Sửa Nghị định 72/2013/NĐ CP: Tránh “gánh Nặng Thực Thi” Cho ...

Nhiều thay đổi lớn

Với mục đích tạo được hành lang pháp lý nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng và bắt kịp xu thế phát triển của Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 với sáu nội dung chính trong sửa đổi.

Dự thảo đã bổ sung các nghĩa vụ cụ thể đối với cá nhân, tổ chức thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên trong một tháng (số liệu thống kê trong thời gian sáu tháng liên tục) từ 100.000 người trở lên. Đây là quy định rất quan trọng, giúp doanh nghiệp xác định mình có phải là đối tượng phải bổ sung nghĩa vụ không.

sua nghi dinh 722013nd cp tranh ganh nang thuc thi cho doanh nghiep
Việc sửa đổi Nghị định 72 sẽ có tác động lớn đến cả doanh nghiệp trong và ngoài nước

Về tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin xuyên biên giới, Dự thảo nêu rõ chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT theo quy định pháp luật mới được tham gia cung cấp hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).

Đối với việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Dự thảo quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải quản lý thời gian chơi của người chơi từ 18 tuổi trở xuống, đảm bảo thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) không quá 60 phút đối với mỗi trò chơi.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng có nhiều thay đổi. Nếu trước đây, quy định doanh nghiệp phải xây dựng cơ chế phát hiện các hành vi vi phạm thì nay doanh nghiệp thông báo cho Bộ TT&TT khi phát hiện các hoạt động lợi dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp cũng phải lưu giữ hồ sơ thông tin khách hàng ít nhất 5 năm kể từ khi các dịch vụ của trung tâm dữ liệu dành cho khách hàng đó kết thúc…

Vẫn còn nhiều quy định bất khả thi

Phát biểu tại Tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp cùng với Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông vẫn băn khoăn đối với một số quy định.

Đơn cử như điều kiện về dịch vụ livestream, quy định chỉ những mạng xã hội đã có đăng ký hoặc được cấp phép bởi Bộ TT&TT hoặc có giấy phép xác nhận hoạt động của Cục Phát thanh truyền hình thông tin điện tử mới được cung cấp dịch vụ, trong khi đó, livestream là hình thức doanh nghiệp sử dụng rất nhiều để quảng bá sản phẩm, các hoạt động văn hoá giải trí. Điều này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Nghị định 72 hiện nay đang phải ôm quá nhiều mục tiêu chính sách khác nhau và nhiều vấn đề đang quá sức để đưa vào Nghị định như, các mục tiêu chống vi phạm bản quyền, quản lý doanh thu/thuế, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân… "Nên san sẻ, chuyển những quy định như vậy sang một số lĩnh vực quy phạm pháp luật khác chứ không nên đưa tất cả vào Nghị định 72, dẫn đến việc có quá nhiều quy định ràng buộc và tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục cho doanh nghiệp", ông phân tích.

Về phía doanh nghiệp nước ngoài, ông Jeff Paine - Giám đốc điều hành, liên Minh Internet châu Á (AIC) bày tỏ thẳng thắn, một số quy định quá khắt khe, rộng và chưa rõ, một số yêu cầu vượt khả năng thực hiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Đơn cử như việc yêu cầu địa phương hóa dữ liệu tại Điều 44.i.3 và 44.k.4 của Dự thảo sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Theo đó, các công ty Việt Nam có thể sẽ mất đi những dịch vụ mà họ đang sử dụng để phục vụ khách hàng Việt Nam và quốc tế; gây gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng; phá vỡ các mô hình kinh doanh trong nước và quốc tế; làm suy yếu quyền riêng tư và tính bảo mật. Điều này trái với các mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam tại một số hiệp định thương mại tự do, từ đó sẽ làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Ngoài ra, về thời gian xử lý nội dung vi phạm và yêu cầu gỡ bỏ thông tin tại Dự thảo, ông Jeff Paine cho rằng các quy định này không khả thi về mặt kỹ thuật và có thể làm tăng khả năng lạm dụng. Bởi lẽ các báo cáo, phản ánh của người dùng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, trong thực tế có rất nhiều báo cáo, phản ánh thiếu cơ sở. Với quy định thời gian 24 đến 48 giờ để xử lý yêu cầu gỡ bỏ thông tin và chỉ có ba giờ đối với nội dung livestream là không khả thi. Theo đó, nên thay quy định này bằng việc quy định các nhà cung cấp dịch vụ phải xác nhận trong vòng 24 giờ rằng họ đã nhận được yêu cầu gỡ bỏ thông tin và sau đó xử lý yêu cầu này trong một khoảng thời gian nhanh nhất có thể.

Đặc biệt, đối với quy định và hạn chế đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Chương VI của Dự thảo, đại diện AIC cho rằng cần xem xét tổng thể các quy định của pháp luật về các vấn đề như an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, điện và xây dựng. Những hạn chế đối với việc triển khai các trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây sẽ cản trở sự tăng trưởng đầu tư vào hoạt động trung tâm dữ liệu của Việt Nam; không khuyến khích các công ty nước ngoài cung cấp các sản phẩm sáng tạo tại Việt Nam; làm tăng chi phí đối với các công ty viễn thông trong nước.

Theo chuyên gia, các đề xuất sửa đổi sẽ tác động lớn đến hoạt động của cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Việc tuân thủ sẽ đòi hỏi những điều chỉnh ở cả cấp độ kỹ thuật và tổ chức. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không đủ nguồn lực để thay đổi ngay lập tức. Do đó, nên quy định giai đoạn chuyển tiếp tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày nghị định mới có hiệu lực.

Từ khóa » Số 72/2013/nđ-cp