân tướng đánh giặc rất quyết liệt. Nước ta trải qua hơn mười thế kỷ thuộc Bắc, sau chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt (938) Ngô Quyền đã xưng vương, lập thành một vương quốc độc lập, là một việc có ý nghĩa to lớn. Rất tiếc là triều đại nhà Ngô không tồn tại được lâu (Ngô Quyền mất năm 944) nên chưa làm được nhiều việc. Dù vậy Ngô Vương cũng đã đặt ra các chức quan văn võ, quy định các nghi lễ trong triều và đặc biệt đã quy định về màu sắc phẩm phục quan lại các cấp …
Qua những bức tượng Ngô Quyền thì ở một số nơi, thấy có những khác biệt về trang phục của những tượng này: trên áo tượng thì mang bổ tử (như tượng ở đình Hàng Kênh, Hải Phòng), tượng khác lại không. Tuy nhiên tất cả đều cùng là một loại long bào, có trang trí rồng, cổ tròn, tay thụng và đặc biệt đều cùng một loại mũ hai nấc, có hai cánh chuồn tròn, hơi chếch lên và hướng về phía trước (những chi tiết này gợi ý cho biết có thể tượng được tạc muộn hơn nhiều thế kỷ. Vì đến thời Hậu Lê mới thấy nhắc đến những qui định về bổ tử, về kiểu mũ. Hoặc ngược lại, phải chăng việc dùng bổ tử và việc thiết kế cánh chuồn đã có từ lâu nhưng đến thời Lê mới cải tiến thêm).
Đến triều đại nhà Đinh (968-980), về trang phục, sử sách đời sau chỉ nhắc đến một số ít hiện tượng như: (năm 974), quân lính “đều đội mũ chỏm bằng, bốn bên hình vuông. Mũ làm bằng da, bốn cạnh khứu lại, trên hẹp dưới rộng, gọi là mũ tứ phương bình đính”. Đã có áo giáp. Hoặc “Năm Thái Bình thứ sáu (975) Đinh Tiên Hoàng định phẩm phục của các quan văn võ”. Hoặc (năm 980) trong một bức thư của nhà Tống gửi cho triều đình ta có nói tới việc nhân dân ta thời đó đều cắt tóc ngắn. Hoặc có nhắc đến mũ của các đạo sĩ là màu vàng, áo của các nhà sư là màu thâm, các quan được dùng ấn vàng thì thắt lưng dải tím, được dùng ấn bạc thì thắt lưng dải xanh…
Sang thời Tiền Lê (981-1009), vua Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau áo mặc thường dùng vóc đỏ, mũ trang sức trân châu. Quân đội thường trực của triều đình (gọi là quân túc vệ hoặc thân quân) thích vào trán ba chữ ”Thiên tử quân”… Như vậy, về trang phục thời kỳ này, tư liệu và di vật rất hiếm. Kể cả tiếp sau, các tư liệu thành văn cũng chỉ chủ yếu nói đến trang phục triều đình (tên mũ, tên áo, màu sắc… nhưng lại không miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ).
Có thể nói, trong vài chục năm trị vì, các vua Ngô, Đinh, Lê dù sao cũng đã dành một sự quan tâm đến lĩnh vực trang phục, đặc biệt là trang phục triều đình mà nhìn chung ít nhiều có sự kế thừa hoặc sáng tạo về loại hình, kiểu cách, màu sắc. Ngoại trừ Lê Ngọa Triều (1006) cho đổi lại phẩm phục các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống. Trên thực tế trong những thời kỳ chế độ phong kiến ổn định thì trang phục cũng theo đó dần dần được qui thức hóa đối với từng thành phần xã hội (vua, quan, dân; hoặc trong cưới, tang, lễ, hội…). Căn cứ vào kiểu thức, màu sắc, họa tiết… ở từng giai đoạn, sự phân biệt mang tính giai cấp được hình thành rõ rệt.
Trang Phục triều Lý- Trần
Cùng với sự phát triển về kinh tế- xã hội, triều đại Lý – Trần còn phát triển nỗi bật về văn hóa. Đây còn được gọi là giai đoạn hưng thịnh của văn hóa Đại Việt. Như có người đã nhận xét: Nước Nam ở hai triều Lý – Trần nỗi tiếng là văn minh. Từ thời lý, trang phục của ngừi Việt nói chung và của vua chúa nói riêng đã có nét khác biệt, mang đậm bản sắc dân tộc, văn hóa riêng, không pha tạp, không trộn lẫn. Phải nói đây là triều đại phát triển nhất về mọi mặt. Thời đại này, thông qua trang phục, được coi như là giai đoạn phục hưng nền văn hóa Việt cổ bản địa.
Phục dựng trang phục Cổn Miện thời Lý – Trần
Về chất liệu, nhà Lý chủ trương dùng gấm vóc Đại Việt, đây là chủ trương dùng gấm vóc trong nước thay vì gấm vóc của nhà Tống như trước đó. Điều này khẳng định sự tự lực tự cường của dân tộc lúc bấy giờ.
Năm 1059, Vua Lý Thánh Tông định triều phục cho các quan. Vào chầu vua, các quan phải đi tất, đi hia và đội mũ phác đầu. Mũ phác đầu có 4 góc, 4 tai, phía sau có 2 tai ngang (tức mũ cánh chuồn), mặc áo bào tía, cầm hốt ngà, thắt đai da. Lệ đội mũ phác đầu, đi hia bắt đầu có từ thời này.
Rồng thời Lý không nhầm lẫn với các thời khác, với hình tượng rồng được cách điệu, tối giản hết mức với các đường nét uốn lượn mềm mại, mà không phô trương và dữ dằn như của các triều đại khác. bên cạnh những họa tiết long, ly, quy, phượng, sen, cúc, trúc, mai là hình tượng “thanh cao” chốn cung đình, còn có những hình rồng mập, khỏe và còn biết bao hình ảnh con nai, con cá, rong, rêu, cây cỏ, mây nước rất gần gũi với nhân dân.
Chế độ trang phục của nhà Trần về cơ bản kế thừa chế độ của nhà Lý. Tuy nhiên, tính đến trước thời điểm năm 1396, nhà Trần có hai đợt cải cách trang phục Thường triều cho bá quan, lần thứ nhất diễn ra vào năm 1254, lần thứ hai sau đó 46 năm. Từ năm 1301, kiểu dáng áo mũ Thường triều của bá quan đều được chế mới. Lúc này, mũ Phốc Đầu của thời Lý bị phế bỏ, thay vào đó là mũ Đinh Tự. Riêng Tụng quan được quy định đội mũ Toàn Hoa màu xanh. Vương hầu hoặc đội mũ Triều Thiên, hoặc đội mũ Bao Cân tùy xem họ để tóc dài hay cắt ngắn. Ngoài ra, trong chế độ quan phục Lý Trần còn có sự xuất hiện của quy chế Ngư đại, thứ trang sức có hình con cá, mắc vào đai để tỏ sự sang trọng, vinh hiển, phỏng theo chế độ quan phục nhà Tống, mà xa hơn là nhà Đường.
Trang phục vua chúa thời Lý – Trần được phân theo tính chất công việc và mứa độ quan trọng của công việc như: trang phục thượng triều- thường triều; trang phục nghi lễ- thường phục ngoài ra còn được phân theo mùa. Mùa đông, mùa hè sẽ có quy định trang phục riêng.
Thời Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn
Tương truyền thời tiền khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Lợi là một hào trưởng nhưng vẫn thường mặc áo nâu ngắn đi cày, đi bừa, lao động, sinh hoạt như những người nông dân trong vùng. Khi lên ngôi vua, Lê Thái Tổ vẫn lấy tên nước là Đại Việt. Kinh đô Thăng Long đổi tên là Đông Đô rồi Đông Kinh. Nhà Lê đưa Nho giáo thành hệ tư tưởng chính thống để củng cố chế độ phong kiến theo mẫu “khuôn vàng thước ngọc”.
Nhà Lê tồn tại được 99 năm (1428-1527) thì bị lật đổ, thay thế bằng nhà Mạc với 65 năm trị vì, rồi lại phải trả lại ngai vàng cho các vua Lê – Nhà Lê Trung Hưng (1533-1788). Tình trạng vua Lê, chúa Trịnh phía Bắc, chúa Nguyễn ở phía Nam kéo dài cho đến khi Tây Sơn khởi nghĩa giành thắng lợi, lập kinh đô ở Phú Xuân (Huế). Suốt thời gian này, nếp sống trong xã hội và mối quan hệ giữa người với người được qui định bằng các thứ luật lệ chặt chẽ, trong đó, trang phục được đề ra khá tỉ mỉ.
Đời Lê Thái Tông, từ 1434, những khi đại lễ như lễ tế trời, tế tôn miếu, lễ lên ngôi, lễ thánh tiết, tết Nguyên đán…, vua mặc áo long cổn, đầu đội mũ miện. Còn lễ thường triều, những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, thì mặc hoàng bào, đội mũ xung thiên. Sau này đại lễ vua cũng chỉ mặc hoàng bào, đội mũ xung thiên, mang đai ngọc. Khi thường triều, đội mũ tam sơn, mặc áo màu xanh huyền. Ngày giỗ kỵ, ở nhà Thái Miếu chỉ đội mũ bình đính, mặc áo thanh cát.
Phục dựng mũ Xung Thiên và Hoàng bào thời Lê sơ (Tranh: TQĐ).
Quan lại An Nam mặc Thường phục (năm 1751) qua 3 dị bản của Hoàng Thanh chức cống đồ. 1. Bản dẫn theo Yên Hành lục (Hàn Quốc). 2. Bản dẫn theo Hoàng Thanh chức cống đồ, ký hiệu 二 16. 22421 thư viện trường đại học Waseda (Nhật Bản). 3. Bản dẫn theo Tạp chí Tử Cấm Thành kỳ 131 tháng 4.2005 (Trung Quốc).
Sau những động loạn cuối thời Lê sơ, bước vào thời Lê Trung Hưng, vua Lê dần dần chỉ còn hư vị, cán cân quyền lực ngả sang chúa Trịnh, khiến một phần quy chế áo mũ dành cho thiên tử nhà Lê bị lược bỏ. Trước đây, bá quan có Triều phục, Thường phục mặc vào chầu vua, thì nay còn có thêm bộ trang phục để mặc riêng vào vương phủ hầu chúa. Với những biến cố cung đình liên tiếp diễn ra trong giai đoạn này, cùng sự cồng kềnh của bộ máy quan liêu kể từ nửa cuối giai đoạn Lê Trung Hưng, quy chế trang phục của bá quan cũng hết sức hỗn loạn. Trang phục cung đình nhà Lê lúc này tiếp tục thu nhận các kiểu dáng hoa văn, trang trí của Trung Quốc giai đoạn cuối Minh đầu Thanh. Cũng kể từ đây, trang phục bá quan vào hầu chúa tiếp tục được phân làm hai bộ: một bộ mặc khi chúa coi chính sự ở phủ và một bộ mặc khi chúa tiếp khách ở các.
Trong các đại lễ, chúa Trịnh mặc áo bào tía, đội mũ xung thiên, mang đai ngọc. Khi lễ thường (như lễ thị chính, triều hội và yết kiến ) đều đội mũ tam sơn, mặc áo màu tía. Khi yết lầu kính thiên hoặc lễ sinh nhật ở Thái miếu thì đội mũ bình đính, mặc áo thanh cát màu hỏa minh. Lễ kỵ nhật các vị đời gần thì dùng mũ bình đính, mặc áo vải thâm. Trang phục của chúa Trịnh không khác biệt gì trang phục của vua Lê mà chỉ khác về màu sắc (vua dùng màu vàng, chúa dùng màu tía). Trang phục con cháu vua chúa: con sẽ nối ngôi vua (Hoàng Thái Tử) mặc áo xanh, đội mũ dương đường. Con sẽ nối ngôi chúa (Vương Thế Tử) mặc áo đỏ, đội mũ dương đường cánh chuồn dát vàng, bổ tử hình kỳ lân thêu kim tuyến, mang đai đính đá quí bịt vàng. Khi chầu ở phủ chúa mới mặc áo thanh cát có dây thao kép (giáp thao) xâu hạt ngọc, dát vàng, đội mũ ô sa, có chỉ thâm đột nổi.
Trang phục của chúa Trịnh Sâm với chiếc mũ Tam Sơn, được phục dựng từ bức tượng đặt tại chùa Kim Liên, Hà Nội
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1744, chúa tự ý xưng vương, quyết thay đổi nghi lễ, trang phục từ cung đình cho đến dân gian Đàng Trong đều nhất loạt theo phong khí mới. Từ việc kế thừa một phần trang phục của nhà Lê, tham khảo hình dạng áo mũ trong Tam tài đồ hội của nhà Minh, đặc biệt phổ biến kiểu áo cổ đứng cài khuy, vua chúa triều Nguyễn quả nhiên đã tạo nên “một cõi y quan văn hiến” khác hẳn với các triều đại trước đây.
Trang phục của Tây Sơn vào thời kỳ này cũng chỉ có một ít tư liệu. Năm 1775 Việp quận công ban khôi giáp cho Nguyễn Nhạc, mũ và áo chiến cho Nguyễn Huệ. Ngày 22 tháng 12 năm 1788, trong buổi lên đàn làm tế lễ cáo trời đất lên ngôi hoàng đế Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ mặc áo long cổn, đội mũ miện do chính mình vẽ kiểu. Hôm ấy Quang Trung ban chiếu đề xuất năm điểm quan trọng, trong đó có một điểm nói về trang phục “Y phục của nhân dân Nam Hà, Bắc Hà, vẫn theo như cũ. Duy mũ áo các quan triều thần sẽ thay đổi”. Nêu vấn đề trang phục của nhân dân trong chiếu lên ngôi, tôn trọng phong tục tập quán về trang phục của nhân dân là một biểu hiện cho ý thức dân tộc của vua Quang Trung trong lĩnh vực văn hóa này.
Trang phục cung đình triều Nguyễn
Triều Nguyễn (1802 – 1945), vương triều cuối cùng của giai cấp phong kiến nước ta, càng về sau càng tỏ ra bất lực với bộ máy thống trị hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ huy của dân Pháp.
Khi đặt định chế độ áo mũ phẩm phục, ngoài việc kế thừa một phần quy chế thời Lê Trung Hưng và thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, triều đình nhà Nguyễn vẫn tiếp tục tham khảo chế độ trang phục của các triều đại Trung Hoa là nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh, trong đó, trang phục Tống – Minh là nguồn tham khảo chính thống. Đặc biệt dưới triều vua Bảo Đại, lần đầu tiên vua cho phép bá quan không cần mặc các bộ Triều phục, Thường phục khi vào chầu, chỉ cần mặc bộ lễ phục giản tiện là áo the, khăn xếp.
Trang phục của vua thời bấy giờ là chất liệu cao cấp như lụa, gấm được đặt mua từ Trung Quốc, về sau thì được đặt mua tại các hộ dệt vải lụa truyền thống tại Hà Đông. Thường thì trang phục của vua được phân thành các loại: trang phục thượng triều – thường triều; trang phục nghi lễ – thường phục; trang phục theo các mùa kèm theo đó là các tên gọi khác nhau. Hầu như toàn bộ áo mũ vua đều được thêu rồng, áo mũ hoàng hậu được thêu hoa và phượng hoàng được thêu dệt uốn lượn và công phu. Ngoài ra áo vua còn đươc thêu chữ Hán thường là các chữ: Phúc, Lộc, Thọ được nạm ngọc, đính đá, kim sa kim tuyến, áo hoàng hậu và thái hậu cũng vậy tuy nhiên chữ in chìm và chỉ đính kim sa, kim tuyến.
Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương trong ngày hôn lễ. Nhà vua mặc long bào (hoàng bào), đầu đội mão xung thiên, tay cầm trấn khuê. Hoàng hậu mặc phượng bào (nữ bào) và xiêm, đầu đội mão thất phụng, chân đi hài phượng.
Nhằm tôn lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái và uy nghiêm cho tầng lớp vua chúa triều Nguyễn, tất cả phụ kiện đều được đính những họa tiết bằng các chất liệu quý hiếm như vàng, ngọc, đá quý, kim cương. Điển hình chiếc mũ mà vua đội lúc thượng triều để bàn việc lớn được gắn 31 hình rồng bằng chất liệu vàng, 30 đóa hoa vuông tọa trên khảm ngọc và 140 hạt kim cương, trân châu nhằm tạo điểm nhấn, tăng nét nỗi bật, sang trọng cho phụ kiện. Các phụ kiện đi kèm trang phục của hoàng hậu thường được đính những chất liệu quý như vàng, bạc và các loại đá quý khác.
Những chiếc mũ Cửu Long Thông Thiên, Cửu Long Đường Cân của hoàng đế, mũ Phốc Đầu, Hổ Đầu, Xuân Thu của bá quan với không ít trang sức vàng bạc như Bác sơn, khóa giản, giao long cùng những tấm Long bào, Mãng bào thêu dày đặc hoa văn rồng mây, sóng nước mang lại cảm giác “ngợp mắt” chính là đặc trưng của trang phục cung đình triều Nguyễn.
Mũ Cửu Long Thông Thiên của các vua nhà Nguyễn. (Phục chế. Bảo tàng Lịch sử). Bác sơn: trang sức hình bán nguyệt chạy vòng trên trán mũ. Hốt bọc pha lê lấp lánh: trang sức đính chéo 2 bên Bác Sơn. Nhiễu Tường: trang sức đính giữa trán mũ. Hoành long: hốc cắm cánh chuồn hình đầu rồng nằm ngang ở gáy mũ. Hốt Thông Thiên: hai cánh chuồn vươn ra từ Hoành Long, lẽ ra hơi cong gập.
Đặt trong nhãn quan phong kiến đương thời, triều đình nhà Nguyễn bất luận thế nào cũng đã sở hữu một nền văn hiến áo mão có bề dày truyền thống và những cách tân đặc sắc, tự tin sánh ngang với các quốc gia Nho giáo như Trung Quốc, Triều Tiên, khiến Khâm sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang phải công nhận: “Gần gũi Trung Hạ, tôn sùng Nho giáo, yêu chuộng thi thư, cũng được coi là đất thanh danh văn vật, ắt phải nói đến hai nước Triều Tiên và Việt Nam.”
Nếu như trang phục dân gian Việt Nam đơn giản, ổn định thì trang phục cung đình lại phức tạp, chịu nhiều biến động và thường xuyên được sửa đổi, du nhập do những biến động trong xã hội. Bên cạnh đó, các cuộc nội chiến, chiến tranh xảy ra khiến nhiều tư liệu, hiện vật không được nguyên vẹn khiến việc tái thiết triều nghi, phẩm phục trở nên cấp thiết.
Lê Duyên (t/h)
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Trang Phục Vua Chúa Việt Nam
-
Trang Phục Vua Chúa Việt Nam Qua Các Thời Kỳ - Huế Smile Travel
-
Trang Phục Cung đình Triều Nguyễn - .vn
-
Trang Phục Của Vua Chúa Việt Nam Qua Các Triều đại
-
Vì Sao Chỉ Vua Chúa Mới được Mặc Trang Phục Cung đình Sắc Vàng?
-
Trang Phục Vua Chúa Thời Triều đình Nguyễn - Phương Linh Silk
-
Những Trang Phục Việt Nam Qua Các Thời Kỳ đẹp Và Lạ - GENCE
-
Trang Phục Cung đình Triều Nguyễn – Tuyệt Tác Thẩm Mỹ Của Người Xưa
-
Trang Phục Vua Chúa Việt Nam Của Thời Xưa - Ỷ Vân Hiên
-
ANH HÙNG ĐẠI VIỆT - Trang Phục Vua Chúa Thời Trần - Facebook
-
Tổng Hợp Áo Vua Giá Rẻ, Bán Chạy Tháng 7/2022 - BeeCost
-
(Có Sẵn) Trang Phục Vua Nhà Thanh, Bộ Đồ Hóa Trang Hoàng Đế ...
-
(CÓ SẴN) Trang Phục Vua Hoàng Đế, Bộ Long Bào Vua Thêu Rồng ...
-
Trang Phục Vua Chúa Hoàng Thượng Hoàng Đế Bộ Quần Áo ... - Tiki