Sư Tử Nam Phi Bị Xẻ Thịt Lấy Xương Vì Nhu Cầu Từ Trung Quốc

Có một sự thật tàn khốc đằng sau những khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi, nơi hổ và sư tử bị xẻ thịt để buôn bán, phục vụ y học cổ truyền ở Trung Quốc.

Số phận của con hổ đã được định đoạt trong cuộc gặp bí mật bên ngoài một khu bảo tồn động vật hoang dã tư nhân nằm cách Johannesburg – thành phố lớn nhất Nam Phi – 2 giờ lái xe.

Một doanh nhân châu Á có tên Michael đang ngồi đợi trong xe, với túi giấy màu nâu đựng đầy tiền ở hàng ghế phía sau. Một chiếc SUV khác đi tới đỗ bên cạnh, tài xế bước vào xe của Michael, lấy túi tiền và mang về cho ông chủ của khu bảo tồn.

Sư tử tại Khu bảo tồn Madikwe của Nam Phi. Các nhà bảo tồn quan ngại rằng việc nước này cho phép xuất khẩu xương sư tử ra nước ngoài sẽ thúc đẩy nạn săn trộm. Ảnh: AP.

Sự thật tàn khốc

Vụ mua bán đã xong, và ông chủ khu bảo tồn – người quảng cáo rằng tất cả động vật trong cơ sở của ông đều được chăm sóc với “sự quan tâm và tình cảm tối đa” – đưa cả nhóm vào khuôn viên trang trại. Ông ta lấy khẩu súng và bắn thẳng thuốc mê vào con hổ đực trưởng thành đang đi trong chuồng cạnh đó.

Con hổ được xẻ thịt tại chỗ và cái xác còn dính máu được đưa lên xe bán tải, trước khi được đem đến một cơ sở khác để lột da, tách thịt và nấu cao. Nhiều tuần sau, Michael đến một trạm xăng để lấy xác con hổ rồi đem đi đóng gói, rồi cất giấu ở Johannesburg cùng 14 bộ xương khác. Tất cả sẽ được đưa tới châu Á.

Da và lông được để lại ở phần mõm của con hổ, nhằm chứng minh với khách hàng rằng đây là bộ cốt hổ chứ không phải xương sư tử châu Phi – loài vật ít nguy cấp hơn. Tuy nhiên, việc buôn bán đã phát triển tới mức quần thể sư tử hoang dã của Nam Phi cũng đang lâm nguy, ước tính chỉ còn 3.000 con.

Các giao dịch giữa Michael và chủ nhân khu bảo tồn – được ghi lại bằng máy quay giấu kín – là một phần của cuộc điều tra bí mật kéo dài 2 năm vào thị trường buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ và sư tử để phục vụ nhu cầu sử dụng chúng như một vị thuốc cổ truyền ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

Hơn 300 trang trại, công viên và khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi được cho là đang nuôi sư tử để giết thịt và lấy xương. Ngành buôn bán này được đẩy mạnh bởi xu hướng “săn trong hộp”, trong đó những con sư tử bị đánh thuốc mê và thả vào một khu vực có hàng rào bao quanh để cho du khách bắn chết.

Có tới 1.000 con sư tử mỗi năm bị giết theo cách này, tạo ra nguồn cung xương sư tử liên tục, đồng thời làm tăng giá trị của chúng đối với các chủ nuôi.

Nhu cầu về xương sư tử đã tăng vọt trong những năm gần đây, phần lớn do những nỗ lực nhằm bảo vệ các loài mèo lớn khác. Một bộ xương sư tử có giá từ 3.000 USD đến 4.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với 20.000 USD cho một bộ hổ cốt. Trong khi đó, khác hàng cũng khó lòng phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại xương này.

Hơn một thập kỷ trước, xương sư tử bị coi là không có giá trị và thường bị người đi săn vứt bỏ. Tuy nhiên, từ khi có lệnh cấm toàn thế giới vào năm 2007 của Công ước Quốc tế về Buôn bán các loài Động thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES), qua đó cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại, những người đi săn giải trí ở Nam Phi phải ký giấy cam kết rằng họ chỉ giữ lại đầu và da của con vật, còn xương sư tử là tài sản của công viên.

Số xương này thường được bán sang châu Á dưới mác hổ cốt.

Theo báo cáo của TRAFFIC, nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã, vào những năm sau khi công ước CITES có hiệu lực, việc xuất khẩu sư tử và các bộ phận của sư tử từ Nam Phi sang châu Á đã tăng gấp 6 lần. TRAFFIC cũng cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng có thể đe dọa đến sự sinh tồn của sư tử hoang dã và những loài mèo lớn khác.

Xương sư tử Nam Phi được vệ sinh bằng dung dịch tẩy rửa tại một cơ sở ở Orange Free State vào năm 2012. Ảnh: Getty.

Khi lợi nhuận tăng, sự man rợ cũng tăng theo. Một xu hướng khủng khiếp đã xuất hiện trong thời gian gần đây, khi khách mua hàng châu Á muốn xẻ thịt con vật ngay khi chúng còn sống để đảm bảo độ tươi của hổ cốt. Họ sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn cho việc này.

Ngành kinh doanh man rợ

Cuộc điều tra độc lập về tình trạng này được tài trợ bởi Michael Ashcroft, cựu phó chủ tịch đảng Bảo thủ Anh. Sau khi rời khỏi chính trường, ông Ashcroft giờ đây coi việc bảo vệ loài sư tử Nam Phi là sứ mệnh của bản thân.

Ông Ashcroft thành lập một đội đặc nhiệm, bao gồm cả cựu thành viên lực lượng đặc biệt quân đội Anh. Nhóm làm việc bí mật tại ngôi nhà ở ngoại ô Johannesburg, thuyết phục một tay buôn xương sư tử nổi tiếng để giúp họ thâm nhập và ghi lại sự tàn bạo cũng như điều kiện tồi tệ tại các trang trại nuôi nhốt ở Nam Phi. Chiến dịch cũng có nhiệm vụ tìm hiểu cách thức bán xương sang Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trong một khu bảo tồn tư nhân cách Johannesburg 200 km về phía nam, nhóm ghi lại cảnh người chủ của cơ sở này dùng súng bắn chết một con sư tử cái khi nó đang hoảng sợ và co rúm trên cây. Sau khi con vật ngã xuống đất, người này tiếp tục bắn thêm 10 lần vào vai và bụng, nhằm tránh làm hỏng bộ xương quý giá của nó.

Một đoạn băng khác cho thấy con sư tử đực được thả khỏi xe bán tải và bị săn trong khu vực kín. Nó hoàn toàn không có cơ hội thoát thân và nhảy lên một cành cây thấp khi những thợ săn đến gần. Những hình ảnh này cho thấy sự tàn bạo của ngành dịch vụ săn trong hộp, vốn bắt đầu từ những năm 1990 và ngày càng phát triển cùng sự bùng nổ nhu cầu xuất khẩu xương sư tử sang châu Á.

Tổ chức Four Paws International ước tính có khoảng 10.000 đến 12.000 con sư tử đang “chờ chết” trong các trang trại ở Nam Phi. Ai cũng có thể săn sư tử ở Nam Phi và những con vật này thường phải chịu một cái chết từ từ và đau đớn.

Từ 4 đến 7 tuổi là thời gian thích hợp nhất để sư tử phục vụ việc săn giải trí. Trước đó, khi còn nhỏ tuổi, chúng trở thành vật trưng bày trong các khu bảo tồn, nơi du khách trả tiền để được chụp ảnh và vuốt ve chúng. Báo cáo của Four Paws cho rằng hầu hết du khách không biết rằng họ đang dung dưỡng một ngành tàn nhẫn, thậm chí còn bị cho là trái đạo đức.

Ông Ashcroft, tỷ phú với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD, đã rất ngạc nhiên khi thấy có ít người Nam Phi biết được điều gì đang xảy ra trên đất nước họ. Các trang trại nuôi nhốt sư tử rất biệt lập, với hàng rào bao quanh và được tuần tra cẩn thận.

Tỷ phú người Anh lần đầu tiên biết đến “săn trong hộp” vào năm 2018, khi tham gia dự án giúp các cựu binh vượt qua PTSD (ám ảnh chiến tranh), bằng việc cho họ chăm sóc những con tê giác mồ côi.

Tỷ phú Michael Ashcroft, người từng là phó chủ tịch đảng Bảo thủ Anh, giờ dành phần lớn thời gian của mình để ngăn chặn nạn buôn xương sư tử Nam Phi. Ảnh: Red Door News.

“Lần đầu tiên nghe về nó, tôi không thể tin rằng đó là sự thật”, ông Ashcroft chia sẻ. Ông sử dụng drones bay trên các trang trại, và đích thân lên máy bay trực thăng để tìm hiểu quy mô của các hoạt động “săn trong hộp”.

Trong chiến dịch đầy kịch tính hồi tháng 4/2019, đội của ông Ashcroft đã thâm nhập vào một trang trại để cứu một con sư tử sắp bị săn. Con sư tử tên Simba, 11 tuổi, sau đó được đưa tới một khu bảo tồn khác.

Nhóm của ông Ashcroft sau đó chuyển hướng sang điều tra những người tham gia đường dây buôn bán xương sư tử. Họ sử dụng camera giấu kín, thiết bị định vị và ghi âm để theo dõi các đối tượng, xây dựng hồ sơ và thu thập bằng chứng để hỗ trợ cảnh sát Nam Phi.

Người đàn ông châu Á bí ẩn

Xuyên suốt các cuộc điều tra, có một mắt xích khiến tất cả phải chú ý, đó là Michael, tay buôn xương người châu Á. Mặc dù ai cũng biết Michael, nhưng không ai biết tên thật hoặc thậm chí cả quốc tịch của người đàn ông này. Một nguồn tin nói với các nhà điều tra rằng Michael có hẳn tuyến vận chuyển riêng bằng đường hàng không tại sân bay Tambo của Johannesburg.

Ai cũng biết rằng Michael là “tay chơi lớn trong ngành buôn bán xương” và là một nhân vật nguy hiểm. Một lần, Michael xuất hiện trên chiếc xe có biển số giả. Trong một lần khác, anh ta đi chiếc BMW có liên quan đến mafia Nga.

Trong các đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Michael và tay buôn sư tử đồng ý tham gia chiến dịch của tỷ phú Ashcroft, Michael khoe khoang về việc hối lộ an ninh sân bay để đưa các chuyến hàng lậu rời đi trót lọt mà không phải qua kiểm tra.

“Bạn phải mua chỗ. Bạn phải mua cả thùng và gửi 20 hay 30 bộ (xương) là không đáng. Bạn cần ít nhất 100 bộ để có lãi. Đó là lý do họ dùng sân bay gần nhất. Họ mua các quan chức ở đó và gửi đồ”, Michael nói trong một đoạn băng và cho biết việc vận chuyển xương bằng đường hàng không còn dễ hơn đường biển.

Ông Ashcroft gọi những tiết lộ của Michael là “bản cáo trạng” dành cho các lực lượng hải quan và an ninh tại các sân bay quốc tế của Nam Phi. Nó cũng đặt câu hỏi về việc liệu quốc gia này có thật sự giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã hay không.

Xương sư tử Nam Phi thường rơi vào tay các nhóm tội phạm có tổ chức ở châu Á, sau đó được phân phối và bán bằng mạng lưới ngầm xuyên suốt Đông Nam Á và Trung Quốc. Tại Nam Phi, nơi nạn tham nhũng và hối lộ vẫn còn phổ biến, các hình phạt thường quá nhẹ đối với một số ít trường hợp bị truy tố, bất chấp khoản lợi nhuận khổng lồ của ngành buôn bán bất hợp pháp này.

Ông Ashcroft cho rằng trách nhiệm ngăn chặn hoạt động buôn bán xương sư tử cũng thuộc về cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, chứ không chỉ giới chức Nam Phi. Bên cạnh đó, những người tiêu thụ xương sư tử và hổ phải chịu trách nhiệm về “một trong những tội ác tồi tệ nhất với tự nhiên”.

“Michael” – tay buôn xương sư tử có tiếng – bị chụp lại từ camera giấu kín trong một chiến dịch do đội của ông Ashcroft thực hiện. Ảnh: Red Door News.

“Thông điệp của tôi cho họ là tất cả đều mắc tội ác tày trời chống lại thiên nhiên. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy dùng xương động vật có lợi cho sức khỏe con người. Ngược lại, có khả năng tiêu thụ xương động vật sẽ có hại vì chúng có thể mang nhiều mầm bệnh”, ông Ashcroft nói.

“Về cơ bản tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng thói quen văn hóa châu Á quan trọng hơn việc bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như sư tử và hổ. Thông điệp là rất rõ ràng: xin hãy ngừng giết hại sư tử và hổ”, ông Ashcroft nhận định.

Trung Quốc ban bố lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng các sản phẩm phục vụ y học cổ truyền – bao gồm xương sư tử và hổ – được miễn trừ.

Châu Á cần phải thay đổi

“Tôi muốn thấy một chương trình giáo dục lại diễn ra mạnh mẽ ở châu Á, có lẽ bắt đầu từ trẻ em. Động vật hoang dã thuộc về môi trường hoang dã và cần được bảo vệ, không bị tiêu thụ hoặc xé xác để lấy xương và răng”, tỷ phú người Anh cho biết.

Ông Ashcroft cũng kêu gọi Trung Quốc trấn áp ngành buôn bán bất hợp pháp này, vì nước này được coi là thị trường lớn nhất của xương hổ và sư tử.

“Với căng thẳng ngoại giao lớn như hiện tại và viễn cảnh một cuộc chiến thương mại với phương Tây và tranh cãi về Huawei có thể dẫn đến kết cục mà Trung Quốc không mong muốn, nước này có thể không muốn đàm phán về buôn bán động vật hoang dã”, ông Ashcroft nhận định.

“Mặt khác, Trung Quốc có sự hiện diện thương mại lớn ở châu Phi, và tôi tin rằng nước này có nghĩa vụ về mặt đạo đức nhằm giải quyết nạn buôn bán xương sư tử và các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp khác. Trung Quốc muốn được nhìn nhận là quốc gia như thế nào trên trường thế giới?…”, ông Ashcroft nói.

Ông Ashcroft tin rằng cách hiệu quả nhất để ngăn chặn hoạt động buôn bán là áp đặt lệnh cấm xuất khẩu xương sư tử từ Nam Phi.

“Nếu việc xuất khẩu xương ra nước ngoài trở thành bất hợp pháp, toàn bộ thị trường ‘săn trong hộp’ sẽ mất đi khả năng có lãi”, tỷ phú nhận định.

Trong khi các tổ chức bảo tồn quốc tế tán thưởng và ủng hộ các cuộc điều tra của ông Ashcroft, giới chức Nam Phi có vẻ như không mấy nhiệt tình với hoạt động này.

Cuối năm 2019, hai thành viên nhóm điều tra của ông Ashcroft hẹn gặp hai cảnh sát cấp cao phụ trách tội phạm về động vật hoang dã để cung cấp hồ sơ chống lại Michael cũng như các khu bảo tồn tư nhân vi phạm. Tuy nhiên, phía cảnh sát từ chối nhận những bằng chứng này và nói rằng hai thành viên “may mắn không phải ngồi tù ở Pretoria” vì thực hiện một cuộc điều tra trái phép.

Những bộ xương hổ như thế này có giá tới 20.000 USD và được tuồn sang châu Á để phục vụ nhu cầu làm sản phẩm y học cổ truyền của Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

“Với những lý do mà có lẽ sẽ không bao giờ rõ ràng, họ hoàn toàn không quan tâm đến tính bất hợp pháp của những gì đang diễn ra”, ông Ashcroft cho biết và nói thêm rằng một lá thư về cuộc điều tra mà ông gửi tới Cao ủy Nam Phi ở London cũng không hề nhận được hồi âm.

Bất chấp cảm thấy bực tức vì các quan chức Nam Phi không hành động, ông Ashcroft vẫn lạc quan và cho rằng bằng cách phơi bày sự tàn bạo của ngành “săn trong hộp” và buôn bán xương sư tử, các cuộc điều tra của ông sẽ góp phần chấm dứt tình trạng này.

Nguồn: Sơn Trần/Zingnews

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  3. Xu hướng buôn lậu động vật hoang dã trong bối cảnh đại dịch
  4. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  5. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  6. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  7. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  8. Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”
  9. Bộ Y tế cho phép dùng test nhanh xác định người mắc và khỏi COVID-19
  10. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ

Từ khóa » Cao Sư Tử Có Tốt Không