Sự Trượt Dài Của Một Cựu “vận động Viên” Olympia - Báo Bình Phước

BP - Năm 2004, khán giả truyền hình cả nước từng biết đến một “vận động viên” leo núi xuất sắc của tỉnh Nghệ An trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Đó là Nguyễn Viết Dũng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ đều là nông dân, từ nhỏ Dũng đã hiểu hoàn cảnh gia đình và cố gắng để học giỏi toàn diện. Năm lớp 12 (2004), tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Dũng xuất sắc đoạt giải nhất kỳ thi tháng, giải ba kỳ thi quý. Kỳ thi đại học năm 2004, Dũng đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An. Ngày ấy, Dũng không chỉ là niềm hy vọng của gia đình mà còn là niềm tự hào của họ hàng, làng xóm, quê hương. Thế nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện, Dũng đã trượt dài trên con đường sa ngã, trở thành kẻ có tội với quốc gia, dân tộc, là nỗi tủi nhục cho gia đình, cho quê hương.

Khi vào môi trường đại học, không có thầy cô và gia đình kèm cặp như thời phổ thông, với thành tích “leo núi” của mình, Dũng nhận được sự chú ý của thầy cô, bạn bè. Nhưng cũng vì thế mà Dũng bắt đầu có thái độ kiêu căng, tự mãn. Từ sự hống hách lên mặt của Dũng, bạn bè dần rời xa em. Cuộc sống của Dũng dường như bị cô lập. Và nhân cơ hội này, đám “dân chủ” trong nước đã nhanh chóng kết nối, làm bạn với Dũng. Những lời tâng bốc lên mây xanh của những kẻ cơ hội đã khiến Dũng tưởng mình là thiên tài, học hành ở môi trường đại học này là không xứng đáng với tầm cỡ của mình. Chính những tư tưởng lệch lạc đó mà Dũng đã sa vào con đường chơi bời lêu lổng, bỏ bê học tập và “nợ” nhiều môn. Đến năm thứ hai Dũng bị buộc thôi học.

Chỉ chờ có thế, những kẻ cơ hội, phản động lập tức dành sự quan tâm, “chăm sóc” đặc biệt đối với Nguyễn Viết Dũng (còn gọi là Dũng Phi Hổ). Chúng khích bác về sự dở dang trên con đường học hành của Dũng; đồng thời vẽ ra một “chân trời mới” nếu theo chúng làm những việc phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Bị “tẩy não”, Dũng Phi Hổ đã có các hành động điên rồ như treo cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa lên nóc nhà mình, mặc áo quần của quân lực Việt Nam cộng hòa; thậm chí Dũng còn tự lập ra cái gọi là “Đảng Cộng hòa và Quân lực Việt Nam cộng hòa” do chính Dũng làm Chủ tịch lâm thời. Từ sự không kiểm soát được hành vi và phát ngôn của mình, Dũng đã bị các đối tượng phản động triệt để lợi dụng vào mục đích chống phá.

Với tình trạng những nhóm người quá khích tụ tập hô các câu khẩu hiệu, mặc những bộ quần áo gợi nhớ về một chế độ tay sai đã bị tiêu vong như một tất yếu lịch sử thì không chỉ Nhà nước Việt Nam hiện thời mà bất cứ nhà nước nào gặp tình huống tương tự đều phải giải tán đám đông và bắt giam những kẻ cầm đầu. Sự tôn nghiêm của một chế độ, một nhà nước pháp quyền không thể để cho một đám người vô luân vô pháp làm rối ren an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được!

Với một người trẻ, có chỉ số IQ khá cao và từng đạt những thành tích cao trong học tập, lẽ ra Dũng đã có thể trở thành người có ích, báo đáp công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và sự quan tâm dìu dắt của thầy cô, quê hương xóm làng. Thế nhưng suốt 10 năm qua, Dũng ngày càng trượt dài trên con đường lầy lội của một kẻ ngông cuồng, công khai chống lại Đảng, Nhà nước; công khai cổ xúy và trực tiếp tham gia hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự quốc gia. Là người Nghệ An, đã bị đuổi học, nhưng với sự hậu thuẫn bằng tiền bạc và những chiếc “bánh vẽ” về việc đứng đầu một đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, Dũng đã có mặt ở tất cả nơi xảy ra điểm nóng về an ninh chính trị trên khắp đất nước. Nhiều lần Dũng hăng hái đi đầu trong cuộc “cách mạng cá” ở Hà Tĩnh; đi đầu trong các cuộc “tưởng niệm chiến sĩ đảo Gạc Ma” với bộ dạng hung hăng, bặm trợn.

Vào ngày 12-4-2015, trong cuộc “tuần hành bảo vệ cây xanh” do các đối tượng cơ hội tổ chức tại Hà Nội, vì cái vẻ ngổ ngáo đáng ghét của một kẻ tâm thần chính trị, mang trên mình không chỉ áo quần mà còn nhiều “phụ kiện” của chế độ Việt Nam Cộng hòa, ngông nghênh đi giữa thủ đô, Dũng cùng người tình “cùng hội cùng thuyền” Đỗ Thanh Vân đã bị một thanh niên Hà Nội “ngứa mắt” cho một ghế vào đầu mà chẳng ai thèm can ngăn. Với một kẻ vô ơn, được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát huy khả năng mà không chịu đi con đường sáng, lại bước vào con đường tối, ra sức chửi bới Đảng, chửi bới chế độ và hết lòng ca ngợi chế độ tay sai ngụy quyền bán nước - những kẻ đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc thì bất cứ ai cũng có thể nổi cơn giận dữ với chúng. Và khi Công an quận Hoàn Kiếm có mặt, đưa các đương sự về đồn để giải quyết vụ ẩu đả thì dường như là một kịch bản đã được sắp sẵn từ trước của những kẻ cơ hội. Lập tức, các trang phản động chỉ chờ có thế, nhao nhao lên tiếng quy kết “Công an Hà Nội bắt bớ, đánh đập, giam cầm người yêu nước”. Thật nực cười, vì chẳng có anh công an nào non nớt nghiệp vụ đến mức vô lý đánh người giữa phố. Cũng chẳng có “người yêu nước” nào lại đi cắm cờ “ba que” lên nóc nhà mình, mặc trang phục của một đội quân tay sai bán nước đã hoàn toàn bại trận và đi vào dĩ vãng từ gần nửa thế kỷ qua. Phải chăng, Nguyễn Viết Dũng chỉ là một quân bài trong trò chơi chính trị của những kẻ cơ hội, phản động chuyên dựng chuyện, bóp méo sự thật và quy kết những điều không có thật cho lực lượng công an, cho Đảng và Nhà nước ta mà Dũng vẫn “ngây thơ” không hề hay biết (!?).

Ra tù chưa lâu, Dũng lại ngựa quen đường cũ, tích cực tham gia gây rối dưới danh nghĩa phản đối Formosa. Dũng tích cực viết bài nói xấu Đảng và Nhà nước, đồng thời ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng hòa rồi đưa lên mạng xã hội. Sự trượt dài của Dũng Phi Hổ trên con đường tha hóa và hôm nay đi đến mức phản dân hại nước là bài học đắt giá cho những người trẻ mang thói kiêu ngạo ngông cuồng bị thế lực thù địch lôi vào các “trò chơi chính trị” mà không hay biết!

Thảo Linh

Từ khóa » Nguyễn Viết Dũng đường Lên đỉnh Olympia