Sức Mạnh Nội Sinh Từ Tổ Chức Cơ Sở Đảng - Báo Nhân Dân

Báo Nhân DânBáo Nhân Dân LinkedInTwitterFacebook

LTS - Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản, cấp thiết trong mọi giai đoạn. Những năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế, biểu hiện rõ nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; một số tổ chức cơ sở đảng chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, việc triển khai thực hiện nghị quyết còn bất cập, công tác đánh giá, xếp loại mang tính "dĩ hòa vi quý", có nơi tổ chức cơ sở đảng bị "vô hiệu hóa"… Để đáp ứng yêu cầu mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội đã thống nhất ban hành nghị quyết mới về vấn đề này, nhằm tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ đảng viên.

Xây dựng Đảng vững mạnh

toàn diện từ cơ sở

Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, đảng viên có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không là ở tổ chức cơ sở đảng. Bởi tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, trực tiếp tổ chức, lãnh đạo mọi hoạt động ở cơ sở. Hơn 14 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 2/2/2008 của Hội nghị Trung ương 6, khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra trước yêu cầu mới. Vì thế, Hội nghị Trung ương 5 lần này thống nhất ban hành nghị quyết mới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Đăng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Đăng

Có nhiều tiêu chí làm thước đo chất lượng tổ chức cơ sở đảng, trong đó phải kể đến năng lực ra nghị quyết, đặc biệt là năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết và giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh; tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng mà trọng tâm là tự phê bình và phê bình, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;... Ở loại hình tổ chức cơ sở đảng nào cũng vậy, chất lượng cấp ủy và đảng viên quyết định kết quả ấy.

Cấp ủy mạnh

thì tổ chức cơ sở đảng mạnh

Nếu tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì cấp ủy là linh hồn của hạt nhân chính trị đó. Không bao giờ có một tổ chức cơ sở đảng mạnh khi năng lực của cấp ủy yếu kém, hoặc mất đoàn kết. Cấp ủy yếu thì không thể đủ sức lãnh đạo đảng bộ; còn nếu mất đoàn kết sẽ dẫn đến nội bộ chia rẽ, kéo bè, kéo cánh.

Buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Buổi sinh hoạt chi bộ trực tuyến tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (dù với loại hình đảng bộ xã, phường, thị trấn, hay cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…), việc làm đầu tiên và thường xuyên là gắn xây dựng, củng cố cấp ủy với kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm cấp ủy thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất, sức mạnh của đảng bộ và cơ quan, đơn vị; gắn kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị với củng cố, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng một cách đồng bộ, thống nhất và hợp lý.

Các cấp ủy viên, nhất là đồng chí bí thư không chỉ am hiểu công tác đảng mà còn phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị, địa phương; có năng lực tổ chức, quy tụ đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Như thế mới đủ sức tổ chức thực hiện nghị quyết, xây dựng đơn vị vững mạnh; mới lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hiệu quả các hoạt động trong phạm vi thuộc quyền, giúp đơn vị thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Không cần những đảng viên

hữu danh vô thực

Chưa bao giờ Đảng có số lượng đảng viên đông, có trình độ cao như hiện nay; nhưng về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ lại đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những đảng viên như thế chỉ làm suy yếu Đảng mà thôi.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói của Lê-nin "Thà ít mà tốt"; "những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng tôi cũng không cần".

Vì thế, việc cần làm ngay từ bây giờ là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28 ngày 21/1/2019, của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Cụ thể là chấn chỉnh, siết chặt việc kết nạp đảng viên mới, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Đăng

Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Đăng

Đồng thời với đó là chú trọng việc quản lý đảng viên, tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, ngăn ngừa, xử lý nghiêm mọi vi phạm, đề cao trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm, trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đảng viên.

Việc củng cố, nâng cao chất lượng, sức mạnh, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên biết đánh giá đúng mình, nhất là những hạn chế, yếu kém, nhận rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay sẽ làm tốt những yêu cầu mà Hội nghị Trung ương 5 đề ra.

Tìm cơ chế khuyến khích

cán bộ tuân thủ chuẩn mực

mọi cấp độ, cấu trúc quyền lực hệ thống chính trị và chính quyền ở nước ta cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu. Các chủ trương của Đảng cũng luôn nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy rõ hơn nguy cơ các quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng có thể bị vô hiệu hóa nếu bản thân những người đứng đầu lại có ý đồ và can dự vào các hoạt động sai trái.

Từ thực tế này gợi ra ba điểm:

Thứ nhất, với đặc thù cấu trúc quyền lực thống nhất, để khuyến khích cán bộ tuân thủ chuẩn mực thì việc hoàn thiện các quy định của Đảng hay pháp luật của Nhà nước mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là chất lượng những cán bộ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý - những người sẽ vận hành hệ thống thể chế nói trên. Khác với các hệ thống cân bằng và kiểm soát quyền lực ở một số nước, với cấu trúc quyền lực thống nhất ở nước ta hiện nay thì thể chế chỉ là phương tiện, chất lượng những người đứng đầu đơn vị để vận dụng thể chế mới là yếu tố quyết định đối với hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát.

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Đăng Khoa

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Đăng Khoa

Thứ hai, khi Đảng chủ trương mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra cả khu vực ngoài nhà nước thì cũng cần tạo điều kiện thể chế để các chủ thể ngoài nhà nước có thể thật sự tham gia có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát. Các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải khiến cho các hoạt động công quyền đều diễn ra công khai, minh bạch, nhờ đó được đặt dưới sự giám sát của mọi chủ thể, cả bên trong và bên ngoài hệ thống công quyền.

Thứ ba, khi hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ đơn vị hoặc địa phương đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa thì cần tính đến mô hình tổ chức theo cụm cơ quan, ngành, và địa phương (vùng). Nhân sự các cơ quan kiểm tra, giám sát như vậy sẽ là một tập hợp đa dạng cán bộ đến từ các đơn vị thành viên. Tính chất liên ngành, liên cơ quan, liên vùng sẽ giúp gia tăng tính khách quan của hoạt động kiểm tra, giám sát, giảm bớt nguy cơ quyền lực bị thao túng để vô hiệu hóa các quy định thể chế.

Sát dân, gần dân,

nâng cao hiệu quả lãnh đạo

Trong quá trình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở giai đoạn cách mạng hiện nay, không ít tổ chức cơ sở đảng có những sáng kiến, trở thành bài học kinh nghiệm quý giá, nhất là bài học về sự sát dân, gần dân, tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.

"Nói đi đôi với làm", thậm chí "nói ít đi và làm nhiều hơn" là phương châm lãnh đạo của cán bộ các cấp tỉnh Yên Bái. Nhiều mô hình, phong trào mới được phát động và đem lại hiệu quả thiết thực như: "Chi bộ kiểu mẫu", "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp",… Đến thời điểm này, những ngày thứ bảy, chủ nhật về với dân đã thành nền nếp ở mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh Yên Bái.

Thay vì những ngày nghỉ cuối tuần bên gia đình, thì từ đồng chí lãnh đạo tỉnh đến từng bí thư chi bộ thôn, bản, lại dành thời gian về với dân, cùng bà con trực tiếp cầm cuốc xẻng tham gia làm đường làng, ngõ xóm, khi trồng quế, lúc chăm sóc chè, động viên con em học hành,...

Và rồi sau mỗi ngày, mỗi buổi cán bộ và nhân dân cùng lao động vất vả, hăng say là tiếng hát, tiếng cười, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai, từ trái sang) cùng đảng viên và nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn. Ảnh: Báo QĐND

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai, từ trái sang) cùng đảng viên và nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn. Ảnh: Báo QĐND

Trong câu chuyện với chúng tôi, chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến đổi mới phương thức lãnh đạo, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, bộc bạch chân thành rằng, ông thường xuyên tham gia sinh hoạt, lao động cùng dân. "Đến với bà con thì chớ nói suông, mình phải trực tiếp cùng làm, gần gũi thực tâm thì không chỉ người dân mà chính các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp cũng buộc phải làm theo và phải nêu gương trước toàn thể đội ngũ cán bộ. Từ đó, tạo nên phong trào rộng khắp và thực chất".

Những chuyển biến tích cực có được ấy trong thời gian qua không phải là ngẫu nhiên. Việc các lãnh đạo tỉnh về tận cơ sở, tham gia sinh hoạt chi bộ ở thôn, bản là kết quả của việc triển khai Quy định số 08-QĐ/TU của Tỉnh ủy Yên Bái ngày 30/6/2021 về việc phân công bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

Các cuộc sinh hoạt đều cho thấy hiệu quả rõ rệt khi các đồng chí cấp ủy cấp trên có điều kiện để nắm tâm tư nguyện vọng của đảng viên, của nhân dân ở khu dân cư, từ đó có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp, đáp ứng mong muốn của người dân.

Cán bộ và nhân dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) cùng nhau mở đường. Ảnh: Thanh Sơn

Cán bộ và nhân dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) cùng nhau mở đường. Ảnh: Thanh Sơn

Yên Bái cũng là một trong ba tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử", hiệu quả và tiếp tục nhân rộng mô hình ra diện rộng toàn tỉnh, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ở địa phương. Đồng chí Đỗ Quang Minh, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái thông tin, Tỉnh ủy Yên Bái có chủ trương thí điểm đối với tất cả 11 chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ thành phố Yên Bái, Đảng bộ huyện Văn Yên.

Thời gian thí điểm đến ngày 31/5/2022, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao là cơ quan chủ trì, kèm theo đó là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông được giao triển khai hỗ trợ về mặt công nghệ hướng dẫn sử dụng nền tảng, cũng như là hướng dẫn các lớp tập huấn ứng dụng...

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cũng cho biết, qua đôn đốc lãnh đạo, chỉ đạo, tính đến thời điểm này, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đều đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị; một số tổ chức cơ sở đảng thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong sinh hoạt đảng, quyết liệt lãnh đạo địa phương phát triển toàn diện.

Đi qua cơn bão & giá trị niềm tin

Thành phố Hồ Chí Minh gần như trở lại nhịp sống bình thường khi tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế. Sự sầm uất của một đô thị sôi động nhất nước lại đã hiện rõ trong mỗi góc phố, trên từng con đường. Ngay khi dịch lắng xuống, đồng chí Trần Thanh Hải, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng khu phố 5, phường 4, quận 11, và cấp ủy trong chi bộ phải tập trung cho công tác chuẩn bị Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025. Sau khi đại dịch "càn quét" qua thành phố, chúng tôi xác định, chi bộ cần có hướng đi mới trong việc tạo nguồn, nuôi nguồn để phát triển những đảng viên bảo đảm chất lượng, đồng chí Trần Thanh Hải chia sẻ.

Đã nhiều năm được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Hải nhận định, việc phát triển đảng viên phải căn cứ trên tình hình thực tế của từng địa phương, từng chi bộ, phải linh hoạt trong cách tìm ra những nhân tố quần chúng tích cực thì mới có thể có được những lớp đảng viên mới tại cơ sở. Trước đây, Chi bộ khu phố 5 tập trung tìm nguồn trong các tổ chức đoàn thể, tuy nhiên, điều này không bền vững vì phụ thuộc chất lượng hoạt động của các đoàn thể này. "Nhiều nhân tố có triển vọng được chi bộ nhắm đến, nhưng do các đoàn thể ít hoạt động nên đối tượng cũng sinh ra tâm lý chán nản, không tiếp tục tham gia, dẫn đến việc chi bộ mất nguồn" - đồng chí Trần Thanh Hải chia sẻ.

Từ thực tế trên, chi bộ đã chuyển hướng tìm nguồn tại các tổ dân phố trên địa bàn. Muốn tạo nên "mảnh đất tốt" cho các quần chúng phát triển được năng lực của mình, việc củng cố các tổ dân phố luôn được cấp ủy chi bộ, Ban điều hành khu phố 5 quan tâm. Đồng chí Trần Thanh Hải cho hay: "Chúng tôi chọn những bạn trẻ năng nổ lần lượt tham gia các tổ dân phố, thay thế những người lớn tuổi.

Đồng chí Trần Thanh Hải (bên trái) trao đổi công việc với đồng chí Hứa Thiếu Cần. Ảnh: Võ Mạnh Hảo

Đồng chí Trần Thanh Hải (bên trái) trao đổi công việc với đồng chí Hứa Thiếu Cần. Ảnh: Võ Mạnh Hảo

Cùng với đó, mỗi đối tượng chúng tôi nhắm đến để phát triển đảng sẽ được một đảng viên ở tổ đó giúp đỡ, dìu dắt". Chi bộ cũng tập trung tạo nguồn từ những bạn trẻ làm nghề tự do sinh sống ở khu phố, có cha mẹ, ông bà cũng là đảng viên. "Chúng tôi đã xác định được nhiều đối tượng tích cực để bồi dưỡng phát triển đảng cho nhiệm kỳ tới. Với hướng đi mới này, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều đảng viên trẻ năng động, nhiệt tình, thật sự gắn bó với hoạt động của địa phương"- đồng chí Trần Thanh Hải cho hay.

Đi qua "cơn bão Covid-19", mỗi cán bộ, mỗi đảng viên dù ở cấp nào cũng nhận ra nhiều bài học quý giá. Trước những khó khăn, thách thức, đảng viên phải là người đi trước, phải nói đi đôi với làm, phải để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" về mọi công việc của chi bộ, của người đảng viên. Làm tốt điều đó sẽ củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng. Có được niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân, việc khó đến đâu chi bộ cũng thực hiện, vượt qua được.

Dù đã lớn tuổi, nhưng trong suốt mùa dịch vừa qua, đồng chí Hứa Thiếu Cần, Tổ trưởng tổ dân phố 48, khu phố 5, phường 4, quận 11 vẫn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kêu gọi người dân chấp hành công tác phòng, chống dịch, cũng như chăm lo công tác an sinh trên địa bàn. Đồng chí chia sẻ: "Là đảng viên, chúng tôi phải nêu gương trong mọi việc. Người dân thấy chúng tôi nhiệt tình, năng nổ, quan tâm đến từng gia đình thì cũng tin tưởng, chấp hành quy định tốt hơn".

Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thành phố Hồ Chí Minh về mọi mặt. Tuy nhiên, chính sự vững vàng của các tổ chức cơ sở đảng đã tạo nên thành trì chắc chắn giúp thành phố đứng vững, vượt qua mọi khó khăn. Chính trong những ngày gian khó ấy, nhiều nhân tố tích cực đã xuất hiện khi tạm gác lại chuyện riêng để tham gia việc chung, chăm lo đời sống người dân. Đó chính là những hạt giống tốt để các tổ chức cơ sở đảng bồi dưỡng, phát triển, qua đó củng cố thêm sức chiến đấu trong tương lai.

Phát huy tối đa vai trò đảng viên

Đề ra chương trình hoạt động cụ thể, phân công mỗi chi bộ nhận chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ một gia đình đặc biệt khó khăn; mở cửa các di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn phường để người dân cùng tham gia tôn tạo, bảo vệ… đó là những công việc đã và đang phát huy được vai trò của cấp ủy chi bộ tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Đảng bộ phường Phước Mỹ hiện có 27 chi bộ, bốn tổ chức hội đoàn thể với 555 đảng viên. Nhiều năm qua, bằng việc triển khai đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, các phong trào an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, hộ nghèo… được đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ phường trong việc hiện thực hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từ những việc làm cụ thể của mỗi đảng viên, chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc.

"Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Chương trình "Thành phố 4 an" bằng việc làm cụ thể về thực hiện an sinh xã hội, Đảng bộ tiếp tục duy trì vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn. Từ tháng 9/2021 đến nay, Đảng ủy triển khai cho các đơn vị, chi bộ đăng ký nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp cho các hộ nghèo trên địa bàn phường, hiện nay có 23 chi bộ và bốn hội đoàn thể hằng tháng hỗ trợ, giúp đỡ cho 34 hộ nghèo với tổng số tiền 7.350.000 đồng. Đảng ủy phường đang tiếp tục vận động bốn chi bộ còn lại đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo", đồng chí Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy phường Phước Mỹ thông tin thêm.

Đảng bộ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) nhân rộng mô hình các chi bộ trực thuộc đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt khó khăn. Ảnh: Anh Đào

Đảng bộ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) nhân rộng mô hình các chi bộ trực thuộc đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt khó khăn. Ảnh: Anh Đào

Gần dân, phát huy tối đa vai trò từng đảng viên, Bí thư chi bộ trong khu dân cư, là một trong những việc làm mang lại hiệu quả ở Phước Mỹ. Như đồng chí Phạm Huyền Hương, Bí thư chi bộ Mỹ Hiệp 5, phường Phước Mỹ, chia sẻ: "Công tác tuyên truyền vận động vẫn là vấn đề quan trọng nhất trong thực hiện các nhiệm vụ, phong trào tại khu dân cư, cần phải tổ chức tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, trong các buổi họp dân, sinh hoạt định kỳ của các chi hội đoàn thể hay các phương tiện công nghệ khác. Quan trọng nhất là khi mỗi đảng viên gương mẫu, đi đầu, tạo được niềm tin thì người dân sẽ ủng hộ".

Bà Nguyễn Thị Hạnh, 83 tuổi, trú tổ 29, phường Phước Mỹ, nghẹn lòng xúc động khi nhận số tiền 1,2 triệu đồng trợ giúp, "tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn từ đáy lòng đối với Chi bộ Công an và Đảng ủy phường". Bà Hạnh là một trong số 34 hộ đặc biệt nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hiện được các chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường nhận chăm sóc, hỗ trợ…

Mỗi đảng viên trong khu dân cư là một nhân tố tích cực, gần dân, lan tỏa những nghĩa cử tốt đẹp, vì cuộc sống sẻ chia. Đây là một trong những mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, làm phong phú, ý nghĩa hơn công tác đảng và phát huy tối đa vai trò của đảng viên trong chi bộ từng khu dân cư.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Ngày xuất bản: 16/5/2022 Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, BẮC VĂN, KHÚC HỒNG THIỆN, NGUYỄN VĂN ĐÁNG, THANH SƠN, ANH ĐÀO, VÕ MẠNH HẢO, CTV… Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG

Trở về Nhân Dân cuối tuần TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » định Nghĩa Tổ Chức Cơ Sở đảng Là Gì