Sư Tử Trong Văn Hóa Việt - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Sư tử trong văn hóa Việt có bản sắc riêng, ý tứ thâm trầm. Bài viết này bước đầu tìm hiểu về sư tử- linh vật có nguồn gốc Tây Á và cách thức linh vật này đi vào Nho giáo, Phật giáo rồi truyền vào Việt Nam. Đồng thời, làm rõ sự thuần hậu cũng như quý giá của sư tử đá qua các triều đại và trong dân gian Việt Nam.
Hình tượng sư tử trong tín ngưỡng và văn hóa phương Đông
Sư tử được sử dụng làm hình tượng thể hiện Phật pháp ngay từ khi Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên ở Ấn Độ. Lời thuyết pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni, được ví như tiếng sư tử hống, lan truyền trong chúng sanh. Tiếng rống của sư tử biểu thị uy lực và biểu tượng sức mạnh tinh thần và trí tuệ, không hề mang ý nghĩa sức mạnh cơ bắp. Cũng có những điển tích cho rằng Phật là sư tử của dòng họ Sakya, nên một cặp sư tử được khắc chạm trên tọa cụ của Phật Thích Ca vào khoảng 500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn (là thời kỳ không được phép tạc tượng Phật theo hình dạng con người). Bởi vậy, hình tượng sư tử được dùng trong nhiều công trình của Phật giáo, với ý nghĩa là vật bảo hộ và thể hiện Phật pháp.
Còn trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam- nơi không phải là quê hương của sư tử trong tự nhiên, thì nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng sư tử là do sứ giả các nước Tây Á tiến cống đến Trung Hoa. Thời kỳ Hán, Đường, nhà nước phong kiến Trung Hoa chuyển từ phân quyền sang tập quyền, hoàng quyền mới chú ý tới sức mạnh nanh, vuốt của sư tử, nên xuất hiện cặp đôi sư tử bên cạnh hình tượng cổ điển "lưỡng long tranh châu", "lưỡng long triều nguyệt" trấn giữ công thự, đền đài, lăng mộ Theo các tài liệu cổ, hình tượng sư tử này xuất hiện vào thế kỷ thứ III sau công nguyên (Hậu Hán, Sơ Đường).
Sư tử gốm Cây Mai ở Công Thần Miếu, Vĩnh Long. |
Sư tử thời nhà Nguyễn tại Miếu Đức Cao Hoàng. |
Trong văn hóa Hán, sư tử là con vật biểu tượng sức mạnh, nhưng khi thể hiện, người Hán cách điệu, khó tìm thấy chi tiết nào giống như sư tử thật. Họ coi sư tử là môn thú bảo hộ, chống lại các thế lực tà ác và mang lại điều tốt lành, thịnh vượng. Họ cũng tuân theo nguyên tắc cặp đôi sư tử đực-cái, biểu thị "âm- dương điều hòa". Sư tử cái biểu trưng cho việc bảo vệ bên trong và sư tử đực bảo vệ kiến trúc (nhà ở, đền, chùa, lăng mộ, cung cấm...). Nho giáo còn dùng hình tượng sư tử như là cách chơi chữ, với chữ sư là thầy, nên thể hiện Tam Công (trong công danh): Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Hình tượng sư tử dạng này thể hiện bằng sư tử có bờm rậm, trán cao, không có nanh, vuốt.
Ở nước ta, vốn có hàng ngàn năm ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng sư tử trong văn hóa bao giờ cũng thể hiện qua tín ngưỡng này. Mỹ thuật Đại Việt thời Lý, Trần- lúc đạo Phật là Quốc giáo- có hình tượng sư tử mang triết lý rất riêng. Thời Lê, Nguyễn- tinh thần Nho giáo làm nền tảng xã hội- thì sư tử còn tượng trưng cho Tam Công, nhưng vẫn giữ nét riêng. Đó là bởi như phần trên đã đề cập, Phật giáo xem sư tử gắn bó với biểu tượng của Phật pháp và một phần gắn bó với chư vị Bồ Tát, vốn thực hiện Phật pháp qua thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tranh Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử thể hiện rõ tư tưởng này. Đi tất cả các chùa Việt Nam trước đây, chúng ta bắt gặp hình tượng sư tử gần gũi, không hề gây sự sợ hãi.
Con sư tử đá trong văn hóa Việt
Từ quan niệm riêng của Việt Nam về hình tượng sư tử, tượng sư tử ở các di tích văn hóa lịch sử thời Lý- Trần hết sức đôn hậu: miệng rộng đang cười, nhe răng thể hiện niềm vui. Hàm răng của sư tử trong văn hóa Việt dày và đôi khi có hoa văn trên răng. Đặc biệt, hình tượng sư tử Việt dù trong tổng thể đường nét cách điệu mạnh mẽ, thì về chi tiết vẫn là những đường cong mềm mại, hình ảnh cách điệu chứ không rõ ràng khoe móng vuốt và cơ bắp theo kiểu khắc họa rõ các cơ theo hình thể học như sư tử Trung Hoa. Có thể thấy điều này qua tượng sư tử thời Lý ở chùa Bà Tấm, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên), chùa Phật Tích (Bắc Ninh)
Thời Lê, cùng với Nho giáo lan truyền mạnh mẽ, là nghệ thuật tạo hình Đông kinh- Lam kinh với hoa văn rồng mây, đao lửa. Từ đó hình tượng sư tử có mạnh mẽ, tinh xảo hơn, nhưng cũng không hề khoe nanh, múa vuốt; trái lại mỗi chi tiết càng mềm mại, không thể hiện cơ bắp nhưng cuồn cuộn sức sống tâm linh thông qua hoa văn đao lửa. Đến thời Nguyễn, con nghê, con lân, con sư tử gần như đồng hóa với nhau. Chỉ cần đến với các di tích lăng tẩm của cố đô Huế chúng ta sẽ bắt gặp không biết bao nhiêu hình tượng con nghê thuần Việt. Có nhiều ý kiến cho rằng, con nghê được hình tượng hóa từ trâu và chó, hai con vật gắn với nếp sống và lao động của người Việt. Nhiều nhà nghiên cứu thì lại chỉ ra con nghê thời Nguyễn là tổng hợp của sư tử thời Lý- Trần- Lê, giữa Phật giáo và Nho giáo.
Ở ĐBSCL, vẫn còn những sư tử đá thuần Việt. Tại Miếu Đức Cao Hoàng (Miếu Gia Long), chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, có 2 sư tử đá đặt trước Miếu đúng điêu khắc thời Nguyễn: miệng ngậm, nhe răng cười Người dân địa phương gọi là ông lân, nhưng là một dạng hình tượng của sư tử. Có thể bắt gặp hình tượng sư tử tương tự ở chùa Bà Thiên Hậu, Vĩnh Long; chùa Bà Tuệ Thanh, đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh Người dân gọi ông lân cũng có lý, vì tượng giống con lân đang cười hỉ hả, hoa văn trên cổ nó giống như xâu chuỗi bồ đề, dáng uy nghi đúng hình tượng Tam Công.
Còn có chùa Thanh Lương, ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, lưu giữ hai tượng sư tử Phù Nam, tư thế xuống tấn, miệng cười hở hai hàm răng nhưng không có nanh, vuốt. Linh vật làm cho chùa trang nghiêm, thoát tục Ngoài ra còn nhiều sư tử đá dân gian thuần Việt được thờ trong các khu di tich lịch sử văn hóa, tiêu biểu như cặp sư tử ở Công Thần Miếu, Vĩnh Long.
***
Trước sự phổ biến của sư tử đá ngoại lai, không thuần Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Trương Ngọc Tường cho rằng: Chuyện giao thoa, du nhập văn hóa là chuyện của ngàn đời nay. Vấn đề là chúng ta phải biết cái quý trong nhà mình trước, thì mới thấy cái độc đáo của láng giềng để học hỏi. Hình tượng sư tử miễn đừng lấy cơ bắp, móng vuốt làm chi tiết phô trương, thì cứ sử dụng thoải mái trong đời sống. Đối với các di tích lịch sử, tôn giáo, tượng sư tử đá nào trái với truyền thống văn hóa thì cơ quan quản lý nên kiểm tra cho dời đến nơi thích hợp.
Nguyễn Ngọc
Từ khóa » Sư Tử Nghĩa Là Gì
-
Sư Tử (chiêm Tinh) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "sư Tử" - Là Gì?
-
Sư Tử Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Sư Tử Phong Thủy Là Gì? Ý Nghĩa Sư Tử Trong Phong Thủy?
-
Ý Nghĩa Của Hình Tượng Sư Tử Trong Nghệ Thuật - BBC News Tiếng Việt
-
Cung Sư Tử - Tính Cách, Sự Nghiệp & Tình Yêu Năm 2022
-
Sư Tử đá Phong Thủy Có ý Nghĩa Gì? Cách đặt ... - Bách Hóa XANH
-
Cung Sư Tử (23/7 - 22/8) Hợp Với Cung Nào, Màu Gì, Tính Cách
-
Cung Sư Tử Có ý Nghĩa Là Gì? Thuộc Mệnh Gì? Hợp Với Màu Nào?
-
Ý Nghĩa Và Những Lưu Ý Khi Bài Trí Tượng Sư Tử Trong Phong Thủy
-
Cung Sư Tử - Giải Mã Tính Cách, Sự Nghiệp, Tình Yêu
-
Cung Sư Tử Trong Tiếng Anh Là Gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt
-
Cung Sư Tử Là Gì? Định Nghĩa, Khái Niệm - LaGi.Wiki