Sức Mạnh Bên Trong Của Bài Tiểu Niệm Đầu
Có thể bạn quan tâm
“Diệp Vấn bắt đầu truyền dạy Vĩnh Xuân Quyền ở Hồng Kông tại một quán ăn của Hội Liên Hiệp Công Nhân. Vào lúc đó tôi là thư ký của hội, thế nên tôi có nhiều cơ hội ở gần ông. Trước khi tôi trở nên đam mê với môn quyền thuật này, tôi thường tình cờ nghe ông giải thích các nguyên tắc của Vĩnh Xuân cho học trò. Dần dần những lời nói của ông đã khơi dậy sự thích thú trong tôi. Tôi vốn đã có hứng thú với vật lý và cơ học, nên đã rất thích thú trước những lý thuyết của thầy Diệp Vấn về cấu trúc cơ thể và các phương pháp phát huy sức mạnh. Thông qua sự phân tích kỹ lưỡng của thầy, tôi đã tin tưởng rằng đây là môn quyền thuật rất hoàn hảo và cao siêu. Cuối cùng tôi đã bái ông làm sư phụ.
Giống như bất kỳ người nào mới nhập môn, tôi bắt đầu tập bài Tiểu Niệm Đầu, mặc dù trước đó tôi đã nhìn bài quyền này nhiều lần và đã thuộc các hình thế. Tôi học các động tác cơ bản khá nhanh và dễ dàng, và bắt đầu thắc mắc về tinh hoa đằng sau những chiêu thức trong bài quyền. Thế là tôi đã tìm đến sư phụ để hỏi về ý nghĩa của Tiểu Niệm Đầu, đặc biệt là về cái tên mà nghe qua chả gợi lên chút tính chiến đấu nào. Sư phụ Diệp trả lời như sau: “Bài quyền này được dùng để lập niệm – tức để tạo ra ý niệm ở trong tư duy”. Sư phụ cũng đã nói thêm rằng tôi phải luyện bài quyền này thật nhiều thì mới mong ngộ được bản chất của “lập niệm.”
Ý nghĩa của cụm từ “lập niệm” đã khiến tôi rất hứng thú. Tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để phân tích bản chất của nó, nhưng vẫn không thể nào hiểu được khái niệm này.Thế là tôi vứt bỏ hết mọi suy nghĩ và chuyên tâm vào luyện tập. Tôi tập bất cứ khi nào, tập không kể ngày đêm. Sau một thời gian dài, tôi bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa lập niệm và các hình thế. Tôi cảm thấy rất vui sướng với sự tiến bộ của mình, cảm giác này khiến tôi tập luyện ngày càng hăng say hơn.
Dần dần tôi khám phá ra một số loại lực rất mạnh mẽ tiềm ẩn trong các động tác của bài quyền. Tất cả các động tác đều có thể phát ra sức mạnh khủng khiếp, thế nhưng vẻ ngoài lại trông rất mềm mại và uyển chuyển. Vào lúc đó, khái niệm lập niệm trở nên sáng tỏ trong tôi, và nó truyền cho tôi nguồn cảm hứng vô tận. Rốt cuộc tôi đã hiểu được bí mật đằng sau đó.
Tôi sẽ tạm gọi một cách ngắn gọn thứ năng lượng tiềm ẩn này là niệm lực (sức mạnh của ý niệm). Về bản chất, Tiểu Niệm Đầu có 2 điểm mấu chốt: niệm lực và cấu trúc.
NIỆM LỰC (sức mạnh của ý niệm)
Niệm lực giúp cân bằng tất cả các chuyển động của Vĩnh Xuân để tạo ra một cấu trúc cơ thể có tính đàn hồi cao và khả năng phát lực tối đa. Nó giúp cho cấu trúc cơ thể có khả năng giữ cân bằng trước những áp lực lớn và tạo ra phản lực. Mặc dù có nhiều khái niệm tương tự nhau được dùng để mô tả thứ sức mạnh phi thường này, ví dụ như niệm lực, khí công, nội công hay khả năng siêu phàm, nhưng trong bài tôi sẽ chỉ minh họa cho khái niệm về niệm lực.
Niệm lực là sức mạnh của một tâm trí có sự tập trung cao độ. Nó giúp đưa sức lực đến các phần khác nhau của cơ thể. Mỗi người chúng ta đều có thể đạt được khả năng này. Tuy nhiên, nếu không qua tập luyện, thì chúng ta sẽ khó có thể tập trung được tâm trí. Tiểu Niệm Đầu chính là công cụ để chúng ta thức tỉnh thứ sức mạnh tập trung này. Nếu luyện tập đúng, bạn sẽ có thể phóng thích nguồn năng lượng này theo ý muốn trong mọi trường hợp. Tâm trí của bạn sẽ có thể tập trung ngay cả khi bạn đang thay đổi cấu trúc hay đang di chuyển với tốc độ cao. Vì thế, mục tiêu của Tiểu Niệm Đầu chính là để đạt được niệm lực.
Hãy xem xét ví dụ đơn giản sau đây: Nếu một người khỏe mạnh ngã từ độ cao tầm 2 mét một cách bất ngờ, mặc dù tiếp đất bằng 2 bàn chân, thì anh ta vẫn có khả năng bị chấn thương rất cao. Tuy nhiên, nếu một người biết rằng mình sẽ ngã, thì chân của họ sẽ tự động co lại để giảm lực va đập giữa chân và mặt đất. Ngoài ra, anh ta cũng có thể có phản xạ tương tự nếu đôi chân anh ta không bị gồng cứng. Ở trạng thái này, đôi chân tự nhiên có tính đàn hồi và giúp anh ta tiếp đất an toàn. Đàn tính mà đôi chân có được đó chính là kết quả của việc thư giãn cơ bắp và niệm lực.
CẤU TRÚC
Thế tấn nhị tự kiềm dương mã cho phép một người phóng thích tất cả năng lượng về phía đối thủ. Việc giữ phẳng phần lưng phía dưới sẽ giúp cơ thể tạo thành một khối. Nó cũng giúp cơ chân được thả lỏng trong lúc đứng tấn, vì thế cơ thể sẽ đạt trạng thái tỉnh táo cao độ và luôn sẵn sàng. Đây là những điều kiện quan trọng để tạo ra niệm lực và cần được duy trì liên tục. Những kỹ năng cơ bản của Tiểu Niệm Đầu như Than, Bàng, Phục thủ cũng là những thế để cơ thể đạt hiệu quả cơ học tối đa.
Ba thế tay trên tạo ra hình dáng đường cung tròn. Khi chúng ta nới rộng đường cong tạo ra bởi 3 thế tay trên, Than, Bàng, Phục thủ trở thành các hình bán cầu. Như chúng ta đã biết, một vật thể có hình dáng tròn hay bán cầu thì có khả năng chịu lực rất lớn. Nó cũng có thể làm chệch hướng của lực rất tốt khi được xoay tròn. Một bánh xe có thể tăng tốc nhanh hơn những vật thể có hình dáng khác. Mỗi vận động của Tiểu Niệm Đầu đều lấy nguyên lý từ cấu trúc hình vòng cung này, và khi được kết hợp cùng niệm lực, sẽ trở thành những chiêu thức mạnh mẽ trong cả công và thủ.
Thêm vào đó, người tập nhất định không được sử dụng lực thô của cơ bắp. Người luyện tập Tiểu Niệm Đầu đúng sẽ không thấy mệt. Để thành thục được khâu cơ bản này, tất cả các chuyển động phải được hình dung quán tưởng trong tư duy, và dùng sức mạnh của ý niệm để điều khiển chuyển động.
Nhiều người tập Vĩnh Xuân thích áp đặt những kỹ thuật của mình vào các tư thế tĩnh. Nhiều người tin rằng bàng thủ cần phải được thi triển ở một độ cao và góc độ nhất định, và từ đó chỉ trích những người không tuân thủ theo các chuẩn mực mà họ cho là đúng. Một số khác lại gọi phong cách này là phong cách truyền thống; phong cách kia là phong cách lai căng, vân vân và vân vân. Thực ra thì các chuyển động trong Tiểu Niệm Đầu không phải là những chiêu thức dùng ở thế đứng yên.
Ví dụ, khi bạn chuyển từ than thủ sang bàng thủ, thì chính động tác xoay cánh tay đó tạo nên bàng thủ. Nói cách khác thì chức năng của bàng thủ nằm trong động tác xoay đó, chứ không nằm ở thế bàng thủ bất động. Tương tự, các kỹ thuật khác trong Tiểu Niệm Đầu cũng vận dụng các chuyển động đường tròn theo nhiều hướng khác nhau.
Nhiều người cho rằng bàng thủ là một kỹ thuật bị động, người tập chỉ dùng nó để hóa lực của đối phương. Điều này chỉ áp dụng trong hoàn cảnh người tập đứng yên dùng bàng thủ để chặn đòn đánh mà thôi. Cách dùng này cho thấy người tập chưa nắm được bản chất của bàng thủ. Theo kinh nghiệm của tôi, bàng thủ có thể tạo ra sức tấn công khủng khiếp. Thực tế thì nó chính là một kỹ thuật rất mạnh mẽ và có tính xâm nhập cao nhờ có hình dạng đường cung tròn.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ tất cả những người tập Vĩnh Xuân tìm hiểu cẩn thận mỗi kỹ thuật của bài Tiểu Niệm Đầu. Hãy khám phá bản chất các chuyển động đường tròn của các động tác. Hãy luyện tập chúng với tâm trí tập trung, với tốc độ đều và liên tục. Hãy dùng tâm trí để điều khiển mỗi động tác, và vứt bỏ đi lực cơ bắp. Nếu làm được như thế, tôi chắc chắn các bạn có thể tìm thấy niềm vui và sự khoan khoái trong việc luyện tập của mình.
Tác giả: Từ Thượng Điền
Nhóm dịch: WSC
Từ khóa » Tiểu Niệm đầu Vịnh Xuân
-
Bài Quyền 1: Tiểu Niệm Đầu (Siu Nim Tao) | Tự Học Vịnh Xuân ...
-
Tự Học Tiểu Niệm Đầu ( Siu Nim Tao ) - Vịnh Xuân Quyền - YouTube
-
Tiểu Niệm Đầu Vịnh Xuân Quyền HK Hoàng Thuần Lương - YouTube
-
Tiểu Niệm đầu - Bài Quyền "cội Rễ" Của Kỹ Thuật Vịnh Xuân
-
Chương 14: Hình Trong Tiểu Niệm Đầu - Con đường Vịnh Xuân
-
Sơ Lược 3 Bài Quyền Căn Bản Của Vĩnh Xuân Quyền | Café Kiểu
-
Khẩu Quyết Tiểu Niệm đầu 1. Mã Khai... - VÕ ĐƯỜNG VỊNH XUÂN
-
Vịnh Xuân Quyền – Wikipedia Tiếng Việt
-
Top 14 Cách Tập Tiểu Niệm đầu
-
Tiểu Niệm Đầu Vịnh Xuân HK Anh Bình Chính Diện - Pinterest
-
Hướng Dẫn Tập Tiểu Niệm đầu
-
Sự Ra đời Của Võ Phái Vịnh Xuân Quyền (Kỳ 2): 3 Thủ Pháp Cơ Bản