Sự Tích Con Dế - Truyện Cổ Tích ý Nghĩa Về đạo đức Cho Bé

Sự tích con dế – Truyện cổ tích ý nghĩa về đạo đức cho bé. Truyện khuyên nhủ chúng ta cần tránh làm việc xấu và chịu khó học hành để có ngày được vinh hiển.

Sự tích con dế là một trong những truyện cổ tích ý nghĩa về loài vật dành cho thiếu nhi. Câu chuyện kể về người mẹ kế độc ác muốn hại chết Văn Linh, con riêng của chồng để chiếm gia tài nhưng âm mưu ấy không thành bởi tình cảm anh em ruột thịt của hai anh em Văn Linh – Văn Lang. Cuối cùng bà ta bị trừng phạt biến thành con dế. Văn Linh nhờ miệt mài đèn sách nên đã được hiển vinh, đỗ trạng nguyên. Các em cùng đọc truyện nhé!

Sự tích con dế – Truyện cổ tích ý nghĩa về đạo đức cho bé

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có một người đàn ông hai vợ, người vợ cả chết sớm để lại một đứa con trai còn bé tên là Văn Linh. Người vợ lẽ cũng sinh được một đứa con trai khác tên là Văn Lang. Văn Lang hơn Văn Linh những năm tuổi nhưng hai anh em chơi với nhau thân thiết hơn cả anh em cùng một mẹ. Những khi Văn Linh bị trẻ con lối xóm ăn hiếp, Văn Lang lập tức bênh vực. Nhưng Văn Lang không biết rằng mẹ chàng trai lại coi Văn Linh như kẻ thù.

Văn Linh ngày một lớn khôn, người bố cho chàng theo nghiệp đèn sách. Còn Văn Lang thì từ lâu đã theo bố tập quen nghề trông coi cày cấy. Nhà họ vốn có của ăn của để. Cả một tư cơ đồ sộ chắt chiu đã vài ba đời được vài chục mẫu ruộng và một mẫu vườn, có nhà ngói cây mít, thuộc vào loại khá nhất trong vùng.

Sự tích con dế - Truyện cổ tích ý nghĩa về đạo đức cho bé
Sự tích con dế – Truyện cổ tích ý nghĩa về đạo đức cho bé

Đột nhiên người bố ốm nặng rồi qua đời. Người dì ghẻ ngoài mặt thì đối đãi với Văn Linh ngọt ngào tử tế nhưng trong bụng muốn nhổ cái gai trước mắt. Là con đích, Văn Linh sẽ được gần như toàn bộ tài sản. Còn mẹ con Văn Lang thì nhiều lắm cũng được vài ba mẫu ruộng xấu với một cái trại ở bên kia đồi. Tục lệ đã đặt số phận của hai anh em là như vậy. Người dì ghẻ bỗng nảy tà tâm, muốn giết chết con chồng để chiếm lấy tất cả gia tài. Ý nghĩ ấy ngày một nung nấu trong lòng mụ, càng nung nấu nhiều hơn từ hôm người chồng, kẻ bênh vực cho Văn Linh không còn nữa.

Một hôm, người mẹ ghẻ sai hai anh em mang tiền đi mua gỗ. Trước khi đi, mẹ gọi con đẻ vào buồng riêng dặn dò:

– Con ơi! Con hãy tìm cách “khử” nó đi. Rừng nhiều thú dữ, sức con thì khỏe gấp đôi nó, nếu khôn khéo và kín đáo thì con chẳng sợ tội vạ gì hết!.

Người mẹ còn rỉ tai:

– Nếu nó mà sống được thì mẹ con ta không đất cắm dùi. Có trừ đi được, chúng ta mới mong sung sướng.

Văn Lang không muốn nghe lời mẹ nhưng cũng không muốn làm phật ý mẹ, bèn cứ giả tảng vâng lời khăn gói ra đi. Đến cửa rừng. Văn Lang nói thật cho Văn Linh biết mọi việc, rồi bảo:

– Mẹ tôi trước sau cũng tìm cách hại anh. Vậy anh hãy tìm cách trốn đi. Số tiền mua gỗ anh hãy cầm lấy tất cả mà tiêu. Đến một lúc nào đó anh hãy trở về, chúng ta sẽ sống bên nhau.

Khi Văn Linh đi rồi, Văn Lang giết một con chó lấy máu bôi khắp nơi, rồi trở về nói cho mẹ biết là mình đã hạ thủ Văn Linh xong, mặt khác nói với mọi người rằng anh mình đã bị hổ vồ mất tích. Xóm làng không một ai nghi ngờ. Người dì ghẻ cho là mưu của mình đã đạt, từ đấy không còn lo lắng gì nữa.

Lại nói chuyện Văn Linh đau khổ từ giã Văn Lang ra đi. Một thân một mình chưa từng rời khỏi nhà bao giờ nay bơ vơ giữa một nơi xa lạ, chàng ngập ngừng không biết đi đâu. Loanh quanh mãi, cuối cùng một đêm nọ chàng lại lần về mộ mẹ, nằm úp lên mộ than khóc rồi ngủ quên. Ở dưới mộ, mẹ chàng thương con quá, bèn hiện lên thành con chim phượng hoàng lớn ấp con vào đôi cánh. Thấy trời sắp sáng, phượng hoàng dùng chân quắp lấy Văn Linh rồi bay đi rất xa. Từ một hòn núi cao, phượng hoàng hạ cánh. Tỉnh dậy, Văn Linh sửng sốt, nhưng phượng hoàng đã nói:

– Ta là mẹ con. Con hãy ở đây chớ về mà nguy hiểm. Rồi hàng ngày mẹ sẽ đến với con.

Nói rồi phượng hoàng hóa thành nhà cửa và mọi đồ ăn thức uống dùng để Văn Linh ăn ở tại đấy. Sợ con xao nhãng học tập, phượng hoàng lại mang sách vở tới cho con ôn luyện. Ban ngày phượng hoàng biến đi nhưng đêm lại, nó bay đến chỗ Văn Linh ở để bảo vệ chàng. Tờ mờ sáng nó còn gáy lên để đánh thức con dậy học, rồi mới chịu cất cánh bay về.

Bấy giờ ở phía dưới núi có một xóm dân cư rải rác, trong xóm có nhà một cô con gái tên là Ngọc Châu. Ngọc Châu đẹp như hoa mà chưa có chồng. Nàng có một người đầy tớ gái tên là Hồng. Hai người sống nương tựa vào nhau, lấy nghề dệt vải nuôi thân. Từ dạo Văn Linh đến ở trên núi, hai thầy trò Ngọc Châu lấy làm lạ không hiểu vì sao trên núi từ xưa vắng bóng người, thế mà lúc này cứ mờ sáng khi họ ngồi vào khung cửi đã nghe tiếng chim phượng gáy, rồi nghe tiếng học trò học sang sảng cho đến sáng.

Một hôm gà gáy canh năm, Ngọc Châu cố tình làm tắt lửa để bắt nàng Hồng lên núi xin lửa của người học trò bấy giờ đã cất tiếng đọc sách. Hôm ấy Văn Linh dậy sớm thắp đèn ngồi học, bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Chàng mở cửa ra thì là một cô gái. Sau khi cho lửa, anh hỏi vay cô gái một hũ dầu vì dầu nhà mình đã cạn. Nàng Hồng chỉ nhà để anh xuống lấy. Nhờ đó Văn Linh làm quen với Ngọc Châu. Thế là chàng đã có bạn xóm giềng, tối lửa tắt đèn có nhau.

Từ chỗ quen biết, hai người đã trở nên thân thiết tới mức không thể sống xa nhau. Họ nên nghĩa vợ chồng. Một hôm, Ngọc Châu mời chàng về ở cùng mình một nhà để tiện bề đèn sách. Được con báo tin, chim phượng hoàng mang tới cho áo quần và tiền bạc. Rồi từ đó nó không trở lại nữa. Đám cưới cử hành đơn giản nhưng cũng rất vui. Từ nay bên anh đọc sách bên nàng quay tơ, cảnh đầm ấm ấy không ai hơn được.

Sau bao năm dùi mài kinh sử, đến khoa thi năm đó, Văn Linh lều chõng đi thi và chàng đã đỗ Trạng Nguyên năm đó, không phụ lòng mong mỏi của người mẹ đã mất và người vợ. Hôm vinh quy bái tổ về làng, cờ quạt chiêng trống rầm rộ. Nghe tin Văn Linh vinh hiển trở về, Văn Lang mừng rỡ ra đón còn mụ gì ghẻ thì không tin vào tai mình nữa. Phần vì tức tối, phần vị sợ Văn Linh trả thù, mụ vỡ mật lăn ra chết và hóa thành con dế. Mụ chết đúng vào tháng tám nên hàng năm cứ vào tháng này, người ta lại nghe tiếng dế kêu. Đó là tiếng kêu của mụ dì ghẻ đang tức tối phát ra những âm thanh vô vọng. Đáng đời cho những người có tâm địa độc ác.

Ý nghĩa sự tích con dế – Truyện cổ tích ý nghĩa về đạo đức cho bé

Những bài học ý nghĩa từ truyện cổ tích Sự tích con dế

1. Tránh làm những việc xấu, việc ác

Trong sự tích con dế các em thấy người em Văn Lang, mặc dù bị mẹ xúi giục giết chết anh trai mình là Văn Linh để chiếm đoạt gia sản lớn mà bố mình khi mất để lại. Dù biết rằng nếu tha chết cho anh mình, có thể một ngày nào đó, anh mình sẽ về lại đòi lại gia sản thì Văn Lang và mẹ chỉ được thừa kế ít ruộng xấu để cày cấy. Nhưng Văn Lang nhất định không chịu làm điều bất nghĩa là giết chết anh mình để chiếm đoạt tài sản.

Các em nhớ khi bị người khác dụ dỗ làm việc xấu các em cần tránh xa hoặc tìm cách từ chối một cách khéo léo như người em Văn Lang trong câu truyện.

2. Người làm điều ác nhất định sẽ bị trời quả báo

Trong sự tích con dế, mụ dì ghẻ rắp tâm sát hại Văn Linh để chiếm đoạt tài sản thừa kế nên đã bị trời quả báo. Khi hay tin Văn Linh đỗ trạng nguyên, về làng vinh quy bái tổ, mụ đã vỡ mật lăn ra chết và hóa thành con dế, cả ngày sống chui lủi trong hang, chỉ khi đêm xuống mới dám mò đi kiếm ăn.

3. Có công mài sắt có ngày nên kim

Người anh Văn Linh trong truyện cổ tích sự tích con dế, từ nhỏ đã chịu khó học hành. Mặc dù chịu nhiều thiết thòi do mẹ mất sớm, phải sống với dì ghẻ gian ác. Rồi bố của em cũng bị bệnh qua đời. Bị mụ dì ghẻ rắp tâm sát mại. May mà được người em Văn Lang thương tình tha chết. Được mẹ thương xót, biến thành đại bàng cứu giúp. Cuộc đời của Văn Linh thật nhiều bất hạnh nhưng Văn Linh vẫn kiên trì, ngày đêm miệt mài kinh sử. Trời không phụ lòng người, sau bao năm đèn sách, Văn Linh đã vinh hiển, đỗ trạng nguyên.

Các em thấy đó, để đạt được thành công lớn trong cuộc đời, các em cần nhớ phải chịu khó học tập ngay từ nhỏ. Thành tích học tập tốt của các em chính là món quà ý nghĩa nhất dành tặng cho bố mẹ và ông bà.

Chúc các em luôn ngoan và chịu khó học tập nhé!

Đọc thêm truyện cổ tích:

Sự tích thành Cổ Loa – Truyền thuyết lịch sử về việc An Dương Vương xây dựng thành cổ

Sự tích con ếch – Truyện cổ tích ý nghĩa về loài vật

Sự tích cây thì là – Nguồn gốc tên gọi và ý nghĩa sự tích cây thì là

Cây tre trăm đốt – Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc răn dạy chúng ta hãy ở hiền nhất định sẽ gặp lành, được mọi người giúp đỡ

60

SHARES
facebook Share on Facebook Twitter Tweet Follow Follow us custom Share custom Share custom Share custom Share custom Share

Từ khóa » Sự Tích Dế Mèn