Sự Thoái Trào Của Những Cầu Thủ Việt Kiều ở V.League
Có thể bạn quan tâm
- Bóng đá Việt Nam được gì khi áp dụng “cơ chế bong bóng”?
Oai như "Tây"
"CLB Hải Phòng mùa giải này có dàn cầu thủ chất lượng gồm tuyển thủ Nguyễn Minh Châu, tiền vệ Leandro, tiền đạo nhập tịch Đinh Hoàng Max và cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Robert". Thông điệp ấy đã trở thành thanh âm quen thuộc với người hâm mộ bóng đá thành phố Cảng ở V.League 2010, khi loa phóng thanh phát đi phát lại trước mỗi trận đấu ở sân Lạch Tray. Đó cũng là mùa giải Hải Phòng kết thúc với vị trí Á quân.
Vậy Đặng Văn Robert là ai? Minh Châu ngày ấy đã là biểu tượng của bóng đá Hải Phòng, Leandro đến giờ vẫn được coi như một trong những ngoại binh hay nhất lịch sử V.League. Đinh Hoàng Max cũng không hề kém cạnh, với bản CV từng khoác áo đội tuyển Việt Nam và ghi bàn trước khi đầu quân cho đội bóng thành phố Cảng. Đặt bên cạnh những hảo thủ như họ, cái tên Đặng Văn Robert dường như hơi khập khiễng.
Trên thực tế, ở thời kỳ hoàng kim của bóng đá Hải Phòng ngày ấy, Đặng Văn Robert chỉ được sử dụng như một cầu thủ dự bị đa năng. Từ tiền vệ cánh, hậu vệ cánh, trung vệ... anh thi đấu ở mọi vị trí được HLV giao phó. Cầu thủ có bố người Việt Nam và mẹ người Slovakia chưa bao giờ là một ngôi sao ở Hải Phòng. Anh chỉ được nhắc tên thường xuyên vì mang trong mình dòng máu Việt Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Với CLB Hải Phòng ngày đó, cái tên Đặng Văn Robert được họ lựa chọn vào đội hình và xướng tên không hẳn vì chuyên môn tốt. Cái mác Việt kiều trở nên thật độc đáo giữa những đội bóng vốn chỉ có cầu thủ nội, cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch. Phải đến ngày đầu quân cho Bình Dương, trình độ của Đặng Văn Robert mới được thừa nhận bằng 2 chức vô địch V.League liên tiếp cùng một suất được gọi lên đội tuyển quốc gia.
Cùng thời điểm Đặng Văn Robert đầu quân cho Hải Phòng, bóng đá Việt Nam từng trải thảm đỏ chào đón không chỉ 1, mà tới 2 cầu thủ Việt kiều khác cũng đến từ Slovakia. Đó là anh em Patrick và Emil Lê Giang. Phải đến thời gian gần đây, Patrick Lê Giang mới tiết lộ về chuyến hồi hương năm nào. Toàn bộ kinh phí cho anh em Lê Giang đến Việt Nam ngày đó do VFF chi trả, và họ được hứa hẹn nhận mức thu nhập không tưởng nếu về Việt Nam thi đấu.
Câu chuyện của Patrick Lê Giang, người đến giờ vẫn đang bền bỉ thi đấu ở châu Âu, cho thấy một thời "sính" những cầu thủ Việt kiều của V.League. Họ sẵn sàng ký hợp đồng với mọi cầu thủ mang dòng máu Việt Nam, bất kể trình độ chuyên môn không thực sự tốt. Nếu những đội bóng như Hải Phòng khắt khe hơn với tiêu chuẩn chọn lọc những cầu thủ Việt kiều, có lẽ con đường thành công của Đặng Văn Robert sẽ nhiều chông gai hơn.
Khi bình minh qua đi
Không lâu sau khi cơn sốt mang tên Đặng Văn Robert qua đi, bóng đá Việt Nam lại đổ dồn sự chú ý vào 2 cầu thủ Việt kiều người Cộng hòa Czech muốn hồi hương thi đấu. Họ là trung vệ Michal Nguyễn và tiền vệ Mạc Hồng Quân. Khác với Robert, một người sở hữu lý lịch khá... mù mịt trước khi về Việt Nam chơi bóng, 2 nhân vật kia lại sở hữu CV rất ấn tượng. Michal ăn tập tại CLB Banik Most, còn Hồng Quân là cầu thủ xuất sắc từ lò Sparta Prague.
Những ai chứng kiến Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân thi đấu đều khẳng định họ không phải cầu thủ Việt kiều hữu danh vô thực. Michal cao lớn, thi đấu chắc chắn; còn Mạc Hồng Quân có lẽ chỉ thua thiệt về thể chất để thi đấu ở những CLB hàng đầu châu Âu. Anh có tư duy chơi bóng hiện đại, xử lý bóng gọn gàng cùng những pha dứt điểm trái phá. Nhưng trớ trêu thay, cả Michal và Hồng Quân đều không thể có sự nghiệp êm đềm như Robert.
Từ Cộng hòa Czech, Michal Nguyễn quay về Việt Nam khoác áo Bình Dương trong 3 mùa giải, rồi chuyển sang Thái Lan thi đấu cho CLB Air Force Central. Đó cũng là lúc anh bị hiểu nhầm vì nhận xét nhìn chung các đội bóng Thái Lan mạnh hơn Việt Nam. Việc bị quy chụp "chê bai bóng đá nước nhà" đó gần như đóng sập cơ hội trở lại V.League và góp mặt trên tuyển quốc gia của Michal. Phải đến năm 2020, khi mọi chuyện dần lắng xuống, Michal mới quyết định hồi hương lần nữa.
Ban đầu, việc gật đầu nhận lời CLB Hải Phòng tưởng như sẽ là thời điểm giúp Michal Nguyễn tìm lại sự nghiệp. Đội bóng thành phố Cảng lúc ấy cũng sở hữu nhiều cầu thủ Việt kiều khác. Nhưng chỉ không lâu sau đó, Michal dần cảm thấy hối hận vì đã "trót dại" ký hợp đồng mà không tìm hiểu rõ nội tình CLB. Anh bị thanh lý trước hạn mà không nhận được một đồng bồi thường nào, cũng như không thể kiện đội Hải Phòng ra tòa.
Về phần Mạc Hồng Quân, rắc rối liên tục xảy đến với anh trong 2 năm đầu hồi hương. Từ Thanh Hóa đến An Giang, cầu thủ này chuyển đội liên tục trước ngày đầu quân cho Than Quảng Ninh. Khi bắt đầu có bến đỗ tốt để ổn định sự nghiệp thì Hồng Quân lại vướng vào rắc rối tình cảm liên quan đến một nữ diễn viên. Cô này khiến tiền vệ sinh năm 1992 khốn khổ một thời gian vì liên tục sử dụng truyền thông làm công cụ công kích, nói anh bội bạc, không quan tâm đến người yêu và đứa con trong bụng.
Những câu chuyện bên ngoài sân cỏ, cộng thêm việc vô duyên với SEA Games 2015 là nguyên nhân khiến Mạc Hồng Quân từ đó vô duyên với đội tuyển Việt Nam. Anh luôn là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất V.League cả về số pha ghi bàn lẫn kiến tạo, nhưng số trận khoác áo đội tuyển quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuối mùa giải 2020, Hồng Quân còn phải bất đắc dĩ đi tìm bến đỗ mới vì Than Quảng Ninh tuyên bố dừng hoạt động, thanh lý hợp đồng toàn bộ cầu thủ trong khi vẫn nợ lương thưởng 2 năm qua.
Điểm sáng hiếm hoi
Giữa những câu chuyện buồn mang tên Michal Nguyễn hay Mạc Hồng Quân, bóng đá Việt Nam còn chứng kiến không ít cầu thủ Việt kiều hồi hương trong những năm qua nhưng gần như chẳng để lại dấu ấn nào đáng kể. Có thể kể đến Keven Nguyễn, người có 1 năm khoác áo CLB Hải Phòng hay Steven Đặng, trung vệ trưởng thành ở Mỹ giờ có tên Việt Nam là Đặng Thanh Hoàng thuộc Hoàng Anh Gia Lai. Dấu ấn của họ vô cùng nhạt nhòa trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Sau thời của Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn, chỉ có 2 cầu thủ Việt kiều thực sự ghi dấu ấn tại đấu trường V.League. Một người là Adriano Schmidt, trung vệ mang trong mình dòng máu Đức. Schmidt có nhiều năm thi đấu ở Hải Phòng và anh đang trên đường đầu quân cho CLB TP. Hồ Chí Minh với khoản lót tay lên tới 1 tỷ đồng. Người còn lại không ai khác ngoài thủ môn Đặng Văn Lâm, cầu thủ Việt Nam có sự nghiệp xuất ngoại thành công nhất tính đến thời điểm này.
Đâu là nguyên nhân khiến Schmidt, đặc biệt là Văn Lâm có "hậu vận" tốt hơn những người đàn anh Việt kiều trong quá khứ? Bỏ qua những nhân tố như trình độ chuyên môn và những câu chuyện bên ngoài sân cỏ, việc họ có một sự nghiệp bền dường như bởi có xuất phát điểm không thực sự nổi bật. Schmidt, Văn Lâm không được chào đón rình rang, nên họ có thể tập trung vào vấn đề chuyên môn mà không bị truyền thông làm sao lãng.
Câu chuyện của Văn Lâm dường như là một "bài văn mẫu" cho mọi cầu thủ Việt kiều nói riêng và Việt Nam nói chung trên hành trình đến với thành công. 6 năm trước, Văn Lâm từng phải lên mạng xã hội cầu xin cộng đồng tạo tiếng nói giúp anh có cơ hội thử việc ở đội tuyển Việt Nam và V.League. Bây giờ, Văn Lâm không còn làm việc đó nữa. Anh đã có một hành trình thành công ở Thái Lan, và giờ là Nhật Bản. Trớ trêu thay, đó chỉ là một đốm sáng hiếm hoi.
Lên rồi lại xuống
Sau Mạc Hồng Quân, có thể nói Martin Lò là cầu thủ Việt kiều được chú ý nhiều nhất khi tìm cơ hội chơi bóng ở Việt Nam. Nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, Martin từng là một trong những tiền vệ hay nhất giải hạng Nhất Quốc gia khi còn chơi cho CLB Phố Hiến. Màn trình diễn ấn tượng đó giúp Martin Lò có cơ hội được tạo điều kiện lên đội dự tuyển U23. Nhiều người đã kỳ vọng về Martin Lò như một Xavi, một Iniesta phiên bản Việt Nam, nhưng cuối cùng điều đó lại không trở thành sự thực.
Từ Phố Hiến, Martin Lò quyết định thử sức mình ở mùa giải V.League 2021 bằng việc đầu quân cho CLB Hải Phòng. Trớ trêu thay, đây có thể là lựa chọn khiến anh cảm thấy hối tiếc trong nhiều năm nữa vì việc này có thể phá nát lộ trình sự nghiệp của Martin ở Việt Nam. Từ trước đến giờ đội bóng thành phố Cảng luôn sử dụng lối chơi bóng dài cùng các tiền vệ trung tâm tranh chấp tốt, nên một cầu thủ mỏng cơm như Martin Lò không có chỗ tìm suất đá chính. Mỗi khi được trao cơ hội, anh lại mất hút và thất thế vì tranh bóng với đối thủ.
Tại V.League 2021, Martin Lò chỉ có 3/12 trận đá chính cùng 6 lần vào sân từ ghế dự bị. 2 trong số 3 lần ra sân ngay từ đầu, Martin được HLV rút ra sớm để lấy lại thế trận ở tuyến giữa. Anh mất hút giữa một dàn cầu thủ cơ bắp của đội bóng thành phố Cảng. Bên cạnh đó, thay đổi ở thượng tầng CLB cũng khiến cầu thủ Việt kiều này cảm thấy không vui.
Martin muốn ra đi, nhưng lại chẳng có CLB V.League nào thực sự mặn mà với anh. Thế nên sau 1 năm thi đấu ở đẳng cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam, có vẻ như Martin Lò sẽ trở lại giải hạng Nhất. Đó có thể là Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, hoặc chính đội bóng cũ Phố Hiến. Câu chuyện của Martin cho chúng ta thấy thi đấu ở V.League có vẻ không... dễ như mọi người vẫn nghĩ.
- Bóng đá Việt Nam được gì khi áp dụng “cơ chế bong bóng”?
- Hành trình đến World Cup của bóng đá Việt Nam
Từ khóa » Tiểu Sử Cầu Thủ Michal Nguyễn
-
Michal Nguyễn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cầu Thủ Bóng đá Michal Nguyễn
-
Michal Nguyễn: Cầu Thủ – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Michal Nguyễn: 'Nhìn Tuyển Việt Nam Tiến Bộ, Tôi Thấy Tự Hào' - Zing
-
MICHAL NGUYỄN: Cầu Thủ Việt Kiều Mang 2 Dòng Máu đầu Tiên ...
-
Buồn Vui Số Phận Cầu Thủ Việt Kiều - Công An Nhân Dân
-
Michal Nguyễn: Sang Malaysia, Vẫn Mong Trở Lại Khoác áo ĐT Việt ...
-
Cầu Thủ Việt Kiều Michal Nguyễn Hồi Hương Thử Việc
-
Michal Nguyễn Không đầu Quân Cho Hải Phòng - Báo Đồng Nai
-
Michal Nguyễn Hạnh Phúc Vì được Gọi Vào Đội Tuyển Việt Nam
-
Michal Nguyễn: Tôi Tin Sẽ được đá Chính Cho đội Tuyển Việt Nam
-
Michal Nguyễn: Được Và Mất ở V-League Và Nỗi Khắc ... - OnSports
-
Văn Hóa - Thể Thao - Tỉnh đoàn Đắk Lắk
-
Nguyễn Michal - Tin Tức, Thống Kê & Tiểu Sử | Thể Thao 247