Sức Sống Của Di Sản Hát Xoan

Sức sống của di sản hát Xoan 14:06, 12/04/2019 Là nghệ thuật trình diễn hát thờ Vua Hùng, hát Xoan gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, hát Xoan bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Âm nhạc trong hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang ba âm, bốn âm. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản. Nhạc cụ sử dụng khi trình diễn hát Xoan là trống và phách tre. Lời hát Xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát, lục bát, thất ngôn hoặc lục bát biến thể... Bên cạnh đó, nghệ thuật hát Xoan còn có các điệu múa (kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ như quạt, nậm rượu...). Trong hát Xoan, kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp và múa.

Nghệ thuật hát Xoan có các loại hình sau: hát Thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), hát Nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), hát Hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn).

Hoạt động ngoại khóa về hát Xoan tại một trường học ở TP. Việt Trì (Phú Thọ).
Hoạt động ngoại khóa về hát Xoan tại một trường học ở TP. Việt Trì (Phú Thọ).

Có thể nói sự gắn kết giữa hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hết sức độc đáo. Lịch sử ra đời và phát triển của hát Xoan, từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương; lối trình diễn, sắp đặt các bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo các nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các lời ca Xoan mang ý nghĩa chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều bài bản Xoan, xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội.

Đặc biệt, hát Xoan được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng - không gian văn hóa bảo đảm sức sống bền vững của di sản hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hát Xoan và Tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay.

Trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ gắn với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được đẩy mạnh. Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được hơn 30 bài hát Xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường Xoan đã được thành lập. Các câu lạc bộ hát Xoan hiện đang sinh hoạt tích cực, các hội thảo cũng được tổ chức để mở rộng kiến thức về hát Xoan.

Phục hồi các tập tục và không gian (đình, đền, miếu) trình diễn hát Xoan tại cộng đồng nhằm bảo đảm môi trường, sức sống cho hát Xoan được chú trọng. Đến nay tỉnh Phú Thọ đã phục hồi hàng chục di tích đình, miếu là nơi có tục lệ hát Xoan thờ Vua Hùng, thờ thần vào dịp đầu xuân. Tại các làng Xoan gốc, 100% di tích đình, miếu gắn với hát Xoan đã được phục hồi. Bên cạnh đó, việc phục hồi các lễ hội truyền thống gắn với tập tục thờ cúng Hùng Vương và nghi lễ hát Xoan tại các làng Xoan gốc, các làng có tục kết nước nghĩa đã tạo nên không gian lan tỏa của hát Xoan.

Trình diễn hát Xoan tại làng cổ Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ).
Trình diễn hát Xoan tại làng cổ Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ).

Những nghệ nhân hát Xoan, những “báu vật nhân văn sống” của di sản được tỉnh Phú Thọ vinh danh, khen thưởng vì đã có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trên 30 câu lạc bộ hát Xoan, gần 2.000 đội văn nghệ đã trình diễn được một số cách hát Xoan. Việc truyền dạy hát Xoan được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các trường học đã đưa hát Xoan vào chương trình giảng dạy, phổ biến trong hệ thống các trường tiểu học và trung học cơ sở. Các phường Xoan gốc đều đang duy trì các lớp học hát Xoan với 4 - 5 thế hệ, nhỏ nhất là các cháu lên 8 - 9 tuổi cho đến nghệ nhân cao niên 80 tuổi. Tại đây, các thế hệ đào, kép đã cùng nhau truyền dạy không chỉ là kỹ thuật thể hiện những lời ca, điệu múa mà còn khơi gợi tình yêu và niềm đam mê dành cho mỗi câu Xoan.

Năm 2018, tỉnh Phú Thọ thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương, trong đó hát Xoan là sản phẩm văn hóa đặc thù. Tỉnh tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành, giúp cộng đồng nhận diện giá trị và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan, để loại hình âm nhạc dân gian không bị mai một và giữ vững sức sống như hiện tại.

Hồng Như (tổng hợp)

Từ khóa » Hát Xoan Có Nguồn Gốc Từ đâu