Sự Tích “đường Lưỡi Bò” Hoang đường Của TQ - VietNamNet

- “Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” (Trung Quốc gọi là “cửu đoạn tuyến”) là một sản phầm khiến cả thế giới, kể cả một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ngạc nhiên và “không thể hiểu nổi”! Thậm chí có học giả Trung Quốc đã phải thừa nhận: “Rất xấu hổ khi các đồng nghiệp quốc tế hỏi về đường 9 đoạn”!

Tiết lộ của người Trung Quốc về “lò sản xuất đường lưỡi bò”

Năm 2009, TQ chính thức công bố bản đồ có đường lưỡi bò. Ngay lập tức, học giả kiêm nhà bình luận nổi tiếng của đài Phượng Hoàng (Hongkong) Tiết Lý Thái lên tiếng cảnh báo: “ TQ đang tự đặt ra tai họa cho mình. Cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ để cho chuyện đó xảy ra”.

Và cũng chính nhiều học giả tôn trọng sự thật ở Trung Quốc đã công bố tư liệu về nguồn gốc “đường lưỡi bò” với lời can gián “Đừng làm trò cười cho thiên hạ”.

{keywords}
Biếm họa về đường lưỡi bò.

Theo những tư liệu mà giới nghiên cứu TQ công bố rộng rãi trên các trang mạng thì xuất xứ của “đường lưỡi bò” như sau: Thời Trung Hoa dân quốc có tổ chức chuyến đi khảo sát trái phép kéo dài 2 tháng từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Sau chuyến đi, trở về trụ sở ở Quảng Châu, chỉ huy Lâm Tuân cùng một số thuộc hạ thân tín ngồi lại cùng nhau vẽ ra bản đồ 11 đoạn rồi giao cho Sở Phương vực thuộc Bộ nội chính in ấn vào tháng 10/1947.

Tuần báo Phượng Hoàng (Hongkong) đã cất công đi gặp một số nhân chứng chuyến đi hiện đang ở Đài Loan và cho biết, người vẽ bản đồ là giám đốc Sở Phương vực Phó Giác Kim. Căn cứ trên một số tư liệu sơ sài ghi chép, vẽ lại và của Lâm Tuân, Trịnh Tư Duyệt, Tào Hi Mãnh, giám đốc Phó Giác Kim đã chỉnh lý, vẽ lại. Và, theo tấm bản đồ đầu tiên thì đường chữ U, tức đường lưỡi bò có 11 đoạn đứt khúc mà các học giả sau này gọi là “đường hư tuyến”. Các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm trong đường hư tuyến.

Theo tư liệu của các báo Hong Kong và TQ thì “quy trình” làm ra đường chữ U có thông qua một số cơ quan chức năng của nhà nước Trung Hoa dân quốc như vậy dù nếu có thông qua thì cũng bất hợp pháp vì không nhà nước nào có thể tự tiện vẽ bản đồ gom lãnh thổ lãnh hải của nước khác vào cho mình.

Còn học giả Lý Lệnh Hoa cùng một số nhà nghiên cứu khác đã không công nhận hoàn cảnh ra đời của đường chữ U được “bài bản” như thế. Ông khẳng định “đường hư tuyến do viên quan chức vụ nội chính tên Trịnh Tư Ước tiện tay vẽ mà không căn cứ vào bất kỳ cơ sở nào”. Thậm chí, ông và một số đồng nghiệp còn tỏ ra xấu hổ vì: “Sau khi phát hành tấm bản đồ có đường chữ U này, TQ thời bấy giờ còn công bố “kết quả nghiên cứu của chuyến đi khảo sát” như sau: “Diện tích biển của TQ bị các nước lấn chiếm như sau: Việt Nam chiếm 1.170.000 km2; Philippines chiếm 620.000 km2; Malaysia chiếm 170.000 km2; Brunei chiếm 50.000 km2; Indonesia chiếm 35.000 km2!”.

Theo tài liệu mang tên “The Legel Status of the South China Sea” xuất bản tại Đài Loan tháng 10/1998 của hai tác giả Huang Yi và Wei Jingfen, một cựu viên chức trong nhóm “sản xuất ra đường chữ U” còn sống tại Đài Loan tên Bai đã được mời đến Bắc Kinh vào mùa hè năm 1990 để giải thích nguyên nhân vẽ đường chữ U. Tại thời điểm đó, Bai đã trên 80 tuổi nên không nhớ hết chi tiết song ông còn nhớ điều quan trọng nhất là “vẽ như vậy để đường này chỉ ra quần đảo thuộc về nước nào có đường này”.

Nhận xét về cách “sản xuất” ra đường lưỡi bò nói trên, nhà nghiên cứu người Mỹ, giáo sư Mark J.Valencia thẳng thắn: “Tuyên bố của TQ về chủ quyền biển Đông luôn mập mờ và thiếu nghiêm túc. Trong đó thiếu nghiêm túc nhất là đường chữ U. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay cái gì khác, họ luôn mập mờ rằng, có thể như thế hoặc có thể không. Trên thế giới chẳng có đường nào đứt khúc như vậy!”.

Từ 11 đoạn, bớt xuống 9 đoạn và trở lại 10 đoạn

{keywords}
Bản đồ 10 đoạn, do Trung Quốc xuất bản gần đây, bị phản đối ở trong và ngoài Trung Quốc.

Tháng 2 năm 1948, bản đồ chính thức của TQ mang tên “Bản đồ khu vực hành chính của Trung Hoa dân quốc” ra đời. Trong đó đường chữ U có 11 đoạn đứt quãng bao quanh gần trọn biển Đông. Tuy nhiên bản đồ này chỉ phát hành rất hạn chế ở TQ nên các nước châu Á không hề hay biết.

Năm 1949, chính quyền Trung Hoa dân quốc bị đánh bại, phải chạy ra đảo Đài Loan, tấm bản đồ có đường chữ U 11 đoạn rơi vào quên lãng. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời không hề bận tâm đến đường chữ U 11 đoạn.

Ngày 4/12/1950, đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chu Ân Lai tuyên bố đồng ý Bản tuyên ngôn Cai-rô được ký kết ngày 27/11/1943, trong đó 3 nước Anh, Hoa Kỳ và Trung Hoa (dân quốc) đã ký kết. Trong tuyên ngôn Cai Rô có đoạn liên quan đến lãnh thổ Trung Hoa như sau: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”. Cũng cần nhắc lại thêm, thời điểm ký Tuyên ngôn Cai-rô năm 1943 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Nhật Bản chiếm đóng. Như vậy, Hoàng Sa và Hoàng Sa không liên quan gì đến lãnh thổ của TQ bị Nhật chiếm giữ. Và, đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Chu Ân Lai hoàn toàn tán thành Tuyên bố này.

Tuy nhiên đến năm 1953, đường chữ U tưởng đã tiêu vong theo chính quyền Trung Hoa dân quốc bỗng “đội mồ sống dậy”. Trong năm này chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xem xét và phê duyệt lại đường chữ U, từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn. Nhưng ranh giới của đường chữ U 9 đoạn tham lam hơn, tiến sát Việt Nam, Malaysia và Philippines hơn. Theo cách lập luận của TQ thì với đường chữ U mới 9 đoạn thì các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã “chiếm” diện tích biển của Trung Quốc nhiều hơn.

Cũng giống như Trung Hoa dân quốc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố bản đồ đường chữ U 9 đoạn mà không hề giải thích cơ sở pháp lý, cơ sở địa lý hay công khai trên trường quốc tế. Họ chỉ gọi chung chung là “vùng nước lịch sử” , “lãnh thổ lịch sử”, ai muốn hiểu thế nào thì tùy.

Hơn 50 năm sau, TQ mới công khai tham vọng đường chữ U với thế giới.

Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS). Ngay ngày hôm sau, 7/5/2009, TQ gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối, trong đó đính kèm bản đồ đường chữ U, tức đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích biển Đông.

Đến lúc này thì cả thế giới mới biết rõ tham vọng độc chiếm biển Đông của TQ không còn ẩn giấu nữa mà đã công khai. Mặc dù tọa độ và vị trí chính xác của đường chữ U 11 đoạn trước kia và 9 đoạn sau này không hề có, song không vì thế mà TQ ngần ngại, xem lại lập trường sai trái của mình.

Tháng 3/2010, TQ đã khiến cho cả thế giới giật mình khi tuyên bố biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của TQ. Đến nỗi, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Trần Phá đã phát biểu trên tạp chí Khai Phóng số tháng 7/2011: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông thể hiện rõ xu hướng ngày càng xấu đi. Bản thân TQ không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của TQ”.

Những cảnh báo đầy trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo TQ chưa làm thức tỉnh những người ra quyết định ở TQ.

Sau khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, ngày 25/6/2014, báo chí TQ công bố “bản đồ dọc” có đường chữ U, lần này là 10 đoạn.

Việc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và phát hành “bản đồ dọc” có đường chữ U 10 đoạn không chỉ khiến dư luận khắp thế giới phản đối, chỉ trích và lên án TQ mà còn khiến dư luận bên trong TQ dậy sóng. Không chỉ những nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng lâu nay “phản tỉnh” can gián, phản đối mà còn rất nhiều thanh niên, trí thức trẻ tuổi TQ thực sự bất bình, phản đối vì “quá đáng”.

Trên mạng xã hội Weibo rất phổ biến khắp TQ có rất nhiều thành viên lên án chính phủ TQ xuất bản và công bố tấm bản đồ dọc một cách hồ đồ, không tuân theo luật pháp quốc tế. Một số thành viên còn kể lại nỗi xấu hổ của họ khi đi ra nước ngoài bị người dân sở tại phê phán, lên án TQ ngày càng nhiều.

Một thành viên có nick là Yangxi viết: “Xưa thì 11 đoạn, rồi bớt thành 9 đoạn, nay thêm một chút thành 10 đoạn, thật là lãng phí và không cần thiết vì chẳng hề có giá trị pháp lý khi nói đến chủ quyền của TQ trên biển Đông. Bởi ngay chính cả bản thân TQ cho đến bây giờ còn mơ hồ với bản chất của “đường 10 đoạn” này thì ai tin nó là của TQ?”.

Khác với trước đây chỉ có giới nghiên cứu, học giả và nhà sử học lên tiếng phản đối, sự xuất hiện của “bản đồ dọc” với đường 10 đoạn khiến cho giới quân sự TQ “lay tỉnh”. Chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge, Cheng Gi ở Bắc Kinh mỉa mai: “ Nếu làm theo kiểu của TQ thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể “nuốt” biển của quốc gia khác chỉ bằng cách trưng ra tấm bản đồ do mình vẽ” và kết luận: “ Chúng ta (TQ – TG) đang tự cột đá vào chân mình mà không biết”.

Tiến sĩ Yang Hengiun từng làm việc tại Bộ Ngoại giao TQ, hiện là thành viên cao cấp trong Hội đồng Đại Tây dương (Mỹ) viết trên tạp chí Diplomat, có đoạn: “Lời nói và hành động của TQ ngày càng đáng sợ với các nước khác… Tựu trung, những chiến thuật thiển cận khiến TQ gần như không còn bạn bè trong khu vực. Nếu cứ theo đường lối như hiện nay thì kế hoạch phát triển của TQ chắc chắn sẽ bị phá sản và chỉ còn hình ảnh đất nước Trung Hoa xấu xí trong mắt cộng đồng quốc tế”.

(Còn nữa)

Duy Chiến

Từ khóa » Bản đồ Lưỡi Bò Là Gì