Sức Mạnh Nhân Dân – Sức Mạnh Vô địch Chiến Thắng Mọi Loại Giặc
Có thể bạn quan tâm
(QLNN) – Phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu, với quyết tâm chính trị cao và đồng thuận của xã hội, đã thực hiện đồng bộ các biện pháp cách ly bắt buộc, truy tìm các tiếp xúc, cùng việc mở rộng xét nghiệm và điều trị hiệu quả… Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và chưa có ca tử vong. Đạt được kết quả như vậy là có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng cùng phòng, chống dịch của nhân dân cả nước.
Chống dịch như chống giặc
Ngay từ khi khởi phát dịch tại Vũ Hán – Trung Quốc, Việt Nam đã xác định rõ nguy cơ lây nhiễm về Việt Nam là rất lớn và nghiêm trọng bởi hai nước Việt – Trung là láng giềng có chung đường biên giới đất liền hơn 1.449km. Do vậy, ngay từ khi trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh, Việt Nam đã coi việc đối phó với đại dịch Covid-19 như là một cuộc chiến, coi virus SARS-CoV-2 như là một kẻ thù.
Tiếp đến, Việt Nam tiến hành các biện pháp mạnh như tạm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đóng cửa các trường học kể từ sau kỳ nghỉ Tết; cách ly, phong tỏa địa bàn dân cư có người nhiễm dịch. Việt Nam cũng triển khai cách ly 14 ngày với tất cả người từ nước ngoài về, có chính sách quản lý nghiêm ngặt và theo dõi tất cả những ai từng có tiếp xúc với virus.
Thông điệp ngay từ ban đầu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra là “chống dịch như chống giặc” và kêu gọi toàn dân, toàn quân nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nói trên.
Với Việt Nam, đất nước đã trải qua thời kỳ chiến tranh lâu dài, gian khó, thông điệp “chống dịch như chống giặc” được quân và dân Việt Nam thấu cảm hơn bất cứ người dân nào trên thế giới và thông điệp này đã tác động mạnh đến cảm xúc của toàn quân, toàn dân Việt Nam. Từ đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhanh chóng, khẩn cấp chống lại dịch bệnh.
Rõ ràng, những hình ảnh, việc làm không có gì xoá mờ được trong tâm trí người dân và bạn bè quốc tế là hình ảnh những chiến sỹ bộ đội, công an nhường lại chỗ ở cho người dân Việt Nam phải cách ly; là những đêm dài không ngủ của các y bác sỹ tuyến đầu trong nỗ lực chữa trị bệnh cho người dân; của các nhà khoa học trong nỗ lực nghiên cứu để tìm ra các giải pháp chống lại dịch bệnh; của các nhà lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương trong việc ban hành các quyết định quan trọng, linh hoạt để bảo vệ tuyệt đối sức khoẻ và sinh mạng của người dân.
Là những hình ảnh nhường cơm, xẻ áo chung tay chống dịch như chống giặc năm xưa của người dân Việt Nam góp gạo chuyển ra tiền tuyến. Có những món tiền không lớn, chỉ là 50.000, 100.000 đồng, thậm chí 10.000, 20.000 đồng của người dân gửi tới Mặt trận Tổ quốc, hay chỉ là một mớ rau, một quả bầu của cụ già 89 tuổi mang đến nơi cách ly cho bộ đội; cán bộ, công chức, viên chức quyên góp 1 ngày lương; các doanh nhân, doanh nghiệp dù muôn vàn khó khăn nhưng không quên trách nhiệm xã hội đã quyên góp, chủ động hỗ trợ người dân bằng những việc làm sáng tạo để cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Những cây “ATM gạo” xuất hiện ở nhiều nơi để phân phát gạo miễn phí cho những người nghèo thất nghiệp.
Là những tin nhắn trong đêm, tin nhắn khẩn cấp được gửi đến từng người dân của các cơ quan, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương và của cả Thủ tướng Chính phủ. Từ đó cho thấy, sức khoẻ và tính mạng của mỗi người dân được Đảng và Nhà nước đặt lên trên hết, xác định đó là trọng tâm và là ưu tiên duy nhất cần bảo vệ trong cuộc chiến chống dịch.
Với khẩu lệnh: “không ai bị bỏ lại phía sau”, những chuyến chuyên cơ đón công dân Việt Nam từ tâm dịch trở về là những hình ảnh xúc động vô bờ bến thể hiện nghĩa khí, tình đồng bào, đồng chí năm xưa. “Việt Nam trong trái tim tôi” lại được hàng triệu triệu người dân Việt Nam hát lên trong niềm tự hào.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những tin tức được Đảng và Nhà nước gửi đến người dân từng giờ trong ngày, công khai, minh bạch, rõ ràng. Người dân cũng truyền cho nhau những thông điệp tích cực nhất bằng ngôn ngữ chân thành, rất Việt Nam qua các trang zalo, face book như: “Tôi là Minh, tôi ở nhà không đi linh tinh”, “Tôi là Nga, tôi ở nhà không đi la cà”, “Tôi là Trang, tôi ở nhà không đi lang thang”, “Ở nhà là yêu nước”, “Ai ở đâu hãy ở nguyên tại đó”, “Tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì tôi”, “Chống dịch như chống giặc”, “Ghen Covy”… cứ như thế rồi những bài thơ, câu hát được gieo vần nhân lên, rộng ra về hình ảnh những người con ưu tú đất Việt. Đây là những thông điệp được người dân truyền tải, động viên nhau có ý thức, trách nhiệm thực hiện mục tiêu giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh theo yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ.
Nhân dân đồng thuận, chủ động thực hiện nghĩa vụ và tin tưởng vào các cơ quan nhà nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam là một. Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc chiến chống dịch.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Có thể nói, trong các cuộc chiến chống giặc xâm lăng, Việt Nam luôn có được các thế hệ lãnh đạo ưu tú thực hiện sứ mệnh vì dân, vì nước. Và, trong cuộc chiến chống dịch hiện nay, sẽ còn nhiều điều không nói trước được, nhưng rõ ràng và đang diễn ra là những sự thay đổi tích cực từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước ta đã có được những quyết sách hết sức đúng đắn trong đối phó với các tình huống bất thường của xã hội, những bài học này sẽ được nghiên cứu, đúc kết và phát triển. Câu chuyện trung tâm là lấy Nhân dân làm gốc đã thể hiện được là chân lý ngay từ đầu thành lập nước và ứng với bối cảnh hiện nay. Sự đồng thuận của Nhân dân là tấm khiên chắn vững chắc nhất, là động lực của quản lý nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta đã coi tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân làm trọng là một quyết định tuyệt vời nhất. Vì vậy, dù phải gồng mình để ngăn chặn dịch bệnh, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng không hề nhỏ, nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực chia sẻ với những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó được thể hiện tại gói hỗ trợ an sinh chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân.
Người xưa có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Do vậy, việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế, người lao động mất việc có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội góp phần giữ vững ổn định xã hội là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ khác biệt so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của Nhà nước Việt Nam. Gói hỗ trợ có quy mô khoảng 62 ngàn tỷ đồng, bao phủ 7 nhóm đối tượng và 2 nhóm chính sách đặc thù khác cho khoảng 20 triệu người. Đây là những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân, với mục tiêu không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân.
Thứ hai, Nhà nước với doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân là mối quan hệ mà trong thời gian qua còn lỏng lẻo thì nay, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ đối với loại hình doanh nghiệp này nhiều hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những đơn vị chủ lực, cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ mới, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của người dân và đất nước trong phòng, chống dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trải qua lửa thử thách, phải tự mình chuyển đổi phương thức kinh doanh, thích ứng, linh hoạt hơn trong nắm bắt cơ hội và thời cơ.
Các cấu trúc kinh tế như sản xuất, thương mại, đầu tư… và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, Nhà nước có thể miễn giảm thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, có những giải pháp giảm bớt khó khăn nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng phải linh hoạt, chuyển đổi, thích ứng mới không bị đào thải.
Thứ ba, cộng đồng xã hội, người dân đã nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết là muốn bảo vệ được mình thì cũng cần có ý thức bảo vệ người khác, có ý thức sống trách nhiệm vì cộng đồng hơn. Người dân Việt Nam đã tự mình truy cập những ứng dụng khai báo sức khoẻ giúp Chính phủ cập nhật về sự bùng phát, thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các nhóm trường hợp có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh đã giúp người dân đánh giá, nhìn nhận rõ hơn về những giá trị của sự đoàn kết dân tộc, thống nhất ý trí và có niềm tin với Đảng và Nhà nước. Ý nghĩa hơn đó là tình yêu thương, sự sẻ chia giữa người với người trong xã hội đã xuất hiện và được nhân lên.
Thứ tư, khoa học – công nghệ lấy lại vai trò trụ cột cho sự phát triển khi một số giải pháp mang tính khoa học từ thực tiễn vô tình đã được chứng minh bởi dịch bệnh Covid-19 như: giải pháp hạn chế sự tham gia giao thông của người dân tại các thành phố lớn nhằm bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính đã được chứng minh là hoàn toàn đúng khi các thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí không còn. Hoặc như việc khai thác quá mức dẫn đến tàn phá thiên nhiên hoang dã đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng nay đã đến lúc cấp bách phải thực hiện biện pháp ngăn cấm triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống cho con người,… Điều này cũng đòi hỏi người dân tăng cường ý thức, nhận thức hơn đối với bảo vệ môi trường sống quanh mình.
Tương lai Việt Nam
“Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành Y tế, hướng tới quốc gia số”– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 do Bộ TT&TT và Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 18/4.
Trên thực tế, năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vượt xa những gì chúng ta suy nghĩ. Chẳng hạn như, có những phần mềm phục vụ phòng, chống Covid-19 được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới.
Số liệu từ Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua đã có 93 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhiều dự án khởi nghiệp thành công có thể kể đến như: chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, làm việc từ xa, họp trực tuyến, công nghệ liên quan đến xét nghiệm, khử khuẩn, đo thân nhiệt, theo dõi lây nhiễm, hỗ trợ cộng đồng bị cách ly, đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
Điển hình ngày 15/4, robot có tên NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Các robot có thể hoạt động trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế công việc lau sàn nhà dùng chất khử khuẩn. Đề tài nghiên cứu, chế tạo robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ thực hiện đã hoàn thành trong vòng hơn 2 tuần.
Hoặc như hệ thống họp trực tuyến EGOVC Jitsi được triển khai từ tháng 3/2020, đã có gần 60 đơn vị sử dụng. Đây là giải pháp do Trung tâm Chính phủ điện tử thuộc Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nghiên cứu, phát triển trên nền tảng phần mềm nguồn mở Jitsi.
Việt Nam cũng đã thành công trong việc phát triển một loại robot hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng). Mẫu robot có tên gọi Vibot này hiện đã có phiên bản đầu tiên là Vibot-1a. Đây là những thiết bị mô phỏng robot TUG của hãng Aethon (Mỹ) với khả năng vận chuyển bệnh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế. Mỗi robot Vibot-1a có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế, từ đó giúp họ tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Ngay khi xuất hiện dịch bệnh, nhiều dự án khởi nghiệp thiết thực, vô cùng ý nghĩa khác như sản xuất các loại test kit, thiết bị khử khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, nền tảng in 3D thiết bị y tế, robot chăm sóc người bệnh và chuyển hàng (Bệnh viện Trung ương Huế), bản đồ theo dõi lây nhiễm và thông tin điều hành, hệ thống cảnh báo và khám chữa bệnh từ xa, giao hàng và quản lý lưu trú, giáo dục trực tuyến, mua sắm trực tuyến… là những minh chứng cho một đất nước Việt Nam nỗ lực vượt khó và tự cường.
Mỗi xã hội phát triển đều cần những cú hích đủ lớn và những yếu tố thay đổi mang tính bước ngoặt. Công nghệ dần được đánh giá là một thành tố quyết định giúp tạo ra “bước ngoặt” này. Với tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, chính Covid-19 đã góp phần tạo ra cú hích cho những ý tưởng sáng tạo, vượt khó và đặc biệt, với người Việt Nam chúng ta có một sức sống, sức vươn lên mãnh liệt mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong khó khăn, người Việt có thể cùng nhau làm nên những điều kỳ diệu? Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào những lớp người Việt Nam đầy bản lĩnh, sáng tạo sẽ đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội vì đất nước Việt Nam hùng cường.
Thúy Vân
Từ khóa » Sức Mạnh Vô địch Là Gì
-
Đoàn Kết Là Sức Mạnh Vô địch - Văn 7 (9 Mẫu)
-
Chứng Minh Câu Đoàn Kết Là Sức Mạnh Vô địch (4 Mẫu)
-
“Đoàn Kết Là Sức Mạnh Vô địch...” - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Sức Mạnh Vô địch - Báo Nhân Dân
-
Từ điển Việt Trung "sức Mạnh Vô địch" - Là Gì?
-
Chứng Minh Câu Đoàn Kết Là Sức Mạnh Vô địch - Hoc247
-
Sức Mạnh Của Nhân Dân Là Sức Mạnh Vô địch - Báo Hòa Bình
-
SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Doan Ket La Suc Manh Vo Dich - Bài Văn Mẫu Lớp 7 Chứng Minh Câu ...
-
Đoàn Kết Là Sức Mạnh Vô địch Của Chúng Ta - Báo Biên Phòng
-
Sức Mạnh Vô địch Tiếng Trung Là Gì? - Từ điển Số
-
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI - TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN - VNU
-
Từ VILênin Và "sức Mạnh Vô địch" Của Việt Nam Trong Thời Cuộc Hiện ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc