Sức Mạnh Của Niềm Tin - Bài Học Lịch Sử
Có thể bạn quan tâm
Chính niềm tin đã làm nên sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc đối đầu lịch sử không cân sức giữa dân tộc Việt Nam và “hai đế quốc to” - Nguồn:baomoi.com |
Hiểu như thế nào là sức mạnh của niềm tin
Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đưa lại cho chúng ta một bài học xương máu: "Mất niềm tin là mất tất cả". Cả một mô hình chủ nghĩa xã hội xây dựng hơn 70 năm ở Liên Xô và Đông Âu khi đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân chỉ qua một đêm bị đổ vỡ, Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo, đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, thực hiện đa nguyên đa đảng, xã hội bất ổn liên miên, nhân dân sống trong nghèo khổ, "không có bánh mì và mật ong trong tương lai của Liên Xô". Viện sỹ khoa học Nga, Viện trưởng Viện Viễn Đông Ki-ta-ro-kê bộc bạch tâm sự "Trên thực tế rất nhiều người trong đó có tôi đều đã như vậy, đã cảm thấy ân hận, mắc nợ, chịu tội về sự tan rã của Liên Xô, mới đầu chúng tôi cảm thấy vô cùng hài lòng, cho rằng đây là một việc rất hay. Bây giờ chúng tôi mới thấy vô cùng đau khổ. Đất nước và dân tộc chúng tôi đã trở thành như thế này đây. Thực tiễn phát triển xã hội mười mấy năm của nước Nga nói với chúng tôi "lý tưởng, niềm tin, chủ nghĩa, đường lối" dường như hư vô huyền ảo chẳng có quan hệ thực tiễn gì với chúng tôi ấy" nhưng thực tế lại gắn bó chặt chẽ với số phận quốc gia dân tộc, cho tới số phận của mỗi cá nhân và gia đình chúng tôi".
Nhận thức được bài học lịch sử của phong trào xã hội chủ nghĩa, từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa VII) Đảng ta đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đưa ra Nghị quyết về xây dựng Đảng, tiêu biểu nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) "Về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa". Niềm tin lý tưởng của chúng ta được nói tới khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào xã hội chủ nghĩa hưng thịnh, càng phải được nêu cao vào lúc nó vô cùng khó khăn, phải nhìn thấy sức sống của nó, nhìn thấy xu thế phát triển tất yếu và tiền đồ sáng sủa của nó. Khi phong trào xã hội chủ nghĩa ở vào lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải nhấn mạnh niềm tin về lý tưởng, niềm tin ấy sẽ trở nên càng thuần khiết, chân thành, quý báu trung kiên hơn.
Chính niềm tin đã làm nên sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc đối đầu lịch sử không cân sức giữa dân tộc Việt Nam và “hai đế quốc to”. Những hy sinh xương máu của cả một dân tộc đã tạo nên bản anh hùng ca bất tử của các thế hệ con người Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công, trong đó 1.146.250 liệt sỹ; 49.609 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 789.201 thương binh; 1.253 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạnh; 186.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam; hơn 4,1 triệu người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc. Đặc biệt, hiện có trên 1,47 triệu người có công đang hưởng ưu đãi hàng tháng.
Nhìn vào lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách thực thi quyền lực do Đảng và do nhân dân ủy thác với một tinh thần dân chủ hiếm thấy ở các lãnh tụ với đạo đức trong sáng, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cả đời Người chỉ có một ham muốn vì độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Trước lúc ra đi, Người còn để lại Di chúc nhằm căn dặn cán bộ, đảng viên; nhấn mạnh trách nhiệm lịch sử của Đảng; quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tin vào thắng lợi cuối cùng - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà. Người gương cao ngọn cờ quang vinh của Đảng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Một biểu hiện sinh động về niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa là trong văn học cách mạng trước năm 1975 đã xây dựng thành công hình ảnh người cộng sản với lý tưởng và niềm tin cách mạng.
Người chiến sĩ cộng sản với tinh thần sẵn sàng xả thân cho lý tưởng, dám quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc là hình ảnh quen thuộc đối với mọi người Việt Nam thời gian qua, đã trở thành nhân vật tiêu biểu của khuynh hướng văn học cách mạng và tiếp đó là của cả nền văn học dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ đầy "bão táp" và hào hùng, kết tinh những giá trị cao đẹp của dân tộc và nhân loại.
Chất men say, sức hút mãnh liệt tỏa ra từ hình tượng người cộng sản chính là ở vẻ đẹp của một lý tưởng với tầm cao những ước mơ và ý chí xây dựng một cuộc sống "ngày mai đẹp hơn ngày qua". Nhờ vào lý tưởng ấy mà người chiến sĩ cộng sản có đủ dũng khí, nghị lực đối mặt với bao kẻ thù hung bạo. Khắc trong Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi; Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; Nguyễn Đức Thuận trong Bất khuất; Chị Sứ trong Hòn đất của Anh Đức; Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, và bao nhân vật khác nữa của nhiều tác phẩm... là những tấm gương xả thân vì đại nghĩa, vì lý tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà nữ anh hùng Út Tịch lại trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc và đáng yêu, vừa cao cả, vừa gần gũi đời thường. Chị là hình ảnh hiện thân của truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" và một quyết tâm giành chiến thắng: "Còn cái lai quần cũng đánh". Trong Sống như Anh của Trần Đình Vân, Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện như một người cộng sản thực sự. Không chỉ đẹp ở lý tưởng cách mạng, hình ảnh người cộng sản trong văn học trước năm 1975 còn hiện ra ở ý chí kiên cường, bản tính cứng cỏi và ở tầm cao trí tuệ, bình tĩnh, sáng suốt trước mọi biến đổi của hoàn cảnh. Tiếp theo mạch đó là tinh thần quật khởi của người tù Nguyễn Đức Thuận trong Bất khuất, chất kiên trung quả cảm, trí thông minh của "Ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ trong tác phẩm cùng tên của Hữu Mai.
Hình tượng người cộng sản Hồ Chí Minh trong văn học, nghệ thuật đã đem lại những cảm xúc mạnh mẽ rung động lòng người đối với khán giả và độc giả hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Hiện thực cách mạng thời kỳ này được hình dung như một bản hùng ca bất tử, đã tạo nên âm hưởng chính của văn học thời kỳ này. Trong khói lửa, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những "nụ cười chiến thắng", "tiếng hát át tiếng bom", tư thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai"... Đất nước đang đứng trước sứ mệnh lịch sử lớn lao, cả dân tộc đang quyết tâm chiến thắng, lẽ đương nhiên người tổ chức mọi chiến thắng cùng với nhân dân anh hùng mà đại diện là những "người lính cụ Hồ" phải trở thành nhân vật trung tâm của thời đại. Cái nhìn thuận lý này đã làm cho văn học ta nghiêng về thể hiện những "điển hình cao cả", những nhân vật đứng ở tầm cao của lịch sử. Hành động, ý nghĩ, mơ ước của nhân vật thường được hình dung ở tầm vĩ mô, mang tầm vóc của lịch sử. Dáng đứng của họ là "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ". Sức rung cảm của nó mang tính sử thi, nhân vật cộng sản sống động nhất là thời của một xã hội Việt Nam "ra ngõ gặp anh hùng".
Đất nước bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Từ năm 1986, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, giao lưu với các nước có những đặc điểm kinh tế - chính trị khác nhau trên thế giới, làm cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có sự biến đổi và phát triển hết sức to lớn. Quá trình này không tránh khỏi sự thay đổi giữa giá trị cũ và giá trị mới; không tránh khỏi mâu thuẫn giữa các trào lưu văn hóa trong nước và bên ngoài, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa cống hiến và hưởng thụ... Những điều này đã làm cho một bộ phận người dân suy nghĩ và băn khoăn. Điều đó tất yếu ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức, định hướng giá trị, hành vi, lối sống của họ, đặc biệt là tầng lớp trẻ. Trước tình hình đó, mỗi người làm sao phải có thái độ tích cực, chủ động thích ứng với sự biến đổi của thời đại, rèn luyện mình trở thành một nhân cách mang bản sắc Việt Nam có năng lực, biết sống xả thân vì đất nước, Tổ quốc, gia đình, bạn bè và sự phát triển của bản thân mình. Vì vậy, việc trau dồi lý tưởng sống sẽ giúp mỗi người có được những định hướng, những động cơ, mục đích đúng đắn trong quá trình nhận thức các giá trị, hoàn thiện bản thân nói chung. Để làm được điều này, chúng ta cần giáo dục cho mỗi người tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị truyền thống của dân tộc; có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng; có niềm tin vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ở giai đoạn hiện tại, chúng ta phải nhận thức hai vấn đề: một là, hoàn thành tốt Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; hai là, không được lầm tưởng rằng nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn hiện nay chính là toàn bộ nhiệm vụ và mục tiêu cuối cùng của đảng, như V.I. Lê-nin nói, vì lợi ích tạm thời trước mắt mà quên mất kế sách lớn căn bản, chỉ mưu đồ thành tựu nhất thời mà bất chấp hậu quả, vì hiện tại của phong trào mà hy sinh mất tương lai của phong trào. Vì vậy, khi phấn đấu để thực hiện Cương lĩnh cơ bản của Đảng giai đoạn hiện nay, chúng ta vẫn giữ vững lý tưởng lớn lao của chủ nghĩa cộng sản.
Những giải pháp nhân rộng và phát huy sức mạnh của niềm tin
Làm thế nào để kiên định cho chính mình niềm tin lý tưởng lớn lao cộng sản chủ nghĩa và lý tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện một hệ thống các giải pháp.
Vì nhân dân phục vụ
Trong "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản", C.Mác và Ph.Ăng-ghen nói: Mọi phong trào trước kia đều là phong trào của số ít người hoặc mưu cầu lợi ích cho số ít. Phong trào của giai cấp vô sản là phong trào độc lập của tuyệt đại đa số người, mưu cầu lợi ích cho tuyệt đại đa số người. Tin cậy ai, dựa vào ai, vì ai, có luôn luôn đứng ở lập trường của khối đông đảo nhân dân nhất hay không là đường ranh giới của quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử và quan điểm của chủ nghĩa duy tâm lịch sử, cũng là hòn đá thử vàng đối với lập trường chính đảng mác-xít.
Lập trường, phương pháp, quan điểm giá trị, quan điểm chân lý, quan điểm động lực, toàn bộ thống nhất hữu cơ vào chủ thể quần chúng nhân dân. Tách rời khỏi quần chúng nhân dân bất cứ ai, bất cứ tập đoàn và chính đảng nào đều chẳng làm nên được gì cả.
Nghiêm chỉnh học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao trình độ mác-xít của toàn Đảng. Đi sâu học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo dựng vững chắc thế giới quan và phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, nắm một cách hệ thống hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa hiện thực hóa ở Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không những đã kế thừa những thành quả văn hóa ưu tú trong lịch sử, mà còn vạch rõ quy luật chung nhất của phát triển giới tự nhiên, xã hội và tư duy, vạch ra xu thế lịch sử của phát triển xã hội loài người, là chân lý đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Chủ nghĩa Mác- Lê-nin đồng thời cũng là khoa học thực tiễn và không ngừng phát triển. Vì vậy, chủ nghĩa Mác- Lê-nin là vũ khí tư tưởng sắc bén nhất để chúng ta nhận thức thế giới và cải tạo thế giới, là tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Nếu dao động và từ bỏ vị trí chỉ đạo của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ mất đi chuẩn mực tư tưởng căn bản nhất.
Tăng cường đi sâu suy nghĩ những vấn đề hiện thực và lý luận quan trọng
Một là, khẳng định những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, đi sâu nghiên cứu tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, chính trị để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi của xã hội xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu giải quyết tốt những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích thiết thân của quần chúng như giáo dục, việc làm, an sinh xã hội, giúp người nghèo phát triển, y tế, chữa bệnh, an toàn sản xuất, phân phối thu nhập.
Đi sâu vào thực tế, kiên trì kết hợp giữa lý luận với thực tiễn
Đây là nguyên tắc được nhấn mạnh của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng là ngọn nguồn của sức sống mác-xít.
Nghiên cứu lý luận chỉ có kết hợp chặt chẽ với yêu cầu của phát triển xã hội, đời sống phong phú nhiều màu sắc và thực tiễn của quần chúng nhân dân, mới có thể có sức sống và sức tác động lớn mạnh, mới có thể thực hiện được giá trị xã hội của bản thân. Chúng ta phải kiên trì lý luận liên hệ thực tế, vừa phải đứng ở đương đại, vừa phải hiểu rõ lịch sử, lại phải hiểu rõ hiện thực, vừa phải nhận thức Việt Nam, lại phải nhận thức thế giới. Tình hình mới, vấn đề mới, sự vật mới của quốc tế và trong nước hiện nay xuất hiện liên tiếp không ngừng, thời đại đang kêu gọi chúng ta, không ngừng mở rộng tầm nhìn, bám sát thực tiễn sinh động, phải tận dụng mọi dịp đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng.
Phải đổi mới về tư tưởng, theo xu thế phát triển của thời đại, mạnh dạn tìm kiếm đổi mới lý luận
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin sở dĩ là khoa học chính vì nó luôn luôn lấy thực tiễn làm căn cứ. Mà đời sống thực tế thì luôn luôn không ngừng biến động. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin có sức sống lớn mạnh là ở chỗ nó có phẩm chất lý luận theo kịp thời đại. Liên hệ thực tế và đổi mới về tư tưởng không có tận cùng. Chúng ta phải trước sau luôn luôn kiên trì nguyên tắc lý luận liên hệ thực tiễn, luôn luôn dám thống nhất dũng khí đổi mới với tinh thần cầu thị khoa học, luôn luôn kiên trì tiêu chuẩn duy nhất lấy thực tiễn kiểm nghiệm chân lý, không ngừng khai thác mở rộng mức độ mới của lý luận và thực tiễn. Phải kiên trì đổi mới về tư tưởng, bám sát thực tiễn, theo bước đi của thời đại, tích cực thúc đẩy đổi mới lý luận. Bất cứ lý luận nào khác cũng không thể giải quyết được vấn đề đương đại của chúng ta, vậy nên chúng ta kiên trì chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kết hợp chặt chẽ với đặc trưng của thời đại và thực tế của Việt Nam để nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.
Phải có dũng khí dám theo đuổi chân lý, kiên trì chân lý, lại phải có khí phách dám sửa chữa sai lầm
Không những cần có dũng khí kiên trì chân lý, càng cần phải có khí phách sửa chữa sai lầm. Có hay không có tinh thần tự phê bình, là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng, đánh giá có phải là một đảng viên cộng sản chân chính hay không, vì vậy, chúng ta vừa phải dám theo đuổi chân lý, kiên trì chân lý, cũng phải dám sửa chữa sai lầm của chính mình, bao gồm sai lầm về quan điểm lý luận và sai lầm trong công tác.
Phải có niềm tin chân chính
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế xã hội, nhưng kinh tế thị trường cũng có ảnh hưởng tiêu cực, nó cũng làm nảy sinh chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Một đảng viên đảng cộng sản có lợi ích nhất trí với lợi ích căn bản của đảng, quốc gia, dân tộc. Chúng ta là người nhất nguyên luận, niềm tin chính trị và nhân cách chúng ta đã nói là thể thống nhất hoàn toàn nhất trí từ bên trong tới bên ngoài. Hiện nay trong xã hội, có những người niềm tin chính trị với nhân cách tách rời nhau, ngoài miệng họ cũng nói kiên định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và niềm tin xã hội chủ nghĩa, nhưng nhân cách của họ thực chất là tư lợi cho bản thân.
Phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc
Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc nào phát huy được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc thì dân tộc đó sẽ phát triển. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và âm mưu đồng hóa của các thế lực ngoại bang. Trong những cuộc kháng chiến đó, yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng... đã thực sự trở thành những vũ khí tinh thần quan trọng. Cũng vì lẽ ấy mà Giáo sư Trần Văn Giàu từng viết: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta lãng quên và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy.
Cùng với sự tiến triển của lịch sử Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước trở thành một giá trị, một động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy biết bao thế hệ kiên cường và dũng cảm hy sinh để giành lại và bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ những phẩm giá của chính con người. Với tư cách là một giá trị cơ bản, là cội nguồn hết thảy của những giá trị khác, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng phải phát huy cao độ hơn bao giờ hết./.
PGS, TS. Mai Hải Oanh - Tạp chí Cộng sản
Theo: tapchicongsan.org.vn
Từ khóa » Cho Biết Niềm Tin Của Em đối Với đảng
-
Niềm Tin Của Dân - Sức Mạnh Của Đảng - Báo Nhân Dân
-
Giữ Vững Niềm Tin Chính Trị Của Nhân Dân Với Đảng - Tạp Chí Cộng Sản
-
Nâng Cao Giá Trị Niềm Tin Của Nhân Dân đối Với Đảng - Báo Bạc Liêu
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam - Niềm Tin Của Tôi - Học Viện Tài Chính
-
Nghị Luận Xã Hội Về Niềm Tin Trong Cuộc Sống Văn Mẫu 10 Hay Nhất
-
Niềm Tin Của Dân đối Với Đảng Không Hề Bị Lung Lạc Bởi Lời Lẽ Xuyên ...
-
Củng Cố Niềm Tin Của Sinh Viên Với Đảng: Giác Ngộ Lý Tưởng
-
Niềm Tin Của Xã Hội đối Với Chính Phủ - Tạp Chí Quản Lý Nhà Nước
-
Củng Cố Niềm Tin Của Thanh Niên Với Đảng: Không Chỉ Là Trách Nhiệm ...
-
Xứng đáng Với Niềm Tin Của Các Thế Hệ Tiền Bối, Của Gia đình, Xã Hội
-
Biểu Tượng Niềm Tin Của Dân Tộc Việt Nam Mãi Tỏa Sáng
-
Sức Mạnh Của Niềm Tin - Học Viện Chính Trị Khu Vực II
-
Ra Mắt Cuốn Sách Niềm Tin Của Bạn Bè Quốc Tế Dành Cho Tổng Bí Thư
-
Ra Mắt Cuốn Sách Viết Về Tổng Bí Thư: Tình Cảm Trân Quý Của Nhân ...